Anh chàng cá nướng

– Ông ơi! Ông có ở nhà không? Cháu nhờ tí ạ!

Cách đây hơn một tuần, lúc ấy đã quá nửa chiều. Đang ngồi làm việc ở tầng trên, nghe tiếng gọi, lão Nhị vội chạy xuống cầu thang:

– Ai đấy! Có tôi đây! – Lão chợt nhận ra anh chàng bán cá nướng mới thuê nhà bên hàng xóm – Căm à cháu? Có việc gì đấy?

Căm cầm gói giấy bạc cỡ dài hơn bàn tay, đi vào:

– Cháu biếu ông con cá ạ!

– Ấy! Để bác trả tiền cho!

– Không! Cháu biếu ông bà ạ! Vợ chồng cháu rất cảm ơn ông bà đã quan tâm đến chúng cháu trong những ngày ở đây! Hôm nay chúng cháu chuyển nhà lên trên kia ạ!

– Sao mới được ít ngày mà đã chuyển đi đâu?

– Dạ! Chúng cháu chuyển về đằng gần chợ, chứ ở đây vắng khách quá. Cháu đã thuê một gian nhà trọ của ông Luyến. Hàng ngày cháu sẽ bán ở vỉa hè, cửa quán nhà ông ấy ạ!

– Ờ! Vất vả quá nhỉ? Này! Nhưng trên ấy nhiều người bán thức ăn chín lắm đấy! Mà… ngồi uống nước đã nào!

Lão định pha chè thì Căm đã ngăn lại.

– Cháu cũng biết thế nhưng ở đây thì không bán được. Ông đừng pha nước, cháu phải đi bây giờ ạ!

Nói rồi cậu ta quầy quả đi ra. Lão nài thế nào cũng nhất định không lấy tiền con cá nướng.

Lão Nhị ngồi pha ấm trà uống một mình và không thể dứt được luồng suy nghĩ về hoàn cảnh của Căm. Thật tội cho vợ chồng nhà nó. Lão nghĩ về vợ chồng nhà Căm như nghĩ về những đứa con của nhà lão vậy…

Thì mới chỉ gần một tháng nay, thấy có người lạch cạch dọn dẹp ở ngôi nhà lâu ngày không có ai thuê của nhà hàng xóm, lão Nhị chạy ra đã thấy vợ chồng con cái nhà cậu ta dọn đến ở. Đó là một cặp trai gái Thái, nói là người ở huyện dưới. Hai vợ chồng trẻ, đẹp lắm, đẹp đôi nữa, đều mới hăm ba tuổi, nhưng đã có tới hai đứa con lít nhít. Cả hai đều không có công ăn việc làm, định thuê nhà này để ngày ngày bán cá nướng kiếm kế sinh nhai.

Lão Nhị đang hỏi han vợ chồng Căm thì thấy một đôi trung niên chừng năm chục tuổi đi xe máy đến. Căm giới thiệu:

– Đây là bố mẹ cháu.

Hai ông bà đều nhanh nhẹn, mau miệng. Hết vợ đến chồng cứ ríu rít:

– Các cháu ở thuê chỗ này, mong các bác tạo điều kiện giúp đỡ các cháu với!

Lão Nhị vui vẻ nhận lời rồi mời ông bố Căm sang nhà uống nước để tâm sự.

– Cháu Căm là con lớn nhà em đấy bác ạ! – Uống hớp nước chè rồi ông bố Căm thổ lộ – Bên dưới nó còn bốn đứa nữa. Một đứa bỏ học, đi làm thuê nghề hàn, bây giờ về mở quán hàn xì, ở cùng nhà với chúng em. Ba đứa còn đang học sinh. Chúng em vất vả lắm. Em thì cọc cạch nghề mộc, kỳ này cũng ít việc. Thằng cháu Căm không thích nghề mộc, cũng không thích nghề hàn, lại thích nghề nướng cá. Nó bảo: “Phải duy trì món cá nướng hấp dẫn của người Thái mình chứ!”. Nó bán một thời gian ở dưới nhà rồi nhưng ít khách, định lên đây thử xem sao.

– Không dễ dàng gì đâu! – Lão Nhị nhận định – Ở cái thị trấn con con này, các món ăn chín bây giờ quá nhiều người làm. Món cá nướng cũng có đến mấy quán rồi. Muốn bán được phải ngon hơn, rẻ hơn, đặc sắc hơn người ta thì mới trụ được. Với lại…

Lão chần chừ nhưng rồi vẫn quyết định nói ra suy nghĩ của mình.

