Trên rẻo cao Lao Chải, bốn mùa vẫn rộn ràng tiếng hát dân ca, vang vang tiếng khèn Mông. Cùng với những địa danh như Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), Phiêng Tiên (xã Bản Bo), Nà Luồng (xã Nà Tăm), đồi thông Thèn Pả (xã Tả Lèng)…, Lao Chải 1 (xã Khun Há) sớm có tên trong bản đồ du lịch trong và ngoài tỉnh, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của huyện Tam Đường.
Trên cung đường các điểm du lịch hấp dẫn tại Lai Châu, chúng tôi đến bản Lao Chải 1 (xã Khun Há, huyện Tam Đường). Từ thành phố Lai Châu, chúng tôi đi xe máy gần ba mươi cây số đến lối rẽ lên bản. Khung cảnh đá núi, hoa lau, ruộng nương phóng khoáng này chính là một trong những “đặc sản” của Lao Chải trong mắt du khách, nhất là đối với những người yêu thích khám phá cảnh sắc hoang sơ của bản vùng cao Tây Bắc.
Trên đỉnh cao vút, Lao Chải là một vùng đất bằng phẳng và khá rộng rãi, đủ để cho một cộng đồng người Mông định cư và yên tâm sinh sống.
Lao Chải đón chúng tôi bằng một cánh cổng độc đáo, đậm sắc màu vùng cao. Trong bản có nhiều nhà gỗ trên nền trệt – kiểu nhà truyền thống của người Mông. Bản có 38 hộ, 100% dân tộc Mông, được công nhận là bản nông thôn kiểu mẫu của huyện Tam Đường năm 2017. Cánh cổng lớn ở đầu bản bằng gỗ và tre nứa được dựng khá cao và thẩm mĩ dẫn chúng tôi vào cả một vùng văn hoá sinh động. Trong bản, mỗi cổng nhà cách nhau một khoảng khá rộng nhưng cũng không tạo cảm giác thưa thớt mà vẫn quây quần, ấm cùng trong một quần thể xinh đẹp, thoáng đãng. Mỗi ngôi nhà đều có sân, vườn, có bể nước sạch sẽ để sinh hoạt. Nhà nào chiếc cổng cũng có mái che nhưng khác nhau ở cách trang trí, thể hiện thẩm mĩ riêng của chủ nhà. Những người đàn ông dân tộc Mông khỏe khoắn, dựng cột, làm mái che từ gỗ, tre, nứa, đá… Còn người phụ nữ Mông Lao Chải khéo léo treo trên cổng những đồ trang trí hoàn toàn thủ công, được làm bởi những người trong gia đình. Có cánh cổng thêu tay số nhà, số điện thoại đầy màu sắc bằng những hạt cườm; có nhà thêu bằng vải thổ cẩm; có nhà lại treo những bắp ngô vàng là thứ lương thực quen thuộc trong cuộc sống người Mông; có nhà lại thay thế bằng quả mướp nương mà chúng tôi vừa nhìn thấy trong vườn nhà họ; có cánh cổng treo những quả rừng khô, mong muốn sự an lành cho người bước qua cánh cổng ấy mỗi ngày. Lại có những khung cổng trang trí bởi những cây sáo Mông, khèn Mông, đá cuội nhỏ, nhành lan rừng… Bước qua những cánh cổng ấy, chúng tôi cảm nhận được sự trân trọng và lòng hiếu khách của người dân Lao Chải. Khách du lịch tới đây có thể ở cùng các gia đình, ngủ trên giường gỗ với chăn thổ cẩm, ăn những món ăn Mông. Mỗi ngôi nhà dân bằng cách ấy, đều có thể trở thành homestay nhưng không cầu kì, xa lạ mà hiếu khách đầy chân thành, mộc mạc và hấp dẫn du khách.
