Bà Quy

– Bà ơi bán cho cháu một chục trứng với năm gói mỳ tôm.

– Túi bóng ở kia, cháu tự chọn trứng nhé. Bà chủ già ngồi góc quán không đứng dậy mà nói vọng ra – Trứng này bà nhập ở trong đội 2. Vịt dân nuôi sạch, ăn ngon lắm cháu cứ yên tâm.

Tôi nhặt mười quả trứng. Lấy năm gói mỳ hảo hảo. Đưa bà đếm lại, nhưng bà không đếm mà chỉ tính tiền.

– Của cháu hết bốn mươi nghìn rưỡi, hai mươi ba nghìn trứng, mười bảy nghìn rưỡi tiền mỳ tôm. Đưa cho bà bốn mươi nghìn thôi cho chẵn. Mỳ tôm bà bán theo giá nhà nước.

Tôi khúc khích cười vì câu nói “mỳ tôm bán theo giá nhà nước” của bà. Nó gợi cho tôi nghĩ đến những cửa hàng mậu dịch mà môn lịch sử hay báo chí  vẫn nhắc lại thời bao cấp. Cả cách bán hàng không kiểm đếm, không nhặt đồ cho khách của bà cũng rất hiếm gặp hiện nay. Tôi vui vẻ trả tiền sau đó ra về với suy nghĩ chắc là giữa trưa, đang giờ nghỉ nên bà mệt không đứng dậy bán hàng, cũng không đếm lại hàng khi bán cho khách. Đó là ấn tượng lần đầu tiên của tôi với bà Quy. Hôm đó, tôi chuyển nhà trọ đến nơi mới sinh sống cho gần cơ quan. Mải dọn dẹp lúc nhìn đồng hồ thì đã hơn mười hai rưỡi, quá giờ cơm trưa. Tôi định ra chợ phường mua cái gì về ăn tạm thì chỉ còn mỗi cửa hàng của bà mở cửa. Các cửa hàng khác đã nghỉ trưa yên ắng.

Những ngày sau đó tôi hay đến cửa hàng của bà Quy mua đồ cho tiện vì gần nơi ở. Đó là một ki ốt nhỏ trong chợ phường vắng khách. Bà bán từ gạo, lạc, trứng, mắm, muối, mỳ tôm, bánh kẹo, nước ngọt, chè khô đến giấy vệ sinh, bột giặt, dầu gội đầu… mỗi thứ một tí. Ngày rằm mùng một bà bán cả vàng mã. Tết bán thêm măng khô, miến dong. Cũng có khi ai đó trong xóm gửi bà bán hộ rau hay quả mít, nải chuối, quả ổi. Đó là những thứ nông sản bà con trong xóm nuôi trồng ra nhưng không dùng hết mang nhờ bà bán giúp. Chính thế nên cửa hàng của bà Quy luôn mới mẻ với tôi và khách hàng. Có hôm đi làm về sớm dù không định hình cần mua thứ gì nhưng tôi vẫn lướt qua cửa hàng của bà xem hôm nay người trong xóm có gửi bán món hàng gì hay không.

Qua lại cửa hàng nhiều lần tôi biết được bà Quy là công nhân nông trường cũ. Thuộc thế hệ người miền xuôi đầu tiên lên Lai Châu phát triển kinh tế. Khi nghỉ hưu bà mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để phục vụ người dân trong đội. Từ ngày Lai Châu tách tỉnh, thị trấn nơi nông trường tọa lạc được chọn làm thủ phủ của tỉnh. Các khu dân cư cũ được giải tỏa mở rộng phố xá, xây công viên, trụ sở, trường học. Nhà bà được tái định cư ở đường Nguyễn Chí Thanh. Một con đường đẹp, hiện đại, tuy nhiên lại không tiện cho việc buôn bán. Khi thành phố xây chợ phường bà đăng ký một ki-ốt và tiếp tục việc bán hàng tạp hóa. Bà đã ngoài tám mươi tuổi, tóc bạc trắng, lưng còng gập xuống. Con cháu khuyên can, muốn bà ở nhà nghỉ ngơi nhưng bà vẫn nhất quyết duy trì cửa hàng. Buổi sáng cháu nội chở bà ra sớm, mở cửa, sắp hàng cho bà rồi về đi làm. Buổi trưa bà cắm cơm vào cái nồi cơm điện nhỏ tự nấu, tự ăn cơm tại chỗ nên cửa hàng mở thông trưa không nghỉ. Chập tối khi không còn khách nữa, anh cháu nội lại ra dọn hàng, đóng cửa và đón bà về.

