Ngọn lau trước gió

Giờ thì hình ảnh Cheng và cả niềm tin trong Miên đang lung lay, tâm trạng cô chơi vơi như ngọn lau trước gió. Cheng đã hứa không bao giờ rời xa Miên. Cheng đã làm đúng những gì đã hứa với Miên, kể từ ngày nói yêu cô. Thế nhưng Cheng đã làm gì trong thời gian qua. Nhiều lúc Miên muốn gặp Cheng nhưng dự định ấy không chiến thắng được lòng tự ái đầy ắp trong lòng. Miên sẽ không níu kéo nếu như Cheng đã có người con gái khác. Mới hôm nào hai đứa còn quấn quýt bên nhau, dắt díu lên nương, cùng nhau tra hạt, ấp ủ bao khát khao dự định và cùng mơ đến một mái nhà. Giờ thì ngô đã treo kín vách, mọi người đã rục rịch làm đất chuẩn bị tra vụ mới, thế mà Cheng vẫn bặt vô âm tín.
Đã bao đêm Miên ngồi một mình, giao tiếp với ngọn lửa bằng những tiếng thở dài. Tiếng củi khô tí tách rồi chìm vào im lặng. Miên không nhớ bao nhiêu lần trốn chạy, bao nhiêu lần lừa dối nhịp đập của trái tim, bao nhiêu lần kìm nén những bồi hồi của người con gái. Tâm trạng đó khiến con tim loạn nhịp trong lồng ngực chực vỡ tan. Bao nhiêu suy nghĩ, bao lý do cô đưa ra để trốn tránh hình ảnh của Cheng đang tràn ngập trong tâm trí và cố gắng đưa ra một lý do thích hợp nhất để từ chối một người con trai tốt như Cheng đến với mình, nhưng sự kiên trì của Cheng và tình yêu anh dành cho cô đã thắng.
Cheng ào đến bên cô vội vã như nụ hôn anh giành cho cô bên bờ suối lúc chạng vạng hoàng hôn. Để rồi Miên chỉ biết nín lặng nhìn Cheng cho đến khi con suối như ngừng chảy nhường chỗ cho hơi thở gấp gáp và những bông lau rung lên từng nhịp, khi bóng Cheng mất hút trước những bông lau trắng muốt. Miên biết buồn kể từ ngày đó, ngày cô bẽn lẽn trao cho Cheng tấm khăn làm tin. Tấm khăn không chỉ là hiện thân của núi rừng, của nắng gió, của lúa chín trên nương và cả những bông hoa trắng tinh khiết, đó là tấm chân tình Miên âm thầm, cần mẫn, nâng niu trao gửi cho Cheng, người thương của cô. Ngay từ khi tra những hạt thóc đầu tiên, Miên đã lặng lẽ thêu khăn với những ngón tay run rẩy, những mũi kim nẩy ra sắc nhọn, môi xinh cắn chặt tứa máu. Đến mùa thu hoạch, khi những bao lúa đã phơi khô được hai mẹ con xếp gọn nơi góc bếp. Khi tấm khăn dài bằng sải tay, Miên mới ngập ngừng trao nó cho Cheng. Đấy không chỉ là vật làm tin mà nó còn gói ghém cả nỗi nhớ, niềm thương cô dành cho Cheng.
– Tại sao nó nguyện gắn bó với mày rồi biến mất dạng? – Mẹ ngờ vực.
Miên lặng im trước câu hỏi day dứt của đấng sinh thành. Câu hỏi đó, Miên từng hỏi Cheng và hỏi ngay chính bản thân mình, kể từ ngày anh đến bên cô.
Tại sao Cheng lại chọn Miên mà không chọn người khác? Miên hỏi Miên, hỏi mãi nhưng chẳng có câu trả lời. Cho đến khi cô phải bước ra sân, ngửa cổ lên trời như muốn uống lấy từng giọt đêm quánh đặc trong sự im lặng đến ngột ngạt. Ngột ngạt như siết chặt lấy Miên cháy bỏng. Giờ thì tâm hồn Miên quen với sự im lặng, quen với màn đêm và sự ngột ngạt ấy mất rồi. Hàng đêm, cô ngồi lặng im như cái bóng hắt trên vách. Đôi khi cái bóng run rẩy theo ánh lửa như đang khiêu khích, đang muốn trò chuyện với cô, đáp lại là hình ảnh Miên bất động. Miên chẳng biết từ khi nào mình trở nên dửng dưng, hờ hững như thế. Miên nhớ Cheng, nhưng Miên không gào lên vì nhớ Cheng được. Nỗi nhớ ấy khiến cô không thể cứ đến bữa thì ăn, đến giờ thì ngủ được. Nỗi nhớ ấy chất chứa, nén chặt trong lòng chỉ chực vỡ ra như những âm thanh ú ớ chỉ muốn bật ra khỏi khóe miệng xinh xắn như nụ ban chực hé nở của Miên.
