Đồn Biên phòng (ĐBP) Huổi Luông thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu đứng chân trên địa bàn xã Huổi Luông, gồm 4 dân tộc: Mông, Dao, Hà Nhì, Kinh sinh sống. Cùng với việc bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, thời gian qua, ĐBP Huổi Luông là một trong những “lá chắn thép” quan trọng, phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành, các lực lượng chức năng làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, chống buôn lậu và chống xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Vững chắc “thế trận lòng dân”
Từ cầu Huổi Luông (km số 0), chúng tôi ngược theo con đường độc đạo liên xã, phía dưới tà luy âm là con suối Nậm Lía, nơi chia dòng cũng là điểm ranh giới phân định giữa ta và nước bạn. Cung đường này có các mốc giới (62, 63, 64), nơi có lối mở Pô Tô, chỉ rảo bước chân là sang địa phận bản Cử Cải thuộc trấn Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Bên ấm trà nóng hòa trong cái gió se sắt chiều biên cương, đón chúng tôi là Đồn trưởng, Trung tá Lê Văn Quyết. Trung tá Quyết quê xứ Thanh, từ nhỏ anh luôn tự hào có cha là lính biên phòng. Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh chọn Tây Bắc là nơi đặt dấu chân đầu tiên. Đây là năm thứ 12 Trung tá Quyết khoác lên mình quân phục màu xanh biên phòng, với anh Lai Châu từ lâu đã thành quê hương thứ hai rồi.
ĐBP Huổi Luông quản lý, bảo vệ 13,015km đường biên giới, gồm 15 cột mốc; xã có 21 bản, địa bàn rộng, nhiều đường mòn lối tắt, nên việc quản di chuyển của người dân khá phức tạp, đặc biệt trong tình hình dịch Covid -19 đang có nguy cơ lây lan, bùng phát. Với các chiến sĩ ĐBP Huổi Luông, ngoài nhiệm vụ bám, nắm địa bàn hàng ngày thì công tác tuần tra phối kết hợp với lực lượng biên giới phía đối diện được thực hiện theo định kỳ. Nhiệm vụ là thế, bất kể thời tiết mưa, giông, bão, lũ, cứ đến lịch là lên đường, bởi công tác tiến hành tuần tra khép kín đoạn biên giới Việt – Trung là nhiệm vụ trọng yếu.
Chiến sĩ ĐBP Huổi Luông cùng các lực lượng tuần tra dọc tuyến biên giới, thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19, chống buôn lậu và xuất nhập cảnh trái phép.
Địa bàn biên giới Huổi Luông rộng, địa hình hiểm trở, nhiều mốc giới xa phải đi bộ xuyên rừng hàng tuần, chưa có đường giao thông như mốc 57, 58, 59. Nên mỗi khi tuần tra bao giờ các anh cũng mang theo dao phát mở đường. Có những đêm bất chợt mưa rừng suối lũ ùa về, khi ấy rừng lại thành nhà, võng thành giường ngay tại chỗ. Anh em không quản khó khăn trở ngại, miễn sao kịp đúng hẹn lịch tuần tra song phương với lực lượng biên phòng nước bạn. Chỉ khi kết quả không có điểm bất thường gì xảy ra giữa đường biên hai nước, không vi phạm quản lý đường biên quốc giới, không vi phạm những quy tắc ứng xử chung cũng như các nguyên tắc thỏa thuận riêng giữa hai bên… thì những bước chân các anh mới vững vàng trở về.
Thượng tá, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Nguyễn Văn Hải nhớ mãi những ngày đầu nhận nhiệm vụ tại biên giới Huổi Luông. Anh cùng với anh em chiến sĩ về bản thực hiện “4 cùng”, chính thời gian gần dân đã cho anh những kinh nghiệm quý báu trong công tác dân vận và niềm tin của đồng bào dành cho những người lính quân hàm xanh. Địa bàn biên giới Huổi Luông các bản cách xa nhau, nhiều đường mòn, lối mở mà lực lượng biên phòng thì mỏng, chỉ cần bất cẩn, sơ xuất nhỏ cũng dẫn đến hậu quả khôn lường. Đã có nhiều tụ điểm ma túy, hàng cấm được anh đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ kịp thời. Điển hình như tháng 7 năm 2020, Thượng tá Hải trực tiếp chỉ đạo các chiến sĩ phối hợp với các lực lượng triệt phá thành công vụ buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy tại bản Nhiều Sáng, thu giữ 146,11g thuốc phiện.
