Phát huy nghề truyền thống góp phần bảo tồn văn hóa  và thúc đẩy phát triển kinh tế    

 

Lai Châu là tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, điều kiện kinh tế – xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Trong 20 dân tộc cùng sinh sống thì tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 84%. Nghề truyền thống nơi đây chủ yếu sản xuất ra các sản phẩm sinh hoạt hằng ngày như: dệt thổ cẩm, nấu rượu, làm bánh cổ truyền, miến dong; các sản phẩm sản xuất ra nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như: đan lát, nghề rèn, đúc; nghề chạm bạc làm đồ trang sức phục vụ đời sống tinh thần, thẩm mỹ của người dân địa phương.

Xác định nghề truyền thống là một bộ phận của các ngành nghề nông thôn nói chung, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận ở nông thôn, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống trên địa bàn. Thời gian gần đây, một số địa phương phát triển du lịch cộng đồng ưu tiên khôi phục nghề thủ công truyền thống như ở: bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ); bản Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, Bản Hon (huyện Tam Đường); bản Gia Khâu 1, bản San Thàng (thành phố Lai Châu)… Tuy nhiên, việc phát huy nghề thủ công truyền thống còn mang tính khiêm tốn, chủ yếu là trình diễn, giới thiệu sản phẩm lưu niệm và các hoạt động cho du khách trải nghiệm, chưa hình thành được chuỗi giá trị của sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng.

Theo quy định tại Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận, nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc, nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề. Từ đó, thống kê trên địa bàn tỉnh hiện nay mới có 1 nghề được UBND tỉnh ra quyết định công nhận là nghề truyền thống, đó là nghề nấu rượu ngô tại bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng (nay là xã Sùng Phài), thành phố Lai Châu. Tuy nhiên, thực tế trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn hiện có nhiều nghề truyền thống đang tồn tại như: nghề dệt, nghề làm bánh bỏng của dân tộc Giáy, nghề thêu, nghề chạm bạc của người Dao và nghề rèn, đúc của người Mông…

Nghề nấu rượu ngô truyền thống tại bản Sùng Chô, xã Sùng Phài đang được phát triển ổn định, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Có 50 hộ thường xuyên nấu, sản xuất rượu với sản lượng khoảng 80 nghìn lít rượu một năm. Sản phẩm rượu ngô của Sùng Chô hiện đang được tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh và đã tham gia giới thiệu tại các hội chợ ngoài tỉnh, bước đầu liên kết bán sản phẩm tại một số cửa hàng các tỉnh lân cận, tạo thu nhập cho lao động khoảng 5,3 triệu đồng/người/tháng. Nghề sản xuất miến dong ở xã Bình Lư (huyện Tam Đường) đang được quan tâm phát triển,với 105 hộ trồng dong riềng, 3 cơ sở sản xuất bột và 48 cơ sở sản xuất miến dong. Số hộ làm nghề là 51 hộ với 153 lao động, thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Nghề làm bánh bỏng của người dân tộc Giáy tại bản San Thàng 1, xã San Thàng, thành phố Lai Châu hiện nay vẫn đang được duy trì bởi gần 50 gia đình với gần 100 lao động…

Hiện nay, một số ngành nghề truyền thống đáp ứng được nhu cầu xã hội nên tiếp tục được phát triển mở rộng như nghề làm miến dong ở xã Bình Lư, nghề dệt thổ cẩm ở một số địa bàn phát triển du lịch của huyện Tam Đường, Phong Thổ, nghề chạm bạc của người Dao trên địa bàn huyện Sìn Hồ. Một số chính sách của nhà nước đã bước đầu quan tâm, tạo điện kiện để khuyến khích phát triển nghề truyền thống. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng, giá thành sản phẩm, nguyên liệu, thời gian sản xuất, thị trường, cạnh tranh của nền sản xuất công nghiệp, công năng sản phẩm không mang tính phổ biến… đã khiến cho việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm từ nghề truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, một số nghề chỉ sản xuất ra sản phẩm để phục vụ đời sống sinh hoạt trong cộng đồng dân tộc nhất định, khó tiếp cận được với thị trường, nhu cầu sử dụng không còn hoặc còn rất ít và bị các sản phẩm hàng hóa sản xuất công nghiệp lấn áp. Nguy cơ mai một của nghề truyền thống xuất phát từ hiệu quả kinh tế thấp, khó duy trì nghề; một số nghệ nhân, người làm nghề cao tuổi đang mai một, lớp trẻ không thiết tha với nghề truyền thống của dân tộc mình. Cơ chế, chính sách cho lưu giữ, phát triển các nghề truyền thống tại địa phương hiện chưa đáp ứng được nhu cầu gìn giữ, lưu truyền và phát triển nghề. Sức cạnh tranh từ sản phẩm nghề truyền thống của Lai Châu chưa cao, sản phẩm chưa tạo dựng được thương hiệu nổi bật, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường. Việc bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Việc duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nghề truyền thống cần gắn với các vùng nguyên liệu và bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống mang bản sắc tốt đẹp của dân tộc, địa phương sẽ tạo điểm nhấn trong thương hiệu du lịch, quảng bá nét đẹp của mảnh đất, con người Lai Châu. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước gắn với thực tế của địa phương trong việc phát triển nghề truyền thống.

