Mẹ tôi mất sau một thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Khi ấy chị Huyền lên tám tuổi, tôi sáu tuổi mà ốm quặt quẹo suốt, còn thằng Huy mới ba tuổi cứ ngơ ngác đi tìm mẹ.
Hai năm sau, cha tôi tục huyền với người phụ nữ ở xã bên. Người mà sau này chúng tôi gọi là mẹ Vân. Mẹ Vân là một người phụ nữ quá lứa lỡ thì. Mẹ có dáng người thấp đậm, làn da ngăm ngăm, mái tóc xoăn lúc nào cũng búi cao sau gáy. Mẹ bán hàng xén ở chợ. Cứ sáng sớm mẹ đạp xe đi đến chiều tối mịt mới về nhà.
Bữa cơm đầu tiên mẹ về nhà tôi, cả ba chị em rón rén ăn, không đứa nào dám thò đũa gắp. Thấy vậy, mẹ gắp thịt vào bát từng đứa rồi giục:
– Ăn đi, ăn cho nhanh lớn, chứ đứa nào cũng gầy như que củi thế này.
Từ ngày có mẹ Vân, bữa cơm của cha con tôi cũng tươm tất hơn. Mẹ về ở cùng mấy tháng mà đứa nào cũng béo hẳn lên. Tôi cũng không còn ốm sụt sùi nữa, còn thằng Huy thì lúc nào cũng quấn lấy chân mẹ. Tối đến nó nhất định phải ngủ với mẹ, hôm nào mà mẹ vắng nhà là cả đêm nó khóc ỉ ôi đòi đi tìm.
Cha tôi là thợ xây, nhiều khi phải theo công trình ở xa có khi cả tháng mới về thăm nhà. Thành thử ở nhà chỉ còn bốn mẹ con với nhau. Những ngày đấy thể nào buổi chiều mẹ cũng dọn hàng sớm, tất tả về lo cơm nước. Ăn cơm tối xong là mẹ giục ngồi vào bàn học bài. Mẹ bảo ngày xưa mẹ học giỏi lắm nhưng vì nhà nghèo nên đành nghỉ học, đến giờ nghĩ lại mẹ vẫn tiếc, nên các con cố mà học để sau này không phải lao động tay chân vất vả như bố mẹ.
Năm chị Huyền vào đại học, một lần trên đường đi làm về cha gặp tai nạn, sau vụ tai nạn ấy cha phải cưa bỏ cả hai chân và ngồi xe lăn. Trước đây cha làm thợ xây, thêm mẹ buôn bán ở chợ, kinh tế tuy không dư dả nhưng cũng đủ ăn đủ mặc.
Từ ngày cha bị tai nạn, kinh tế gia đình dồn hết nên vai mẹ. Sáng ra chợ bán hàng, chiều tối về mẹ lại tranh thủ muối thêm dưa cà để kiếm thêm vài đồng lẻ. Vất vả, mẹ gầy rộc đi. Chị Huyền khóc, xin mẹ cho nghỉ học để đi làm thuê. Nhưng mẹ không cho. Chưa bao giờ mẹ cương quyết như thế.
Năm sau nữa tôi cũng vào đại học, rồi lần lượt đến thằng Huy. Ngày chị Huyền được nhận vào công tác ở trường cấp ba huyện nhà, mẹ đã đem bán hai chỉ vàng là của hồi môn mà mẹ để dành để lấy tiền mua cho chị cái xe máy mới. Mẹ nói nó thân gái mà ngày nào cũng đạp xe đi về mười mấy cây số như thế thì sức đâu. Cha tôi nhìn mẹ rồi vội lau nước mắt quay mặt đi.
Năm tôi tốt nghiệp ra trường thì cha ốm nặng rồi mất. Sau sự ra đi của cha, mẹ suy sụp hẳn, mái tóc lốm đốm bạc thêm xác xơ, lưng còng xuống. Chị em chúng tôi đều khuyên mẹ nghỉ chợ, tôi và chị Huyền đều đã đi làm, có thể đỡ đần mẹ và nuôi em Huy học tiếp đại học. Nhưng mẹ bảo mẹ còn khỏe còn đi làm được, ở nhà mẹ càng buồn hơn.
Nhiều năm sau, Huy ra trường và công tác ở một viện nghiên cứu trên Hà Nội, tôi cũng lấy chồng và làm việc ở thủ đô. Chỉ có chị Huyền là lấy chồng gần nhà.
