Sáng 30 tết, Cường và vợ hoàn tất nốt công việc bày biện hoa cảnh, trang trí cành đào chuẩn bị đón tết. Điện thoại đổ chuông, anh lấy ra xem, là bố anh ở quê gọi. Anh tắt chuông rồi đút điện thoại vào túi. Vài phút sau điện thoại lại đổ chuông, anh lấy ra xem, vẫn là bố. Anh tắt chuông bỏ điện thoại ra bàn. Hoa thấy thế liền hỏi:
– Sao bố gọi mà anh không nghe?
– Thì bố gọi chỉ hỏi xem mình có về quê ăn tất niên không, anh đã trả lời cả tuần nay là con bận, để con sắp xếp, ý nói là mình không về rồi còn gì!
Nói xong Cường lại tiếp tục với công việc gắn dây bóng nháy lên cành đào. Đến khi điện thoại đổ chuông lần thứ ba, anh tỏ ra bực dọc định tiếp tục tắt chuông. Hoa lại gần nói:
– Anh nghe đi xem bố gọi bảo gì, biết đâu ở nhà có việc.
Khi Cường vừa nhấc máy thì đầu dây bên kia bố anh hỏi ngay:
– Con à, hôm nay con có sắp xếp công việc về nhà ăn tất niên được không?
– Con đã nói với bố rồi công việc của vợ chồng con trước tết bận lắm. Sau tết con mới về được.
– Hôm qua con nói để sắp xếp nên hôm nay bố gọi lại…
– Thì bây giờ con cũng có gia đình rồi. Con cũng phải cúng bái, hương khói nhà cửa nữa chứ. Trước tết hay sau tết có gì khác nhau đâu ạ!
– Ừ, thì bố cũng phải hỏi lại. Đã năm năm rồi con không được dự tất niên với gia đình mình. Bố mẹ sợ con ở xa tủi thân khi gia đình quây quần đầm ấm mà thiếu mỗi con.
Cường nghe thấy giọng nói ở đầu dây bên kia chùng xuống và nghẹn dần. Anh chẳng biết trả lời thế nào thì đầu dây bên kia nói tiếp:
– Thôi bố cúp máy đây.
Cường buông mình ngồi xuống ghế thẫn thờ. Tất niên, bữa cơm ngày cuối năm, bố anh luôn nói đây là bữa cơm quan trọng nhất trong năm, đó là bữa cơm đoàn viên sum họp. Ngày bé mỗi khi nghĩ đến tết là anh nghĩ ngay đến buổi tất niên ấm áp với đầy đủ thành viên trong gia đình. Ký ức về những ngày tất niên thơ bé lại hiện về trong anh. Ngày tất niên luôn là thời gian có ý nghĩa nhất đối với gia đình Cường. Khi mọi công việc bộn bề được gác lại, cả gia đình tập trung cho mâm cỗ cúng tất niên dâng lên ông bà tổ tiên để báo cáo những gì đã làm được trong năm cũ và cầu mong những điều tốt lành cho năm mới. Nồi bánh chưng được nổi lửa từ đêm hôm trước đến trưa hôm sau được bố Cường dỡ ra, rửa qua nước lạnh rồi cho lên tấm phản gỗ ép nước. Bố vừa làm vừa nói với anh em Cường: “Khi luộc, nước ngấm vào trong bánh nên khi vớt bánh ra còn một khâu quan trọng nữa là phải ép nước cho ráo bánh. Có như vậy bánh mới vuông và ăn mới ngon, không bị nhão, lại để được lâu hơn”. Bố xếp bánh thành hai hàng ngay ngắn sát nhau trên tấm phản gỗ, sau đó đặt một tấm ván lên trên. Khi nhìn thật cân đối thì bố đè cái cối đá lên trên tấm ván, để như vậy khoảng ba mươi phút là hoàn thành công đoạn ép bánh. Chọn ra hai cặp bánh vuông vức và đẹp nhất, bố tháo lạt và gói thêm một lớp lá dong tươi còn xanh ngắt bên ngoài để đặt lên bàn thờ bày cạnh mâm ngũ quả.
