Sự tích chim bắt cô trói cột (Truyện cổ dân tộc Mảng)

Ngày xưa, có một đôi vợ chồng, người vợ mang thai gần đến tháng sinh con bỗng dưng người chồng mắc bệnh hiểm nghèo, chết đột tử. Người vợ vô cùng đau khổ nhưng không còn biết làm cách nào khác, đành cam chịu số phận nuôi con một mình.

Sau khi sinh con, hàng ngày, người đàn bà phải địu con lên rẫy làm nương, vào rừng kiếm củi, đào củ mài, hái rau. Trong lúc làm việc, chị thường để con vào ma huý (túi), treo lên cột lều nương hay các cành cây trong rừng. Chị làm việc cả ngày, chỉ khi đứa trẻ khóc, chị mới đến cho con ăn.

Một hôm, chị treo con lêm một cành cây nhỏ rồi vội vã đi kiếm củ rừng. Gặp được cây củ mài to, chị hì hục, mải miết đào bới. Đào mãi, hố đào sâu đã nhập hết cả cánh tay, chị mới thấy chạm củ mài. Quên mệt mỏi, chị cứ đào, đào mãi…

Cơn khát bỗng ập đến, không chịu nổi, chị đành bỏ dở việc để đi tìm khe suối lấy nước uống. Đi được một quãng xa, chị thấy dòng nước trong mát, nướcc chảy róc rách. Chị uống thật no, thấy người khoan khoái, khoẻ thêm, thả chân ngâm vào dòng nước mát, ngả lưng tựa tảng đá tận hưởng chút ưu ái của thiên nhiên, chị thiếp đi lúc nào không biết.

Khi giật mình tỉnh giấc, bóng đêm đã phủ kín khắp rừng. Chị hoảng hốt nhớ đến con.  Chị lần tìm đường trở lại chỗ con. Đêm tối mịt mùng, rừng sâu lạnh vắng, không nhận ra đâu là đường đi lối về, chị không còn nhận rõ hướng đường đi đến chỗ con nữa.

Đi mãi, tìm mãi, hết đêm lại đến ngày. Rừng rậm bao la, cây rừng muôn loài giống nhau. Chị không còn nhớ được rõ chỗ để con mình.

Về đứa trẻ, khi được mẹ cho vào túi treo lên cây nhỏ. Nó đã thành quen. hết ngủ rồi lại thức rồi nhìn cây lá reo đùa cùng gió. Hôm ấy, nó thức dậy đã lâu, chơi đùa mãi không thấy mẹ đến cho ăn. Đói quá, đứa trẻ khoáng váng lên. Khóc mãi, khóc mãi, tiếng khóc thảm thiết của nó vang tận rừng sâu rồi lịm dần, lịm dần cùng với trời chiều. Màn đêm đang  buông xuống, bóng tối dần phủ khắp núi rừng.

Một người đàn ông ở mường bên đi săn chim, bắn thú, bỗng nghe như có tiếng trẻ nhỏ khóc, lấy làm ngạc nhiên, không tin vào tai mình. Làm sao lại có tiếng trẻ con khóc giữa rừng khi chiều tàn? Màn đêm tối xuống dần, ông lần tìm đến nơi, đúng là có một đứa trẻ trong chiếc túi treo trên cây nhỏ. Đứa trẻ khóc ngằn ngặt, tiếng khóc của nó đã yếu ớt lắm rồi. Chắc nó bị bỏ đói đã lâu.

Sau phút giây ngỡ ngàng, người đi săn gỡ chiếc túi xuống, mang đứa trẻ về nhà. Ông nghĩ số đứa trẻ này đã được trời sắp đặt, giao nó cho ông để ông nuôi dưỡng.

Còn người mẹ vẫn miệt mài đi tìm con. Chị thương cho đứa con nhỏ. Chị trách thân, trách phận, luôn miệng nhắc đi nhắc lại câu: “Pắc pom pắc pọm. Pắc pom pắc pọm”, trách mình không địu con theo là lại treo con lên cây nên mới đến nông nỗi này.

Người mẹ đi mãi, đi đến khi kiệt sức, gục xuống bên đường và tắt thở. Xác nguời mẹ hoá thành con chim. Chim bay khắp rừng sâu, núi cao và không ngớt kêu: “Pắc pom pắc pọm. Pắc pom pắc pọm”.

Về sau này, lúc thì ngày, lúc thì đêm, người trong vùng thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng chim kêu khắc khoải vọng về. Họ cho rằng đấy chính là hồn người mẹ hoá thành chim vẫn đi tìm đứa con nhỏ tội nghiệp.

Tiếng chim kêu: “Pắc pom pắc pọm”, mọi người luận ra nhiều kiểu theo mỗi tiếng chim vọng lại như: “có con treo cột” hoặc: “mất con có tội”. Có người cho rằng, đó là lời chim tự động viên an ủi mình đi tìm con: “khó khăn khắc phục”. Cũng có nhiều người bảo lời đó của chim là lời buộc tội nên hiểu đúng phải là “bắt cô trói cột”. Đó mới đúng là lời kết tội đối với người đàn bà vô tâm nọ, tội đẻ mất con đáng phải trói vào cột. Nghe có lý nên từ đó, mọi người đều gọi đó là chim “bắt cô trói cột”

Ngọc Hải


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.