1.
“ Mặt trời sắp chạm vào khe núi rồi. Ta về thôi, anh ơi!”.
Âm thanh trong trẻo lướt trên đồi chè xanh rồi nhẹ nhàng bay lên không trung, đậu vào vành tai phật khiến ông Diền đang mơ màng ngắm cảnh chợt bừng tỉnh, trở về với thực tại. Chiều nay, hai vợ chồng ông đã có một cuộc trải nghiệm đầy thú vị trên đồi chè thơ mộng Uyên Hai.
Thu gọn chiếc máy ảnh Nikon bỏ vào túi, ông liếc nhìn người vợ trẻ thon thả trong bộ đồ trang phục Thái bó sát lưng ong. Trong lòng ông như có tiếng ríu rít của một bầy chim hót, lại như có sắc trắng muốt và hương thơm thoang thoảng một rừng ban nở.
…Mười lăm tuổi, cậu bé Chảo Văn Diền được bố mẹ cưới cho một cô vợ cùng tuổi, gầy quắt như con nhái bén, tóc vàng ệch như râu ngô theo lễ nghi của dân tộc Giáy. Hôm ấy, cậu mới biết đó là cô bé Vùi Thị Liếng. Liếng mồ côi cả cha lẫn mẹ, bấy lâu ở với vợ chồng người chị gái có vẻ mặt âu sầu. Cậu dửng dưng, chẳng thấy vui, cũng chẳng buồn gì cả.
Bố mẹ bảo:
– Con lớn rồi và lại thích lên thị trấn học thì phải cưới vợ để nó ở nhà giúp bố mẹ làm ruộng nương, chăm gà, lợn chứ!
Diền mười lăm tuổi mới học hết cấp một. Ở xã lúc đó chưa có trường cấp hai nhưng thích đi học ở thị trấn quá nên cậu đành đồng ý lấy vợ cho qua chuyện. “Ừ thì cưới. Lại được mổ con lợn to, tha hồ mà đánh chén với mấy thằng bạn thân trong bản”.
Bố mẹ Diền khá giả lại có mỗi Diền là con trai nên đám cưới cũng réo rắt tiếng kèn pí kẻo hòa chung tiếng kèn đồng, tiếng trống, chũm chọe, tiếng gõ mai rùa và tiếng lắc chuông thánh thót. Diền xúng xính trong bộ quần áo chàm mới, đầu vấn khăn, mê mải nghe đội kèn thổi bài “Chào chủ nhà” đến bài “Mời rượu”. Sắp đến bài “Cúng tổ tiên” thì ông Chảo Văn Hái – bố Diền mới lôi nó ra đứng sát Liếng chuẩn bị hành lễ. Cái Liếng mặc áo nách phải, đắp nhiều miếng vải màu sặc sỡ. Theo lời chỉ dẫn của ông Hái, hai đứa trẻ ngượng nghịu đến bàn thờ, quỳ xuống lễ gia tiên xin phép cho cô dâu được làm con cháu trong nhà.
Hành lễ xong, mẹ Diền tươi cười dắt cái Liếng đi thăm buồng bố mẹ chồng và các gian buồng khác trong nhà. Cái Diến vụng về, ngượng nghịu, đi bên mẹ mà hai chân líu ra líu ríu như chực ngã.
Đám cưới Diền và Liếng kéo dài ba ngày ba đêm. Họ hàng, người cùng bản ăn xôi, thịt lợn, bánh dày, bánh bỏng thoải mái, rượu rót tràn bát.
Đêm tân hôn, sau khi ăn no uống say với bạn bè, Diền vào buồng ngủ. Thấy cái Liếng cứ ra vào dọn dẹp, mẹ Diền thương tình:
– Khuya rồi, con vào buồng ngủ với chồng đi! Có gì mai dọn tiếp.