Anh cả của Cường ra vườn chọn một cành đào đẹp nhất, cưa thật khéo để không bị rụng những cánh thắm mỏng manh, rồi đốt gốc mang cắm lên ban thờ. Sau đó anh bày mâm ngũ quả, sắp xếp đồ lễ và bánh kẹo thật đủ đầy. Các chị dâu và chị gái tất bật trong bếp với các món canh, món nướng, món xào. Mẹ Cường thì om nhỏ lửa kẻo con gà luộc bị nứt da lại xấu cỗ. Chẳng mấy chốc mà hai mâm cỗ cúng công phu với các món gà luộc, thịt lợn, thịt nướng, giò, nem, canh măng, canh miến… đã chuẩn bị xong tươm tất. Ban thờ với cành đào, mâm ngũ quả, lọ hoa đã được bày biện đủ đầy đẹp mắt. Hai mâm cỗ được đặt hai bên ban thờ thành kính. Bố Cường thay bộ quần áo bộ đội đã bạc màu rồi lên hương khấn mời ông bà tổ tiên, thần linh, thổ công về dùng cỗ. Mùi hương trầm phảng phất mang không khí linh thiêng, đầm ấm lan khắp căn nhà. Ai đã xong việc thì lên nhà ngồi uống nước hoặc tắm rửa, thay quần áo đẹp để lát nữa còn ăn cỗ. Dưới bếp còn món rau và món lòng lợn nữa là xong. Đây là lúc mọi người có thời gian hơn để tâm sự, hỏi han nhau, kể cho nhau nghe những thành công, khó khăn trong năm cũ, những dự định và kế hoạch của năm mới sắp sang…
Những ký ức về ngày tất niên của nhiều năm thơ bé cứ đan xen ùa về trong Cường, đã từ bao giờ anh lãng quên vị tết xưa. Là con út trong gia đình anh được cưng chiều nhất. Anh là người duy nhất trong nhà được học lên đến đại học, các anh chị của Cường học cao lắm thì hết cấp ba rồi ở nhà làm nông, chạy chợ. Học đại học xong Cường may mắn xin được công việc ở thành phố, lấy vợ là người thành phố rồi ở rể luôn vì gia đình nhà vợ không có con trai. Thành phố có sức hấp dẫn rất lớn với Cường ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân tới để học tập. Thành phố có biết bao điều mới mẻ mà ở bản, ở xã nơi anh sinh ra không có. Ngày tết thành phố với đèn đường rực rỡ, pháo hoa rợp trời, với mọi thứ có thể đặt mua ngoài hàng mà không phải mất công chuẩn bị, với rượu tây và bao thứ xa hoa đã cám dỗ anh một cách lạ kỳ. Và nhất là ở đây anh có họ hàng bên vợ, có bạn bè là những người thành phố, trước đây họ là một đẳng cấp khác với anh. Họ có cuộc sống đủ đầy, giàu sang và hào nhoáng mà một chàng trai từ bản xuống như anh thấy đầy ngưỡng mộ và thèm khát. Từ ngày lấy vợ, sống ở thành phố anh ngỡ mình đã vươn lên cùng tầng đẳng cấp với họ. Anh ít nhắc về quê, ít cả về thăm nhà nữa. Và rồi đến cả cái tết ở quê cũng dần xa lạ với anh. Biết đâu nguồn cội? Nước mắt anh trào ra thành dòng trên má từ lúc nào không hay!
Hoa vừa dọn dẹp nhà cửa nhưng vẫn vừa quan sát Cường. Thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má chồng, Hoa suy nghĩ rất nhiều. Hoa hiểu phần nào cảm xúc của anh. Hoa biết với lối sống tình cảm của bố mẹ chồng thì giờ này đang mong con cái về đoàn viên lắm. Hoa ứa nước mắt theo chồng khi nghĩ về nơi bản làng xa có bố mẹ anh đang trông ngóng mong mỏi đón con cái về. Hoa lại gần, ngồi xuống ghế, dựa đầu vào vai Cường thủ thỉ:
– Em chán tết thành phố lắm, hay năm nay mình về nội ăn tết đi anh! Cho con nó còn biết đến tết ở quê nữa.
Xin phép bố mẹ vợ, bỏ lại thành phố ồn ào sau lưng, vợ chồng Cường đưa con về quê nội ăn tết. Chuyến xe lên tỉnh ngày cuối cùng tháng chạp không còn đông đúc nhưng chứa đầy không khí tết. Ra khỏi thành phố, xe bắt đầu hành trình vượt đèo gian nan. Núi rừng trập trùng ẩn hiện, bản làng thấp thoáng trong mây. Chẳng mấy chốc xe đã qua Sa Pa, lên đến đỉnh đèo Hoàng Liên và đổ dốc về đến địa phận tỉnh nhà. Những cảnh sắc quen thuộc hiện ra trước mặt Cường, anh ôm con vào lòng rồi chỉ cho cậu bé biết tên của những loài cây ven đường, tên của những chú chim đậu trên đó, lúc thì tên của con đèo, con dốc… bởi cung đường này anh đã thuộc như lòng bàn tay với bao năm tháng ngược xuôi đi học. Anh kể cho con như để ôn lại kỷ niệm của chính mình. Chả mấy chốc mà nửa ngày đường ngồi xe khách đã kết thúc. Bác tài cho xe dừng ở lối rẽ vào bản, gia đình Cường xuống, rồi xe tiếp tục chạy về trung tâm huyện kết thúc cuộc hành trình. Hai vợ chồng Cường đang khệ nệ khuân xách quà cáp và hành lý xuống xe đã thấy tiếng bố gọi to bên kia đường. Không biết ông ngồi đợi từ bao giờ. Thằng cu hò reo vì không phải xách đồ nữa rồi chào ông tíu tít.
Con đường vào bản đã bê tông hóa được quét dọn sạch sẽ tinh tươm. Nhìn ra cánh đồng vẫn còn vài bác nông dân đang mau chóng cày bừa nốt những đường cuối cùng trước khi nghỉ tết. Mùi quê với hương bùn non thấm đượm nồng nàn. Chưa về đến cổng bố Cường đã gọi to:
– Bà nó ơi cháu nội về tới nơi rồi này!
Mẹ Cường đon đả chạy ra đỡ hành lý giúp con dâu mừng mừng tủi tủi. Thấy mắt mẹ long lanh ngấn nước, Cường biết tết từ đâu đó trong vợ chồng mình và cháu nội đã về trong mẹ. Có một cảm giác ấm áp vô cùng khi mẹ ôm hai vợ chồng Cường vào lòng thủ thỉ:
– Con cái đã về đủ cả mẹ mừng quá.
Tất cả mệt mỏi của một năm tất bật trên thành phố, của chuyến xe ca nửa ngày đường dường như tan biến trong tình yêu của mẹ. Cường muốn nói rằng “Con yêu mẹ” nhưng lời nói đó từ lâu anh ngại ngùng không thốt được thành lời. Vậy mà trước kia khi còn đi học, mỗi lần về nhà anh đều chạy tìm mẹ và nũng nịu như thế.
Mẹ Cường xách ấm nước nóng ra sân giếng pha cho con dâu và cháu rửa mặt. Thằng cu bảo bà:
– Nước giếng không lạnh đâu bà ạ! Bà cứ đi làm việc đi để kệ mẹ con cháu tự làm được mà.
Bà mắng yêu thằng bé rồi cả mấy bà cháu cùng cười giòn tan khiến ông đang thăm nồi bánh chưng ở trái bếp không biết chuyện gì nên gọi với ra để hỏi. Ngoài ngõ tiếng các anh chị và các cháu đang í ới mở cổng. Bọn trẻ chạy đi chơi với nhau còn người lớn hỏi han đủ chuyện, thế rồi tất cả bắt tay vào chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên. Hoa cắm những bông hoa nâng niu từ thành phố mang về để trưng lên bàn thờ và bàn uống nước.
Chiều dần buông với làn khói lam quyện cùng khói hương, khói bếp mang ngày cuối năm hòa vào núi rừng, ẩn vào đêm tối. Cả gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên để bố Cường căn dặn vài lời tiễn năm cũ. Mấy chục năm lên mảnh đất tận cùng Tây Bắc khai hoang, bố mẹ Cường đã sống gần hết một đời người với rừng núi. Anh em Cường được sinh ra ở đây, lớn lên cùng người dân bản địa, giờ đã thành người con của mảnh đất miền biên ải. Không được quên nguồn cội dưới xuôi nhưng cũng luôn phải nhớ hàm ơn mảnh đất đã cưu mang và nuôi nấng mình – bố Cường nhắc lại lời căn dặn. Chén rượu thơm được rót cho tất cả mọi người kể cả không biết uống. Ngồi bên gia đình với bánh chưng, dưa hành trong mùi khói hương phảng phất, Cường mới thấy thấm thía hơn ý nghĩa của ngày tất niên trong vị tết cổ truyền. Tết không phải ngày đánh dấu đỏ trên tờ lịch, tết chỉ thực sự diễn ra khi mọi người đoàn viên, sum vầy.
TRƯƠNG HUY