Bản hoa đào

Bản San Ta Ngai có tên trên giấy tờ sổ sách của xã, huyện nhưng người dân nơi đây và các vùng lân cận chẳng mấy ai nhắc đến tên gọi ấy. Họ đã quen gọi bản này là bản hoa đào. Chỉ là một bản nhỏ với gần một trăm mái nhà trình tường lợp ngói đá đen, được trời phú cho khí hậu mát lạnh thanh khiết. Bao bọc xung quanh bản cơ man là hoa đào. Người già trong bản kể lại rằng những gốc đào này đã tồn tại hàng chục năm, có gốc phải đến trăm năm, kể từ khi bà con trong bản định cư ở đây cũng nên. Mỗi mùa xuân đi qua, cả bản ngợp trong màu đào phai. Cái màu phơn phớt hồng trong gió buốt chứ không phải màu đào đỏ rực như ở dưới phố thị. Vẻ đẹp mỏng manh của cánh hoa đào cùng với màu hoa ấy tô điểm cho bản nhỏ thêm đẹp.

Bà Mẩy ngồi bên hiên nhà, bàn tay chai sần đen đúa vừa bóc những củ lạc vừa nhìn ra góc bản, thở dài khi nghĩ đến những năm trước. Bản hoa đào tuy nằm ở địa thế hẻo lánh nhưng chẳng xa mấy so với mặt đường. Thời mở cửa nên nhiều bà con đã ra huyện làm ăn, trẻ con thì đến xã, huyện, rồi lên cả tỉnh học. Cũng một vài nhà kinh tế khá lên, đập mái nhà trình tường và xây nhà bề thế, khang trang. Trong mắt những người cổ hủ như bà, cái nhà xi măng to và đẹp sao mà lạc lõng giữa văn hóa nhà trình tường của dân tộc Dao mình đến thế? Mà điều buồn nhất lại là điều khác…

Chuyện xảy ra từ chục năm trước mà giờ bà Mẩy vẫn nhớ như in. Cái ngày mà con trai cả của bà – A Phù dẫn theo mấy người lạ mặt đến nhà. Bà Mẩy đi nương về, chỉ kịp chạy ra sau vườn khi đám người đã chặt được bảy cành đào già. Nhìn nụ đào chi chít trên cành mốc thẳng, có cả cây tầm gửi bám vào đã nằm la liệt dưới đất, bà Mẩy điếng người, cảm thấy đau nhói lồng ngực. Màu hoa nhảy nhót trong mắt bà, líu ríu kể lại câu chuyện hồi bà còn xuân xanh, đã vút cao khúc hát giao duyên cùng chàng trai bản bên dưới gốc cây hoa đào phai. Lần ngượng nghịu khi chính tay chàng trai ấy gài lên tai bà bông hoa đào sáu cánh, khen miệng em cười tươi hơn cả màu hoa trong gió rét… Bà rủ rỉ nói với con bằng tiếng của dân tộc mình:

– Vườn đào trồng từ thời ông nội, khi bố con còn sống đã dặn rằng không được chặt cơ mà, Phù ơi! Sao con lại làm như thế?

– Mẹ đi quanh bản xem. Nhà nào chẳng chặt đào bán cho người ta chơi tết. Vùng đất đá sỏi này chăn nuôi, trồng trọt đều khó cả. Hộ nào mà chẳng nghèo? Nghèo cả năm chứ tết cũng phải luộc được nồi bánh chưng đen màng tang cho các cháu nội của mẹ ăn tết mà. Còn phiên chợ tết cuối năm, đứa nào cũng háo hức đòi đi mua quần áo mới…

Bà Mẩy đứng sững người. Con trai mình bị tiền làm mờ mắt rồi. Bước chân bà bíu ríu bước ra bậu cửa bếp, nhìn gian bếp trống trơn mà nước mắt cũng lăn dài trên gò má răn reo. Không trách nó được đâu. Con trai bà nói không sai. Tết đến nơi rồi mà nhà chưa có tiền sắm tết. Cả năm đói ăn, đói mặc, tết cũng phải cho lũ trẻ đi chợ phiên cuối năm chơi chứ? Chợ phiên cuối năm, bố mẹ thường mặc cho con những bộ quần áo mới nhất, cái quần thêu họa tiết tỉ mỉ, cẩn thận nhất… Chợ rực rỡ sắc màu trên mọi ngả đường cứ như chiếc khăn thổ cẩm đang dệt dài quanh co núi. Trong chợ, bọn con trai đang tranh thủ mua những thứ đồ đơn giản mà gây nhiều thích thú trong mắt chúng, như: vài viên bi xanh đỏ, dây thắt lưng… Con gái rủ nhau mua bóng bay, kẹp tóc, chỉ thêu… Mua xong vài thứ, mọi người lại rủ nhau đi ăn ở các quán hàng trong chợ. Quán ăn của dân tộc Dao thì có tào phớ mềm mượt, chưa kịp nuốt đã trôi tuột vào cuống họng ngọt ngào, rồi lại có cả bánh bò dẻo, thơm. Quán ăn của dân tộc Mông thì có bánh dày giã bằng gạo cẩm màu tím, rán lên vừa giòn vừa ngậy và món thắng cố nổi tiếng với du khách gần xa. Quán ăn của dân tộc Dao thì có bánh mật màu nâu, đậm vị đường phên, bánh chưng đen quyện vị màng tang, ăn bao nhiêu cũng không ngấy… Trong chợ còn bao nhiêu loại quả, loại rau và sản vật của núi rừng. Trẻ em đến chợ để chơi, để vui, để mua quà và để giao du cùng chúng bạn. Từ đứa trẻ đang nếm dở cái kem đến cậu bé đang vô tư gặm khúc mía lùi, trên môi đứa nào cũng nở nụ cười hồn nhiên, trong sáng… Nghĩ đến cảnh chợ, thương con, cháu mình đói khổ, nước mắt bà Mẩy lại dạt dào ùa qua khóe mắt răn reo.