Cô bé run run cầm cái chổi định ra quét sân thì bà mẹ chồng giằng lấy, đẩy cô vào buồng, chốt chặt cửa bên ngoài. Liếng rón rén ngồi xuống mép giường nhìn cậu hàng xóm mặt non choẹt ngủ. Nó thở dài khi nghe tiếng thạch sùng tắc lưỡi trên trần nhà, ếch nhái kêu oàm oạp ngoài bờ ao. Gà gáy canh ba, Liếng mệt quá, gục xuống ngủ thiếp đi. Đến khi bà mẹ chồng mở cửa phòng, tia nắng sớm mai soi rọi cảnh hai đứa trẻ ranh, một nằm giang chân giang tay chiếm hết phần giường, một nằm gục co quắp dưới chân giường, bà thở dài: “Vợ với chả chồng!”.
Mẹ sinh Diền năm mười bẩy tuổi. Dưới Diền là bốn đứa em gái lít nha lít nhít, đứa nào cũng chỉ học hết lớp một thì bỏ học. Bố bảo:
– Con gái thì học làm gì cho tốn thời gian. Có mài cái chữ ra mà ăn được đâu. Cứ chăm chỉ làm ruộng làm nương, chăn gà, nuôi lợn tốt rồi sẽ có người hỏi về làm vợ. Nhà này chỉ cần cho thằng Diền học lên thôi!
Ở xã lúc đó chỉ có duy nhất Diền được đi học ở thị trấn cách nhà hai chục cây số nên Diền được bố mẹ gửi trọ nhờ nhà cán bộ người Kinh ngày trước từng làm chủ tịch xã, tên Sinh nay chuyển lên làm chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện. Cậu bé học một biết hai lại hiền lành, khiêm tốn nên được nhiều thầy yêu, bạn quý. Chả ai hay cậu bé mặt búng ra sữa ấy đã có vợ ở nhà. Mỗi tháng Diền về thăm bố mẹ một lần, lấy thêm gạo nếp, thịt lợn treo trên gác bếp lên góp ăn với cán bộ người Kinh tốt bụng. Mỗi lần về, cậu theo cha mẹ và vợ đi làm ruộng làm nương, lúc rảnh thì bắn nỏ, chơi đẩy gậy với lũ trẻ con trong bản. Tối đến, cậu để một chiếc chăn mỏng chia đôi giường, ngủ quay mặt vào tường. Ban ngày đi làm nương hay ở nhà, cô bé Liếng và cậu cũng lạnh nhạt với nhau như hai kẻ xa lạ, có việc gì cần hỏi thì chỉ nói trống không hoặc ừ hữ cho qua chuyện. Diền học cùng bọn con gái là con cán bộ trên thị trấn, thấy đứa nào cũng xinh đẹp, lanh lợi và ăn mặt gọn gàng, sạch sẽ chứ đâu có quê cục như cái Liếng vợ mình. Đợi Diền ngủ say, cái Liếng cũng lên giường ngủ, quay mặt ra bên ngoài. Nó tủi thân, nước mắt thấm gối: “Mình như người ở cho nhà nó, ngày nào cũng làm quần quật cùng bố mẹ chồng để dành dụm bát gạo, củ khoai, quả trứng… cho nó đem đi ăn học mà mỗi lần về, nó chẳng coi mình ra gì. Vợ chồng gì mà tối ngủ nào cũng quay lưng vào nhau thế chứ!”.
Thấy con dâu buồn, mẹ ca cẩm với bố, nói bố là đàn ông thì phải bảo ban con trai cư xử sao cho phải với vợ. Bố gạt phắt ngay:
– Ôi dào! Trời khắc dạy nó!
Rồi liếc nhìn đôi mắt của bà vợ tuy đã có năm con nhưng vẫn còn long lanh rực lửa, ông bố tủm tỉm cười, buông lửng một câu:
– Như tôi với bà ấy…
Mẹ đỏ mặt, lườm bố một cái thật nhanh.
2.
– Thằng Phanh chột lấy được con vợ đẹp nhất bản Chậu đấy!
– Chẳng phải đẹp nhất bản Chậu đâu. Cái Thoa đẹp nhất xã Tùng Cơi đấy!
Người thứ ba nói:
– Tao thấy nó đứng số một trong huyện này chứ chẳng đùa. Nghe người già kể: bà ngoại nó ngày xưa đẹp nhất đội gái xòe của vua Đèo Văn Long đấy!
– Thế sao nó phải lấy thằng Phanh chột? Nó tham nhà thằng ấy giàu à?
