Gió lạnh đã về trên cao nguyên. Những cánh lá úa tàn còn vướng vít trên cành cây khẳng khiu đang run rẩy trong lớp sương trắng bám quanh mình. Sau một đêm gió thổi cũng chẳng chịu lìa cành để những mầm chồi khó chịu cựa quậy trong lớp vỏ sần sùi như con tằm muốn chui ra khỏi kén mà sợ lạnh nên cứ co ro, cúm rúm đợi ngày nắng mùa xuân mặc cho thế giới ngoài kia rộn rã đến nhường nào.
Tôi co mình trong chiếc áo rộng thùng thình đi quanh thị trấn một sớm mai. Khi mặt trời còn cuộn mây ngủ say sau những dãy núi ẩn mờ trong sương, khi những rơm những rạ trên cánh đồng còn đang rúc vào nhau để phủ ấm cho đất thì dọc con đường chính những hàng quán đã bắt đầu mở cửa. Lần lượt từng bóng điện trong các nhà hàng được bật lên lung linh cả con đường kéo dài từ đầu đến cuối thị trấn. Phố núi nhộn nhịp tiếng bước chân, lỉnh kỉnh tiếng dọn hàng, lạch cạnh tiếng dao thớt và khoảng sau ba mươi phút là sực nức mùi thơm của những món ăn mà hình như ở đâu cũng có là phở và bánh mì. Nhưng tôi lại say cái vị thơm dịu dàng của tào phớ người Hoa lang thang trong sương sớm ở một góc cuối của khu chợ ngày đông.
Tôi từng ăn ngấu nghiến tào phớ với phô mai ở Hà Nội, từng húp chùn chụt cả bát tào phớ to vật vã với mật ong giữa thành Vinh nhưng tôi lại nao nao nhớ vị cay cay của ớt chỉ thiên rừng muối chua trộn trong tào phớ của người Hoa ngày chợ phiên ở Sìn Hồ. Chẳng cần bát sứ, bát ngọc, tào phớ nóng trên bếp than củi hồng múc vội vào bát sành sứt miệng thả thêm thìa ớt xanh muối nguyên quả cay nồng lên men rồi trộn đều ăn cùng cơm gạo lật đùm với lá dong, bọc ngoài là lá khoai rừng thì… chao ôi là ngon! Cái thức gạo của người Mông trồng trên các ngọn núi cao như kết tinh vị đậm đà của trời đất ở điểm giao thoa nên màu cơm không trắng ngần như gạo tám, gạo dẻo mà là cái màu trắng đục nhờ nhờ bám viền những vân đỏ lừ như lá cây chín cuối thu. Từng hạt tròn nở bung ra như nụ hoa xòe ngày nắng không kết dính nhưng cho vào miệng lại rền rền, dẻo dẻo quyện với vị cay của ớt, vị thanh đậm của tào phớ ngay ở đầu lưỡi, chân răng vì thế gác đũa rồi vẫn thấy thoảng mùi thơm của lúa theo chân người từ trên núi xuống chợ.
Bao quanh thị trấn Sìn Hồ là con đường vành đai mới đưa vào sử dụng mấy năm gần đây. Hai bên đường, những nhà dân ở xã Tả Phìn, Phăng Sô Lin lần lượt gối tay nhau dựng nhà trên thân đất ruộng từ thời cha ông tiên tổ khai hoang để lại. Họ mang theo khát vọng được nối nhịp với từng bước thay da đổi thịt của phố huyện vùng cao chứ chẳng giống gia đình tôi. Tiếng con gà mái lục tục gọi đàn con dậy làm vườn từ sáng sớm như đánh thức cả không gian yên tĩnh của khu ngoại ô. Những vườn rau cải rùng mình rũ sương hớn hở chào ngày mới khi thấy ánh mặt trời le lói sau đám mây xám xịt lúc hừng đông. Mẹ khơi bếp củi nhen lửa đặt nồi rượu ngô ủ men lá rừng từ độ ngô còn bấm hơi sữa, còn bố lấy từng chùm ngô khô treo trên mái xuống để tách hạt rồi ngâm ủ cho con dê, con bò chuẩn bị đón mùa đông. Hũ rượu nếp cẩm cạnh bếp bố chắt đã vơi nửa lóng lánh màu đen tuyền cứ quyện lại như cũng thấy cái lạnh đang ùa về.