Nghĩ được như vậy nhưng mùa tết năm ấy, tuy cả bản đón xuân rôm rả vì có tiền bán hoa đào, bà vẫn cảm thấy trong lòng trống trải vì dạo quanh bản, sắc hoa đào đã nhạt đi rất nhiều. Bà cảm nhận rõ sự mất mát, khuyết thiếu trong tâm hồn và đâm ra nhớ chồng da diết, nhớ những kỷ niệm thời tuổi trẻ. Từ khi hai ông bà lấy nhau, cho đến niềm vui khi có tiếng bi bô trẻ nhỏ… Nỗi buồn của bà như nước nhỏ giọt ngấm sâu dần, sâu dần khi những mùa tết năm sau, năm sau nữa… Cứ gần tết là rầm rộ xe máy, xe ô tô tiến vào bản, tiếp đó là cảnh mua bán, ngã giá cành đào. Càng những cành đào của cây lâu năm bán càng có giá. Giá đào ở bản chỉ bằng một phần nhỏ lãi mà con buôn thu được khi chuyển đến khu đô thị. Bà Mẩy nghe con trai và mọi người nói, loại hoa này hiện nay đang được ưa chuộng nên sau khi chặt, các cành đào được chở về tỉnh, thậm chí chở về Hà Nội để biếu tết. Thực hư chuyện thế nào thì bà không quan tâm, chỉ nghĩ đến màu đào cứ bị rơi rụng sau mỗi mùa tết, bản thêm trống trải. Những thân cây đào cổ thụ chỉ còn vài cành lá gầy guộc vươn lên trên nền trời xanh trong như kêu cứu giữa tiết trời giá lạnh của cao nguyên. Và lọ hoa nhựa màu mè lòe loẹt đỏ Phù – con trai bà mua về đặt trên cái bàn uống nước chỉ khiến bà thêm nhớ màu hoa đào khi xuân đến. Đó là màu rất khó lý giải, nhưng như một mùa mới đã lại về trên trái tim già nua của bà, thứ màu dùng dằng của thanh xuân, của đón chờ một xuân sang với bao nhiêu yêu dấu…

– Mẹ, mẹ ơi!

Từ ngoài cửa, con gái bà đã đến gần, ngồi xuống bóc lạc cùng mẹ. Con gái học xong thì làm cán bộ nông nghiệp xã, đi ra ngoài nó hướng dẫn mọi người trồng trọt, chăn nuôi giỏi nhưng ở trong nhà, trong mắt bà nó vẫn còn bé lắm. Như cái ngày đôi môi nhỏ mới bập bẹ gọi tiếng mẹ ơi đấy thôi! San hỏi:

– Mẹ nghĩ gì mà lúc con đến gọi mẹ giật mình đấy?

– Mẹ nhớ chuyện những mùa đào năm trước, San ạ!

– Chuyện cũ rồi mà mẹ. Mấy năm nay bản được vận động làm du lịch cộng đồng nên người ta có chặt bán nữa đâu mẹ. Tuy rằng không còn cành đào cỗi, đẹp như hồi con còn nhỏ, nhưng mầm cây mới cũng lên xanh, năm nay cũng trổ lớp hoa mới rồi, mẹ ơi!

– Mẹ cũng thấy rồi, trong lòng cũng vui hơn. Nhưng vẫn không quên chuyện buồn cũ được ngay đâu, con gái à!

– Năm nay nhà mình thoát nghèo rồi, trong bản cũng chẳng còn mấy hộ nghèo nữa. Mẹ thấy niềm vui năm nay lớn hơn mọi năm chưa ạ?

