Diện mạo mới trên quê hương Nậm Tăm

Xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ có 4 dân tộc (Thái, Dao, Lự và Kinh) sống tập trung tại 10 bản với dân số trên 1.000 hộ. Trong tâm thức của mỗi gia đình thuộc diện di dân tái định cư ngày ấy chưa khi nào quên cảnh gần 20 năm trước, họ rời bản để nhường chỗ cho lòng hồ thủy điện, tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc.

Rót chén trà nóng, bên căn nhà gỗ khang trang kiên cố, ông Tao Văn Cắm, Bản Phiêng Lót, năm nay đã tuổi ngoài thất thập cho biết: Trước khi về Tái định cư (TĐC) tại bản Phiêng Lót, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, hàng năm đều phải nhận gạo cứu đói của Nhà nước. Lúc đó, gia đình tôi chưa có nhà kiên cố. Từ khi về nơi ở mới, nhận được tiền đền bù, hỗ trợ, gia đình tôi đã xây dựng nhà mới, có vốn đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, các con tôi đều được đi học. Nay nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, có xe máy và được dùng điện lưới quốc gia… là những điều trước kia tôi không bao giờ dám mơ.

Còn ông Tao Văn Ún – Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nậm Tăm vẫn nhớ như in giai đoạn từ năm 2004 đến nay, huyện Sìn Hồ thực hiện di dân, tái định cư TĐC để xây dựng 3 công trình thủy điện: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Nậm Na 2 và Thủy điện Nậm Na 3. Trong đó, công trình Thủy điện Sơn La là lớn nhất với diện tích đất ngập trên địa bàn huyện phải thu hồi là 1.142ha, thực hiện tại 9 xã, 50 bản, 1.172 hộ, 6.256 nhân khẩu phải di chuyển. Khối lượng công việc vô cùng lớn, dù vậy huyện đã hoàn thành kế hoạch di dời trước một năm so với tiến độ tích nước Thủy điện Sơn La.

Trong cuộc di dân TĐC được ví  như bản hùng ca lịch sử thời đại, riêng xã Nậm Tăm có 6/14 bản thuộc diện này, có nghĩa là sẽ có hàng trăm nóc nhà của các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Lự chuyển lên nơi ở mới. Rời bản cũ nhường đất cho thủy điện, nhưng trong lòng nhiều người dân vẫn lo lắng. Bởi “vạn sự khởi đầu nan”, mọi thứ đều mới, những khó khăn ban đầu là không thể tránh khỏi. Ngày đó, hình ảnh những con đường ở Nậm Tăm gập ghềnh nhỏ hẹp, những căn nhà gỗ đơn sơ nép mình bên những vạt đồi, ven suối. Nhưng rồi, mọi khó khăn ban đầu cũng qua đi, sau khi ổn định, các hộ được phân lô, làm nhà, công cuộc dựng xây vùng đất mới như bài ca lao động.

Cây ăn trái đang giúp bà con xã Nậm Tăm ăn nên làm ra.

Ông Cà Văn Nguyên – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Người dân Nậm Tăm luôn đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy thế mạnh địa phương. Cùng với được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua tổ chức hội nông dân, nhiều gia đình ở Nậm Tăm đã chuyển đổi phương thức sản xuất, mô hình kinh tế mới cho thu nhập khá và ổn định thoát nghèo vươn lên làm giàu. Năm 2017, chính quyền và nhân dân xã Nậm Tăm đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đồng thời là xã cán đích NTM đầu tiên của huyện Sìn Hồ. Tuy cán đích NTM, nhưng xã còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Để giúp bà con nâng cao thu nhập, những năm gần đây, các cấp chính quyền xã Nậm Tăm đã khuyến khích, động viên nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, bà con có thu nhập ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Cũng như bao gia đình khác, gia đình ông Tao Văn Kẻo dân tộc Lự ở bản Pậu, thu nhập chính gia đình vào mấy sào ruộng và chăn nuôi gà để cải thiện, nhưng cuốc ống cũng chẳng khấm khá là bao. Năm 2021, HĐND tỉnh Lai Châu ban hành Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND, ngày 22 tháng 3 năm 2021 Quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, có thêm nội dung hỗ trợ nuôi ong, là lợi thế cho bà con nơi đây, vì Nậm Tăm có diện tích rừng tự nhiên phong phú, rất có tiềm năng để phát triển nghề nuôi ong gắn với tự nhiên.

Khi tiếp cận nguồn vốn từ Nghị quyết 07, bước đầu ông Kẻo đầu tư 20 thùng ong, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ sách báo và những hộ nuôi ong ở các huyện lân cận. Nhờ thay đổi phương thức sản xuất, từ nuôi ong theo phương pháp thủ công chuyển sang nuôi ong dùng thùng gỗ, áp dụng khoa học kỹ thuật, đàn ong sinh trưởng và nhân đàn đến nay gần 100 thùng. Mỗi đợt quay ong, gia đình có vài ba trăm lít mật, với giá bán buôn khoảng 150 nghìn đồng/lít, mỗi năm lượng mật mang lại thu nhập cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng. Từ mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông, nhiều hộ trong xã được ông tận tình chia sẻ kinh nghiệm. Hiện toàn xã 457 đàn ong, hàng ngày ông Kẻo đang cùng  25 hộ nhân đàn, phát triển thương hiệu mật ong Bản Bậu.

Nông sản của bà con Nậm Tăm

Cùng với chăn nuôi sản xuất là công tác tuyên truyền vận động nhân dân chăm sóc cây ăn quả, đặc biệt là các diện tích đã được các chương trình dự án hỗ trợ trồng như: Cây cam, xoài tại các bản Nậm Lò, Tà Tủ; cây mít tại các bản Nậm Ngập, Nậm Lò; cây bưởi da xanh tại bản Nà Tăm 1. Tổng diện tích cây ăn quả là 162,61ha (cam 15,1ha; 2,5ha;  xoài 41,01ha;  mít 7ha, mắc ca 44ha, dứa 30ha, chuối 23ha).

Nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn của xã đã kiên cố hóa đạt 100% theo tiêu chí xây dựng NTM đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi; hệ thống kênh, mương đảm bảo phục vụ tưới tiêu sản xuất. Đời sống người dân ngày được nâng lên, nhiều hộ được công nhận khá, giàu; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo dưới 10%; số hộ khá, giàu tăng tăng theo từng năm. Nhiều hộ đã sắm được các vật dụng tiện nghi có giá trị, có trên 90% hộ đạt gia đình văn hóa.

Dạo một vòng trên những cung đường thảm nhựa, bê tông phẳng lỳ với trục đường lớn, hiện ra trước mắt chúng tôi lần lượt các điểm TĐC Phiêng Lót, Nậm Ngập, Phiêng Chá, Nà Tăm… những mái nhà sàn, nhà xây khang trang kiên cố – Nậm Tăm một bức tranh nông thôn đang ngày ngày đổi mới.

HÀ MINH HƯNG

>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu

>> Facebook: Văn nghệ Lai Châu

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.