Lễ hội mừng xuân (Pháo chỉa) của người Dao Khâu

Người Dao Khâu hay còn gọi là Kim Miền (hoặc Kìm Miền), là 1 trong những nhánh Dao di cư sang Việt Nam sớm nhất, được xem như  thuộc nhóm Dao đại bản, tức người đến trước  trong cộng đồng dân tộc Dao. Người Dao Khâu sinh sống chủ yếu ở huyện Sìn Hồ, địa hình đồi núi cao, bị chia cắt, lại ở nơi có nguồn nước dồi dào, nên tập quán sinh sống, sản xuất và đời sống văn hóa của người Dao Khâu có phần khác biệt so với các nhóm Dao.

Pháo chia – lễ hội mừng xuân được người Dao Khâu tổ chức ngay sau tết  Nguyên Đán. Thời gian diễn ra lễ hội, tùy từng năm nhưng thường là một ngày. Khoảng mồng 5 hoặc mồng 6 Tết, tất cả các gia đình tập trung tại một nhà nào đó trong thôn bản của mình. Nhà được chọn tiến hành lễ hội mừng xuân thường là nhà ông trưởng họ của dòng họ có công lập bản mường. Nếu ông trưởng họ đó không đồng ý cho tổ chức tại nhà mình thì dân làng sẽ bầu chọn trưởng bản đứng ra tổ chức. Tổ chức tại nhà ai thì ông chủ nhà đó cũng được bầu là người chủ trì lễ hội.

Trước khi tiến hành lễ hội một ngày người chủ trì lễ hội sẽ đi thông báo cho dân làng biết ngày diễn ra lễ hội. Khi đã nhận được thông báo dân làng sẽ chuẩn bị những lễ vật cần thiết để hôm sau mang đến đóng góp, lễ vật bao gồm:

– 1 con gà (nếu không có gà thì mang 1 miếng thịt treo hoặc 1 chai rượu).

– 1 bó hương

– 1 ít giấy tiền

– Tiền mặt (tùy theo khả năng từng gia đình)

Bàn thờ gia đình người Dao Khâu trong ngày lễ tết

Mỗi gia đình sẽ có trách nhiệm đóng góp lễ vật.Số tiền đóng góp được người chủ trì nhận và cử người mua lợn. Con lợn dùng trong lễ hội to hay bé phụ thuộc vào số tiền mà dân làng đóng góp.

Sau khi thông báo cho dân làng biết người chủ trì phải đi mời một ông thầy cúng đến làm cúng trong lễ hội. Nếu ông thầy cúng nhận lời ngày hôm sau ông sẽ tự đến mà không phải đi đón nữa.

Sáng hôm tổ chức lễ hội, khoảng 7 giờ những người đến tham gia lễ hội đã có mặt đầy đủ tại nhà người chủ trì. Mỗi gia đình sẽ cử đi một người đàn ông. Tuy nhiên họ có thể mang lễ vật đến đóng góp rồi ra về. Theo sự chỉ đạo của người chủ trì đám thanh niên con trai sẽ đun nước mổ lợn, mổ gà.. Sau khi lợn gà và các lễ vật khác đã được sắp lên mâm ông thầy cúng sẽ tiến hành làm cúng. Khi cúng ông mời trời đất, những người có công lập nên thôn trại này về hưởng lễ vật và phù giúp cho dân làng. Ngoài ra những người đã chết của các dòng họ trong làng cũng được ông thầy cúng mời về hưởng lễ vật theo gia phả của từng dòng họ. Lời cúng được dùng bằng tiếng Quan Hỏa với nội dung tóm tắt: Mời đất trời và những người có công lập làng cùng những người đã khuất về hưởng lễ vật rồi giúp đỡ dân bản làm ăn phát đạt, cái tốt thì để lại cái xấu thì đuổi đi. Sang năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn, con người khỏe mạnh chăn nuôi phát triển…

Sau khi ông thầy cúng làm lý cúng xong mọi người sẽ bày mâm ăn cơm, uống rượu vui vẻ. Không phải tất cả những người đến góp lễ vật đều ở lại uống rượu ăn cơm. Thông thường chỉ những người già trong bản và những người đại diện các dòng họ. Thanh niên chỉ có những người làm thịt lợn, thịt gà chuẩn bị bữa nấu bếp mới ở lại ăn cơm. Tuy nhiên nếu lễ vật có nhiều thì người chủ trì lễ hội và ông thầy cúng sẽ mời thêm những người khác ở lại dùng bữa.

Thiếu nữ dân tộc Dao Khâu

Trong bữa tiệc mừng xuân mới không ai được uống rượu quá say, nếu có say cũng không được cãi chửi nhau hoặc để xảy ra xô sát. Vi phạm vào những nguyên tắc này sẽ bị dân làng phạt rất nặng. Người vi phạm sẽ phải bồi thường tất cả những lễ vật mà dân làng đã đóng góp để tổ chức lễ hội mừng xuân. Sau đó dân bản cũng sẽ chọn ngày để tiến hành tổ chức lại lễ hội mừng xuân khác. Một quy định khác trong lễ hội này là tất cả lễ vật trong lễ hội đều được ăn hết. Nếu không ăn hết sẽ mời thêm người đến ăn mà kiêng không được mang về. Người Dao Khâu quan niệm nếu mang lễ vật về nhà thì cả bản sẽ gặp điều không may trong năm mới. Sang năm làm ăn sẽ không phát triển, cần phải ăn uống thoải mái thừa thãi mới thể hiện được sự dư thừa trong năm tới. Quan niệm này thể hiện ước vọng của người dân trong thôn bản về sự no đủ trong năm mới.

Vì tổ chức tập chung cả bản nên gọi là lễ hội mừng xuân nhưng ngoài phần lễ và tổ chức ăn uông vui vẻ thì người Dao Khâu không có tiết mục văn nghệ hay trò chơi nào trong lễ hội mừng xuân. Thậm chí các loại nhạc cụ truyền thống cũng không được sử dụng ở đây.

Bên cạnh lễ hội truyền thống của dân tộc Dao, vào dịp tết, người Dao thường tổ chức các trò chơi dân gian mang lại trạng thái vui vẻ cho cả dân làng.

Vân Thanh


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.