– Cái điểm này vắng lắm, cuối phố rồi. Mà cái nhà cháu nó thuê này đã có nhiều người thuê trước đây, nhưng chưa ai kiếm ăn được ở đấy cả. Không hiểu vía chúng nó có thắng được vía cái nhà ấy không chứ khó lắm!

– Các cháu làm hợp đồng thuê ba tháng rồi bác ạ! Thôi thì cứ để chúng nó thử xem sao!

– Ừ thì đành vậy chứ biết làm thế nào? Mong rằng các cháu nó trụ được!

Hai người tâm sự khá tâm đắc và hiểu nhau nên một hồi lâu sau ông bố Căm mới xin phép về. Tiễn khách ra cổng, lão Nhị chỉ vào cái nhà trọ mà phán:

– Xét về phong thủy mà nói thì một ngôi nhà nhỏ bị kẹp giữa hai ngôi nhà cao to lừng lững thế kia thì rất khó làm ăn. Ông cứ ngẫm lời tôi xem. Nếu thấy không ổn thì bảo các cháu nó tính lại nhé!

Chiều hôm ấy, vợ chồng Căm bắt đầu quạt than nướng cá. Cái mùi cá nướng cùng với mùi gia vị đặc trưng của đồng bào Thái bay lên thơm lừng cả phố từ lúc nửa chiều, có lúc làm lão tứa nước miếng. Lão Nhị bảo vợ mua ủng hộ khai trương cho vợ chồng Căm một con chép nướng. Bà vợ lão nổi tiếng là mau miệng, mát tay, ngoài việc mua xông hàng lấy may, lại còn kêu gọi mấy người đến mua giúp. Hình như trong xóm, ai cũng đã mua cá giúp Căm một vài lần. Phải nói là Căm cũng nhanh mồm miệng, giỏi chèo kéo nên nhiều người quý mà mua đỡ. Vài ngày đầu, mỗi chiều bán được hơn chục con, nghe có vẻ ổn. Nhưng cũng chỉ được mấy ngày thì khách thưa dần. Cũng phải thông cảm cho người ta! Thời buổi đồ ăn sẵn tràn ngập thị trường. Thôi thì từ bát canh, quả cà, đĩa cá kho trở đi, chỗ nào cũng có. Nay ăn món này, ngày mai phải ăn món khác, chẳng ai ăn cá nướng mãi được. Đến như nhà lão, ba người ăn một con cá nướng mà hai bữa chưa hết. Vì vậy, thương chúng nó thì cũng phải cả tuần mới mua một hai lần là cùng. Cũng đã có hôm thấy Căm bán thêm món thịt băm gói nướng kiểu Thái, nhưng cũng chả mấy ai thiết tha lắm.

Một chiều, thấy giàn cá nướng chỉ mấy con mà có vẻ như còn nguyên. Đi thể thao về, lão Nhị ái ngại, sang mua giúp một con, mặc dù con cá mua hôm trước vẫn chưa ăn hết. Căm tâm sự:

– Lỗ chổng phộc ra ông ạ! Mấy hôm nay, mỗi ngày cháu nướng có năm con, vốn mất hai trăm hai lăm nghìn, thế mà chỉ bán được một hai con. Hôm nay cũng mới được con này là hai. Sống sao được hả ông?

– Cố gắng lên cháu ạ, biết làm sao bây giờ?

Tối ấy, ngồi ăn cơm với nhau cùng món cá nướng, vợ chồng lão Nhị không khỏi ngậm ngùi thương hoàn cảnh nhà Căm.

– Thời buổi này nhiều món ăn ngon, mồm người ta thành mồm inox hết rồi. Không đặc sắc, không ngon hơn người khác thì khó cạnh tranh lắm!

Bà vợ lão gắp miếng cá nhỏ ăn rồi nói với cái giọng không mấy vui.

– Hai vợ chồng với hai đứa con mà mỗi ngày thu nhập vài ba chục ngàn, có ngày còn không có đồng nào thì không biết chúng nó sống làm sao nhỉ? Hừ!

Lão Nhị tợp hớp rượu rồi buông tiếng thở dài.

– Học hành không đến nơi đến chốn, lập gia đình sớm, không nghề nghiệp mà đã một nách hai đứa con. Tôi thấy cảnh ấy mà lo cho chúng nó ông ạ!

