Ban rừng nở giữa sương mây

Mới cuối đông nên bầu trời trên bản Nà Khưm còn dầy mây và thứ gió lạnh buốt vẫn cứ lừ lừ thổi oằn mọi thứ.

Ông Tỏn là dân bản Nà Khưm. Số ông khổ, vợ mất sớm, con trai ông không may cũng vì bạo bệnh mà chết trẻ. Nay trong nhà ông chỉ có ba người: Ông, con dâu, và đứa cháu nội còn nhỏ.

Ông Tỏn vốn bị bệnh thấp khớp đã nhiều năm, trời càng rét đậm thì hai đầu gối của ông càng sưng tấy, nóng hừng hực và buốt đau dữ dội. Bệnh thấp khớp kinh niên khiến ông không còn sức để làm được việc nặng. Ên, con dâu của ông một mình phải lo hết mọi việc trong nhà, vất vả trồng ngô, cấy lúa, lấy củi, bắt cá… để nuôi bố chồng, nuôi con.

Rét mùa đông vẫn day dả kéo dài. Bệnh thấp khớp triền miên hành hạ ông Tỏn, bắt ông phải ngồi ệp chịu đau bên bếp lửa. Khuôn mặt ông nhìn thật khắc khổ và già nua hơn tuổi. Từ lâu rồi trên môi ông hiếm khi nở nụ cười. Ừm, thân phận già yếu ốm đau như ông, sống làm gánh nặng cho con dâu thì cười sao được.

Ái dà dà đau! Ông Tỏn chíp miệng xuýt xoa rồi đưa tay thoa thoa lên chỗ khớp sưng. Bóng dáng ông ngồi nhập nhòa trước lửa.

Ên đi qua mặt ông đến chỗ góc bếp lấy sạy thi[1] để ra suối lùa bắt cá bống. Bị động chạm, một số bụi bồ hóng rơi vãi lên mái tóc Ên. Màu bồ hóng chìm lẫn ngay vào màu tóc đen. Ên đưa tay lên đầu phủi phủi.

Thấy con dâu định ra suối bắt cá trong khi tiết trời đang lạnh tê nổi da gà, ông Tỏn lên tiếng ngăn:

– Con dâu à! Trời rét thế này, con đừng ra suối bắt cá nữa, phải lội mình dưới nước, lạnh lắm. Đến bữa, ăn tạm rau rừng cũng được.

Ên vừa vấn chiếc khăn vuông lên đầu vừa đáp:

– Con quen với lạnh rồi, không sao đâu bố ơi! Trời lạnh hơn nữa con vẫn chịu được mà. Bữa ăn đã không có thịt lại thiếu cá, chỉ mỗi rau rừng thì người không khỏe được đâu.

Còn nói gì được nữa đây? Ông Tỏn ngồi co mình lại, nín lặng. Ông thương xót đứa con dâu tội nghiệp. Ôi, nó đã quen chịu khổ tới mức không còn biết là mình khổ.

Cầm theo sạy thi, Ên lặng lẽ bước xuống cầu thang. Chiếc cầu thang cũ yếu ớt kêu lên những tiếng buồn ọt ẹt. Tiếng kêu buồn cứa vào tim ông Tỏn. Ông cảm thấy chỗ khớp gối sưng thêm đau dữ dội. Khóe mắt ông ứa ra những giọt nước đục lờ. Đó là thứ nước mắt của người già chất chứa trong lòng nhiều phiền muộn. Ông ứa nước mắt tủi cho đời mình. Ông thương đứa con dâu gặp nhiều nỗi khổ. Chồng mất, một mình nó cực nhọc lo nuôi con cùng với bố chồng bệnh tật. Vậy mà nó chẳng bao giờ thốt một lời kêu ca, cứ thế cam phận lầm lũi cả ngày làm việc. Trước đây, khi đón được Ên về làm dâu, ông đã thầm cảm ơn Then mường Trời ban cho gia đình ông đứa con dâu ngoan hiền hiếu thảo. Nay, ông lại trách Then mường Trời chính vì điều đó. Chữ hiếu thảo đã ràng buộc con dâu ông ở lại trong ngôi nhà sàn nhỏ cũ kỹ này. Nó còn trẻ nên đã nhiều lần ông khuyên nó hãy tái giá nối lại sợi dây duyên, đừng lo cho ông, nếu vẫn nghĩ đến ông thì tháng đôi lần dắt cháu nội về thăm là được. Nhưng vì chữ hiếu thảo mà nó không chịu nghe lời ông. Nó không nỡ bỏ ông lại cô độc một mình…

Nỗi đau tinh thần lẫn thể xác cứ thế thay nhau cấu cào ông Tỏn. Ông tìm về kỷ niệm với người vợ đã khuất để mong dịu đi nỗi đau đang oằn oại.

Và ông thừ người nhớ lại.

Ngày đó, ông mới tuổi đôi mươi. Tết là dịp trai tân, thiếu nữ bản cùng nhau mở hội hái hoa xuân. Rừng ban luôn là nơi mọi người tìm đến. Hái hoa chỉ là cái cớ để mọi người hát giao duyên khắp báo xao và gặp gỡ hẹn hò. Thế rồi trong một buổi hội hái hoa rừng, đứng giữa muôn chùm ban trắng rung rinh dưới nắng xuân ấm ông nghe thấy tiếng hát: “Hoa ban nói lời tuổi trẻ/ Bông trắng quấn quít sương mây/ Trai muốn ở rể nâng niu hái/ Đừng để hoa tàn rụng khỏi cây”[2].

Ông ngẩn ngơ như mất hồn, lắng nghe. Giọng ai hát ngọt ngào đến vậy? Ông lần theo lối hoa ban nở để tìm cho bằng được người thiếu nữ có giọng hát khiến tim ông rối nhịp.

Rồi ông đã gặp được thiên thần chủ nhân của giọng hát. Mặt đối mặt. Ông mở lời hỏi thăm trước. Cuộc chuyện trò thật hợp ý hợp lòng. Ông và người con gái ấy đứng dưới vòm ban đang lộng lẫy hoa cùng thẹn thùng chuyện trò. Bóng hoa ban in lung linh trong đáy mắt hai người. Buổi hội hái hoa xuân hôm ấy đối với ông dường như thật ngắn. Cuối buổi, hai người cùng trao nhau lời hẹn gặp lại. Điệu hát xai xương chia tay lưu luyến khiến cả đêm hôm ấy ông bâng khuâng mất ngủ. Ông khắc khoải một mình thầm hát những lời tụng ca hoa ban. Loài hoa đẹp lâu tàn nở vờn giữa sương mây. Loài hoa cánh trắng kèm những vân phớt tím đẹp đến lạ lùng. Ông cầu mong trời hãy mau sáng để gặp lại người con gái mình thương…

Thế rồi cuối năm ấy ông cùng người thiếu nữ đó nên vợ nên chồng. Cứ ngỡ, vợ chồng ông sẽ bên nhau cho tới khi tóc bạc màu tơ chuối và thưa dần vì bị rụng. Vậy mà, đứa con trai độc nhất mới chỉ lẫm chẫm biết đi thì vợ ông qua đời. Ngày vợ mất, ông đờ đẫn chẳng khác gì con cá suối dính phải bả độc lá cơi. Dẫu vợ mất nhưng tình yêu ông dành cho vợ giống như hạt muối mãi giữ vị mặn. Vì thế ông không nối lại dây duyên với bất kỳ ai nữa mà ở một mình lầm lũi nuôi con. Nó là tất cả của cải quý báu mà vợ ông để lại. Ông chỉ cần có nó ở bên mình là đủ…

Lửa bếp lụi dần. Ông Tỏn thảy thêm củi vào bếp lửa. Vầng lửa lại sáng rực lên. Ấm nước đặt trên kiềng bếp veo véo réo sôi. Ờ cũng sắp sang xuân rồi, tiết trời ấm áp sẽ giúp chứng bệnh thấp khớp của ông bớt đau hơn.

 

***

 

Đêm gió lạnh vô tình rít liên hồi không dứt. Trăng sao trốn biệt sau lớp lớp sương mù.

Đã lâu rồi Dỉm không uống rượu. Dỉm không thuộc dạng đàn ông thích rượu. Nhưng hôm nay thì Dỉm phải uống, dù uống một mình và say rũ gục xuống sàn nhà cũng không sao. Bởi tâm trạng Dỉm đang buồn ghê gớm, nó nhói như thể chân trần dẫm phải gai cỏ tranh nhọn sắc. Bố mẹ Dỉm đều đã mất, vợ Dỉm cũng xấu số mất sớm, nay chỉ còn mỗi Dỉm và đứa con gái nhỏ sống với nhau. Dỉm vừa phải làm bố lại vừa phải làm mẹ chăm lo cho con gái. Dỉm thấy trống trải và cô đơn lắm. Mỗi lần lên nương vô tình bắt gặp đôi chim gáy cổ cườm âu yếm gù nhau là tâm trạng Dỉm không tránh khỏi thắt lại ngùi ngùi. Căn nhà sàn thiếu bóng phụ nữ trở nên trống hoang, trống hoải. Hết tang vợ, Dỉm nghĩ tới chuyện cần phải có một người phụ nữ bên mình để giữ ấm ngọn lửa bếp. Thế nên Dỉm mới để ý thương Ên – con dâu ông Tỏn. Ên cũng cảnh góa bụa như Dỉm và cũng có một đứa con riêng. Nhưng đã mấy lần Dỉm ngỏ lời đều bị Ên từ chối. Dỉm cố thuyết phục Ên đồng ý về cùng sống chung, gộp hai đứa nhỏ lại cho thành anh em mà không được…

Ôi, Dỉm buồn lắm! Buồn tới mức không còn muốn thở.

