Lụa khổ từ nhỏ. Mới một tuổi Lụa đã mồ côi cha. Lên hai tuổi Lụa mồ côi cả mẹ. Con mồ côi ở độ tuổi ấy thì sao tự lo thân được, chỉ có thể sống dựa nhờ vào người khác. Lụa được bác ruột đưa về nuôi. Vợ chồng bác bá là người tốt, yêu thương đứa cháu ruột mồ côi như con đẻ. Ngặt nỗi, gia đình bác bá nghèo, lại đông con, lau nhau bốn đứa, phải nuôi thêm Lụa nữa là năm.
Tuy nghèo, lam lũ mưu sinh nhưng vợ chồng bác bá vẫn cố gắng lo cho các con và Lụa tới trường học, vì họ hiểu, những đứa nhỏ có được học mới nên khôn, mới mong có ngày thoát nghèo.
Lụa lớn lên bên mấy sào ruộng, cùng với thẻo đất phù sa nhỏ trồng ngô giáp bờ sông. Học xong lớp chín thì Lụa thôi học, hàng ngày cặm cụi lúa ruộng ngô bãi cùng bá dâu. Đang tuổi dậy thì nên đôi khi Lụa ngồi vẩn vơ cầm dao chặt nắng. Chắc vài năm nữa thôi là Lụa sẽ lấy chồng, ở lại làng kiếm sống bằng nghề nông với chằng chịt mối lo. Lụa chưa bao giờ nghĩ tới chuyện rời làng, cho dù thời nay người làng bỏ ruộng rời quê đi làm ăn xa đông lắm. Chỉ có bầy cò trắng là thủy chung với đồng ruộng. Chúng lặn lội mò mẫm trên đồng ruộng theo số kiếp đã định. Ruộng đồng hết tôm tép thì chúng nhặt tạm châu chấu gầy, nhái còi, ốc đẹn.
Chị Mai là một người hay so sánh đời mình với kiếp cò, sớm khuya lặn lội như kiếp cò. Lụa rất quý mến chị Mai. Chị là người làng bên, làm nghề thu mua phế liệu. Mọi ngõ ngang lối tắt ở trong làng chị Mai thông thuộc từng mét. Chị là người xởi lởi, tốt bụng, đáng tin.
Một buổi, chị Mai rủ Lụa:
– Em hãy xin bác bá cho đi thu mua đồng nát cùng chị. Vất vả đấy, không sung sướng gì đâu nhưng cho thu nhập ổn hơn trồng ngô, cấy lúa, em ơi!
Lụa đem chuyện thưa lại với bác bá. Bác trai trầm ngâm một lát rồi quay sang hỏi vợ:
– Cháu nó nói vậy, ý mình thế nào, cho đi hay không?
Bá dâu gật đầu:
– Cứ để nó đi thử vài tháng xem sao. Nếu làm không được thì lại về nhà cùng tôi trồng ngô, cấy lúa.
Vậy là Lụa theo chị Mai hành nghề thu mua phế liệu. Nhà có chiếc xe máy cũ nát tươm chạy long sòng sọc, bác trai bảo Lụa dùng để đi mua đồng nát cho đỡ cực. Lụa lắc đầu, cả nhà chỉ có mỗi con xe máy cũ sao Lụa nỡ một mình dùng nó. Lụa lóc cóc đạp xe đạp cũng được. Lụa còn tự hứa, mình sẽ cố gắng làm và tiết kiệm tiền mua cho bác bá chiếc xe máy mới để đáp đền công nuôi nấng Lụa bao năm nay.
Đi mua bán phế liệu cho thu nhập khá hơn làm ruộng. Bá dâu vui vẻ nói với Lụa:
– Thôi, cái Lụa theo làm nghề ấy cũng ổn. Bá cầu mong mày làm ăn luôn gặp được may mắn suôn sẻ, Lụa à.
Lụa ngắm bá dâu. Người bá gầy gò. Làn da bá khô sạm. Khuôn mặt bá hằn nét lam lũ. Tất cả đều vì con vì cháu. Suốt đời này Lụa không thể quên công ơn bá đã đùm bọc nuôi nấng mình. Và từ lâu rồi Lụa rất muốn được gọi bá là mẹ.