Có lẽ nếu chỉ bấy nhiêu thông tin thôi thì không đủ để tôi ấn tượng về bà. Cái tôi ngạc nhiên nhất và cũng là trân quý nhất ở bà đó là cách bán hàng. Bà thường để khách tự chọn, cân hàng. Chẳng hạn như khách mua hai lạng lạc, bà chỉ chỗ để túi bóng và khách tự cân. Khách mua một yến gạo, bà mang bao tải cho khách xúc gạo vào cân. Mua một túm hành bà cũng để khách tự cân… Sau đó bà tính tiền cho khách rất rõ ràng. Có lần tôi hỏi bà:

– Bà để khách tự cân tự lấy đồ như vậy không sợ người ta cân tươi, lấy thừa bà thiệt à. Buôn bán như bà chẳng lãi được bao nhiêu. Cứ gặp vài người không trung thực có khi lại lỗ vốn ạ?

Miệng bóm bém nhai trầu, bà thủng thẳng trả lời:

– Mình bán hàng thì phải tin tưởng khách mới bền lâu. Ngày xưa bà vừa bán hàng lại vừa làm vườn, làm ruộng, có mấy khi ở nhà suốt được đâu. Có hôm phải đi hái chè, làm ruộng, bà để một số hàng hóa ở cái bàn ngoài cổng, ghi bảng giá, đặt cái hòm tiền. Khách cần mua cái gì cứ theo bảng giá đó tự lấy hàng, tự trả tiền cho vào hòm. Khách nào không có tiền lẻ họ lấy hàng mang về dùng sau đó đến tối, hoặc vài ngày sau gặp ở đâu thì họ trả tiền.

Câu chuyện của bà Quy khiến tôi hình dung về những ngày đất nước còn khó khăn nhưng đầy đạo đức. Khi đó con người sống với nhau chan hòa, thật thà, tử tế. Không cần những máy bán hàng tự động hiện đại, nhưng cũng không cần chủ nhà phải ngồi trông hàng. Cứ bày hàng, ghi giá, đặt hòm tiền ngay ngoài cổng là khách tự giác mua hàng, trả tiền. Không mặc cả, không gian dối, không trộm cắp.

Tôi lại hỏi:

– Nhưng bây giờ con người khác trước nhiều. Bà có gặp khách hàng không trung thực không?

Bà trả lời:

– Có chứ cháu, có một số người cũng hay cân tươi, lấy thừa đồ. Bà bán hàng bao nhiêu năm, nhìn túm hành là bà biết nó mấy lạng không cần phải cân. Thùng mỳ tôm ba mươi gói bán cho ai mấy gói bà nhớ chứ. Rổ trứng mỗi lần bà chỉ nhập hai mươi đến ba mươi quả nhìn vơi đi là biết khách nhặt bao nhiêu. Khách nói ít lạng đi bà chỉ nhắc khéo, sao hành khô mà hao nhanh thế, lúc nhập cách đây có mấy ngày mà đã nhẹ cân đi. Nói vậy thôi chứ mình đi cân lại, đếm lại làm gì đâu. Khách lại bẽ mặt thì cũng không hay. Vài lần như vậy họ sẽ ngại và không cân tươi, lấy thừa nữa. Với lại, khách của bà chỉ toàn khách quen là người nông trường cũ hoặc con cháu của họ. Bà thuộc từng tên người, con cái nhà ai, nên họ cũng không mấy khi gian dối đâu.

Câu chuyện bán hàng của bà Quy và hình ảnh cửa hàng tạp hóa của bà nằm nép trong chợ phường thưa khách khiến tôi liên tưởng đến một lớp học đạo đức, ở đó cả khách và chủ dạy nhau đức tính thật thà, tự giác. Cửa hàng không chỉ là nơi buôn bán, ở đó còn là nơi để những cụ già trong cùng đội sản xuất của nông trường trước đây đến tụ họp, chuyện trò. Các cụ thường tranh thủ lúc rảnh rỗi đến đây để tâm sự ôn lại kỷ niệm về mảnh đất này từ thời mới thành lập nông trường còn khó khăn, vất vả. Cửa hàng đó như sợi chỉ mỏng manh mà chắc chắn nối liền giữa quá khứ và hiện tại để thấy cuộc sống được nối tiếp ngày càng tốt đẹp hơn. Nó là tơ vương sót lại của ký ức về vùng đất, con người một thời đã xa đầy hào hùng.

TRƯƠNG HUY


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.