Bạn cũ

   Bạn cũ là truyện ngắn của tác giả Nguyễn Tiến Tăng đăng trên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu tháng 11 năm 2024. Trân trọng mời quý độc giả trải nghiệm những cung bậc cảm xúc cùng tác giả. 

Đoạn đường núi cắt ngang một khu rừng già lớn. Con đường đã gắn bó với tôi hàng chục năm công tác tại Tây Bắc. Con đường đá sỏi gập ghềnh thời đi tuyển sinh cho ngành giáo dục, tôi và các giáo viên còn được bà con đưa đi bằng ngựa thồ. Cũng con đường ấy hôm nay đã rải nhựa đường asphalt phẳng lì. Tôi đã cầm lái liên tục vượt một chặng đường trường dài hàng trăm cây số từ một tỉnh miền xuôi đến tận đoạn đường này. Cánh tay ôm vô lăng mỏi nhừ, cũng phải, vì bình thường đi công tác luôn có cậu Lộc lái xe nên việc tự lái đường dài ít khi tôi phải đảm nhiệm. Dừng xe nghỉ ven đường, tôi hít hà luồng gió thanh mát tràn về từ dãy núi, thoảng có mùi hoa dại thì phải. Bao năm cống hiến cho công việc, đã quá lâu rồi tôi mới có một kỳ nghỉ phép đúng nghĩa dài đến mười sáu ngày. Khoảng thời gian thảnh thơi về thăm gia đình, họ hàng vừa kết thúc để trở lại với công việc thường nhật.

Vừa nhấp ngụm nước, như có linh tính mách bảo, tôi mở cặp táp, lấy chiếc ipad ra xem tin tức. Zalo báo liên hồi ba mươi hai tin nhắn mới từ nhóm “Lớp chúng mình A11 – 1981”. Tôi thầm nhủ, cứ đến sinh nhật ai đó lại bắt đầu bao nhiêu tin nhắn hình ảnh sẵn có. Tôi cực kỳ “dị ứng” với những icon đó vì cảm giác nhàm chán, nhạt nhẽo không chứa đựng cảm xúc. Nhưng rời nhóm cũng không đành lòng vì cách biệt nhau một khoảng thời gian dài, nghĩ tìm được nhau đã là đáng quý nên dù phiền hà cũng không nỡ xa cách. Xanh – vợ tôi sau khi nghe chồng than thở buột miệng: “Anh ở thời đại 4.0 mà vẫn cứ như ông già cổ lai hy ấy. Không thích phiền thì tắt thông báo nhóm đến khi mở lại là được. Tránh việc đêm nào điện thoại cũng nheo nhéo. Em còn tham gia đủ các nhóm thể thao, làm đẹp, ăn uống lành mạnh mà có cái âm báo khó chịu nào đâu”. Thế là từ khi nàng tắt thông báo nhóm, có hôm rảnh rỗi, tôi lọ mọ tìm lại mãi mới thấy nhóm lớp. Click vào chỉ để đọc những dòng chữ bạn bè thân quen, ngỡ bao kỷ niệm của những ngày quá khứ ùa về…

***

      “Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng… Ta  biết người buồn chiều hôm trước/ Bây giờ mùa hạ sen nở nốt/ Một chị, hai chị cũng như sen/ Khuyên nốt em trai dòng lệ sót/ Ta biết người buồn sáng hôm nay/ Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay/ Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc/ Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…”. Giọng đọc bài thơ “Tống biệt hành” vang lên trong lớp học. Tôi vốn là học sinh giỏi văn cũng thấy xúc cảm theo giọng đọc của Quảng. Quảng mới chuyển đến từ lớp Khởi Nghĩa ở huyện Tiên Lãng về lớp A11; bạn Nghĩa, bạn Nhàn cũng chuyển từ lớp tinh hoa Minh Đức về. Cũng thời điểm ấy, còn có bạn Thoai học lớp chuyên toán cấp II trên huyện chuyển đến. Cảm xúc của học trò chúng tôi hơn bốn mươi ba năm về trước chính là tự ti và tự hào lẫn lộn. Rằng cái ý nghĩ mặc định lớp mình giống như A11 là lớp “liên hợp quốc” khóa ấy. Một lớp rặt dân nhà quê của xã chuyên sản xuất, trồng thuốc lào, củ cói, làm đường đen. Bọn trẻ chúng tôi khi ấy hồn nhiên và nghịch ngợm nhưng cũng đã có những suy nghĩ riêng mình. Ấy thế mà thay đổi hẳn khi có các bạn học giỏi, là tinh hoa ở xứ sở văn minh chuyển về. Tâm lý này dần bớt đi bởi thái độ hoà nhã, gần gũi của các bạn khiến cách biệt không còn lớn. Dần dà chúng tôi đã thành một tập thể đoàn kết, cùng nhau học hành tiến bộ khiến thầy cô tự hào.