Thế là không thể kiếm ăn được ở chỗ này, chúng nó đã phải trả nhà, chuyển chỗ ở. Cũng may! Bà chủ cho thuê nhà không phạt hợp đồng mà chỉ lấy mấy trăm tiền điện nước cả thời gian chúng thuê ở đấy.

Đã gần tháng trời, chiều nào cũng ngửi thấy mùi cá nướng trong gió, thành ra từ ngày vợ chồng Căm chuyển đi, lão Nhị cứ thấy như thiêu thiếu cái gì. Thế là những ngày sau, đi đạp xe thể thao buổi chiều qua khu trọ của vợ chồng Căm, lão Nhị đều để ý xem chúng nó có làm ăn được không? Nghe chừng không ổn lắm vì hôm nào cũng thấy lèo tèo vài con cá nướng, mà chẳng thấy khách mua. Một hôm, lão ghé vào mua giúp một con, nhân tiện hỏi thăm tình hình. Căm thở dài thườn thượt:

– Có lẽ cháu phải bỏ cái nghề này, ông ạ! Bán chẳng ăn thua gì, mỗi ngày chỉ được vài con thôi, Mà quanh đây thì toàn người bán đồ ăn chín.

Căm chỉ tay một lượt. Lão chẳng cần nhìn thì cũng biết từng ngõ ngách cái phố huyện này như lòng bàn tay. Riêng đoạn đường Căm đứng bán cá này cứ như một phố ẩm thực. Chưa đầy trăm mét mà đã có tới ba anh bán vịt quay, hai chị bán canh, dưa cà, cá kho, một anh bán thịt chó chín, lại còn hai nhà bán nem chả rán các loại.

– Đúng đấy! Cháu nên kiếm việc khác mà làm đi. Nhưng cháu định làm gì?

– Dạ! Cháu còn đang tìm ông ạ!

– Cháu có muốn làm trong nhà máy chè không?

– Được thế thì tốt quá ạ!

– Nếu cháu muốn thì bác có thể giúp. Vất vả một chút nhưng thu nhập nó ổn định hơn cháu nhé!

– Ông giúp cháu với ạ!

– Thôi được. Có thế nào thì mai bác bảo nhé!

Lão Nhị ra về. Tối đó, lão gọi điện cho ông bạn già đang làm giám đốc công ty chè Hoàng Liên, nhờ giúp đỡ cho Căm. Thật may là ông bạn đang cần thay một vị trí trong nhà máy nên vui vẻ nhận lời.

Hôm sau, lão Nhị đưa Căm đến ra mắt ông bạn giám đốc. Ông vui vẻ:

– Bác nghe nói cháu có khả năng chế biến các món ăn của dân tộc Thái. Hôm nay, bác nhận cháu vào làm hợp đồng. Thử thách đầu tiên của bác là một mâm cơm khách. Bác đã cho người mua đủ nguyên liệu dưới bếp, cháu xuống đó làm, khi nào xong thì các bác sẽ xuống chấm điểm.

– Cháu sẽ cố gắng ạ!

Ông bạn giám đốc đưa lão Nhị đi thăm nhà máy chè một lượt, rồi đích thân lái xe đưa lão Nhị đi thăm khu vườn ươm chè non. Gần trưa, quay xe về đến nhà máy thì đã thấy mâm cơm thịnh soạn bốc khói nghi ngút trên bàn ăn. Nào cá gỏi, cá nấu, cá rán, cá nướng, trông thật hấp dẫn. Mấy ông khách được mời cũng lục tục kéo đến. Ai cũng gật gù khen tay đầu bếp mới có năng khiếu nấu ăn.

Thế là Căm được nhận vào làm việc trong nhà máy. Công việc hàng ngày của cậu vẫn là đứng máy sao sấy chè, nhưng khi thoảng, vào những ngày có việc, cậu được gọi xuống bếp làm cơm tiếp khách. Lâu lâu, lão Nhị lại gọi điện cho ông bạn giám đốc để hỏi thăm tình hình:

– Ổn ông ạ! Cậu ta ngoan tính mà nhanh nhẹn. Ông cứ yên tâm!

Lão thở phào, chỉ lo giới thiệu cho bạn một đứa không ra sao thì lại mang tai mang tiếng.

THANH PHƯƠNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.