Bà Mẩy nhìn con gái cười. Đúng là từ xưa đến giờ, chỉ có con bé biết cách làm cho bà vui nhất. Mấy năm trước, nhà nào cũng thích bình xét hộ mình nghèo để được nhà nước hỗ trợ gạo và mọi thứ. Thanh niên đã lười lao động lại càng lười hơn. Bản nghèo càng nghèo hơn. Ấy thế mà chỉ mấy năm gần đây, sau khi triển khai chương trình nông thôn mới và các mô hình kinh tế, những con đường đất trơn trượt vào bản được trải nhựa, bà con cùng phát dọn cỏ, rác xung quanh sạch sẽ. Bản cũng xây nhà văn hóa, có lớp học mầm non, cán bộ xã, huyện đến tuyên truyền cho bà con giữ mái nhà trình tường truyền thống của quê mình và cả những phong tục tập quán cũ. Ngô, lúa giống mới còn trồng được hai đến ba vụ, nhà nào cũng chăn nuôi gà, lợn và bắt đầu biết buôn bán. Đúng là thời hội nhập cũng có những niềm vui mới khi bà con đã giỏi giang, biết cách làm giàu. Thực phẩm sạch trong xã từ thịt lợn, gà đến rau cải, quả su su được cánh lái buôn vào tận bản thu mua giá cao. Ngay ở nhà bà, Phù nó cũng không còn lêu lổng như ngày mới cưới vợ mà tích cực nuôi lợn, con dâu bà cũng ra chợ phiên huyện buôn bán nên các cháu được ăn học đầy đủ hơn. Nhà sắm thêm tivi để nghe thông tin đó đây, mua máy xay sát phục vụ bà con mùa gặt. Con trai, con dâu đều có xe máy, các cháu đi xe đạp ra xã học. Nghĩ đến đây bà Mẩy lại thấy lòng hân hoan. Nếu ông Xoang còn sống, hẳn là ông sẽ vui và tự hào vì các con, cháu lắm? Bà lại chạnh lòng thương ông. Khi ông còn sống, chẳng được hưởng cuộc sống nhàn nhã. Giờ con cháu khấm khá hơn, chỉ còn mình bà…

San nhìn mẹ, đôi mắt bà đã rân rấn nước. Người già là thế, buồn cũng khóc, vui cũng khóc. Cô nắm tay mẹ:

– Năm nay con mời bạn trai đến nhà ăn tết, mẹ có vui không? Nếu vui thì mẹ con mình gói bánh chưng đen luộc nhiều hơn mọi năm nhé! Mừng vì nhà mình thoát nghèo rồi!

Bà Mẩy lại nở nụ cười tươi rói. Bà bảo:

– Con nhớ bảo Hùng đến nhà chơi đấy!

Ngày hai chín tết, theo thói quen mọi năm, bà Mẩy lại đi một vòng quanh bản nhỏ. Con gái bà nói đúng, hoa đào nhú nụ, nở hoa, tuy cành còn chưa vững chãi nhưng lộc xanh đã lại vây quanh bản, chỉ năm, mười năm nữa thôi, bản hoa đào sẽ thắm tươi sắc hoa như ngày trước. Năm nay nhiều nhà đụng lợn ăn tết to, dù giá lợn tăng cao nhưng bản giờ tự chăn nuôi nên tết cũng hân hoan hơn nhiều. Lũ trẻ chạy nhảy xung quanh nồi bánh chưng sôi lục bục ngoài sân, mặt đứa nào đứa nấy hồng hào vì rét mướt, nụ cười sưởi ấm trên môi. Về đến nhà, bà thấy con trai, con dâu, con gái đang sửa sang lại bàn thờ và dọn dẹp nhà cửa. Một chiếc xe máy phóng vào sân và giọng nói sang sảng của cậu thanh niên khiến bà chú ý:

– Cháu chào bác. Năm nay cháu trực tết ở cơ quan nên vào thăm xem nhà mình chuẩn bị tết thế nào.

Hùng – bạn trai của San đã bước xuống xe. Bà Mẩy nhìn cậu thanh niên cán bộ nông nghiệp huyện, gật đầu vui vẻ. Hùng trở nên thân quen với bà con của bản trong những lần xuống cấp vốn, giống cây, con. Cậu cũng rất gần gũi với bà con, tận tình hướng dẫn từ cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, nhất là chăm sóc vật nuôi qua mùa dịch bệnh.

Trên tay Hùng là một cành đào tươi thắm màu hoa, cậu đưa cho bà Mẩy và bảo:

– Đây là hoa đào rừng cháu lấy về trong chuyến công tác xã vừa rồi! Tuy không so với hoa đào bản mình được, nhưng để anh Phù cắm trong nhà đón không khí tết ạ!

Bữa cơm tất niên năm ấy ở nhà bà Mẩy có thêm giọng cười nói rộn ràng của Hùng và San. Hai đứa cũng đã báo cáo gia đình để năm sau làm đám cưới. Trên mâm cơm có đủ các món ăn truyền thống của dân tộc Dao, từ bát canh gà gừng nóng hổi, đậu phụ nhồi thịt đến bánh chưng đen màng tang. Bà Mẩy gắp thức ăn cho các cháu và nói:

– Mùa xuân năm nay ấm cúng quá! Mong rằng mỗi dịp tết đến, nhà mình có thêm nhiều niềm vui.

Hùng nhìn San âu yếm, khuông mặt cô gái Dao đã đỏ lựng từ lúc nào.

Phùng Yến


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.