Bà tổ nghề dệt vải, nhuộm chàm người Thái ở xã Chăn Nưa

Dân tộc Thái Việt Nam nói chung đều có nghề trồng bông dệt vải, nhuộm chàm từ lâu đời. Vải dệt ra chủ yếu tự cung tự cấp cho trang phục may mặc, chăn đệm nằm ngủ… và sinh hoạt gia đình, ngoài ra vải còn là mặt hàng chủ yếu có giá trị dùng để trao đổi hàng hóa với anh em các dân tộc khác không có nghề dệt vải.

Nghề dệt vải nhuộm chàm chủ yếu do phụ nữ chịu trách nhiệm, vì thế nên mới thành tiêu chuẩn đánh giá người phụ nữ Thái. Phụ nữ Thái ngoài đức tính: “công, dung, ngôn, hạnh” còn phải thành thạo nghề dệt vải nhuộm chàm thì mới được công nhận là người phụ nữ tốt, đảm bảo cho hạnh phúc gia đình con cháu về sau.

Vải Thái ngày xưa được dệt bằng sợi to thô chỉ đảm bảo mặc ấm mà thôi, nhưng về sau nhu cầu thẩm mỹ được nâng cao, ai cũng thi nhau kéo sợi mảnh dệt ra vải mịn để may mặc.

Trong số phụ nữ giỏi nhất ở Chăn Nưa có con gái tạo chủ mường nổi tiếng xinh đẹp, nết na chịu thương chịu khó. Nàng chăm chỉ kéo sợi dệt vải, nuôi tằm dệt lụa. Nàng kéo sợi mảnh như tơ nhện, dệt vải mịn. Vải nàng nhuộm chàm đen nhánh như câu thơ:

“Nang dệt nin há đăm cọm

Dệt hỏm há đăm xanh

Đăm cọm dương pik ca

Mư khuê khoa há chắp chu nịu…”

Nghĩa là:

Nàng làm chàm đen đậm

Vải nàng nhuộm đen nhánh

Đen bóng như cánh quạ

Thò tay vào đen dính bàn tay([1]).

Vải của Nàng, làm bao chàng trai ao ước được may áo mặc. Nàng truyền dạy cho các cô gái trong bản biết dệt vải nhuộm chàm đẹp như mình. Nàng còn đặt ra một số quy định về cách đo đếm riêng cho nghề dệt vải như: đo vải bằng sải tay của người dệt, khi đo phải ưỡn ngực giang tay hết cỡ. Vải dài ngắn tùy sải tay người dệt, khi trao đổi mua bán không được chê trách, về cách đếm vải như sau: bốn sải vải xếp lại gọi là một “chau”, mười chau (40 sải) cuộn lại gọi là một “cọn”. Về khổ vải còn nhiều quy định về cách đếm sợi và cách đo khác nữa. Các quy định đo đếm đó được cộng đồng thợ dệt người Thái chấp nhận sử dụng đến tận ngày nay.

Nhờ có công truyền dạy nghề dệt vải trong bản mường, Nàng được mọi người kính trọng coi Nàng là bà tổ nghề dệt vải, nhuộm chàm. Họ đặt tên cho Nàng là: Nàng Xen Khăm Bok phải([2]).

Năm đó, đang trong dịp ngày lễ kiêng mường lớn([3]), vì mải công việc Nàng đã trót nhuộm chàm hơn chục sải vải. Vải đã nhuộm xong nếu không mang rũ dưới nước thì sẽ hỏng, còn chờ hết ngày lễ thì lâu quá. Nhưng mang ra rũ dưới sông thì vi phạm luật kiêng mường. Biết vậy, Nàng mới bí mật mang vải đi rũ ở Lọng Ta Van([4]), lúc trời nhá nhem tối.

Nàng giấu được người trong bản việc làm vi phạm của mình nhưng làm sao giấu được thần thánh bản mường? Thần mường nổi giận sai hổ lớn đến trị tội. Hổ đến bắt quả tang Nàng đang rũ vải dưới nước liền bắt chước tiếng người với giọng lơ lớ, quát to:

– “Sếu Cặm mương Nàng chắng báu cặm phai”.

