Chuyện kể rằng tại một bản nọ có hai mẹ con người đàn bà góa. Cô con gái lớn trong sự yêu thương vô bờ bến của mẹ. Nhìn con gái lộng lẫy như bông hoa, rồi một ngày nào đó sẽ đi lấy chồng thì bà sẽ trở nên cô đơn. Tình yêu thương phút chốc hóa thành ích kỷ. Thế rồi bà mẹ luôn dạy con gái rằng đàn ông thật đáng sợ, vòng tay ôm ấp, bế bồng của người đàn ông chỉ đem lại sự đau đớn. Không những thế theo như lời nói của bà mẹ, viễn cảnh của những người đang bụng mang dạ chửa thật kinh khủng. Vì con gái thiếu cha nên những gì mẹ nói cô đều tin là thật. Ngày qua ngày cô gái trở nên tự kỷ trong suy nghĩ và xa lánh đàn ông. Nương rẫy chỉ có hai mẹ con cùng làm. Khi mẹ bận thì mình cô thui thủi trên nương.
Cho đến một ngày, có chàng trai bản bên vô cùng say mê tìm cách để lấy được cô làm vợ. Chàng trai quyết định cải trang thành thiếu nữ rồi đến kết bạn với cô gái, bà mẹ không chút nghi ngờ. Từ đấy, mỗi khi lên nương hay xuống ruộng hai người đều bên nhau bầu bạn. Vào một buổi khi chỉ có hai người chàng trai mới bộc lộ cho cô gái biết thân phận của mình, chàng ngỏ lời với cô gái, cô gái đã được trải qua niềm hạnh phúc lứa đôi thật sự, nó khác hẳn với những gì mà mẹ cô đã nói. Vậy là cô theo chàng trai về bản bên làm dâu sinh con và sống rất hạnh phúc. Về sau này, khi mẹ cô mất, thương mẹ và biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cô xin chồng giúp dựng chiếc lều con ven bản để đặt ống hượng thờ cúng. Đó là nguồn gốc về “hượn nọi” phong tục của con gái thái.
“Hượn nọi” nhà nhỏ được mô phỏng hình dạng một ngôi nhà sàn thu nhỏ nó chỉ khác với nhà ở là không làm hai trái úp mà chỉ làm hai trái như chuồng chim bồ câu. Xưa kia đất đai rộng nên thường dựng “hượn nọi” lên dải đất ngoài bản hoặc ven suối. Cũng có trường hợp dựng ‘hượn nọi” ở trong bản nhưng tuyệt đối không dựng đằng sau nhà ở. Quan niệm cho rằng con cháu làm ăn không vươn với. Thờ cúng ‘hượn nọi’ hàng năm chỉ khi người con gái còn sống, có người sống gần trăm tuổi mà vẫn có trách nhiệm thờ cúng. Không tự đi cúng được thì cho con cháu trong nhà đi cúng thay. Khi người con gái đó mất đi, dù mất già hay mất trẻ thì con rể và các cháu ngoại cũng không thờ cúng nữa sau đó dỡ “hượn nọi”. Sau đây là lời cúng “hượn nọi” vào dịp tết:
Ờ… Pó đẳm mé đẳm hởi!
Chiêng pi mắu lò
Lụ lan tặng hượn
Chắng kếp má ha đảy, tánh đảy vậy mị
Mị lẩu, mị cáy
Mị hát pụ tặng khọn che hom
Mị khẩu tủm khẩu pảnh
Mị khẩu póng, khẩu xén
Mị cuổi, té ỏi
Mị té pa giảng, pa dặm
Mị ngân bó đăm, khăm bó mấn
Dát xớ pó mé đẳm
Kim dớ pó mé đẳm ởi
Kin xong ngạn xam ngan hẳu tốc
Kin hốc ngán chết ngán hẳu hảnh
Cắp căn kin lè cắp căn dơ
Chợ căn kin lè chợ căn cộm
Cộm lụ, cộm lan hẳu dú hảo tặng pi
Hẳu dú đi tăng chố
Pi mắu dệt khong mắu hắu mả
Hệt xăng hẳu khẩu mự kha mạ mự xại
Ngân khặm hẳu lay khẩu
Khẩu nặm hẳu lay cong
Cộm khẩu dú háy hộng na
Khẩu dú ná hộng cọm họng lám
Cộm khong tảnh khong liệng hẳu mả hẳu pé
Cháng cộm lụ cộm lan
Tay cay chắng bấu muốn nả
Xả táng tạo chắng bấu nhăn
Dịch nghĩa:
“Con kính lạy cha mẹ
Năm mới tết đến
Con cháu cả nhà
Mới tìm kiếm được
Có rượu nồng, thịt ngon
Có trầu không và chè thuốc
Có bánh chưng, bánh mật
Có bánh bỏng, bánh con chì
Có chuối nải, đường phên
Có cá rạch sườn sấy khô
Có nhiều vàng mã
Kính lễ mẹ cha
Mời cha mẹ vừa ăn vừa uống
Uống 2 lần 3 lứa cho rụng
Uống 6 lần 7 lượt cho cạn
Cùng nhau ăn thì cùng nhau che chở
Cùng nhau uống thì cùng nhau phù hộ
Phù hộ con cháu khỏe mạnh quanh năm
Sống bình an cả đời
Năm mới làm gì cũng được nhiều
Trời mới làm gì cũng dư dả
Của cải vào hai tay
Vàng bạc xếp đầy hòm
Thóc lúa chất đầy kho
Phù hộ lúa trên nương mẩy hạt
Lúa dưới ruộng trĩu bông
Phù hộ cho chăn nuôi phát triển
Khéo phù hộ con cháu
Người bản gần mới không cười mặt
Xã mường xa mới không chê bai…
Tục dựng “hượn nọi” của con gái Thái để thờ cúng cha mẹ là mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện được sự hiếu thảo giữa con gái đối với cha mẹ, là nét đẹp văn hóa cần được phát huy. Qua đó, góp phần giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái.
NÔNG VĂN NẢO