***
Một buổi, bất ngờ chị Mai rủ Lụa cùng lên Tây Bắc hành nghề mua đồng nát. Lên Tây Bắc ư? Chắc xa xôi lắm nhỉ? Lụa hỏi chị Mai:
– Lên Tây Bắc nhưng cụ thể là đâu cơ chứ?
Chị Mai trả lời gọn hai chữ:
– Lai Châu.
Lụa hỏi tiếp:
– Chị từng lên đấy thu mua đồng nát lần nào chưa?
Chị Mai gật đầu.
– Rồi, thu mua dễ dàng thuận lợi hơn ở vùng làng quê mình.
– Vậy sao chị không tiếp tục làm ở trên đấy mà lại quay về quê?
Chị Mai cốc nhẹ lên đầu Lụa.
– Hỏi gì lắm thế? Lúc ấy chị có thai nên phải trở về quê sinh nở, con còn quá nhỏ thì chưa thể đi làm ăn xa được ngay. Nay nó đã cai sữa, đủ tuổi học mẫu giáo rồi nên chị lại đi tiếp. Xa con chị chẳng muốn đâu, nhưng cũng vì gia đình mà đi, em à!
Lụa xin phép bác bá cho theo chị Mai lên Lai Châu.
Lai Châu giản dị, chất phác, chân thành đón Lụa. Ôi, vùng đất biên cương cuối trời Tây Bắc, rất lạ với Lụa. Rồi mình sẽ quen thôi, Lụa tự nhủ.
Chị Mai chủ động đi tìm thuê chỗ trọ rẻ tiền cho hai chị em.
Thế rồi hàng ngày Lụa và chị Mai cùng bị cuốn vào công việc. Làm không có ngày nghỉ. Chẳng hề gì. Lụa quen chịu đựng vất vả rồi. Lụa dần dần thấy mến đất Lai Châu. Đây đúng là nơi đất lành để người tìm tới mưu sinh. Và rồi Lụa để ý thấy mấy hàng trà đêm khá đông khách. Bán trà đêm đầu tư không nhiều, chỉ cần một bộ bàn ghế nhựa rẻ tiền là đủ. Lụa nảy ý định, ban ngày đi thu mua phế liệu còn buổi tối tranh thủ bán trà đêm. Lụa muốn mau chóng tích cóp được tiền mua chiếc xe máy mới cho bác bá. Lụa đem ý định của mình nói với chị Mai.
Chị Mai gắt:
– Mày điên à, ban ngày đi thu mua đồng nát, tối đi bán trà đêm, cả ngày không nghỉ thì sức đâu mà trụ.
Lụa bóp mạnh cổ tay chị Mai. Chi Mai kêu “ái đau” rồi giằng tay ra. Lụa cười khúc khích.
– Chị thấy chưa? Em khỏe như trâu, lo gì.
Chị Mai gắt:
– Đừng tưởng bở, làm quần quật không có thời gian nghỉ thì đến voi cũng chết nữa là trâu.
Vẫn khúc khích cười, Lụa ôm chị Mai.
– Thôi mà, đừng bẳn gắt nữa để còn trẻ lâu.
Cuối cùng thì chị Mai cũng nhượng bộ, chị phẩy tay.
– Thôi, mặc kệ mày! Nhưng nói thật, tao vẫn lo.
Ban ngày mua phế liệu, buổi tối tranh thủ đi bán trà đêm, Lụa bận còn hơn con nhện đang hối hả giăng tơ. Thỉnh thoảng chị Mai lại ngán ngẩm lắc đầu. Tao chịu thua mày, Lụa ơi!
***
Dẫu có khỏe như voi như trâu thì cũng có lúc ốm đau. Lụa bị ốm, người sốt cao, hai bên thái dương và chỗ thùy trán nhức nhối như bị thứ gì đó giáng mạnh vào. Mỗi lần đứng dậy là Lụa lại xa xẩm mặt mày, chực ngã khụy. Chị Mai phải mua thuốc hạ sốt về cho Lụa uống, mua cháo về cho Lụa ăn. Mồm miệng nhạt thếch nhưng Lụa vẫn cố nuốt, vừa để có sức, vừa để không phụ công chị Mai.