Rượu được Dỉm rót đầy ra chén. Một mình Dỉm nhắm rượu với sắn lùi. Cứ nhai xong một miếng sắn là Dỉm lại tợp một ngụm rượu. Rượu ơi là rượu. Thứ rượu ngô êm cổ họng này thì phải uống bao nhiêu chén mới say được nhỉ?

Chai rượu Dỉm rót uống đã vơi một nửa. Dỉm tiếp tục nâng chén rượu lên môi. Bỗng có tiếng con gái nhỏ của Dỉm eo éo gọi: “Bố ơi!”. Dỉm vội vàng đặt chén rượu xuống, chạy ngay vào buồng vỗ về cho con gái ngủ tiếp. Lúc quay trở ra Dỉm nút chai rượu lại rồi đem cất vào chỗ cũ. Đứa con gái nhỏ đã gián tiếp nhắc nhở Dỉm không được uống rượu say. Bất kể vì lý do gì Dỉm cũng không nên uống say. Dỉm mà say rượu, Ên biết thì càng thêm coi thường và không muốn lấy Dỉm…

Dỉm nhìn ra phía bên ngoài đang giăng kín sương mờ. Trong lòng Dỉm cũng đang có đầy sương mù đây này. Bao giờ sương tan?

Ên ơi, Dỉm sẽ đợi cho tới khi nào Ên chịu mở lòng.

 

***

 

Rét đậm hãy còn kéo dài.

Buổi tối, cả nhà ông Tỏn cùng ngồi sưởi bên bếp lửa. Đứa cháu nội của ông ngả đầu ngủ ngon lành trong lòng mẹ.

Ông Tỏn chậm rãi nói với con dâu:

– Ên này, hãy nghe theo lời bố khuyên! Nếu có ai thương thì nên nhận lời làm vợ người ta, con à.

Ên đáp nhỏ nhẹ:

– Không đâu! Con không thể bỏ bố ở một mình được. Làm thế cả đời con sẽ phải sống trong xấu hổ, thẹn lòng lắm bố à.

Ông Tỏn cúi mặt rầu rầu nhìn ngọn lửa. Đã bao lần ông khuyên con dâu nối lại dây duyên cùng ai đó mà nó chẳng chịu nghe. Rồi ông lại ngước lên. Nhìn kìa, đôi mắt con dâu có lẽ còn buồn hơn cả ông, ánh lửa sa vào dường như bị lụi chìm hẳn ở trong đó. Tội thân nó quá! Ông nặng nề thở hắt ra. Ôi, biết nói thêm gì đây cho con dâu ông hiểu?

Củi đang cháy vẫn vô tư kêu những tiếng lẹp bẹp buồn tẻ.

Rồi cũng tới lúc Ên đem con đi ngủ. Còn lại mỗi mình ông Tỏn ngồi sưởi bên bếp. Người già có ngủ được mấy đâu mà đi nằm sớm. Ánh lửa soi bóng ông chập chờn in lên vách. Có đôi thạch sùng nhao tới đùa giỡn với chiếc bóng mờ mờ ảo ảo ấy.

Ông Tỏn chẳng hề để ý đến đôi thạch sùng. Ông tiếp tục rầu rầu nhìn những tia lửa đang quyện vào nhau tỏa sáng. Lòng ông hoang mang bao niềm nghĩ. Then lớn mường Trời có thật không? Nếu có thật sao Then lớn lại thiếu công bằng đến vậy? Con dâu của ông ngoan hiền, chăm chỉ mà phải chịu bao nhiêu khổ? Đời con dâu của ông còn khổ đến bao giờ?…

Ôi, ông không muốn con dâu phải sống héo mòn bởi chữ hiếu thảo.

Và rồi ông Tỏn nghĩ tới Dỉm. Ông biết Dỉm thương Ên và rất muốn cùng Ên nối lại sợi dây duyên. Đúng rồi, ngày mai ông phải tới tận nhà gặp Dỉm để nói chuyện.

