Tuyên giáo sẽ đi trước để mở đường

 

Trong những năm qua, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đã phát huy vai trò xung kích, góp phần bảo vệ nền tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh. Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2022), phóng viên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu đã có cuộc phỏng vấn, trao đổi với đồng chí Lê Đức Dục – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về những đóng góp nổi bật của ngành Tuyên giáo trong những năm qua và định hướng trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, xin đồng chí cho biết phương châm và chủ đề hoạt động của ngành Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh?

Đồng chí Lê Đức Dục – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Ngành Tuyên giáo với chức năng là cơ quan tham mưu trực tiếp cho cấp ủy các cấp về công tác xây dựng đảng trên các lĩnh vực tư tưởng, lý luận chính trị, công tác báo chí, xuất bản, công tác tuyên truyền, công tác khoa giáo, văn hóa văn nghệ và lịch sử đảng, trong thời gian qua ngành Tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình và góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh.

Trên cơ sở đó, chúng tôi xác định công tác tuyên giáo theo đúng phương châm của ngành Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đó là: Tuyên giáo sẽ đi trước để mở đường, đi cùng để đồng hành và đi sau để tập kết.  Cùng với đó là thực hiện đúng phương châm “3T”: Tiên phong – Trọng tâm – Thuyết phục.

Tiên phong là đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các nhiệm vụ khác.

Trọng tâm, tức là phải xác định nhiệm vụ trọng tâm, những việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình và lựa chọn những vấn đề cốt lõi, những vấn đề mang lại hiệu quả tốt nhất cho công tác xây dựng Đảng trên lĩnh vực tuyên giáo. Ngoài ra, còn phải trọng tâm trong cách thức tổ chức, tham mưu.

Thuyết phục tức là nói phải hay, làm phải tốt để người khác nghe theo mình, xứng đáng trở thành cơ quan tuyên truyền, cơ quan thuyết phục nhất của Đảng bộ tỉnh và của Nhân dân.

Phóng viên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu trao đổi với đồng chí Lê Đức Dục – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Phóng viên:  Xin đồng chí cho biết vai trò và một số kết quả nổi bật của công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh trong thời gian vừa qua?

Đồng chí Lê Đức Dục – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Trong thời gian vừa qua, nhất là sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngành Tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Lai Châu với sự cố gắng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ của mình và đạt được những kết quả nổi bật trên một số lĩnh vực:

Đã đổi mới và triển khai quyết liệt việc quán triệt, học tập tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó xác định và thực hiện khá tốt đổi mới cách thức học tập, quán triệt học tập. Bên cạnh học tập bằng hình thức trực tuyến là trực tiếp đối với các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các nghị quyết, đề án, kết luận chuyên đề. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã và đang được củng cố để thực hiện tốt vai trò của mình.

Tham mưu cho cấp ủy các cấp triển khai quyết liệt, hiệu quả việc thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn đảng. Theo đó, Đảng bộ tỉnh xác định việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cùng với việc tháo gỡ những điểm nghẽn, những nút thắt để việc học tập làm theo Bác trở thành phong trào, trở thành hoạt động thiết thực hàng ngày của cán bộ, đảng viên.

Đã đổi mới cách thức thực hiện, nâng cao chất lượng việc nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, xây dựng lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội để nắm kịp thời, chính xác các thông tin từ cơ sở, nhất là về những vấn đề tư tưởng của cán bộ, đảng viên.

Tập trung vào bảo vệ nền tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thông qua việc xây dựng lực lượng làm công tác đấu tranh một cách rộng khắp, có chất lượng và đấu tranh hiệu quả.

Quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên thông qua việc củng cố, kiện toàn các cơ sở đào tạo chính trị trong toàn tỉnh.

Với những kết quả như vậy, trong thời gian vừa qua ngành Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã được cấp ủy các cấp đánh giá cao và dành sự quan tâm để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả hoạt động.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đó thì công tác tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đang gặp những khó khăn, thách thức gì thưa đồng chí? Đâu sẽ là những vấn đề ưu tiên trong thời gian tới?

Đồng chí Lê Đức Dục – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Ngành Tuyên giáo Lai Châu thường xuyên tổ chức, triển khai học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và địa phương.

Đồng chí Lê Đức Dục – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Với điều kiện của một tỉnh miền núi, biên giới, trình độ dân trí không đồng đều, trong thời gian vừa qua hoạt động Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh cũng còn gặp không ít những khó khăn như: Lực lượng làm công tác tuyên giáo còn mỏng và trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ làm công tác tuyên giáo còn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Cùng với đó, việc đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu của khoa học công nghệ vào việc thực hiện các nhiệm vụ tuyên giáo còn nhiều khó khăn, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 và bùng nổ thông tin như hiện nay. Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là thông qua việc tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập nhà nước Mông… cũng là những khó khăn cho công tác tuyên giáo. Phải kể đến là một số cấp ủy chính quyền các địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên giáo làm cho công tác tuyên giáo bị mờ nhạt vai trò của mình.

Dù khó khăn, thách thức nhưng ngành Tuyên giáo xác định biến khó khăn thành hành động, biến thách thức thành thời cơ và ưu tiên vào những vấn đề trọng tâm đó là:

Thứ nhất, sẽ củng cố, kiện toàn và nâng cao trách nhiệm đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng, báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cấp ủy bởi đây là cánh tay nối dài, là lực lượng, là đội ngũ để tuyên truyền, truyền đạt đưa nghị quyết của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhanh nhất, sâu nhất, kịp thời nhất.

Thứ hai, ngành Tuyên giáo xác định tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp sẽ được ưu tiên, trong đó sẽ theo dõi và tham mưu cho cấp ủy để đôn đốc triển khai thực hiện một cách quyết liệt, kịp thời. Đồng thời điều chỉnh, tham mưu các nội dung theo yêu cầu của thực tiễn và chỉ đạo của cấp trên.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng, tổng kết thực tiễn và xây dựng các nghị quyết, chủ trương mới sát thực, phù hợp hơn nữa với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Thứ tư, nâng cao công tác giáo dục lý luận chính trị, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu hơn, kỹ hơn, có bản lĩnh và có tầm nhìn, nhận thức đầy đủ hơn về chính trị trước luồng thông tin nhiều chiều của các thế lực.

Thứ năm, quan tâm đến việc nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là những vùng còn khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi hoạt động tuyên truyền của các thế lực thù địch khác.

Thứ sáu, quan tâm xây dựng lực lượng thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng. Ngành Tuyên giáo xác định rằng việc đấu tranh bảo vệ nền tư tưởng của Đảng không chỉ là vai trò của ngành Tuyên giáo mà sẽ trở thành nhiệm vụ, nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện bùng nổ thông tin, nhất là trên các trang mạng xã hội thì đây là việc làm rất khó, tuy nhiên ngành Tuyên giáo xác định biến cái khó thành cơ hội, tức là dùng chính mạng xã hội để đấu tranh, phản bác. Trên cơ sở đó, ngành Tuyên giáo đã chỉ đạo các lực lượng dùng chính mạng xã hội để lan tỏa giá trị của những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của cấp ủy các cấp tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Cùng với việc lan tỏa, thì việc “tấn công”, tức là đấu tranh trực diện với các thế lực thù địch bằng công nghệ, bằng các trang mạng xã hội cũng được thực hiện đảm bảo vừa nhanh, vừa kịp thời, vừa hiệu quả rộng đến nhiều đối tượng.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.