Vậy thì điều gì đã khiến Cheng từ bỏ Miên? Miên cần một câu trả lời, một sự thật. Miên tự hỏi, đến ngày thứ bao nhiêu thì Miên mới thôi ngồi bần thần bên bếp lửa và ngừng rơi nước mắt. Đến ngày thứ bao nhiêu Miên mới trở lại bình thường như những ngày Cheng chưa xuất hiện trong cuộc đời cô.
Sao Cheng ác thế? Cheng lỡ bóp chết Miên trong im lặng vậy sao? Cheng đã hứa sẽ ở bên cô suốt đời, sẽ cùng cô vượt qua khó khăn. Giờ đây, sự im lặng của Cheng làm niềm tin trong Miên chông chênh. Giờ thì Cheng ở đâu trong tâm trí Miên? Vết chân trên nương còn chưa kịp ráo mà Cheng đã như xa lắm. Cheng chất phác, thật thà, không lẽ lại là người như thế sao? Đang tâm bỏ đi mà không đau xót? Đang tâm dập tắt ước mơ nhỏ nhoi của một đứa con gái như Miên. Miên yêu Cheng nhiều, nhiều lắm, nhiều hơn cả bản thân mình, nên Miên chọn cách để Cheng đi. Nhưng Cheng luôn ở đây, trong trái tim, khối óc của Miên.
“Quên Cheng đi!” Chiếc điện thoại trên tay rung lên từng nhịp gấp gáp, báo hiệu có tin nhắn. “Quên Cheng đi!” đấy là tin nhắn của Cheng hay Miên đang tự hỏi chính bản thân mình. Câu trả lời không phát ra thành tiếng, chỉ thấy con tim uất nghẹn. Chỉ có tiếng gió thốc qua vách gỗ. Lửa trên bếp tắt lịm. Đêm bỗng như dài hơn bởi những tiếng thở dài ái ngại của mẹ phát ra từ gian bên.
Dù đưa ra bất cứ lý do gì thì Miên vẫn giận, vẫn hận và trách Cheng nhiều lắm. Hận Cheng vì đã đang tâm lừa dối, nhẫn tâm giết chết bao hi vọng từ Miên. Nhưng sao càng giận, càng hận thì hình ảnh Cheng lại hiển hiện rõ ràng trong tâm trí Miên. Cheng ở đây, đứng dưới chân cầu thang đón Miên. Cheng ở đây, hái cho Miên những bông lau trắng. Cheng ở đây trong tâm trí Miên ngay cả lúc ăn, lúc ngủ và mỗi lúc lên nương. Trái tim bé bỏng thổn thức, đầu óc ngồn ngộn những câu hỏi mông lung. Lòng Miên không hận Cheng được! Miên không dám nghĩ đến ngôi nhà và những đứa con nữa… Ước mơ nhỏ nhoi đó tan vỡ rồi, tan vỡ như giọt nước trên mái gỗ đổ xuống bậc thềm, tan vỡ từ ngày Cheng cắt đứt mọi liên lạc với Miên. Miên mà chết, hết phận của Miên, nhưng còn mẹ già, người vẫn đau đáu dõi theo đứa con gái bất hạnh bằng những cái trở mình mỗi khi đêm xuống, động viên Miên bằng những tiếng thở dài thườn thượt thoát ra từ hơi thở khò khè trên tấm thân teo tóp, già nua. Miên phải sống, sống cho Miên, cho mẹ. Miên phải sống để trả cho Cheng tất cả những khổ đau, uất nghẹn cô đã từng trải qua. Mà Miên sống thế nào được, khi ngay cả trong giấc ngủ hằng đêm, trong mỗi cơn mơ chợt thức cũng luôn chất chứa hình dáng quen thuộc của Cheng. Miên muốn quên đi tiếng bước chân thình thịch, quên đi hơi thở rộn ràng mỗi khi Cheng trao Miên những bông lau trắng muốt.