Trước hôm tôi cưới, mẹ gọi Huy chở lên tiệm vàng ở phố huyện, quà cưới cho tôi là sợi dây chuyền ba chỉ. Mẹ nói, cũng phải có chút ít để tôi không tủi thân với nhà chồng. Đêm trước ngày cưới, tôi đòi sang ngủ với mẹ, hai mẹ con cứ thao thức mãi. Mẹ dặn, các con đi lấy chồng nhưng nhà này mãi là nhà của các con, nên bất kỳ lúc nào muốn, các con hãy về đây,về với mẹ.
Gần ba mươi tuổi Huy lấy vợ, là con gái một gia đình quan chức ở Hà Nội. Mẹ gọi chúng tôi về, mẹ tính mấy sào vườn sẽ chia đều cho cả ba chị em, giờ Huy chuẩn bị cưới, nhà thông gia có ý định sẽ tặng cho vợ chồng nó một căn chung cư, lo em sẽ bị lép vế trước nhà vợ nên mẹ quyết định bán bớt sào vườn là phần của Huy và thêm ít tiền mẹ dành dụm được để cho em lấy tiền mua sắm nội thất cho nhà mới, có như vậy em nó mới có tiếng nói trong nhà.
Cả ba chị em tôi đều phản đối, mấy sào vườn đấy có được là bao đâu, để mẹ dưỡng già, mẹ bây giờ cũng yếu rồi, không còn ngồi chợ được như trước nữa. Mẹ bảo, mẹ già rồi ăn uống đáng là bao, hơn nữa hằng tháng chị em tôi đều gửi tiền về biếu mẹ, mấy sào vườn là mồ hôi công sức của cha mẹ đẻ tôi để lại nên đấy là phần của mấy chị em. Mẹ đã quyết rồi thì mấy chị em đừng bàn cãi nữa.
Sau ngày Huy cưới, vợ chồng chị Huyền chuyển về ở gần mẹ để tiện chăm sóc. Cứ rảnh rỗi tôi và Huy lại đưa gia đình về với mẹ. Lũ trẻ quấn quýt bà không rời, tranh nhau nhổ tóc bạc, rồi nghe bà kể chuyện cổ tích về ông bụt tốt bụng và các bà tiên tóc bạc.
Có lần nằm ôm mẹ, tôi đã hỏi sao ngày ấy mẹ không sinh thêm em, mẹ kể, mẹ bị u nang buồng trứng nên phải cắt bỏ cả hai bên nên không còn khả năng sinh con nữa. Khi về ở với cha tôi mẹ đã thầm cảm ơn ông trời vì nghĩ rằng cả đời này sẽ chẳng bao giờ được nghe gọi một tiếng mẹ, thế mà ông trời thương lại cho mẹ tận ba đứa con.
Một lần cả nhà về quê giỗ mẹ đẻ tôi, lúc thắp hương ở ban thờ, con gái đã hỏi tôi:
– Sao con chỉ có một bà nội mà lại có hẳn hai bà ngoại thế mẹ?
Tôi quay sang nhìn mẹ Vân, lúc này đang lầm rầm khấn mẹ đẻ tôi về phù hộ cho con cháu. Tôi mỉm cười với con gái và chỉ lên ban thờ:
– Con nhìn xem bà ngoại trên ban thờ và bà ngoại trước mắt có giống hai bà tiên không? Một bà tiên tóc đen và một bà tiên tóc bạc?
Một người đã không màng đến hiểm nguy của tính mạng để đem chị em tôi đến với thế giới này, còn người kia đã nhận lấy tất cả những nhọc nhằn sớm khuya, dành cả quãng đời còn lại để đổi cho chúng tôi một tương lai rộng mở…
Hôm chúng tôi chuẩn bị đi. Mẹ khệ nệ khuân túi to, túi nhỏ:
– Gà, vịt, rau, trứng của nhà, các con mang lên mà ăn, chứ trên thành phố kiếm đâu ra đồ vừa ngon lại sạch thế này. Chị Huyền ở nhà có phần đây rồi.
Xe lăn bánh, ngoái nhìn lại vẫn thấy dáng còng của mẹ hòa vào bóng hoàng hôn giữa thăm thẳm trời chiều.
Huy mua tặng mẹ một chiếc điện thoại thông minh, mẹ vui lắm. Từ ngày có điện thoại, tối nào mẹ con bà cháu cũng gọi điện, tíu tít chuyện dài chuyện ngắn.