(Sếu căm mướng Nang chắng báu căm phải)

Nghĩa là:

– Người ta kiềng mương tại sao Nàng không kiềng vai.

(Người ta kiêng mường tại sao Nàng không kiêng vải)?

Nàng không trả lời được, hổ liền vồ tha lên mỏm đồi ở đầu bản Chiềng Chăn trị tội. Hết lễ kiêng mường, dân bản đi tìm thấy xác nàng trên đồi. Tạo chủ mường cùng dân bản đau xót làm đám tang cho Nàng bảy ngày bảy đêm. Họ mang cái chảo bốn quoai luộc được cả con trâu đực to lên đồi đun nấu làm đám tang. Con gái trong bản góp vải góp lụa làm “cao”([5]) cho Nàng gồm bốn mảnh vải trắng năm tấm lụa hồng phủ từ trên đồi xuống đến ruộng Pák Ca dài hơn nghìn sải tay.

Mỏm đồi nơi kê chảo bốn quoai([6]) luộc trâu làm lễ tang cho nàng được đặt tên: “Pu Mỏ Xí Hu”, nghĩa là Đồi chảo bốn quoai, cái tên đó vẫn được dùng đến tận ngày nay.

     “Cao” dựng trên mộ quý bà dân tộc Thái trắng Chăn Nưa và Mường Lay. Ảnh: Điêu Thuyển

Thật tiếc lắm thay, một người con gái xinh đẹp giỏi dang có công lớn truyền dạy nghề dệt vải nhuộm chàm cho mọi người, được mệnh danh là Bà tổ nghề dệt vải nhuộm chàm của bản mường lại phải chịu cái chết đau đớn tang thương như vậy.

Kể lại câu chuyện buồn về Nàng Xen Khăm Bok Phải, người dân thường nhắc nhở nhau luôn phải ghi nhớ công việc dệt vải nhuộm chàm theo cách nàng đã truyền dạy và điều quan trọng nữa là không được vi phạm luật lệ quy định của bản mường.

 

[1] Đen dính ngón tay: ngày xưa việc làm chàm nhuộm vải đen đậm không phải ai cũng làm được, đây là một nghề được tôn trọng nên trong các bài cúng tâm linh cũng như những lời chúc mừng thường có câu như vậy.

 

[2] Nàng Xen Khăm Bok Phải: Ý nghĩa tên gọi là Nàng Triệu Vàng Hoa Bông, tên rất đẹp mang nội dung về nghề trồng bông dệt vải.

 

[3] Lễ kiêng mường lớn: ngày xưa ở Chăn Nưa có hai lễ kiêng mường, kiêng mường nhỏ 3 ngày, kiêng mường lớn 6 ngày. Trong những ngày lễ mọi người có sự chuẩn bị trước cho sinh hoạt(gạo, nước…) mọi hoạt động thường ngày phải dừng lại, nội bất xuất ngoại bất nhập. Mọi người chỉ ăn chơi xem thầy mo làm lễ xin mường…

[4] Lọng Ta Van: Lòng sông cũ thành đầm lầy ở cuối bản Chiềng Nưa ngày xưa.

 

[5] Làm cao: Đám tang người Thái trắng ngày xưa quy định, những nhà có trâu mổ trong đám tang mới được làm Cao. Cao được dựng cột gỗ cao gần chục mét ở phía trước ngôi mộ, ở trên có buộc nhiều xà ngang treo vải nhiều màu. Cao của đàn ông với đàn bà khác nhau, Cao đàn bà dùng chín tấm vải Thái; bốn trắng, năm hồng xen kẽ buộc từ trên xà ngang trên cùng rủ xuống (Đàn bà biết dệt vải nên được dùng vải cả tấm). Cao đàn ông thì cắt mảnh nhỏ như cờ đuôi nheo treo trên các xà ngang (Đàn ông không biết dệt vải phải xin với đàn bà nên được những mảnh vụn thôi).

 

[6] Pu mỏ xí hu: Đồi chảo bốn quoai, là mỏm đồi có thật ở đầu bản Chiềng Chăn, hiện nay vẫn mang cái tên gọi dân gian ấy.

ĐIÊU VĂN THUYỂN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.