– Đi, mày đi với tao! – Mẹ vùng vằng.
Miên chưa kịp trả lời câu trước, chưa nói dứt câu sau mẹ đã kéo Miên đi. Bao dồn nén, bao bực bội chất chứa cùng bao sự ngờ vực từ bấy lâu như tạo nên cho mẹ một sức mạnh vô hình. Sức mạnh ấy thể hiện qua mỗi bước chân gấp gáp, mặt đường rào rạo sỏi đá phát ra những tiếng loạch xoạch. Cứ thế, hai mẹ con tìm đến nhà Cheng. Mẹ lôi Miên đi, chỉ để tìm câu trả lời, tìm sự công bằng cho đứa con gái bé bỏng như Miên.
– Cheng, thằng Cheng đâu…
Mẹ tất tưởi kéo Miên bước luýnh quýnh lên cầu thang.
– Đừng tìm nó! Nó nói với tôi thế, rồi đi luôn! Thằng bất hiếu!
Giọng nói thều thào phát ra từ phía góc nhà, mẹ Cheng ngước đôi mắt u uất nhìn hai người rồi quay sang nhìn Miên.
Hai người đàn bà gặp nhau, hai khuôn mặt già nua, khắc khổ như phản chiếu nỗi khổ đau của nhau. Hai khuôn mặt nhăn nhúm giãn ra, chỉ khác ở chỗ khuôn mặt một người sụt sùi nước mắt, người còn lại thì hem hễ mồ hôi đỏ lên vì tức giận.
– Sao khổ thế này, thằng bất hiếu! – Mẹ Cheng rúm ró.
– Thằng Cheng! bụng dạ giả dối… – Mẹ rít rít qua kẽ răng.
Trong không gian lù mù, u ám, giữa tiếng khóc sụt sùi pha lẫn tiếng trách móc nhấm nhẳng bên tai. Miên im lặng, sự im lặng khiến hơi thở của cô cũng trở nên ngập ngừng, tâm trạng Miên như vũng nước tù, đọng lại trong vết chân người in trên mặt ruộng ẩm ướt. Giữa những câu được câu mất của một bên là mẹ ruột, một bên là người mà Miên đã coi là mẹ chồng từ khi Cheng gieo cho cô hi vọng, nhen nhóm trong cô hình ảnh về ngôi nhà và những đứa trẻ; hứa hẹn với cô về đám cưới rộn rã khắp rừng trên, ruộng dưới, khắp bản gần, bản xa. “Anh sẽ đi làm, sẽ kiếm tiền! Hãy tin anh!”. Lời hứa của Cheng bên bờ suối hôm nao phảng phất trong đầu Miên. Hình ảnh hai người mẹ già với những câu nói đầy trách móc ám ảnh trong đầu Miên. Ngột ngạt và hỗn độn. Miên lao xuống cầu thang, từng viên sỏi dưới mặt đường như muốn giữ gót chân, những bụi cây ven đường như muốn kéo cô lại. Chỉ có gió vẫn thốc từng cơn như muốn đưa Miên đi nhanh hơn, băng qua những khoảnh ruộng ngô mới lớn và gió cũng đưa tiếng suối trôi xa, những bông lau cúi đầu thương cảm trước tâm trạng rối bời của Miên. Từng bầy đom đóm sáng nhấp nháy dọc hai bên bờ suối. Trong ánh đêm đen đặc, dòng suối lấp lánh một màu xanh ngọc. Dòng nước mát háo hức ôm lấy tấm thân gầy, Miên thỏa thuê đắm chìm giữa dòng sáng lấp lánh. Bỗng chốc cô có cảm giác như đang bay lơ lửng giữa không trung, nơi có muôn vàn vì sao sáng lấp lánh và hình ảnh Cheng ám ảnh.
***
– Đi đi, khi nào nhớ tao, nhớ nương lúa, hạt ngô thì về.
Mẹ nói với Miên, trước khi xe nổ máy.