Được vài ngày sau thì Lụa hết sốt, nhưng đầu vẫn hơi váng vất. Tuy chưa khỏe hẳn nhưng Lụa muốn đi làm ngay. Chị Mai riết róng ngăn lại:
– Làm để sống chứ không phải làm để chết. Phải biết giữ sức chứ.
Lụa nghe chị Mai, tiếp tục nghỉ. Nhưng đến xẩm tối thì Lụa cựa quậy không yên. Lụa tiếc việc nên quyết định sẽ đi bán trà đêm. Bán trà chỉ ngồi một chỗ có mệt mỏi gì đâu, Lụa làm được. Chị Mai vẫn chưa về. Lụa một mình ăn cơm trước để còn đi bán hàng.
Trời mùa đông lạnh, Lụa ngồi co ro bán hàng. Đầu óc vẫn váng vất, thỉnh thoảng Lụa lại phải lấy dầu gió xoa vào hai bên thái dương cho đỡ. Khách ghé hàng khá đông. Bõ công Lụa gắng ra bán hàng. Cho dù Lụa biết, tí nữa về thể nào cũng sẽ bị chị Mai mắng.
Đêm đã muộn, không còn khách, Lụa dọn hàng để ra về. Bất ngờ một cơn xây xẩm mặt mày đột ngột kéo đến khiến Lụa bị choáng ngất.
Một lát sau thì Lụa tỉnh lại. Lụa thấy người mình đang nằm trên đất, đầu thì được gối lên đùi của một người con trai lạ. Người đó đang lay lay Lụa.
– Em gì ơi, tỉnh lại đi!
Lụa cố hết sức nhấc chiếc đầu đang nặng chịch để ngồi dậy. Việc đầu tiên là Lụa hốt hoảng xem lại ví tiền có bị mất gì không. Hành động của Lụa khiến người con trai bật cười.
– Đừng lo, anh đâu phải là trộm cướp, vô tình đi qua đây thấy em bị ngất nên giúp thôi.
Lụa lắp bắp hỏi:
– Anh… anh… là… ai.
– Anh là Nọi, làm thợ xây dựng. Em ở chỗ nào để anh giúp đưa về?
Lụa chẳng còn sức để từ chối sự giúp đỡ. Nọi đưa Lụa về. Vừa nhìn thấy Nọi dìu Lụa vào phòng, chị Mai đã la toáng lên:
– Trời ơi, khổ thân em tôi chưa? Xảy ra chuyện gì thế này?
Nọi lúng túng đứng yên một chỗ. Lụa giải thích đầu đuôi sự việc cho chị Mai nghe. Chị Mai cảm ơn Nọi rồi quay sang mắng Lụa không chịu nghe lời. Thấy việc đã ổn, đêm cũng đã muộn, Nọi chào ra về. Lụa dõi mắt nhìn theo. Anh Nọi là người tốt.
Sau buổi tối hôm đó Nọi và Lụa nên thân quen. Lụa thấy quý mến chàng trai quê bản hiền lành thật thà. Nọi cũng thấy thích Lụa.
Thời gian đã bước vào trung tuần tháng Chạp.
Lụa báo cho Nọi biết:
– Khoảng chục ngày nữa là em về quê ăn tết. Hết tháng Giêng em mới lại quay lên đây.
Nọi nhìn Lụa bằng đôi mắt xốn xang tình cảm.
– Trước khi em về tết, anh muốn mời em về bản thăm nhà anh. Và anh sẽ tặng em một món quà.
Lụa tò mò:
– Quà gì vậy anh? Nói em biết được không?
– Bí mật, nói trước cho biết thì sẽ không còn thú vị.
Lụa nhận lời mời của Nọi không chút do dự. Lụa tin tưởng Nọi. Lụa muốn biết quê bản của Nọi như thế nào? Bản và làng có gì giống và khác nhau? Và nếu như Nọi không ngại, nhất định Lụa sẽ mời Nọi về thăm bác bá ở nơi quê làng.
***
Mùa đông đang trôi đi những ngày cuối cùng. Bầu trời được dâng cao hơn. Gió không còn lạnh nhiều như trước. Cây mận nép bên nếp nhà sàn cũng đã thắp đầy hoa trắng.