Chương trình hành động số 08-CTr/TU, ngày 14/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng xác định tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng có liên quan đến nghề truyền thống. Quan tâm bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống độc đáo, đặc sắc các dân tộc. Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, truyền dạy chữ viết trong cộng đồng.

Chương trình khuyến công tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 – 2025 (theo Quyết định 407/QĐ-UBND, ngày 14/4/2020 của UBND tỉnh) xác định tập trung các hoạt động khuyến công để khôi phục các làng nghề truyền thống. Phát triển nghề gắn với kế hoạch triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia để giảm thiểu tiêu cực đến môi trường. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và các hoạt động quảng bá sản phẩm từ nghề truyền thống.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch” là một trong ba chương trình trọng điểm của nhiệm kỳ. Để cụ thể hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu “Hằng năm, phấn đấu mỗi dân tộc được bảo tồn ít nhất một di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó ưu tiên: Lễ hội, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nghề truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian”. Đây là căn cứ quan trọng để phát triển, bảo tồn lưu giữ nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy sẽ mở ra nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh tác động tích cực đến phát triển nghề truyền thống. Gắn phát triển nghề truyền thống với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và phát triển du lịch đang được các tỉnh quan tâm bằng việc khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống trở thành điểm tham quan, trải nghiệm đồng thời làm cơ sở sản xuất đồ lưu niệm, quà tặng như: nghề dệt (dân tộc Lự; Thái), rèn; chạm khắc bạc (dân tộc Mông, Dao); nghề thêu, trồng hoa địa lan (dân tộc Mông); nghề làm miến dong (bản Hoa Vân, xã Bình Lư); nghề làm bánh truyền thống (dân tộc Giáy)… để đáp ứng nhu cầu mua sắm, tìm hiểu của du khách. Phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm quy trình dệt, thử nghiệm cách dệt để thu hút du khách.

Bảo tồn, phát triển nghề truyền thống nằm trong xây dựng phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy hoạch nông thôn mới và chương trình OCOP được triển khai. Chú trọng một số nghề truyền thống đang phát triển ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường… từ đó phát triển thương hiệu cho sản phẩm của nghề truyền thống để phát triển thành thương hiệu OCOP của địa phương. Hỗ trợ xây dựng hoặc liên kết hệ thống các cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại trung tâm các huyện, thành phố, các điểm du lịch của tỉnh. Tăng cường liên kết với trung tâm xúc tiến đầu tư, trung tâm giới thiệu sản phẩm các tỉnh bạn.

Thực hiện Kết luận 224-KL/TU ngày 18/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh” sẽ có thêm những nguồn lực cho bảo tồn, phát triển nghề truyền thống. Các chính sách hỗ trợ đối với các nghề truyền thống, xây dựng các dự án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; việc đãi ngộ đối với các nghệ nhân, người già nắm giữ nghề, hỗ trợ việc truyền dạy cho lớp trẻ đang từng bước được triển khai.

Nghề truyền thống của Lai Châu đang nhận được sự được quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, từng bước góp phần giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển du lịch, quảng bá nét đẹp của mảnh đất, con người Lai Châu. Đây cũng chính là việc cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

VŨ NĂNG VÕ

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.