Điều đặc biệt là trong số các bạn lớp Khởi Nghĩa chuyển đến, duy nhất có Quảng là con trai. Vóc dáng nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, đôi mắt sáng và giọng đọc thơ trầm ấm khiến tôi ấn tượng về người bạn mới này. Tôi bỗng liên tưởng tới hình ảnh in trong tiểu thuyết “X30 phá lưới” với dòng chú thích “những người con trai ngoài hai mươi tuổi mắt long lanh sáng…”. Tôi còn nhớ nhiều kỷ niệm về Quảng như lần học thể dục môn nhảy cao, Quảng do thấp bé nên vốn e ngại môn học này. Cậu dậm chân, chạy đà dài rồi bật nhảy phi bay người qua xà. Lần nào đến mức xà cao cũng bay cả xà làm cả lớp cười rũ rượi khiến cậu chàng đỏ mặt ngại ngùng. Đến lúc thi môn nhảy xa, Quảng dậm bật giương chân cao nhưng kết quả toàn nện đít xuống cát trước khi chân chạm đất. Nhưng với môn đá bóng ở vị trí hậu vệ, Quảng tỏ ra giỏi giang hơn cả với lối đá rắn, chỉ có dập và tắc bóng sang sân, không ngại va chạm, khiến đối phương không thể dồn quân qua khu vực kiểm soát bóng của đội mình. Đã bao trận bóng, lớp A11 giành thắng lợi nhờ vị trí hậu vệ cứng của Quảng…

 ***

       Chiếc ipad rung lắc trên tay mà tôi cũng cảm thấy lực tay đuối dần. Sau khi ra trường, Quảng đã chuyển vào làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh bình ôxi vây quanh võng xếp, Quảng nằm lọt thỏm nhỏ nhoi, thoi thóp, dây truyền dịch và trợ thở. Những người bạn cũ kẻ ngồi, người đứng. Không gian tôi đang đứng cũng như tĩnh lặng, thời gian ngừng trôi như dõi theo, mong mỏi từng nhịp thở khó nhọc của Quảng… Trước mắt tôi lại nhớ đến kỷ niệm thời ấu thơ, khi cùng Quảng về thăm gia đình. Bố mẹ, anh em Quảng đều là những người hiền lành. Quảng có tấm lòng thơm thảo, đối với bạn bè luôn nhiệt tình, không nề hà điều gì cả. Tôi nhớ dịp kỷ niệm năm mươi năm thành lập trường cũ, sau lễ kỷ niệm, Quảng mời cả lớp về nhà ở Khởi Nghĩa. Sau bữa ăn, Quảng cắm quả chanh vào đũa làm mic, hát liên khúc hào sảng “chiếm diễn đàn” từ đầu đến cuối bữa… Nụ cười của Quảng tươi rói và vẫn còn dư vị thanh xuân.

Rồi chỉ mới cách đây hai năm, tôi có dịp về quê và gặp Quảng, Khởi Nghĩa, Nhãn, Xuyến. Một buổi chiều nắng rát gặp nhau tay bắt mặt mừng, ào ạt, nhoáng nhoàng, vội vàng trò chuyện. Quảng nói với tôi: “Năm sau mình nghỉ hưu. Nghĩ cũng vui vì đã an nhàn, nhưng cũng buồn vì thế là tuổi già sầm sập đến. Một trong những niềm vui trong đời là gặp lại bạn cũ. Chẳng cái tình nào phóng khoáng, vô tư như tình bạn thuở xưa…”. Ánh mắt Quảng nhìn xa xăm. Thời điểm dịch bệnh ấy, tôi để ý giọng Quảng cũng đã oải, tiếng khàn, húng hắng ho khác trước. Không khí vẫn thật vui, gần gũi, ấm cúng… chia tay nhau vẫn bịn rịn hẹn gặp. Quảng nhắc đến những người bạn cũ, có người cuộc sống ấm êm, mừng cho bạn. Cũng có người nửa đường đứt gánh, còn lận đận về tình duyên, công việc. Âu cũng là cái số. Quảng bảo tôi: “Tuổi mình không nghĩ nhiều nữa. Chỉ mong có sức khoẻ và gặp lại được nhau chuyến nào vui chuyến đó. Bản thân mình hay nghĩ đến thời đi học của chúng ta và rất trân trọng tình cảm này!”. Tôi vẫn ít nói như xưa, nhưng chỉ nhìn vào mắt Quảng đã đủ hiểu nhau dù cũng chỉ là hỏi thăm qua các cuộc điện thoại, nhưng tình cảm vẫn ấm áp mãi.