Miên mang theo những trách móc, giận hờn và cả nỗi nhớ nhung cùng những bông lau xuống phố. Chiếc xe khách lầm lụi đưa cô rời xa những khoảnh ruộng, những nếp nhà, nơi cô được sinh ra, lớn lên, biết thương yêu và nếm trải nỗi buồn. Thành phố đón Miên bằng cơn mưa ngập ngụa nước, những ánh đèn điện cao áp hắt thứ ánh sáng vàng vọt xuống mặt đường ũng nước, lóp ngóp người xe. Người thành phố tống vào tâm trí Miên nhiều nghĩ suy khác lạ. Quên Cheng đi, quên đứa con trai cục mịch chân chất, quên những lời thề hẹn, quên gã trai tuyệt tình ấy đi! Miên nghĩ vậy. Bạn bè trong khu trọ cũng xúm lại khuyên cô như vậy. Miên đẹp, nét đẹp hoang dại, nguyên sơ của núi rừng. Miên có quyền được hạnh phúc chứ không phải suốt ngày nhàu nhĩ sống mòn, sống mỏi với những kỷ niệm cùng những lời thề non, hẹn biển của Cheng. Cuộc sống thành phố nhanh chóng vây lấn, Miên khẽ mỉm cười bắt nhịp với cuộc sống ồn ào, tấp nập như dòng suối sau nhà cuồn cuộn, xối xả vào những ngày mưa.
Miên nhẹ nhàng nhận lời cầu hôn của đứa con trai thành phố, trong lòng hây hây một niềm kiêu hãnh khó tả cùng một xấp tự kiêu ngồn ngộn xếp dày trong tâm, trong trí sau những tháng ngày gồng mình bươn chải nơi phố thị và để quên đi hình bóng của người mình thương. Miên sẽ cưới chồng. Miên sẽ dệt tặng chồng tấm khăn làm tin. Miên sẽ lấy những bông lau trắng muốt để cài lên tóc vì chồng chứ không phải vì Cheng. Cứ thế, niềm kiêu hãnh trong Miên ngày một lớn dần. Miên sẽ trở về bản, sẽ nhờ dòng suối, nhờ ngọn gió đánh tiếng cho Cheng. Để Cheng phải trả giá cho những tổn thương đã gây ra cho Miên. Cho đến một ngày, mẹ gọi điện cho Miên vội vã.
– Về, về đi con. Nó đợi con! Nó…
 Tiếng mẹ nói đứt đoạn, nghèn nghẹn câu được câu mất.
Chiếc xe khách hối hả đưa Miên trở về. Miên lặng im, nước mắt quện lại giữa hai hốc mắt, những dãy nhà cao tầng và người xe tấp nập bỗng trở lên nhạt nhòa. Niềm kiêu hãnh nhen nhóm trong Miên bấy lâu nay chợt tan biến, nhường chỗ cho hình ảnh Cheng. Cheng ngốc lắm! Dẫu nghèo thì người ta vẫn sống hạnh phúc bên nhau; trót lỡ hẹn kiếp này thì đau đáu thầm hẹn ở kiếp sau. Tuy không no đủ nhưng mẹ vẫn tần tảo sớm hôm lo cho Miên những gì tốt nhất. Dẫu gia cảnh nghèo hèn thì mẹ vẫn còm cõi nuôi con lớn khôn nhường cho Cheng những củ khoai, hạt gạo cho đôi chân Cheng săn chắc đủ sức đạp trên những mỏm đá, bụi cây. Hạnh phúc được định đoạt bằng những niềm vui, nỗi buồn cùng sẻ chia vun đắp chứ đâu phải cứ nhiều lúa, nhiều trâu; cũng như Miên cần Cheng như ngôi nhà cần cây cột cái, như con trâu cần có cái cọc mà buộc.
Mộ Cheng nằm trong khu rừng phía sau bản, cạnh dòng suối hiền hòa theo như ước nguyện cuối cùng của Cheng. Mẹ nhìn Miên im lặng, mọi người cũng lặng lẽ nhìn Miên, không ai muốn chạm đến vết thương trong Miên.
– Về thôi con!
Mẹ nói với Miên. Tiếng gió vi vu giữa chiều hôm phảng phất pha lẫn hơi sương, tấm khăn trên tay vụt bay theo gió, Miên thấy nó lẩn khuất đâu đó giữa những bông lau trắng muốt.
TRỊNH HỒNG HẢI

Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.