Buổi trưa hôm sau.

Một mình ông Tỏn chống gậy tập tễnh đến nhà Dỉm. Khớp gối đau nên ông chỉ có thể bước nhích chậm trên lối bản. Vóc dáng bé nhỏ của ông chìm thỏm giữa bao la núi đồi.

Cuối cùng thì ông Tỏn cũng tới được chỗ nhà Dỉm. Vừa thoáng nhìn thấy ông Tỏn tới Dỉm đã vội chạy xuống nhà để đón. Ông Tỏn định tự mình leo cầu thang thì Dỉm bảo:

– Chân bác đau, để cháu cõng bác lên nhà!

Ông Tỏn xua xua tay.

– Để bác khắc tự lên!

Dỉm lễ phép:

– Bác đừng ngại! Bố mẹ cháu mất lâu rồi, nay được cõng bác thì cũng coi như cháu đang được cõng bố.

Ông Tỏn ngượng nghịu nhoẻn nụ cười hiếm hoi thay lời đồng ý. Dỉm cõng ông Tỏn trên lưng, bước từng bước chắc nịch leo cầu thang. Lên tới nơi, Dỉm cẩn thận đặt ông Tỏn xuống rồi lấy ghế mời ông ngồi.

– Bác tìm đến đây có chuyện gì vậy? – Dỉm hỏi.

– À, chuyện về… về…

Ông Tỏn ngập ngừng. Dỉm bỗng thấy lo lo. Chắc là chuyện liên quan đến Ên. Bác ấy biết mình thương Ên nên phản đối? Nghĩ cũng phải, nếu Ên lấy chồng mới bỏ lại mình bác ấy bệnh tật thì biết sống sao.

Thái độ ông Tỏn vẫn ngập ngừng. Dỉm phải lên tiếng:

– Có chuyện gì bác cứ nói cháu nghe!

Ông Tỏn thôi không ngập ngừng nữa. Ông bắt đầu thủ thỉ nói chuyện với Dỉm. Ồ, những gì ông nói hoàn toàn ngược với điều Dỉm vừa lo. Ông Tỏn mong mỏi con cháu được sống hạnh phúc. Ông muốn Dỉm nếu thực sự thương thì hãy quyết tâm nối lại dây duyên cùng Ên…

Ông Tỏn nói như rút ruột trút gan. Dỉm im lặng nghe không bỏ sót câu nào. Đến tận giờ Dỉm mới thực sự hiểu rõ tấm lòng của ông Tỏn. Dỉm cảm động, chỉ muốn thốt gọi ông là bố mà chưa dám.

Kết thúc cuộc chuyện trò, ông Tỏn nắm chặt lấy tay Dỉm và nói: “Bác tin và cậy nhờ vào cháu, Dỉm ơi!”. Không để ông Tỏn thất vọng, Dỉm gật đầu: “Vâng!”.

 

***

 

Trời còn rét căm căm nhưng ban rừng đã đơm nụ nở hoa sớm. Dỉm một mình leo đồi chọn ngắt lấy những chùm hoa ban còn đang ngậm sương núi cuối đông. Số hoa ban này Dỉm muốn đem tới đến nhà ông Tỏn và tự tay làm món nộm cỏi hoa ban thật ngon đãi mọi người. Rồi nhân thể Dỉm sẽ mở lời xin được làm con trai của ông Tỏn, hứa cùng Ên chăm sóc ông suốt phần đời còn lại. Và Dỉm sẽ không ngại ngần mà nói với Ên rằng: “Cùng cảnh góa bụa thì hãy mở lòng yêu thương nhau, nắm lấy bàn tay nhau, nương dựa vào nhau cùng sống tốt, Ên ơi! ”. Dỉm hi vọng lần này Ên sẽ hiểu và chấp nhận điều Dỉm nói.

Mang theo những chùm hoa ban, Dỉm bước nhanh về phía nhà ông Tỏn. Gió buốt cuối đông vẫn lừ lừ thổi oằn mọi thứ, kèm theo mưa bụi rắc lây rây ướt tóc, nhưng Dỉm chẳng hề thấy lạnh, bởi trong ngực Dỉm có một trái tim ấm nồng đang đập.

[1] Sạy thi: Loại dụng cụ đan bằng tre dùng để lùa bắt cá bống suối của phụ nữ Thái.

[2] Lời dân ca Thái, nguyên văn phiên âm là: “Bók ban tản khạm van chăư ón/ Bók đón kẻo pá mạy tin tắm pha mơi/ Chại chăư khơi pít bók hom vạy/ Nà hẳư chú bók nọi lún tôốc tịnh co”.

Hà Phong


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.