Song song với nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới là công tác giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ năm 2014 đến nay, ĐBP Huổi Luông cùng với các lực lượng trên địa bàn xã thực hiện phong trào NTM, với 4 mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế đem lại hiệu quả như: trồng chuối, trồng ngô lai, nuôi lợn sinh sản và nuôi bò giống luân chuyển. Các mô hình sau khi được đưa vào thí điểm đều đạt hiệu quả và được người dân nhiệt tình tham gia. Một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương do Đồn hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc là mô hình nuôi bò sinh sản cho người nghèo theo hình thức luân chuyển. Năm 2014, từ 15 con bò giống được đơn vị hỗ trợ cho bà con, đến nay, xã đã phát triển lên 76 con.
Chung sức chống dịch, giữ vững “vùng xanh”
Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, không để nguồn lây nhiệm xâm nhập vào nội địa, từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, các anh chưa một phút lơ là trong công tác kiểm tra, kiểm soát người ra vào khu vực biên giới. Huổi Luông là tuyến biên giới nhạy cảm và rất quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, cũng như công tác kiểm soát không để các đối tượng lạ xuất nhập cảnh (XNC) trái phép vào nội địa và sang bên kia biên giới. Từ lâu, các anh luôn xác định: vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa nâng cao công tác chống dịch. Tại Chốt km số 0 đầu cầu Huổi Luông, chúng tôi gặp Chốt trưởng – Trung úy Nguyễn Quỳnh Duy anh đang cùng với anh em khẩn trương kiểm tra lịch di chuyển người dân, giúp bà con xịt cồn khử khuẩn. Duy quê ở Mê Linh – Hà Nội, vợ là giáo viên mầm non, từ ngày lập chốt mới (01/2021) đến nay chưa một lần anh về thăm nhà.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, công việc thường ngày của các chiến sĩ BĐBP Huổi Luông là chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xây dựng NTM
Đồn Biên phòng Huổi Luông đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xã thành lập 21 Tổ tự quản trên địa bàn 21 bản để trực tiếp tuyên truyền, giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện các đối tượng có ý định xuất, nhập cảnh trái phép. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Đồn trực tiếp phát hiện và đưa đi cách ly tại cửa khẩu Ma Lù Thàng 25 vụ/64 trường hợp nhập cảnh trái phép về Việt Nam”. Chúng tôi theo chân Đại úy trẻ Phan Thành Nam, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng ĐBP Huổi Luông, người luôn sát cánh cùng anh em bám, nắm cơ sở, Nam sinh năm 1992, quê ở Bắc Giang, năm nay anh vừa tròn 10 năm tuổi quân. Núi rừng Huổi Luông rộng là thế, nhưng từng bờ suối, mỏm đá, gốc cây to, những điểm cao giáp biên, Nam thuộc làu như lòng bàn tay. Mỗi lần về bản, Nam cùng anh em quân y đến từng nhà động viên, phát khẩu trang, khám bệnh, cùng với các già làng trưởng bản, người có uy tín nói chuyện về pháp lệnh biên giới, về công tác phòng dịch Covid.
Thiếu tá Phạm Tuân, Chính trị viên ĐBP Huổi Luông cho biết: “Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đơn vị luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tính chất nguy hiểm, cơ chế lây lan và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; nhắc nhở người dân hạn chế đến những nơi công cộng, không tham gia tập trung đông người, vận động việc tạm thời hoãn các đám cưới, đám giỗ; đóng cửa các cơ sở dịch vụ không cần thiết… Đồng thời, tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo trên địa bàn không tiến hành các nghi lễ tập trung đông người trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội”.
Mỗi con sông, dòng suối, mái nhà nơi địa đầu biên giới ngày ngày vẫn bình yên, người dân Lai Châu đến nay vẫn được an toàn trong “mùa giãn cách”, bởi nơi ấy luôn các anh lính biên phòng ngày đêm làm nhiệm vụ; góp phần xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
HÀ MINH HƯNG