Năm ấy mẹ bảy tám tuổi, mái tóc bạc như cước, lưng còng gập xuống, nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Mấy hôm gọi điện về, thấy mẹ kêu mệt. Đợt ấy tôi lại có lịch công tác một tuần ở nước ngoài. Tôi hứa với mẹ, sau đợt công tác này tôi sẽ cho các cháu về quê thăm bà.
Do chênh lệch về múi giờ và lịch làm việc dày đặc nên mấy ngày liền tôi không gọi về cho mẹ.
Ngày cuối cùng của chuyến công tác, khi đang trên đường trở về khách sạn để chuẩn bị ra sân bay về nước, tôi nhận được tin nhắn của chị Huyền nhắn về gấp, mẹ yếu lắm rồi.
Tôi bàng hoàng, tháng trước tôi về thăm mẹ vẫn khỏe mạnh, vẫn tự vò bồ kết với lá bưởi để đun nước gội đầu cơ mà, mới một tuần thôi sao mẹ có thể…
Tôi từ nơi phương xa vội vã chạy về khóc dưới chân mẹ, cầm bàn tay mẹ già yếu, nhăn nheo, lốm đốm những vết chàm như sự bào mòn của thời gian. Mẹ từ từ hé mắt, nhìn tôi trìu mến.
– Nga về rồi đấy hở con?
Tôi gục mặt vào lòng mẹ khóc nức nở.
– Huyền, gọi em Huy vào đây!
Ba chị em tôi, đứa gần bốn mươi, đứa nhỏ nhất cũng hơn ba mươi, ngồi bên giường mẹ như những ngày còn bé dại, mỗi lần mẹ ốm, cả ba lại xúm lại bóp tay, bóp chân vì nghĩ làm như thế mẹ sẽ nhanh khỏi ốm hơn.
Mẹ lần tay xuống dưới gối lấy ra một túi vải nhỏ. Mẹ đưa lại sổ đỏ của nhà cho mấy chị em, mẹ dặn dù có thế nào các con cũng cố giữ lại căn nhà này, sau này dù mẹ không còn nữa, chị em vẫn có chỗ để đi về. Mấy sào vườn, mẹ đã chia đều rồi. Còn đây có chín chỉ vàng, mẹ chia cho ba chị em. Số vàng này là tiền hằng tháng chị em tôi gửi về biếu mẹ, nhưng mẹ để dành. Mẹ bảo các con giữ lấy, cuộc đời không ai biết ngày mai vuông tròn thế nào, cất đi để phòng lúc bất trắc.
Cả ba chị em tôi òa khóc. Mẹ không phải là người mang nặng đẻ đau ra chúng tôi, nhưng tất cả những gì tốt đẹp nhất mẹ đều dành cho chị em tôi. Mua cho mình cái áo, đôi dép mẹ cũng tính toán, nhưng mẹ sẵn sàng bán đi mấy chỉ vàng để mua xe máy mới cho chị Huyền, còn bản thân thì vẫn ngày ngày đạp chiếc xe đạp cũ kỹ bao nhiêu năm nay từ nhà ra chợ. Chị em tôi có mua đồ ngon, đồ bổ về để mẹ tẩm bổ là mẹ lại cũng dặn đừng mua để dành tiền để sau này cho các cháu vào học những trường tốt.
Từ ngày cha tôi mất, chị em chúng tôi có gia đình riêng, chúng tôi có chồng, có con, gia đình đầm ấm quấn quýt nhau… mẹ thì cứ lủi thủi, cô đơn một mình. Chắc cũng có một lúc nào đấy mẹ cũng khát khao một người bên cạnh để sẻ chia, giãi bày. Nhưng mẹ đã lựa chọn ở lại cùng chị em tôi.
Mẹ đã theo bóng hạc xe mây về nơi cõi phật được một năm. Chiều nay ba chị em tôi lại về lại nhà cũ, cùng dọn dẹp, chuẩn bị một mâm cúng nho nhỏ thắp hương cho mẹ. Chị Huyền đặt lên bàn thờ đĩa quả thị mà mẹ vẫn thích, hương thơm nồng nàn của thị quyện theo mùi nhang khói nghi ngút bay. Cả ba chị em cùng đứng lặng trước di ảnh của mẹ…
NGA NGUYỄN
> Xem thêm: