Người Thái có câu:
Cháng nhân chăng đẩy kin lai mẩu
Cháng Thẩu chắng đẩy kin lai chiêng
Nghĩa là:
Khéo sống mới được ăn nhiều mùa cốm
Sống lâu mới được ăn nhiều cái tết.
Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu – Lễ cơm mới của đân tộc Thái trắng,ở Mường So Phong Thổ là lễ hội truyền thống, mang đậm ý nghĩa tín ngưỡng phồn thực. Lễ hội không chỉ là dịp để bà con nông dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bản mường ấm no hạnh phúc, mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm giữa các dân tộc trong vùng. Lễ hội mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, sự no đủ, sung túc cho người dân.
Phần lễ tại lễ hội Kin Lẩu khẩu mẩu.
Hàng năm, Lễ hội Kin Lẩu khẩu mẩu được tổ chức vào ngày 15 tháng 9 âm lịch. Tháng 9 là thời điểm lúa non thích hợp chọn để làm cốm. Giống lúa nếp chọn cấy để làm cốm phải là giống lúa nếp nương loại thơm. Khi tổ chức lễ hội, chọn lúa về làm cốm, không nhất thiết ấn định chọn lúa của gia đình nào. Trước thời gian diễn ra lễ hội, bà con ra cánh đồng của bản để tìm lúa tốt. Ruộng của gia đình nào đạt tiêu chuẩn sẽ được sử dụng để làm cốm trong lễ hội. Ngày đi lấy lúa về, bản cử một bà cụ có kinh nghiệp làm cốm, cùng với chủ ruộng và vài thiếu nữ của bản cùng ra ruộng để lấy lúa. Bà cụ đi trước, đến thửa ruộng lấy lúa bà khấn: “Trải qua quá trình cày, cấy, chăm sóc, bây giờ lúa đã chín, Con cháu sẽ tổ chức ăn cốm mới, Xin với các thần thổ địa cho con cháu được lấy lúa về làm cốm”. Sau đó, bà cụ cầm liềm cắt mấy bông lúa tượng trưng rồi hướng dẫn các cô gái cắt đủ số lượng lúa cần lấy. Những cô gái được chọn đi lấy lúa về làm cốm hôm đó phải là những thiếu nữ chưa lập gia đình, ngoan và là con của những gia đình gương mẫu, sống thuận hoà, khoẻ mạnh. Theo quan niệm của người Thái, chỉ có những người như vậy mới đủ tiêu chuẩn đi lấy lúa về làm cốm, thể hiện được sự trưởng thành của con cháu, sự trọn vẹn đối với các thần linh.
Lễ hôi Kin lẩu khẩu mẩu gồm hai phần: phần lễ và phần hội.
Trong phần lễ, thấy cúng đại diện dân bản khấn mời các thần linh về thụ hưởng lễ vật và phù hộ cho dân làng được bình an. Lời khấn mở đầu có đoạn:
“…Con cháu ở Mường So
Lễ cốm năm qua chưa nguội
Hội cốm năm nay lại đến
Mùa cốm đến ta vui
Lúa mẩy hạt ta mừng
Bản mường đã sắp lễ
Có lợn to, rượu ngọt
Có vịt bơi dẫn nước về ruộng
Có gà trống mào đỏ….”
…
Mong thần linh phù hộ
Cho lúa ruộng trĩu bông
Lúa trên nương mẩy hạt
Cho chăn nuôi sinh sản
Gà, vịt đầy chuồng trúc
Gia súc đầymáng gỗ sung
Trâu bò đầy sân bãi
Bản mường giàu hơn xưa
Bản mường hơn năm ngoái
Giàu có hơn năm xưa…”
Sau phần lễ, phần hội sẽ tổ chức các hoạt động văn nghệ với các điệu múa, điệu xoè.. và các trò chơi dân gian truyền thống của người Thái trắng như: kéo co,đẩy gậy,tung còn, tó má lè…
Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, không thể thiếu tiếng vang của “tóng lỏng”(máng gỗ giã cốm), đây cũng là một nhạc cụ được người Thái sử dụng trong Lễ hội.
Vùng Mường So, Phong Thổ đang dần trở thành một địa chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi còn lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, nét văn hóa và ẩm thực đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái.
Xuân Chiến