Ngày 24/11/2021, tại Hà Nội, Bộ Chính trị – Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp với sự tham dự của gần 600 đại biểu kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương (tại Nhà Quốc hội) đến 63 tỉnh, thành và mở rộng đến các huyện, thành phố.
Tại điểm cầu Nhà Quốc hội, dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nông Đức Mạnh – nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội ; Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương…
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, dự Hội nghị có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và đại diện văn nghệ sỹ tiêu biểu của tỉnh…
Hội nghị Văn hoá toàn quốc tại điểm cầu Tỉnh ủy Lai Châu.
Hội nghị đánh giá những thành tựu, khó khăn, hạn chế trong việc kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ và kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới… Đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị đặt ra các vấn đề: Động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; vấn đề nguồn nhân lực và đa dạng hoạt động ở các thiết chế văn hóa xã; phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới và xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới….
Hội nghị Văn hoá toàn quốc mang lại nhận thức đúng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về vai trò của văn hoá. Mục tiêu xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, giữ gìn và làm giàu có thêm bản sắc, tâm hồn dân tộc, hiện thực hóa các hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời đại mới. Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe các ý kiến từ đại diện các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ. Động viên, khuyến khích, thúc đẩy sự cống hiến của họ trong việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Từ các tác phẩm cần khơi dậy niềm tự tôn, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn cho rằng văn hoá chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước trong thời kì mới. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi sự lai căng, tiếp thu không có chọn lọc, các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực, thậm chí là “vô văn hoá”, “phản văn hoá”. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, các miền còn lớn… Phát biểu về lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT), Tổng bí thư nhấn mạnh: Hiện nay, còn thiếu những tác phẩm VHNT chất lượng cao, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người.
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tham luận tại Hội nghị cũng đã khẳng định: VHNT là bộ phận tinh tế nhất của văn hoá, tuy nhiên chưa có tác phẩm phát triển tương xứng với tầm vóc của dân tộc và thời đại thời kì đổi mới. Đề xuất tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho rằng để phát triển VHNT cần có nghị quyết chuyên đề mới về VHNT, có chiến lược phát triển VHNT trong tình hình mới; xây dựng Luật Văn học nghệ thuật, là hành lang pháp lý để VHNT hoạt động thuận lợi, giới văn nghệ sĩ tự do sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sáng tạo, tìm tòi cá nhân, để có thêm những tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao. Trong đó, quan tâm đặc biệt tới những ngành nghệ thuật không thể thích ứng, khó thích ứng với thời đại mới như: Lý luận phê bình văn học, nhạc thính phòng, rối nước, nghệ thuật sân khấu truyền thống, nhạc thính phòng, VHNT dân tộc thiểu số…
Thuỳ Giang