Cuộc gọi của Thoai cho tôi dài đến mười chín phút. Tin dữ khiến tôi cảm thấy bàng hoàng, trống rỗng. Tôi chợt nhớ một câu chuyện đẹp về Quảng cách đây hai mươi năm. Khi tôi tham mưu cho Chủ tịch tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có đóng góp trong phong trào thiện nguyện tại vùng lũ. Tôi giật mình khi thấy danh sách có tên Phạm Đức Quảng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tư vấn Nam Trường Sơn. Hóa ra Quảng vẫn âm thầm có những đóng góp dựng xây miền rừng núi, sẻ chia với những số phận bất hạnh vì thiên tai.

Tôi nhớ Quảng từng nói cuộc đời mình luôn là những chuyến đi. Đúng như thế, những năm tháng binh nghiệp, Quảng đã đi suốt rộng dài đất nước, nhất là đất phương Nam, đi chiến trường K. Chẳng nề hà nơi nào, dấu chân người lính Phạm Đức Quảng đã in dấu khắp các chiến trường: dù là Xiêm Riệp hay Ta Keo, Kampong Thom hay Biển Hồ, Phnôm Pênh, Ăng-co Vát… Tôi từng nghĩ những người như Quảng luôn sống vì lý tưởng, con đường Quảng đi ấy, những vùng đất đó không nói chắc được điều gì về sống – chết nhưng họ vẫn đi vì niềm tin vào hoà bình và con người. Thật may bom đạn cũng chỉ gây thương tích, Quảng đã trở về và tiếp tục cống hiến, thực hiện cả những điều tốt đẹp, thiện nguyện giữa đời thường, san sẻ với những người không may mắn. Quảng là thế, kiêu hãnh và tự hào, hào sảng nhưng giản dị, chân tình và đa cảm, quảng giao mọi nhẽ… đúng nghĩa cái tên “Đức Quảng” mà phụ mẫu đã đặt cho. Con người ấy đã trải qua nhiều va đập, sóng gió. Kể cả khi bạo bệnh, Quảng vẫn âm thầm chịu đựng, chống chọi, gan góc chiến đấu… Thời khắc khó khăn tưởng chừng như không thể chịu đựng được nữa, đối diện với tử thần, với khí chất ấy, tôi tin Quảng không hề gục ngã,  kinh sợ và suy sụp. Đạn bom, thương tật Quảng đã thắng nhưng cái tế bào K nhỏ bé, vô hình kia đã âm thầm di căn khắp cơ thể Quảng…

***

          Tin dữ từ cuộc gọi của Thoai khiến tôi cảm thấy bàng hoàng, trống rỗng. “Người đi? Ừ nhỉ, Người đi thực!/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say”. Câu thơ của Thâm Tâm lại ngân lên. Giọng nói của Quảng vẫn vang lên ở tuổi thiếu niên. Tôi nghĩ mình đã hiểu thông để những mất mát không phải là nỗi đau nữa. Bên hiên nhà, tiếng ra-di-ô vang lên ca khúc: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi”.  Ngoài cửa sổ, mưa lại thánh thót rơi. Mùa mưa năm nay dai dẳng, dầm dề đến thế! Tôi chợt nghĩ sớm mai, mình sẽ đăng ký thiện nguyện ở vùng lũ, sẽ xuống thăm từng cảnh ngộ của bà con. Sẽ làm những việc tốt như Quảng đã từng…

 

NGUYỄN TIẾN TĂNG

> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu

Facebook Văn nghệ Lai Châu

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.