Bố tôi – người đàn ông duy nhất trong gia đình có toàn phụ nữ vẫn thường ngửa cổ tu ừng ực cả hũ rượu mỗi khi ai đó chạm vào lòng tự tôn của người đàn ông không có người nối dõi. Mẹ tôi – người phụ nữ thuần chất dân tộc Mông biết đẻ để thỏa nỗi khao khát có con trai của bố mà trở nên lặng lẽ hơn sau mỗi lần sinh nở. Tuổi thơ tôi gắn liền với hơi rượu mẹ nấu mỗi sớm mai bập bùng theo ánh lửa trên bếp và những cơn say lè phè của bố bên bậu cửa nhà mình. Và rồi lòng trắc ẩn của người được đi đây đi đó, hiểu biết hơn nhiều người khác trong bản đã chiến thắng nỗi khao khát có người nối tục. Bố giấu bớt những nỗi niềm của người đàn ông gánh trên vai trách nhiệm của cả một dòng họ mà chăm sóc cho chúng tôi cùng mẹ.
Nhưng bố tôi vẫn thường uống rượu. Bố uống rượu mỗi khi cảm thấy cuộc sống bất công với mình, không cho mình một mụn con trai. Mẹ thương bố nên đã tự tay ủ các loại rượu bằng men lá rừng để bố không phải lướt khướt ở ngoài đường hay nhà người khác như những người đàn ông khác trong bản. Mẹ bảo: Đàn bà phải biết giữ chân người đàn ông mình thương. Mẹ giữ chân bố bằng những nồi rượu trên bếp mỗi sớm mai. Ngày thường, bố vẫn uống say rồi ngủ nhưng ngày chợ phiên thì bao giờ bố cũng tỉnh táo để đưa cả nhà xuống chợ. Mỗi lần xuống chợ là bố mua nào những vải, những hạt cườm, những chỉ để mẹ may váy áo cho chị em tôi hoặc thêu đồ để phiên sau bán. Tôi giống bố, yêu từng đường kim mũi chỉ trên bộ đồ mẹ khâu. Chỉ cần là đồ mẹ may, tôi có thể mặc đến rách mà vẫn thấy đẹp. Thứ mẹ thích cũng đơn giản hơn những người phụ nữ khác, quanh năm mẹ chỉ có hai bộ váy từ ngày bố bắt mẹ về làm vợ khi mẹ đeo túi đi chợ phiên như đã hẹn đến nay đã sờn chỉ bạc màu. Cả ngày mẹ chỉ quanh quẩn ở nhà và trên nương, đến ngày chợ phiên thì theo bố xuống chợ. Việc đầu tiên khi đến chợ là cả nhà sẽ ghé chỗ bán tào phớ để ăn sáng. Mẹ luôn chuẩn bị sẵn mấy nắm cơm gói lá dong, chai rượu ngô nếp non và bọc ít củ lạc ủ tro trong lu cở. Khi bố con tôi chọn được chỗ ngồi là mẹ gọi tàop cho mấy chị em ăn cùng cơm. Bố ngồi nhâm nhi rượu với lạc thì mẹ mang đồ mẹ tự may thêu đi đổi muối, gạo và dầu…
Sau này, bố xin được công việc ở thị trấn, mẹ con tôi lại theo bố xuống núi. Những ngày đầu, mẹ nhớ núi, nhớ bản Mông, nhớ bếp củi, nhớ tiếng con lợn, con gà gọi mẹ mỗi sớm mai nên cứ lặng lẽ ra vào với khoảng đất bé tẹo còn lại khi dựng nhà xong. Bố gác lại những cơn say trên núi để làm việc và nuôi chị em tôi ăn học nhưng có lúc nhớ rừng ông thường đem cây cung, cây nỏ theo chân ông săn thú một thời ra lau bụi rồi lại treo lên hoặc chiều chiều ngồi ở bậu cửa uống đôi ba chén rượu nhìn về bản cũ trên núi cao. Cũng phải đến dăm năm sau bố mới lại mua thêm đất cạnh nhà, dựng cho mẹ gian bếp, lấy đất từ ruộng đắp bếp cho mẹ nấu rượu kiếm thêm thu nhập chứ không chỉ dành phần cho bố uống như trước nữa. Dù sống ở thị trấn nhưng gia đình tôi vẫn giữ thói quen đi chợ phiên sớm mỗi tuần, mẹ vẫn mua những thứ đồ dùng cần thiết trong nhà hoặc mua đồ về may thêu, vẫn ghé hàng tào phớ ăn nhưng không còn nắm cơm mang theo như ngày nào…
Lâu lắm rồi tôi mới trở về, đúng dịp phố núi vào đông lại nao lòng khi hít căng lồng ngực mùi rượu ngô nếp non từ bếp của mẹ, lại say vị dịu dàng của tào phớ ở chợ phiên mỗi sáng mai… Và chợt thấy cay cay sống mũi khi thấy mái tóc điểm hoa râm ngồi lặng lẽ ở trước nhà nhìn về núi cao giăng mắc trong sương mỗi chiều đông lạnh.
CHÂM VÕ