– Không phải đâu! Mẹ tao kể: Mẹ thằng Phanh và mẹ cái Thoa thân nhau từ tấm bé, lấy chồng rồi vẫn làm nhà cạnh nhà nhau, có củ sắn, củ khoai, con cua, con ốc đều chia nhau ăn cùng. Thằng Phanh cùng tuổi cái Thoa nhưng to con đen sì, thô vụng, cái Thoa trái lại, nhỏ nhắn, trắng trẻo và xinh xắn. Một lần bố mẹ hai nhà mải làm việc chẳng để ý đến hai đứa trẻ đang chơi đánh khăng dưới sàn nhà. Cái Thoa loay hoay thế nào mà cái khăng bật lên vụt đúng vào con mắt phải của thằng Phanh. Hai gia đình cuống quýt đưa thằng Phang lên bệnh viện mổ mắt nhưng hồi ấy trình độ y bác sĩ tuyến huyện còn kém nên không cứu nổi con mắt phải của nó. Bố mẹ thằng Phanh xót con, âu sầu mất ăn mất ngủ, ai cũng gầy tọp đi. Mẹ cái Thoa thương bạn, thương con bạn bỗng dưng vì con mình mà tật nguyền bèn năn nỉ với chồng rồi sau đó sang an ủi vợ chồng cô bạn thân:
– Thôi hai bạn đừng buồn nữa. Con dại cái mang. Sau này lớn lên, chúng tôi sẽ cho cái Thoa về làm vợ thằng Phanh.
Mẹ Phanh như người chết đuối vớ được cọc:
– Thật nhé! Tôi lo nhất là lớn lên thằng Phanh khó lấy được vợ thôi!
3.
Học hết lớp bẩy, Diền về nghỉ hè. Từ bố mẹ, các em đến bà con làng xóm ngỡ ngàng thấy cậu trở thành một chàng thanh niên cao to vạm vỡ, gương mặt nổi đầy mụn trứng cá nhưng thật nam tính: Đôi mắt to rực sáng như sao, sống mũi cao thanh tú và cái miệng cười tươi. Năm cuối cấp nên cậu tranh thủ mọi lúc để học bài, từ tết đến giờ cậu mới về nhà.
Bẵng đi nửa năm không về, cậu ngạc nhiên thấy cái Liếng vợ mình bỗng trổ mã biến thành một con người hoàn toàn khác: Mơn mởn như bó mạ non mẹ buộc chít giữa eo gánh ra ruộng cấy. Dưới cái chỗ chít eo ấy là cặp mông căng mẩy tròn trịa như mông con kiến bống và đôi đùi dế săn chắc thon dần xuống gót chân trần mịn màng. Ngước lên chỗ thắt eo như lưng ong là đôi măng non vừa nhú cứ phập phồng theo nhịp thở của đứa gái mười bẩy vừa đi nương về.
Nhận ra Diền ngơ ngẩn ngắm mình, Liếng e thẹn lảng cái nhìn ra phía đàn gà con vừa xuống ổ, miệng khe khẽ gọi: “Chiếp! Chiếp!”.
“Cái miệng xinh, tiếng gọi gà cũng xinh thế nhỉ!” – Diền thầm nghĩ nhưng lại xăn xắn chạy đến bên mẹ, đỡ bó củi to tướng trên lưng:
– Lần sau mẹ địu bó củi nhỏ thôi, đừng làm bó to thế này đau lưng lắm!
Mẹ cảm động nhìn cậu trai cả mới đi học xa về mà chững chạc, biết ăn nói, trong lòng thật vui sướng.
Tối hôm ấy, nấu cám lợn, dọn dẹp bếp xong, Liếng vào nhà tắm lâu hơn mọi ngày. Thấy bánh xà phòng thơm Diền đem về tắm hồi chiều vẫn còn ướt, Liếng xoa lên khắp cơ thể trinh nữ của mình một cách thích thú và tự chế nhạo: “Mày dùng chung xà phòng thơm với Diền rồi, xấu hổ lắm!”. Lúc vào buồng ngủ, cô không thấy Diền để chăn mỏng phân chia ranh giới giường nữa mà xếp riêng cho cô một chiếc chăn hoa trên đầu giường. Dưới ngọn đèn hoa kỳ khêu nhỏ, anh chàng thở đều đều, Liếng biết anh ta giả vờ ngủ. Mùi da thịt ngầy ngậy của cậu trai mới lớn giống mùi xạ của con cầy hương cứ vương vít xộc vào mũi Liếng, Cô xoay người ra bên ngoài nhưng không sao tránh được cái mùi lan tỏa thật đê mê, quyến rũ. Trai gái mới lớn ở gần nhau như “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” nhất là khi họ chợt nhận ra “người của mình” cũng đẹp đẽ, thơm tho, hấp dẫn. Chẳng cần nói năng, tán tỉnh, ve vãn. Họ tâm tình với nhau bằng ngôn ngữ cơ thể: nụ cười e lệ, ánh mắt si mê, vòng tay từ rụt rè, ý tứ đến tham lam, táo bạo. Rồi việc gì phải đến cũng đến.
Hôm sau, hai đứa dậy sớm, Diền ra sân tập thể dục, Liếng vào bếp đồ xôi sắn cho bố mẹ ăn sáng đi làm nương, nét mặt đứa nào cũng tươi như chồi non lộc nhú đầu xuân, bố mẹ Diền ưng cái bụng lắm!
Rồi Diền được nhà trường làm hồ sơ cho đi học Trường Văn công Khu tự trị Tây Bắc. Chàng trai ra đi trong nỗi nhớ thương cha mẹ và người vợ trẻ đẹp, chăm chỉ. Đẹp trai, có năng khiếu đàn hát, chàng được thầy cô và bạn bè yêu quý.
4.
Năm mười sáu tuổi, Thoa tóc đen, da trắng hồng, thân hình cân đối và gương mặt ưa nhìn: đôi mắt long lanh, chiếc mũi cao, đôi môi hình trái tim lúc nào cũng đỏ tươi… Trai bản chọc sàn tán tỉnh. Thoa thấy trái tim mình xao xuyến nhưng bố mẹ luôn nhắc nhủ:
– Con là người của thằng Phanh rồi. Đừng có làm sai chữ tín để bố mẹ mất mặt với bố mẹ thằng Phanh và bà con trong bản nhé!
Thoa vốn ngoan ngoãn nên chẳng dám làm trái ý bố mẹ. Cô dằn lòng, khóa chặt cửa nhà, không dám bước khỏi đầu sàn xuống chín bậc cầu thang để gặp cậu trai bản đẹp đẽ mà mình ưng ý.
Lời hứa của cha mẹ Thoa như dao chém vào đá, chẳng thể lung lay. Hai năm sau, Pản và Thoa tròn mười tám tuổi, hai gia đình tổ chức hôn lễ. Khỏi phải nói Pản vui mừng chừng nào, cậu thấy cậu là người hạnh phúc nhất thế gian. Thoa không ghét cũng không yêu Pản, cô chỉ vâng theo lời cha mẹ như một đứa gái hiếu thảo. Đám cưới được tiến hành đầy đủ các bước theo đúng nghi thức của dân tộc Thái. Hai nhà vốn có mối thâm tình nên bố mẹ Thoa cũng không thách cưới cao, chỉ nhận chút ít tiền cho nhà trai vui lòng. Mẹ cùng Thoa miệt mài ngày đêm dệt vải, làm khăn piêu, váy áo, chăn, gối, nệm… làm quà cho ông bà, bố mẹ, chú bác, anh chị em nhà chồng. Tiệc cưới diễn ra vui vẻ, nam nữ hát khắp, hát giao duyên tình tứ.
Ngắm cô dâu chú rể đi từng mâm mời rượu, nhiều trai bản không giấu nổi tiếng thở dài, tiếc cho bông hoa ban xinh đẹp nhất mường bản đã rơi vào tay Pản…
5.
Khi Diền về Sơn La học ở trường Văn công Khu Tự trị Tây Bắc thì ở nhà Liếng mang thai con trai đầu lòng. Các dịp nghỉ hè, nghỉ tết, Diền về thăm bố mẹ và Liếng nhiều hơn. Sau ba năm học ra trường, mới hai mươi mốt tuổi, anh đã được làm bố của hai bé trai, một bé gái xinh đẹp. Niềm vui thật trọn vẹn khi Diền được nhận vào công tác ở Phòng Văn hóa huyện. Ngoài niềm say mê với công tác chuyên môn, Diền còn dành thời gian tìm hiểu, viết về phong tục tập quán của dân tộc mình, mạnh dạn gửi đăng trên tạp chí văn nghệ tỉnh. Không ngờ những bài viết tỉ mẩn chi tiết của anh được ban biên tập đặc biệt chú trọng và in ra được đông đảo độc giả trong tỉnh hào hứng đón nhận. Dần dần, Diền được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc Thiểu số Việt Nam rồi Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Tiếng tăm chàng cán bộ trẻ dân tộc Giáy nổi như cồn. Anh được cất nhắc làm Phó rồi đến Trưởng Phòng Văn hóa huyện. Cô Liếng vẫn ở nhà chăm sóc bố mẹ, ruộng nương, con cái. Mỗi chủ nhật về thăm nhà, anh thường đem theo bạn văn chương về ăn cơm cùng gia đình. Ai cũng khen vợ anh nhanh nhẹn, hiếu thảo với bố mẹ chồng và hiếu khách. Nhưng khi về huyện, có người bạn nói đùa:
– Diền à! Cái nhà mày ở cũng đẹp rồi nhưng có khi làm xong nhà rồi, đi vào rừng còn thấy có nhiều cây gỗ đẹp hơn đấy!
Diền hiểu ý anh ta ngầm chê vợ mình già và xấu hơn mình. Hàng ngày soi gương chải tóc đi làm Diền cũng nhận ra điều đó. Diền cũng biết có những cô gái trẻ đẹp trong và ngoài cơ quan để ý mình. Nhưng anh luôn nhớ lời mẹ dặn:
– Vợ con nó khổ lắm! Nó thay con chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy các con trưởng thành. Con đừng làm điều gì sai với nó nhé!
Diền dành dụm tiền mua quần áo, giày dép mới cho vợ nhưng Liếng ngại dùng lắm! Cô cất đi để dành ngày cuối tuần chồng về, đưa khách về mới dùng, còn lúc ở nhà cô tranh thủ mặc đồ cũ lao động cho khỏi phí.
Khi Diền được điều động về tỉnh làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa thì hai đứa con lớn cũng vào học trường Dân tộc Nội trú của tỉnh, bớt gánh nặng cho Liếng ở nhà. Rồi cha mẹ lần lượt qua đời. Diền biết ơn vợ thay mình phụng dưỡng cha mẹ chu đáo. Anh định thu xếp đưa Liếng và cậu con trai út theo mình về tỉnh thì bất ngờ Liếng bị cảm đột ngột rồi qua đời.
Diền càng hiểu và thấm thía nỗi đau khi mất đi người vợ chung thủy suốt đời hy sinh cho chồng, cho con. Anh thay vợ quan tâm chăm sóc định hướng nghề nghiệp cho các con thật chu đáo.
6.
Cuộc hôn nhân sắp đặt của hai bên gia đình tuy không được như ý của Thoa nhưng cũng không làm cô phiền lòng vì Pản và bố mẹ Pản đối xử với Thoa thật tốt.
Có những thằng đàn ông háo sắc, mỗi khi đi ngang qua Thoa thường buông lời ỡm ờ:
– “Tiếc bông hoa nhài cắm bãi…”.
– “Gái một con trông mòn con mắt”!
Thoa vốn hiền lành, lơ đi như là tai bị điếc không nghe thấy gì cả.
Hàng ngày Thoa tránh nhìn vào con mắt phải mờ đục xấu xí của Pản. Nhất là những lúc làm chuyện vợ chồng, cô nhắm hai mắt, cố hồi tưởng đến đôi mắt to tròn tinh nghịch của Pản tuổi ấu thơ – nét nổi bật duy nhất của Pản. Thế mà cũng có được với nhau đến ba đứa con: Hai gái, một trai. Đứa con trai ra đời làm bố mẹ Pản và Pản vui mừng khôn xiết. Pản xin phép bố mẹ cho vợ chồng anh ra ở riêng.
Pản cùng bạn vào rừng chặt cây làm nhà. Số xui xẻo, người bạn lao cây từ trên dốc xuống chẳng may đổ trúng người Pản. Anh đột tử khi chưa kịp thực hiện mơ ước làm cho vợ con mình một căn nhà nhỏ xinh.
Cái chết đột ngột của Pản như một cú trời giáng xuống đầu bố mẹ chồng, Thoa và ba đứa con thơ. Thoa ôm mẹ chồng khóc ròng rã ngày đêm. Pản đi rồi, Thoa mới cảm thấy ân hận và xót thương anh ấy biết chừng nào. Pản tốt tính và yêu thương vợ con vô hạn. Nhớ lúc anh còn sống, Thoa vốn hát hay múa dẻo nên tham gia đội văn nghệ của xã. Pản không hề kêu ca phàn nàn mà tối tối sẵn sàng trông con cho Thoa tham gia hát múa với bạn bè. Thoa ở vậy nuôi bố mẹ chồng và đàn con nhỏ. Giờ chúng đều có đôi có lứa. Cô Thoa xinh đẹp ngày nào đã lên chức bà nội, bà ngoại rồi.
- Thấm thoắt, ông Diền đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”. Ông nghỉ hưu hơn chục năm rồi nhưng trời thương cho sức khỏe nên vẫn tráng kiện lắm! Vợ mất, ông tìm nguồn vui trong việc nuôi dạy con cái, dựng vợ gả chồng cho chúng. Giờ thì ông say sưa sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc mình. Vốn là một tay máy cừ khôi, từng có nhiều ảnh tham dự và đạt giải thưởng cao trong khu vực, giờ ông lại theo đuổi đam mê săn tìm cái đẹp. Khai thác vẻ đẹp dân tộc mình chưa thỏa, hàng ngày rảnh rỗi, ông cưỡi con xe HondaWave Alpha đến vùng dân tộc Mông tìm hiểu lễ hội Gầu Tào Cha; xuống vùng đồng bào dân tộc Lự xem lễ hội Căm Mường…
Hôm nay, ông Diền xuống vùng đất gió tìm hiểu thêm về xòe Thái. Đến cổng Nhà văn hóa bản Lụa, bước chân ông dừng lại khi thấy một người thiếu nữ Thái đang cầm chiếc chổi dài quét sân, dáng mềm mại nhịp nhàng như múa. Bản năng nghề nghiệp, ông vội bấm máy lên tục mấy kiểu liền, chớp lấy cái dáng lưng ong thon thả trong bộ váy áo cóm bó sát thân hình mơn mởn. Nghe tiếng động, cô gái quay lại ấp úng:
– Cháu… cháu chào bác ạ! Bác hỏi ai ạ?
– Tôi là cán bộ nghỉ hưu ở trên tỉnh xuống. Tôi muốn hỏi đội múa xòe bản Lụa hôm nay có tập xòe không cô?
– Hôm nay chủ nhật, cháu chỉ hướng dẫn cho các em học sinh gái trong bản tập múa thôi ạ!
– Hay quá! Cô cho tôi chụp vài kiểu ảnh, viết bài có được không?
– Bác cứ tự nhiên ạ!
Một tốp chừng hai chục đứa con gái mới lớn mặc váy sa tanh đen, áo cóm trắng, vắt khăn piêu hững hờ qua vai như một bầy thiên nga từ đâu ùa đến làm sáng rực cả khoảng sân cô Thoa vừa quét. Chúng ríu rít chào:
– Cháu chào ông ạ!
– Cháu chào bà Thoa ạ!
– Bà ơi! Sao bà không để chúng cháu ra quét dọn. Bà có tuổi rồi, nghỉ ngơi cho khỏe chứ!
Nghe bọn trẻ nói vậy, ông Diền mới ngẩng lên nhìn mặt cô Thoa. Ừ, thoạt nhìn nom cô ấy trẻ như thiếu nữ nhưng nhìn kỹ thì cũng ngoài bốn mươi rồi đấy! Vẫn trẻ hơn Lả – con gái út đang làm bác sĩ của mình. Thế thì cô ấy gọi mình là bác xưng là cháu cũng đúng thôi.
Cô Thoa quay sang ông Diền:
– Xin phép bác, chúng cháu bắt đầu nhé!
Ông Diền nheo mắt cười, gật đầu. Trước khi nghỉ hưu, ông được cất nhắc lên làm Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin của tỉnh nên đã quen thuộc với phong trào văn nghệ ở cơ sở. Cô Thoa thong thả bật cát sét, một bản nhạc rộn rã vang lên theo nhịp 2/4, 4/4, hòa với tiếng nhạc cụ tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, lũ con gái nhanh nhẹn nắm tay nhau thành vòng tròn rồi nhịp nhàng tiến lùi uyển chuyển theo nhịp hát. Ông Diền biết: đó là điệu “Nâng khăn mời rượu” và điệu “Vỗ tay đi vòng tròn”. Ông Diền say sưa chụp ảnh, bỗng thấy lòng náo nức như thuở còn thanh niên mỗi dịp tết đến xuân về lạc vào miền xòe lễ hội của dân tộc Thái. Ông Diền nhảy vào vòng xòe, một tay nắm lấy tay cô Thoa, một tay nắm lấy tay một cháu gái nhỏ tầm tuổi cháu gái nội ông cùng xòe, càng xòe càng thấy say. Ông nhảy điêu luyện đến mức lũ con cháu reo lên:
– Ôi, ông xòe đẹp quá! Ông là người dân tộc gì mà thuộc xòe của dân tộc cháu thế nhỉ!
Ông Diền chỉ mủm mỉm cười. Cô Thoa và lũ trẻ chẳng ngờ ông già tóc bạc phơ bồng bềnh kia từng đứng đầu ngành văn hóa của tỉnh. Bên tai ông văng vẳng câu ca ngọt ngào của dân tộc Thái:
“Không xòe, không vui
Không xòe, cây ngô không ra bắp
Không xòe, cây lúa không trổ bông
Không xòe, trai gái không thành đôi”…
Trưa ấy tan muộn. Về đến nhà, vợ chồng cậu con trai cả là giáo viên ngạc nhiên thấy bố nét mặt phấn khởi, lại còn huýt sáo chứ! Nghe các con hỏi, ông vui vẻ kể cho chúng nghe chuyến tác nghiệp thú vị sáng nay. Ông sực nhớ ra lời hứa với cô Thoa.
Cô Thoa đang thiu thiu ngủ cùng cháu nội ba tuổi bỗng nghe tiếng điện thoại di động đổ chuông. Cô ngắm mãi những bức ảnh, video và không quên nhắn tin cho ông Diền: “Bác chụp ảnh đẹp quá! Chúng cháu cám ơn bác”.
Ông Diền nhắn tin lại: “Chủ nhật tuần sau, tôi lại xuống nhé!”.
Dần dà, ông được thưởng thức các điệu múa: xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe gậy… Lần nào chụp ảnh xong, ông cũng được mẹ chồng của Thoa mời ăn cơm trưa cùng gia đình. Mẹ Pản tầm tuổi ông Diền nhưng nom khắc khổ và giàtrước tuổi. Có lẽ bởi chồng bà và con trai ra đi quá sớm, bà chỉ còn biết nương tựa vào con dâu và các cháu. Ông Diền tranh thủ hướng dẫn Thoa cách chụp ảnh, chẳng mấy chốc cô đã thành thạo và say mê với ống kính. Rồi dần dà, họ chuyển từ cách xưng hô “bác – cháu” sang “anh – em” từ lúc nào không biết. Bà mẹ chồng và ba đứa con Thoa rất quý mến ông Diền và cố ý vun vào. Các con ông Diền thương bố cũng không hề phản đối tình cảm của hai người. Cô Thoa giờ cũng trở thành hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh, chuyên ngành nhiếp ảnh. Họ không tổ chức đám cưới, không về ở cùng nhà mà vài ba ngày lại đèo nhau xuống các huyện săn tìm ảnh đẹp. Họ nghỉ ngơi, nấu nướng ngoài trời, tối tối lại chụm đầu bên nhau chỉnh sửa ảnh. Ông Diền mua tặng cô Thoa chiếc máy ảnh Nikon Z6 hiện đại nhất.
Mặt trời sắp lặn sau khe núi vẫn sáng lên rực rỡ…
BÙI THỊ SƠN