Khói chiều cuối năm

 Những ngày cuối năm, tôi bỗng trở thành người xưa năm cũ, lòng lúc nào cũng nhớ về quê nhà, nhớ ngọn khói chiều trắng chấp chới bay lên từ đồng ruộng, từ mái tranh nghèo xơ xác, và từ một vài ụn lá khô trong vườn bà dọn dẹp.

Một tuần vài ba bận tôi thường mơ về chốn cũ, tức quê nhà. Thời gian găm đầy trong vùng nhớ là hình ảnh cánh đồng tháng Chạp khô không khốc, buổi chiều tôi theo chân cha vác cào đi cào rơm rạ khô để un đốt chuẩn bị cho vụ lúa mới trước khi nước từ nguồn chảy về làm ải. Những ụn rơm rạ vun đống to đùng, cha châm một mồi lửa và chúng từ từ bốc cháy. Khói ngùn ngụt bay lên trong mênh mang ánh nắng chiều hanh hao, theo những ngọn gió lãng đãng bay tận lên cao. Cha ơi, những lọn khói ấy sẽ bay về nơi đâu? Câu trả lời thường đến sau nụ cười hiền hậu. Những lọn khói sẽ tỏa đi muôn nơi, đi theo tới nơi mà chúng muốn. Thảng khi ngả lòng soi bóng ký ức, tôi thấy phảng phất bóng dáng mình của những lọn khói quê nhà.

Đôi lần trí nhớ chơi vơi, tôi đã quên đi mùi vị của khói, nhưng rồi bất giác hình ảnh hiện lại trong đầu thì tôi lại nhớ rõ mồn một, một cách lạ lùng. Tôi đã nhiều lần đứng gần đống lửa, nhìn những sợi rơm rạ bùng cháy và hít thật sâu một hơi cho đẫy lồng ngực cái mùi khói đồng. Một chút nồng, quyện một chút ngai ngái của bùn đất, lại thêm một chút mằn mặn (chắc bởi vì những giọt mồ hôi của cha mẹ rơi xuống? Có thể lắm chứ?!). Rồi bỗng dưng ký ức tan theo khói. Nỗi đau đáu khắc khoải hiện rõ. Tôi tiếc nuối và quặn lòng. Thời gian đã khiến tôi phải lớn lên, tôi xa nhà, xa luôn mùi khói. Cánh đồng năm xưa là thiên đường thuở nhỏ. Cánh đồng đã bao dung tôi từ những lọn khói thân thương nhất.

Khi tôi kể về những lọn khói đồng, bạn hỏi có còn lọn khói gì khiến tôi nhung nhớ nữa không? Câu hỏi như đánh trúng vào dòng ký ức tuôn chảy. Tôi lần lượt hoài niệm. Tôi kể bạn nghe về những ngày cuối năm, bà  khom lưng ngoài vườn dọn dẹp cỏ dại. Vườn cây ăn quả cuối năm lá rụng xào xạc, khô đanh. Bà vun thành từng đống, tôi phụ bà quẹt diêm. Cỏ dại bùng cháy, bà nheo mắt, còn tôi thì đưa cái que thật dài khều lên khều xuống cho nó cháy hết, cháy thật to mới vừa ý, cho đến khi đống lá, cỏ thành đám tro bụi thì mới ngưng. Khác với khói rơm rạ đốt ở đồng, khói lá, cỏ dại khô lại có một mùi riêng. Mùi lá mít thanh tao, mùi lá nhãn vấn vương dìu dịu. Có khi khói tạo thành cột rồi mới lan tỏa lên trời cao.

Và cuối cùng là khói trong gian bếp, cha đã bắc nồi bánh chưng, lửa bập bùng cháy. Cha tôi có thói quen đi xát lúa luôn mang về một túi trấu thật to, vì thế mà bếp lửa của cha rất đượm. Thi thoảng có một vài hạt thóc lép nổ tí tách trong bếp cũng làm niềm vui của tôi hân hoan cả ngày. Khói trấu un, khói củi gộc, khói từ nồi bánh chưng sùng sục, quyện đầy chái bếp nhỏ, len theo mái tranh mà bay lên. Rồi những sợi khói từ chảo mứt của mẹ, khi tôi nhớ về, cánh mũi lại phập phồng cay thơm mùi mứt dừa, mứt cà rốt, mứt gừng. Mùi khói bếp như đánh thức cả không gian, xua tan đi hơi lạnh se sắt, tôi nghe trong lòng rạo rực…

Tôi và bạn nhìn vào mắt nhau, có một sự đồng cảm lớn lao. Chỉ là khói chiều cuối năm nhưng đôi khi cũng làm người ta giật mình, vặn lòng tưởng tiếc về những hoài niệm. Người ta thường nói thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả nhưng những gì tôi, bạn chắt chiu trong quá khứ, thì sẽ mãi mãi không bao giờ phai nhạt, như lọn khói chiều cuối năm quê nhà rưng rưng…

Nguyễn Văn Chiến


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.