Dân tộc Mông ở Lai Châu có rất nhiều trò chơi dân gian nhưng độc đáo nhất là trò chơi ném pao. Trò chơi ném pao thường được tổ chức trong các ngày tết, các lễ hội truyền thống của người Mông như: tết Nguyên đán, lễ hội Gầu tào, Gầu tào cha… Đây là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Mông nói chung và người Mông ở Lai Châu nói riêng.
Từ những bàn tay khéo léo của các cô gái Mông, quả pao được tạo nên bằng loại vải bền chắc là vải lanh. Vải được khâu thành nhiều lớp bên ngoài, sau đó nhồi hạt bông hoặc hạt lanh vào bên trong để quả pao căng tròn. Quả pao nhồi xong không được cứng quá mà cũng không mềm quá. Khi quả bao đã tròn thì bọc tiếp bên ngoài từ 2-3 lớp vải, làm cho quả pao thêm bền chắc.
Trong văn hóa của người Mông, ném pao không chỉ là một trò chơi dân gian mà còn ẩn chứa trong đó nhiều ý nghĩa. Người chơi ném pao vừa để giải tỏa những áp lực trong công việc, trong cuộc sống, vừa để hàn huyên, trò chuyện, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp năm mới. Ngoài ra, người Mông chơi ném pao còn để giao lưu, tìm kiếm bạn bè. Với những người già, họ không đến chơi pao mà đến để gặp gỡ bạn bè và xem lễ hội. Người trẻ chơi ném pao nhiều hơn. Bởi họ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ trò chơi dân gian đồng thời tiếp nối truyền thống của thế hệ trước giữ gìn các mối quan hệ họ hàng, anh em, bạn bè để tạo nên khối đoàn kết dân tộc.
Đối với người Mông, quả pao không có tuổi. Nó gắn bó với người Mông từ lúc còn trẻ thơ cho đến cuối đời và trở thành một niềm vui trong cuộc sống và tình yêu đôi lứa. Trong ngày hội, các chàng trai cô gái Mông ở các bản không ai hẹn ai lũ lượt kéo nhau về các điểm vui chơi để tổ chức chơi ném pao. Các cô gái tuổi vừa tròn mười tám đôi mươi, hai gò má ửng hồng, tay cầm quả pao như trái ổi tròn căng đi chơi ném pao.
Trò chơi ném pao thường diễn ra vào mùa xuân, tại những bãi đất rộng bằng phẳng. Khi chơi pao, người chơi được chia thành hai nhóm nam và nữ đối diện nhau, khoảng cách giữa hai nhóm từ 5 – 7m. Nhiệm vụ của người chơi là tung quả pao để đối phương bắt và tung lại theo số lần đã quy ước. Nếu bên ném mà bên bắt không bắt được, để pao rơi xuống đất là thua. Vì thế, đòi hỏi người chơi ném pao phải rất khéo léo. Kết thúc một lượt chơi, bên nào thua thì phải hát một bài hát hoặc làm một điều gì đó do bên thắng quy định.
Chơi ném pao, ban đầu họ chỉ chơi cho vui và chơi thành nhóm. Sau đó mới tách ra từng đôi nam nữ ném cho nhau và cứ ném đi ném lại hàng tiếng đồng hồ mà không biết mệt, không biết dừng, không biết chán. Trong cuộc vui, nếu có cô gái phải lòng chàng trai nào đó, họ sẽ dành tình cảm với nhau qua ánh mắt, nụ cười. Còn chàng trai chọn được người con gái mà mình ưng ý thì giữ luôn quả pao mà bạn gái ném sang.
Chơi ném pao trong mùa xuân còn thể hiện khối đoàn kết cộng đồng, là sợi dây kết nối các dòng họ người Mông lại với nhau. Ném pao không chỉ là trò chơi dân gian truyền thống có ý nghĩa kết nối cộng đồng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông ở Lai Châu.
XUÂN CHIẾN
>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu