Bản Hảu xa xôi

Mới ra trường, về làm phóng viên thử việc tại một cơ quan báo chí văn nghệ của tỉnh, kế hoạch đầu tiên của tôi là phải đi viết cái gì đó thật hay, thật chững chạc và ấn tượng để ghi điểm với Tổng biên tập. Nhưng viết cái gì nhỉ? Quan trọng là chọn vấn đề để viết. Vấn đề phải vừa có tính phát hiện vừa có tính thời sự, sau đó cộng thêm một vài yếu tố khác thì bài viết mới thành công. Phải rồi! Tôi sẽ viết về xây dựng nông thôn mới. Địa chỉ đầu tiên tôi nghĩ đến là Bản Hảu, một xã đặc biệt, hằn sâu trong ký ức tuổi thơ và được tách ra từ chính Bản Lồ của tôi.

Tuổi trẻ là thế, nghĩ được thì làm ngay. Tôi vội vàng báo cáo Tổng biên tập, nhảy lên chiếc xe cũ kỹ phóng đi. Rời tòa soạn, ra khỏi thành phố, con đường vòng vèo ven hồ càng đi càng khó. Đi chừng hơn trăm cây số thì gặp đường đất, xe tồng tộc leo dốc, xuống dốc, chồm chồm nhảy qua ổ gà, ổ trâu. Bản Hảu kia rồi. Tôi ngỡ ngàng dừng lại, ngắm từ xa. Bản Hảu thay đổi khác quá, nhanh quá. Cây cầu lớn đã bắc ngang sông Biệc; đường nhựa, đường bê tông vươn đến từng ngõ xóm; cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang; những ruộng lúa, ruộng ngô, vườn cây ăn quả xanh mướt mát.

Lòng tôi khấp khởi vui mừng. Đến Ủy ban nhân dân xã, Bí thư đi xuống thôn, Chủ tịch xã còn rất trẻ, ra bắt tay tôi thật chặt, giọng nói lơ lớ, nụ cười hiền thân thiện, trông anh như một nông dân nhưng khuôn mặt hiện lên vẻ hoạt bát. Nhấp chén nước chè, nghe tôi trình bày ý định viết bài về nông thôn mới, Chủ tịch xã gật đầu: “Anh gặp đúng người rồi đấy, chính tớ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo mảng này”. “Vâng, thế thì hay quá”. Tôi vội lấy sổ, lấy bút, hỏi dồn dập. Chủ tịch xã đọc vanh vách từng số liệu cứ như thuộc lòng. Hẳn phải là người trách nhiệm và sâu sát lắm mới nhớ nổi từng ấy con số. Từng tiêu chí nông thôn mới đã có số liệu đầy đủ, những thuận lợi, khó khăn, sự chung tay nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bản Hảu trong việc xây dựng nông thôn mới đã được tìm hiểu, phân tích, nhưng sao tôi vẫn thấy thiếu. Còn vấn đề này nữa, tôi quay sang hỏi Chủ tịch xã: “Nhân tố quan trọng nào giúp xã ta cán đích nông thôn mới hả anh?”. Chủ tịch xã lặng im một lúc rồi chậm rãi nói: “Nhân tố quan trọng à… Đó là câu hỏi hay nhất từ nãy đến giờ đấy. Tớ có thể trả lời được ngay, nhưng thay bằng câu trả lời, tớ dẫn cậu đến gặp một người, có thể cậu sẽ có những trang viết sâu hơn về Bản Hảu”. “Vâng! Thế thì ta đi luôn”. Đằng nào tôi cũng cần một vài nhân vật dẫn chứng cho bài viết thêm sinh động.

Lòng vòng một lúc, Chủ tịch xã dẫn tôi đến trước một ngôi nhà sàn kiểu truyền thống, cột rất to được sơn bóng màu nâu trầm rồi quay sang tôi, bảo: “Ông ấy đang thái chuối cho cá kia, cậu cứ hỏi, giờ tớ phải về ủy ban xã, có gì ta gặp nhau sau”. Tôi nhìn theo tay Chủ tịch xã, trên bờ ao, một người đàn ông chừng gần năm mươi tuổi, da nâu bóng, vâm váp, thấy có khách, ông đứng dậy, ra đón. Kìa khuôn mặt, dáng người thân quen quá. Người đàn ông lại gần, nhìn chăm chú vào mặt tôi thật lâu rồi ném con dao trên tay vào gầm sàn, nắm lấy tay tôi thật chặt, lại vỗ vào vai tôi bồm bộp: “Thằng Chài, con ông Kha, Bản Lồ phải không?!”. Đấy, ông còn biết cả tên cúng cơm của tôi nữa. Trời ơi, đúng rồi! Tôi reo lên: “Chú Lình!”. Chúng tôi vui mừng nhận ra nhau. Chú Lình dẫn tôi lên nhà, hỏi han, ôn lại đủ thứ chuyện. “Thời gian nhanh quá chú nhỉ? Ngày chú bỏ bản đi, cháu còn đang chăn trâu, đánh khăng, đánh đáo cùng bọn thằng Éng, thằng Át… Nhiều người trong bản khi đó vừa thương vừa trách chú dại dột, tự lao đầu vào chỗ chết. Không ngờ có ngày cháu lại được gặp chú như thế này!”. “Ừ!… Thời gian, khát vọng sống, tình yêu, tình người đã làm thay đổi tất cả cậu ạ, cả tôi, cả Bản Hảu xa xôi này!”. Giọng chú Lình chùng lại, ánh mắt dõi về phía Bản Lồ xa xăm. Còn tôi, bao nhiêu ký ức đang hiện về, rõ mồn một.

Ngày ấy, Bản Lồ chỉ độ ba chục nóc nhà sống ấm êm, đoàn kết. Chuyện bắt đầu từ khi ông Kẹn mắc một căn bệnh lạ. Lúc đầu chỉ là vài vết biến màu lốm đốm trên da, sau khắp các khớp tay, khớp chân và mặt sần sùi từng cục nhỏ rồi dần dần biến dạng. Ông lo lắng tìm đến hết các thầy lang trong vùng, dùng bao nhiêu loại thuốc không khỏi. Có hôm trời rét, ông Kẹn ngồi nướng sắn, sưởi lửa, chân ông gác lên gộc củi, lửa bắt theo củi cháy đến chân, ông vẫn không biết gì. Thấy mùi khét, vợ ông kêu lên: “Phạ ơi! Làm sao thế này!”. Khi ấy ông Kẹn mới giật mình rút chân lại. Có hôm ông tước cây tế để làm dế nồi, thân tế cứa vào ngón tay một vệt dài, ông vẫn di tay tước tiếp. Vợ ông Kẹn giật mình: “Ơ kìa!”, ông mới biết tay mình bị đứt. Một thời gian sau, ngón chân, ngón tay ông Kẹn ngắn lại, những vết sần sùi to dần, rụng ra. Ngày ấy xã chưa có trạm xá. Vợ ông Kẹn mượn xe đạp chở chồng xuống tận bệnh viện huyện kiểm tra. Ông bác sĩ vạch quần áo lên xem rồi quay sang bảo: “Ông nhà bị bệnh phong, hay còn gọi là bệnh hủi, trên thế giới đã tìm được thuốc chữa, còn ở huyện ta hiện vẫn bó tay”. Ông bác sĩ còn phân tích nhiều nữa, ông Kẹn chẳng muốn nghe, ông giục vợ đưa về sớm. Trẻ con Bản Lồ nhìn thấy ông Kẹn thì vắt chân lên cổ chạy bán sống bán chết. Người lớn thấy ông Kẹn đều lảng đi chỗ khác. Tôi nhớ có lần ông Kẹn đi mót sắn về, khát, ông vào nhà tôi xin hớp nước, lúc đứng dậy, từ chân ông rụng ra mấy cục thịt đỏ lòm, anh em tôi nhìn thấy, ôm mặt chạy xuống bếp, hôm sau không dám chơi ở gian đó nữa. Hôm giỗ bố, ông Kẹn sang nhà anh cả thắp hương như mọi năm. Anh cả đang ngoắng cám lợn, cầm cây đảm đánh mạnh vào chân con chó đang sủa và quát: “Mày bị bệnh, không giữ cho người nhà thì còn giữ cho ai? Hay mày muốn cả họ, cả bản thành quỷ như mày”. Ông Kẹn quay mặt đi về, nước mắt nuốt vào trong. Từ hôm ấy người Bản Lồ không thấy ông ra khỏi nhà nữa. Bệnh ông Kẹn càng ngày càng nặng, mắt mờ, chân đi lại chậm chạp. Ông tự mò mẫm lên sau nhà lấy cây bương đóng thành một cái mảng lớn, đuôi mảng ông lợp mái lên như cái lều con và kê vào trong đó một tấm phản để ngủ, một cái kiềng nấu ăn. Vợ hỏi: “Ông đóng mảng gì mà to thế?”. Ông bảo: “Để tôi đi hồ câu, muộn thì nghỉ lại cho tiện”. Một hôm vợ con ông Kẹn đi trồng ngô ở chân núi Ngàng, chiều về không thấy ông Kẹn đâu nữa. Chạy quanh nhà tìm thì thấy mất một cái nồi con, một con dao, một tấm chăn chiên, một ít gạo. Vợ và con gái ông Kẹn đau đớn ôm nhau khóc. Vậy là ông Kẹn đã quyết tâm bỏ đi để không làm khổ vợ con, không để căn bệnh hủi quái ác ấy lây lan sang dân bản. Chừng ấy gạo thì sống được bao nhiêu ngày, mắt ông mờ, chân tay chậm chạp thì sống làm sao? Giả sử có tìm được nơi trồng ngô, sắn thì cũng phải hơn ba tháng sau mới có bắp, có củ để ăn. Không thể bỏ ông Kẹn thế được, mấy ngày sau vợ ông Kẹn mượn thuyền nan đạp đi khắp các đảo hồ tìm chồng. Đi vài hôm, ăn hết thức ăn mang theo vẫn chưa thấy, lại về, lấy gạo rồi lại đi. Chừng hơn một tháng, vợ ông Kẹn về, nước mắt lã chã rơi, nói với con gái: “Mẹ tìm thấy bố con rồi!…”. “Ở đâu hở mẹ?”. Vợ ông Kẹn ôm lấy con gái, không nói. Rồi bà nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát: “Ngày mai mẹ sẽ ra ở cùng bố, nghĩa vợ tình chồng như dao chém nước không lìa. Con nghe lời mẹ, tương lai con còn dài, không thể chôn mình ở nơi rừng thẳm ấy được. Con hãy ở lại, chăm lo mồ mả, ruộng vườn, ở lại với thằng Lình, nhé! Con nhé! Mẹ sẽ về thăm con”.

“Ngày đó?…”- Tôi định hỏi chú Lình nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Chú Lình nhấp một ngụm nước chè rồi chậm rãi: “Cậu biết rồi đấy, nhà ông Kẹn và nhà tôi gần nhau. Son là con gái duy nhất của ông Kẹn. Tôi và Son gắn bó với nhau từ nhỏ. Hai nhà đều hoàn cảnh, mùa giáp hạt cơm độn hai phần củ, sáng đi học, chiều hai đứa lùa trâu lên đồi rồi đi lấy chít, tìm măng, hết mùa măng hai đứa lại cùng đi riu tép ở các bãi rong ven hồ Thác đem bán lấy tiền phụ giúp gia đình và mua sách vở. Quấn quýt nhau, cứ thế lớn lên rồi yêu nhau khi nào không biết nữa. Khi tôi và Son định thưa chuyện với hai gia đình thì ông Kẹn bị bệnh nặng. Ngày vợ chồng ông Kẹn bỏ bản đi, Son lủi thủi một mình trông thương lắm! Tôi quyết định xin cưới để đưa Son về ở hẳn nhà mình. Son mặc cảm nên nem nép bên cạnh tôi. Khi nghe tôi thưa chuyện, bố tôi chỉ nói đúng một câu gọn lỏn: “Không được” rồi ngồi hút thuốc lào tọc tọc, gân cổ nổi nhằng nhịt, khói bay mù nhà. Mẹ tôi thì nhỏ nhẹ: “Bố con vốn tính cộc cằn thế đấy, bỏ qua đi, giờ hai con nghe mẹ bảo. Hai con còn trẻ, hãy nghĩ về tương lai. Thằng Lình sang năm phải đi thi vào trường sư phạm dưới tỉnh, còn con, Son à, bố mẹ con đang bị bệnh nơi rừng rú, con không ra chăm sóc thì còn ai? Chuyện cưới xin cứ từ từ tính chưa muộn con ạ…”. Tôi biết mẹ tôi ra kế hoãn binh. Son về, cúi đầu bước, chẳng nói gì, nước mắt mặn đắng đường đêm”. Chú Lình ngừng kể, ánh mắt sâu hun hút chớp liên hồi: “Sau hôm ấy Son bỏ bản đi tìm bố mẹ, còn tôi thì đi tìm Son. Cứ thế hơn tháng trời tôi lang thang hết các đảo hồ nhưng vẫn không tìm thấy Son. Tôi đi học, cứ ngày nghỉ lại tức tốc về, lên thuyền nan đi tìm Son. Trong một lần đi qua chợ Long Xuân tôi bất ngờ gặp lại Son, người gầy gộc, tóc xơ vàng, quần áo rách nát chẳng khác gì kẻ ăn mày. Son tìm nhặt ốc ở các bãi ven hồ đem đến chợ bán để lấy tiền mua muối, mỡ và dầu thắp. Nhìn thấy tôi, Son định bỏ chạy nhưng đã bị tôi giữ lại. Son cứ thế gục vào tôi mà khóc, Son bảo bố Son mất rồi, mẹ Son đang phát bệnh”. “Sau lần ấy, chú gặp cô Son thường xuyên chứ ạ?”- Tôi quay sang hỏi chú Lình. “Không. Cô ấy nhất quyết không cho tôi theo, nhưng tôi biết chắc chắn Son đang sống đâu đó cách Bản Lồ không xa. Son còn bảo tôi quên Son đi, Son không đáng để tôi yêu, rồi Son sẽ mắc bệnh, yêu Son là tự giết chết đời mình…”. “Đấy mới là tình yêu đích thực! Chịu thiệt thòi một mình để những điều tốt đẹp cho người mình yêu” – Tôi cắt ngang. Mặt chú Lình giãn hẳn ra: “Cậu yêu rồi hử? Triết lý gớm”. Nói rồi chú Lình vỗ vào đầu gối: “Thôi chết, cứ mải nói chuyện, trời sắp tối rồi cơ đấy. Chiều tôi bắt được mấy con cá chuối, vẫn treo ở giàn mướp ngoài kia, giờ mang về nướng lên, chấm với chanh muối, tôi và cậu làm vài hớp rượu nhá”. Vừa nói chú Lình vừa lộc cộc xuống cầu thang, ôm rơm về chất ở góc sân, đốt rồi ném cả con cá vào nướng. Mùi cá thơm lựng, mùi khói rơm cay nồng. Mặt trời bắt đầu xuống núi, từng bầy dê về bản, tốp người đi gặt về nói chuyên râm ran qua trước nhà chú Lình. Hương cốm mới thơm nao lòng, đâu đó tiếng chày giã cốm vọng về. Lâu lắm rồi tôi mới gặp lại tiếng chày giã cốm. Tiếng chày ma mị ấy lại gọi về trong tôi những ký ức xa xăm ở Bản Lồ.

Sau thời gian nhà ông Kẹn bỏ đi, Bản Lồ xuất hiện nhiều người mắc bệnh tương tự. Lúc đầu là ông Xôm, sau đến ông Lùng, ông Xâm, anh Thinh, cô Miền, cô Hạ, chị Chanh, chị Biển… Chẳng ai bảo ai, những gia đình có người bị bệnh phong tự dắt díu nhau đi về chân núi Biệc ở. Dần dần chân núi Biệc có hơn chục nóc nhà có người mắc bệnh phong sống quây quần bên nhau. Dân Bản Lồ mất đi gần một nửa, còn lại một nửa buồn héo hắt. Người Bản Lồ gọi nơi hơn chục nóc nhà ở chân núi Biệc là Bản Hảu, tiếng Tày có nghĩa là bản của những người bị bệnh hủi. Từ đó Bản Lồ và Bản Hảu thành hai bản tách biệt, không qua lại với nhau. Trẻ con Bản Lồ không dám ăn cá vì sợ cá ăn những miếng thịt rụng ra từ người Bản Hảu. Thỉnh thoảng thấy khói đốt nương bay lên từ Bản Hảu, hay mùa lúa mới, đêm nằm nghe tiếng chày giã cốm vọng về từ Bản Hảu, người Bản Lồ lại kháo nhau rằng Bản Hảu vẫn có người còn sống.

Loáng một cái, chú Lình đã bưng mẹt cá nướng lên, rót ra mỗi người một bát rượu đùng đục, rất thơm: “Ăn như thế mới đúng chất dân tộc mình”. Chú Lình cầm bát rượu lên, nhấp một hớp rồi kể tiếp: “Ngày tốt nghiệp Sư phạm, về quê, tôi tìm đến Bản Hảu ngay, tôi biết Son ở đó. Gọi là bản nhưng thực ra chỉ là hơn chục nóc nhà cột tre, mái gianh, phên nứa rách nát, xiêu vẹo. Đám trẻ con nhọ nhem, gầy gò nghịch đất ven đường, thấy tôi vào thì nép vào nhau sợ sệt. Những người không bị bệnh lên nương trồng ngô, trồng sắn, khai khẩn cánh đồng ven hồ làm ruộng. Những người bệnh ở nhà, người thì mặt sần sùi u cục, người thì lở loét, hốc hác. Tôi vào từng nhà hỏi tìm Son. Nhà Son ở tít chân núi Biệc, chính là chỗ tôi và cậu đang ngồi uống rượu đây”. “Cuối cùng hai người cũng được bên nhau!”. Tôi thốt lên và thực sự cảm phục trước tình yêu của chú Lình. “Không đơn giản thế đâu cậu. Mẹ Son vừa mất. Son lúc đó chớm bị bệnh, người nổi lên những mụn đỏ. Nhìn thấy tôi, Son đuổi tôi về, tôi không về, Son trốn lên rừng ở. Tôi ở hẳn lại nhà Son. Son trốn mãi không được đành phải về. Thời gian đó, mấy đứa trẻ Bản Hảu không bị bệnh như bọn thằng Sinh, thằng Khủ, thằng Đeng, con Nhình, con Ban, đứa học lớp năm, đứa học lớp sáu, chúng đều là những đứa học giỏi nhất trường. Do quá hiếu học, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng chúng vẫn chèo mảng vượt gần hai cây số mặt hồ để đến trường Long Xuân học. Hôm mấy đứa đi học về, bơi mảng đến giữa hồ thì mưa bão ập đến bất ngờ, thằng Sinh, con Nhình, con Ban sức yếu nên bị dòng nước cuốn đi, nhấn chìm. Còn lại thằng Đeng và thằng Khủ vẫn ngày ngày chèo mảng đến lớp, chúng bảo càng khó khăn càng phải học. Thằng Đeng và thằng Khủ ngồi một góc bàn học, cả lớp dồn về một dãy. Một thời gian ngắn học sinh trường Long Xuân bỏ học hàng loạt. Cứ tình hình ấy có thể học sinh cả trường Long Xuân sẽ bỏ học. Không còn cách nào khác, các thầy cô giáo đành khuyên hai em nghỉ học để giữ lại học sinh của trường. Thời gian này tôi đã có một quyết định quan trọng đó là ở lại hẳn nhà Son. Việc đầu tiên là tôi viết đơn lên xã và Phòng Giáo dục huyện xin mở một lớp học tại Bản Hảu và tôi sẽ là người tình nguyện ở lại dạy học. Chưa ai nhất trí mở lớp vì Bản Hảu có quá ít học sinh. Thế là tôi tự nguyện lên rừng chặt cây, mở lớp, dạy học không lương. Lúc đầu lớp học chỉ có năm học sinh, gồm thằng Đeng, thằng Khủ và ba em nhỏ nữa. Vừa dạy kiến thức lớp bảy cho Thằng Đeng, thằng Khủ vừa dạy vỡ lòng cho ba em nhỏ còn lại. Học sinh đứa nào cũng sáng dạ. Một thời gian sau tôi mang về một tải sách, chúng mang về đọc vanh vách cho bố mẹ nghe. Không lâu sau lớp học có cả các bác lớn tuổi, trong số ấy có cả người bị bệnh phong đến học. Thương thầy giáo vất vả không có gì ăn, các phụ huynh học sinh cũng như người trong bản lúc thì cho con cá, lúc thì chục trứng hay quả bầu, quả bí. Thường độ hai tuần, Son chèo mảng đi chợ mua muối, mỡ, mì chính và mấy thứ lặt vặt cho cả bản. Từ ngày Son mắc bệnh, có tôi ở lại, tôi là người thay Son đi chợ. Lúc thì bán yến ngô mua cho trẻ con cái áo, lúc thì bán con gà mua con dao phát nương. Cứ thế, tự nhiên tôi trở thành một thành viên của Bản Hảu lúc nào không hay. Cũng thời gian đó, tôi nghe nói chiến dịch thanh toán bệnh phong đã về đến huyện. Tôi viết đơn báo cáo tình hình bệnh phong ở Bản Hảu lên ngành Y tế huyện. Một thời gian không lâu, huyện cử hẳn ba bác sĩ đến nằm vùng để thanh toán dứt điểm bệnh phong. Cả Bản Hảu mừng như chết đi sống lại. Bệnh phong dần dần bị khống chế và loại trừ. Sau năm năm, Bản Hảu chỉ còn sáu người phải dùng thuốc điều trị. Thật may mắn là Son mới chớm bệnh nên được chữa khỏi, lành lặn như bình thường”.

“Ngày chú đến Bản Hảu, gia đình chú không phản đối sao?”. “Có chứ, thậm chí phản đối kịch liệt mặc dù tôi đã phân tích hết lời rằng bệnh phong khó lây, rằng Bản Hảu đang cần tôi nhưng ngày tôi đến Bản Hảu, bố tôi vẫn vơ hết quần áo ném ra sàn, bảo: “Mày đã đi thì đi luôn, đừng về nữa nhé…”. Mẹ tôi sụt sùi khóc, than: “Vất vả bao nhiêu năm nuôi mày khôn lớn, giờ ăn học thành người lại bỏ bố, bỏ mẹ mà đi vào chốn rừng ma nước hủi”. Tôi vẫn quyết định ở lại Bản Hảu vì biết bố mẹ thương con và tôi tin một ngày nào đó bố mẹ sẽ hiểu. Ngày tôi nhất quyết đòi cưới Son, vận động bố mẹ mãi rằng Son đã được chữa khỏi bệnh, bố mẹ tôi bắt con gà, nhồi ít măng thắp hương báo cáo tổ tiên, thế thôi, khách mời chẳng có ai. Người Bản Lồ thấy tôi và Son về đều tránh sang một bên không ai bắt chuyện. Cưới xong mẹ tôi bảo: “Nhà ta có đàn dê đấy, dê đông, nuôi ở Bản Lồ nó phá nương dữ quá, người ta chửi cho. Giờ con lấy về Bản Hảu mà làm vốn sinh sống”. Đấy là mẹ đuổi khéo Son về Bản Hảu. Tôi và Son dắt díu nhau về Bản Hảu, bắt đầu cuộc sống mới… Những năm ấy nước hồ lên xuống thất thường, ruộng lúa mất mùa liên tục, sắn cũng không còn để ăn. Tôi nhớ có lần đã khuya lắm, ông Lùng, người già nhất ở Bản Hảu thắp đuốc đến nhà hỏi: “Thầy giáo ơi, thầy là người có chữ, đi nhiều, hiểu biết nhất bản, thầy xem có cách gì cho Bản Hảu hết đói”. Chỉ hỏi thế rồi ông Lùng về. Cả đêm đó tôi mất ngủ. Đất đấy, rừng đấy, hồ nước mênh mông đấy, làm gì để hết đói? Chỉ có cách là khai khẩn thêm ruộng lúa lên chỗ đất cao hơn, trồng thêm cây ăn quả, nuôi thêm gà vịt bởi vì chẳng ai có vốn, chỉ còn cách lấy ngắn nuôi dài thôi. Còn mặt hồ mênh mông kia đánh cá bằng các dụng cụ thô sơ chẳng được là bao, phải chuyển sang cái gì khác? Phải rồi! Tôi nghe nói ở thôn Cốc Mì, xã Yên Lai có một người dưới xuôi lên, biết đan một thứ gọi là rọ để bắt tôm. Thế là sáng hôm sau tôi dậy sớm, lặn lội đến Cốc Mì học cách đan rọ tôm. Người đàn ông dưới xuôi nhiệt tình dạy đan và tặng tôi luôn một cái khuôn rọ. Tôi mang khuôn rọ về, tập đan, đan hỏng lại tập lại, cứ thế một tuần tôi đã đan rọ tôm thành thạo. Biết đan rồi, tôi làm thêm khuôn, dạy cho các nhà trong bản. Đan được rọ tôm, cả bản đóng thuyền đi đánh tôm. Không ngờ, tôm ở Bản Hảu nhiều vô kể. Mỗi nhà một đêm đánh được những rổ tôm to, họ cử những người lành lặn đem đến các chợ xa để bán. Nhiều người ngạc nhiên hỏi: “Các ông làm cách gì mà bắt được nhiều tôm thế”. Người Bản Hảu trả lời thật thà: “Chúng tôi đánh bằng rọ tôm”. Thế là từ khi ấy, Bản Hảu không chỉ đánh tôm mà còn đan rọ tôm bán cho dân quanh vùng… Ngọn núi Biệc lừng lững này là núi đá vôi với vô số loài dây leo chằng chịt làm thức ăn ngon cho dê. Đàn dê của vợ chồng tôi cứ thế sinh sôi nảy nở, không con nào bệnh tật. Vợ chồng tôi bàn nhau cho mỗi nhà một cặp dê để làm vốn. Vài năm sau, đàn dê ở Bản Hảu đếm đến nhức mắt cũng không hết. Năm năm kể từ ngày tôi đến Bản Hảu, bệnh phong được loại bỏ hoàn toàn. Một số hộ dân ở vùng khác đã đến Bản Hảu sinh cơ lập nghiệp. Bản Hảu không còn là hơn chục hộ dân sống ẩn dật nữa mà được thành lập thành một bản có tên trong bản đồ hành chính với gần năm chục hộ dân. Ngành Giáo dục đồng ý mở lớp học, tăng cường thêm giáo viên đến Bản Hảu. Được sự tín nhiệm của xã, của bản, tôi được kết nạp Đảng và được bầu làm Trưởng bản. Làm Trưởng bản ở một bản mới thành lập còn nhiều khó khăn vừa là vinh dự vừa là thách thức, trách nhiệm nặng nề. Phải vươn lên để người Bản Hảu hòa đồng, không còn tự tim mặc cảm nữa. Được nắm bắt chủ trương của xã, của huyện, tôi vận động bà con trồng giống lúa mới, trồng thêm ngô và lạc vụ đông, năng suất cứ thế tăng lên. Thấy dòng suối Biệc quê mình trong lành, lại bắt ra hồ lớn, phù hợp với nghề nuôi cá lồng, tôi nuôi thử hai lồng. Lứa cá đầu tiên xuất lồng tôi lãi chín triệu, lứa thứ hai lãi được mười bảy triệu đồng. Cứ thế tôi nhân rộng. Giờ thì Bản Hảu đã có ba mươi bảy lồng cá, đem lại thu nhập cao cho các hộ dân. Nói đi đôi với làm, mình phải làm trước, làm được thì dân mới tin và nghe theo. Đồi quế, vườn cam, rừng luồng đều là thứ mình trồng thử nghiệm làm gương, giờ giá trị cũng tiền tỉ… Cách đây mười năm, căn cứ theo địa thế hành chính và dân số, Bản Hảu được thành lập thành một xã riêng biệt mang một cái tên mới là xã Làng Ven”.

“Thế còn vợ con chú thì thế nào ạ?”- Tôi hỏi chú Lình. “Vợ tôi làm Chi hội trưởng Phụ nữ của bản. Vợ chồng tôi chỉ có một con trai. Nó vừa tốt nghiệp trường nông lâm, học xong nó bảo sẽ về trồng cây bát độ ở những chân đồi chè bỏ hoang. Tôi hỏi nó: “Thế con không xin đi làm ở đâu à?”. Nó bảo: “Con học lấy kiến thức về để cùng bố xây dựng quê hương”.  Hôm nay hai mẹ con nó về Bản Lồ thăm ông bà nội đấy. Sang đó, thằng con tôi nó đi ra mắt nhà người yêu luôn, nó bảo phải lấy người Bản Lồ để dân Bản Hảu và Bản Lồ xích lại gần nhau hơn. Nghe nó nói mà mình muốn rơi nước mắt…”. Dừng một lúc chú Lình bảo: “À, mà tôi cho cậu biết nhé, anh Chủ tịch xã ban chiều đưa cậu đến chính là thằng Khủ, học sinh ưu tú của tôi từng chèo mảng vượt hồ đến Long Xuân học ngày nào đấy”. Chú Lình lại nhấp một hớp rượu, ánh mắt xa xôi ấm lên những tia hạnh phúc. Ngoài kia, dòng suối Biệc hiền hòa lấp lóa ánh trăng, bì bõm tiếng cá lồng đập nước ăn đêm. Cánh đồng lúa trước nhà chú Lình đang vào vụ, hương lúa mới đưa theo gió núi lồng lộng. Tiếng chày giã cốm đâu đó lại vọng về, nhưng không còn là tiếng chày báo hiệu sự sống như trong ký ức xa xăm của tôi nữa mà là tiếng chày giã cốm để phục vụ khách du lịch, tiếng chày của sự no ấm.

Đêm đã khuya lắm, tôi vẫn không tài nào ngủ được. Phía bên kia, chú Lình quay mặt ra cửa sổ, nhịp thở đều đều, ánh trăng ngời lên những sợi tóc đã bắt đầu nhuốm bạc. Tôi biết chú Lình vẫn đang thức. Nhân vật của tôi đây, xương sống bài viết đây! Tôi vùng dậy cắm cúi viết. Cũng chẳng biết bài viết của tôi sẽ thành ký báo chí hay ký văn học nữa, nhưng chắc chắn tôi sẽ có một bài viết ấn tượng để báo cáo với Tổng biên tập.

NÔNG QUANG KHIÊM


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.