Không khí ở Lao Chải trong lành, mát mẻ. Nếu mỗi ngày đều được thức dậy và hít thở bầu không khí này cũng đã đủ để khiến cho cơ thể khoẻ mạnh, tâm hồn thư thái. Anh Cứ A Dơ – bản Lao Chải 1 gặp chúng tôi ngay ở chỗ “Cầu đá gặp nhau” – “Nơi gặp gỡ tình yêu”. Cây cầu đá cong cong như cầu kiều nhưng mộc mạc bằng tre, gỗ và có mái che bằng cỏ tranh. Cây cầu mà từ đó có thể hướng mắt về phía xa nhìn thấy cả một biển mây trắng bao phủ lưng chừng núi khiến các góc ảnh đều đẹp và sánh đặc chất vùng cao. “Săn mây” có lẽ là từ được mọi người nhắc tới nhiều nhất khi tới đây. Khi những tia nắng thanh thanh, bầu trời trong trẻo và gió rất nhẹ nhàng cũng là lúc mây trắng hiền lành đủng đỉnh trôi, ấp ôm núi như một cái khăn bông mềm mại. Cảnh vật khi ấy vừa hùng vĩ, vừa bình yên, lãng mạn. Núi xếp tầng, mây cũng xếp tầng, cao lên mãi cho đến khi chạm vào nền trời.
Với tính cách nhiệt tình của người miền núi, anh Dơ dẫn chúng tôi đi tham quan khắp bản. Theo anh Dơ, mọi công trình ở bản, từ đường đi, tới nhà văn hóa, khu vực sân chơi ở giữa bản đều do bà con cả bản góp công cùng làm. Trong bản Lao Chải, với khí hậu mát mẻ nên rất phù hợp để trồng địa lan. Hơn sáu trăm chậu địa lan được sắp xếp theo lối rẽ quanh co lên bản khiến cảnh quan thêm phần đẹp mắt. Chính ở độ cao của Lao Chải đã cung cấp đủ cả độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ khiến hoa lan nơi đây như thể vừa ướp hơi sương, khí trời vùng cao mà bung nở rực rỡ một vùng non cao. Một số gia đình trong bản cũng tận dụng diện tích vườn để trồng hoa phong lan đủ màu, tạo nên cảnh sắc tươi đẹp cho du khách thưởng ngoạn. Hoa lan Lao Chải cứ tự nhiên bung nở từ tết đến hết giêng hai, du khách tham quan có thể liên hệ với chủ nhà để cắt hoa mang về trưng bày hoặc mua cả chậu về chăm sóc. Cứ như thế, người nông dân Lao Chải bằng cách riêng, vừa có thể lừa làm đẹp cho bản làng, vừa àm du lịch, vừa làm kinh tế.
Thăm quan bản du lịch văn hóa Lao Chải 1, chúng tôi cảm nhận được sự chuyên nghiệp, chung sức, đồng lòng của chính quyền và bà con trong cách làm du lịch. Trung tâm bản Lao Chải có sân khấu để tổ chức các chương trình văn nghệ, tái hiện lại văn hoá, sinh hoạt của người dân, khu trưng bày từ cái cối xay ngô, giã gạo, khèn Mông, dao thái cỏ… Anh Võ Văn Huy – du khách đến từ tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên đoàn chúng tôi được đến thăm một bản văn hóa dân tộc Mông nên rất thích thú. Người dân ở đây khéo tay, đã tự thiết kế từ chiếc đài phun nước tự tạo bằng đá, rãnh nước được nhấn nhá bằng các guồng nước mini và có bàn, ghế nghỉ chân trên cung đường tản bộ quanh bản. Ngay thùng đựng rác trước mỗi gia đình cũng sáng tạo từ vật liệu thân thiện với môi trường thiên nhiên. Đặc biệt, mỗi nhà tự thiết kế một biển bằng gỗ đề số điện thoại của gia chủ để khách du lịch liên hệ ngủ nghỉ tại nhà mình. Chính dịch vụ homestay phục vụ du khách này được đánh giá cao và khiến bản du lịch có sức hút hơn với mọi người…”.
Lai Châu giàu tiềm năng nhưng để phát triển du lịch bền vững thì bên cạnh những chính sách thu hút vốn đầu tư, phát triển đồng bộ, chất lượng sản phẩm du lịch, kích cầu du lịch… còn cần đặc biệt chú ý đến bảo tồn cảnh quan, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa. Các chất liệu sử dụng ở khu du lịch cần hòa quyện cùng thiên nhiên và không làm ảnh hưởng đến quang cảnh chung vì đa phần du khách đến với Lai Châu là muốn thăm thú vùng đất nguyên sơ với vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Phát triển du lịch gắn quyện bản sắc văn hóa dân tộc Mông và thiên nhiên trong lành của Lao Chải 1 sẽ tạo sức hút để thời gian tới, địa danh hấp dẫn này thêm thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh cũng như khách nước ngoài tham quan.
GIANG NGUYÊN