Mẹ Nọi sốt ruột mong ngóng con trai về tết. Rốt cuộc thì Nọi cũng về như mẹ mong đợi. Nhưng Nọi không về một mình. Về cùng với Nọi còn có một cô gái lạ. Mẹ Nọi vừa ngạc nhiên vừa mừng. Chỉ là bạn bè của nó hay người yêu? Bà muốn hỏi nhưng lại ngại ngần chẳng dám. Rồi bà thầm đoán, chắc chắn đó là người yêu của con trai bà, nếu không nó đã chẳng đưa về thăm nhà vào dịp cuối năm bận rộn này. Ôi vui quá! Trong lòng bà như đang có ngân nga tiếng thác reo.
Bữa cơm hôm ấy, mẹ Nọi đãi khách quý món cá sấy còn vương mùi khói bếp. Lần đầu Lụa được thưởng thức món này.
– Ăn lạ mà ngon quá, bác ơi! – Lụa tấm tắc khen.
Mẹ Nọi trêu Lụa:
– Nếu cháu muốn thường xuyên được ăn món cá sấy thì hãy về đây làm con dâu của bản.
Bố Nọi tán thêm vào, giọng ông chứa đầy âm sắc đặc trưng của người miền núi:
– Bà ấy nói đúng đấy. Cháu nhận làm con dâu bản đi. Đồng ý làm con dâu nhà bác thì càng tốt.
Lụa đỏ bừng hai má, mắt nhìn liếc sang phía Nọi.
– Chỉ sợ anh Nọi chê cháu thôi.
Nọi đáp liền lập tức:
– Người miền ngược không chê người miền xuôi, chỉ sợ người miền xuôi chê người miền ngược.
Câu đáp lém lỉnh của Nọi làm cả nhà bật cười. Tiếng cười khiến con mèo chạy sán lại gần. Tiếng cười giúp Lụa hết ngượng ngập.
Sau bữa cơm, ở ngay trước mặt bố mẹ, Nọi tặng Lụa chiếc áo cóm hồng đính cúc bạc cùng với chiếc váy nhung thun thêu ren. Nọi bảo:
– Đây là món quà bí mật mà anh muốn tặng em như đã hứa. Em mặc thử luôn xem có vừa không?
Lụa bối rối đưa hai tay đón món quà đặc biệt từ Nội và lí nhí cảm ơn. Bố mẹ Nọi cười vui chứng kiến. Thế rồi mẹ Nọi giục:
– Cháu vào buồng mặc thử váy áo đi! Áo cóm truyền thống của người Thái mặc đẹp lắm cháu à.
Lụa vẫn đứng lúng túng cầm bộ váy áo trên tay. Mẹ Nọi tinh ý nhận ra nên bảo:
– A phải rồi! Cháu chưa biết cách cài cúc áo cóm và thắt váy, vậy hãy để bác chỉ cách cho.
Mẹ Nọi dắt Lụa vào buồng rồi giúp Lụa vận bộ áo cóm váy nhung lên người. Ôi khéo thật, bộ váy áo may sẵn mà Lụa mặc vừa khít khịt. Áo cóm giúp vồng ngực nõn của Lụa mơn căng hẳn lên. Lụa thấy vóc mình đẹp hơn khi mặc áo cóm.
Thay xong váy áo, Lụa thẹn thùng theo mẹ Nọi bước ra khỏi buồng. Mẹ Nọi khen thật lòng:
– Cháu mặc áo cóm đẹp lắm! Đẹp như tiên Mường Trời ấy.
Còn Nọi thì đứng ngẩn người ra ngắm Lụa. Nhìn Lụa khác hẳn mọi khi Nọi gặp. Lòng Nọi xốn xang những điều rất lạ. Nọi rủ Lụa xuống sàn cùng ngắm hoa mận.
Nọi đỡ Lụa xuống cầu thang rồi cùng Lụa nắm tay đứng dưới bóng cây mận đang thắp đầy hoa. Trái tim hai người gõ chung nhịp đập. Những tia nắng cuối đông đang cố vén mây để soi ấm áp lên mặt đất. Gió cuối đông vô tư đùa nghịch khiến những cánh hoa mận trắng rơi xuống đậu lên áo cóm hồng. Và lúc này đây trong ánh mắt của hai người trẻ đã thấy rạng sắc xuân.
Hà Phong