Nguyệt thực và dã quỳ

Bà ngoại đã từng nhiều lần nói với Lình rằng, nguyệt thực là do có con ếch thần ăn mất mặt trăng, nó nuốt chửng mặt trăng vào trong bụng. Muốn ếch thần trả lại mặt trăng thì dân bản phải cùng nhau gõ vào bất kỳ thứ gì có thể gây nên tiếng động, khiến nó sợ mà nhả ra. Khi còn bé thì Lình tin lời bà ngoại. Hơn thế nữa, Lình còn được chứng kiến cảnh dân bản cùng nhau gõ mẹt, chậu, nồi khi vầng trăng trên trời bị che tối dần. Nhưng lớn lên rồi thì Lình hiểu, bởi được thầy cô dạy hiện tượng nguyệt thực xảy ra là do vị trí mặt trời, trái đất, mặt trăng xếp thẳng hàng. Trái đất ở giữa che mất ánh sáng của mặt trời rọi tới mặt trăng, vậy là xảy ra nguyệt thực.

Thật tình, Lình không biết bao lâu mới xảy ra một lần nguyệt thực. Song với Lình thì đêm nguyệt thực là đêm thiêng không thể quên, là đêm Lình bước qua thời trinh nữ.

Đêm nguyệt thực ấy, à mà không, gọi là đêm trăng ấy thì đúng hơn, bởi lúc Lình ngồi rạo rực bên Lường thì trăng tròn vành vạnh và sáng miên man. Dường như chỉ có trăng mới hiểu được đôi tình nhân đang nghĩ gì. Cả cơ thể Lình đã run rẩy khi Lường đặt bàn tay lên ngực mình để lần cởi hàng cúc bướm đính trên áo cóm. Lình nhận thấy bàn tay Lường cũng run rẩy. Rồi mọi thứ mặc trên người Lình được trút bỏ hoàn toàn. Hơi thở đang bình thường bỗng trở nên hổn hển. Lường đặt Lình ngả xuống cỏ. Lình trắng ngần nằm ngửa dõi trăng qua bờ vai Lường. Chao ơi, vầng trăng đêm ấy thật lạ, chẳng trôi êm mà cứ chênh chao bồng bềnh. Những vì sao cũng chênh chao bồng bềnh. Những làn mây cũng bồng bềnh như thuyền lướt sóng. Lường và Lình cứ thế nồng nàn quấn chặt hòa vào nhau thành một. Làn sóng da thịt cuộn trào liên hồi. Những cọng cỏ dại bị đè rạp xuống nhàu nhàu thơm ngái dưới lưng người. Gió thổi dồn dập quanh hai người giúp xoa ráo những mồ hôi đang rịn, giúp làm mát làn da nóng bất thường. Trăng hào phóng chiếu rọi thứ ánh sáng phồn sinh lên cơ thể của đôi nhân tình…

Cuối cùng thì Lường với Lình cũng rời khỏi cơn mê lạc nơi sông mây bến trăng. Mây, trăng, sao thôi bồng bềnh, trở lại trôi bình yên như cũ. Nhưng rồi lửa đam mê lại ngun ngút bùng lên lần nữa, Lường lại thì thào bảo Lình nằm xuống cỏ ngửa mặt nhìn lên bầu trời. Mọi thứ trên cao kia lại tiếp tục chênh chao bồng bềnh. Đôi mắt Lình mở hờ mụ mị ngắm vầng trăng tròn. Ơ kìa, vầng trăng đang bị lấn dần từng chút một. Ôi, đây là đêm nguyệt thực ếch ăn trăng. Vầng trăng tối dần, thẫm dần và khuất hết. Lình nhắm mắt lại đợi trăng ló. Lình chẳng phải đợi lâu. Vầng trăng dần hé. Bé như lá lúa. Rồi bằng lưỡi liềm. Rồi nửa vầng trăng. Rồi cả vầng trăng. Con ếch thần đã trả lại trăng cho trần gian. Trăng trời lại hào phóng ban thứ ánh sáng phồn sinh lên cơ thể hai người.

Lình đã bước qua ngưỡng trinh nữ trong một đêm nguyệt thực dâng hiến. Nên với Lình đêm nguyệt thực là đêm thiêng nhớ suốt đời.

 

***

 

Mùa này hoa dã quỳ đang nở vàng đồi hoang. Thật ngưỡng mộ loài hoa dã quỳ. Nắng càng gay gắt, tiết trời càng hanh thì những bông hoa quỳ dại lại càng vàng lộng lẫy. Lường và Lình bàn tính cùng nhau thưa chuyện với bố mẹ. Hoa quỳ dại đang độ bung nở. Nhưng rồi hoa sẽ tàn. Thời điểm hoa tàn là rộn ràng đám cưới. Hoa tàn không phải là đánh dấu sự kết thúc của đời cây. Hoa tàn là để kết hạt sẵn sàng cho một chu kỳ mới nảy nở. Thưa chuyện với bố mẹ lúc này là phải rồi. Đợi đến khi hoa quỳ tàn cưới nhau là vừa. Kết đôi sống chung nhà là chuyện lớn cần được bố mẹ ưng thuận, rồi sau đó mới là chọn ngày lành và lo mọi thứ cho đám cưới.

Lường đưa Lình về nhà gặp bố mẹ. Nắng theo gót chân hai người leo cầu thang lên nhà Lường. Lình lễ phép chào bố mẹ Lường. Nhìn con trai đưa người yêu về nhà, vợ chồng ông Sím cùng cười giãn nếp nhăn đuôi mắt. Họ còn lạ gì cái Lình con nhà bác Chẩu nữa. Nó đẹp và ngoan có tiếng trong bản. Vậy là nhà này sắp có con dâu rồi. Nhà thêm người là thêm phúc. Họ sẽ mau chóng có đứa cháu nội để bế bồng. Nghĩ tới chuyện được bế cháu nội là thấy sướng. Tiếng cười vang choán khắp mấy gian nhà sàn.

Rồi đôi trẻ lại cùng nhau đến nhà Lình để thưa chuyện với người lớn. Gió đưa theo hương hoa dại bay vào nhà, thật thơm. Ông bà Chẩu nhìn thấy Lường là ưng ý ngay. Ông Chẩu cười ha hả: “Nhà này được Lường làm rể quý là may mắn lắm”. Bà Chẩu thì nói nhỏ vào tai con gái: “Con thật khéo chọn chồng. Bố mẹ ưng!”.

Mọi chuyện diễn ra êm xuôi. Bố mẹ hai bên sướng vui trong lòng. Được rể hiền dâu thảo còn quý hơn mọi báu vật.

Thế rồi ông bà Sím nhờ mối mai đem lễ cùng đến nhà ông bà Chẩu. Hai bên gia đình gặp nhau cười cười nói nói, hân hoan chuyện trò bàn bạc. Bàn đi bàn lại. Rốt cuộc thì mọi thứ cũng được thỏa thuận nhất trí. Ngày lành tháng tốt được chọn. Và phía trước là đám cưới đang chờ đợi.

Theo tục lệ từ xưa của bản thì mẹ chồng sẽ tặng con dâu mới chiếc nón nan – cúp tát[1] vào ngày cưới, thể hiện tấm lòng hòa hợp mẹ chồng nàng dâu. Cụ Nhay ở bản bên là người đan nón nan đẹp nổi tiếng. Bà Sím tự mình đến gặp cụ Nhay để đặt nón tặng con dâu. Làm một chiếc nón nan cầu kỳ lắm. Chọn giang để chuốt nan phải là loại bánh tẻ. Nan chuốt xong thì treo gác bếp hun khói để tránh mối mọt. Nan giang là để đan lớp ngoài. Còn lớp bên trong thì được chằm bằng lá nứa. Không khéo tay, không kiên nhẫn thì đan sao nổi. Cầu kỳ vậy nên phải mất đôi gà to mới đổi được chiếc nón nan. Nhưng để có chiếc nón đẹp tặng con dâu thì chẳng có gì phải tiếc.

Chưa tới ngày cưới nhưng Lình đã có thai. Lình nói điều này cho Lường biết. Lường sáng rực đôi mắt. “Ôi, anh sắp được làm bố rồi!”. Lình rụt rè: “Anh đừng vội nói cho bố mẹ biết nhé!”. Lường mở to mắt nhìn Lình. “Sao vậy, đây là tin vui thì có gì phải giấu bố mẹ”. Lình ngại ngùng: “Mình chưa cưới mà đã thế, người nào không hiểu thì sẽ mỉa mai nói này nói nọ”. Lường cười: “Ừ, vậy đợi cưới xong thì hai ta mới báo tin vui cho bố mẹ”.

Ngày cưới của Lường và Lình đã thật gần.

Nhưng rồi nhà Lường xảy ra chuyện đại tang. Bà nội của Lường trăm tuổi thác về cõi Mường Bun, không còn được ở lại cõi trần gian dự ngày vui của cháu trai. Hôm bà nội Lường mất mưa trút rơi tầm tã. Lình đỏ hoe mắt đội mưa đến nhà Lường để chịu tang. Dù chưa chính thức cưới nhưng Lình đã coi mình là cháu dâu của bà, nhất là khi giọt máu của dòng họ nhà này đang lớn lên ở trong cơ thể Lình.

Bà nội của Lường về cõi Mường Bun khiến đám cưới đã được chuẩn bị phải hoãn lại. Đợi mãn tang bà nội thì Lường mới được cưới vợ. Lệ bản xưa để tang là ba năm, nay không cần kéo dài đến vậy nhưng ít nhất cũng phải đợi một năm. Chiếc nón nan mới tinh dành để trao cho Lình được bà Sím đem cất giữ cẩn thận trong buồng.

 

***

 

Đám cưới phải hoãn lại nhưng mầm thai trong bụng Lình thì lớn dần. Cũng có lời xì xào này nọ rồi thôi. Người khác có thai thường thèm quả chua. Nhưng Lình lại thèm ăn núc nác, thứ quả đắng. Thương con gái, bà Chẩu bảo chồng lên đồi kiếm quả núc nác về để bà làm món nộm. Ông Chẩu đội nắng leo đồi hái quả núc nác đem về. Bà Chẩu ngồi nướng núc nác. Lửa cháy táp vỏ quả núc nác bay lên mùi thơm đắng. Bà Chẩu lẩm bẩm: “Nướng xong rồi thì mình sẽ cạo sạch lớp vỏ cháy, thái mỏng ra, rồi cho vừng, rau gia vị, nước măng chua đun cô, trộn thành món nộm mà con gái thích”.

Ngoài núc nác, Lình còn thèm ăn cả măng đắng, rau đắng. Những thứ Lình thèm ăn dở toàn thứ đắng. Bà Chẩu chạnh nghĩ trong bụng mà chẳng dám nói ra. Liệu vị đắng có vận vào khiến đời cái Lình khổ? Rồi bà tự trả lời. Vị đắng ăn vào miệng làm sao có thể khiến đời con người khổ được.

Ngày nối ngày trôi theo nhịp suối chảy.

Rồi vào đúng một ngày hoa dã quỳ trên đang đồi rủ nhau vàng rực rỡ, Lình chuyển dạ. Nữ hộ sinh của trạm xá được mời đến tận nhà để giúp Lình sinh nở. Lình sinh con trai. Nó khóc váng chào mặt trời. Ai cũng vậy chứ đâu riêng mình nó, chào đời bằng tiếng khóc chứ không phải tiếng cười.

Nghe tin Lình sinh con trai, ông bà Sím liền giục nhau sang thăm cháu nội. Họ vội vàng đi lùa bắt gà, xếp trứng vào giỏ để mang theo. Lường sốt ruột không đợi được nên đi trước.

Căn nhà sàn của ông Chẩu hôm ấy chứa chật tiếng cười. Vui không biết để đâu cho hết. Tuy phiền một chút phân vân, giá như bố mẹ cưới nhau rồi đứa trẻ mới ra đời thì sẽ tốt hơn. Nhưng có sao đâu, nó vẫn cứ là báu vật của cả nhà. Rồi nó sẽ là đứa trẻ may mắn được chứng kiến đám cưới của bố mẹ nó. Vui tiếp tục vui. Ông bà hai bên nội, ngoại chụm đầu vào nhau cùng bàn bạc tìm tên cho cháu. Và cái tên Lang đã được chọn.

Bé Lang được đúng năm ngày tuổi thì bà Chẩu bảo Lình làm lễ tẩy uế – lí dá dón theo đúng tục lệ xưa nay của bản. Bà ra vườn nhổ rau đem luộc với gừng. Rau chín bà vớt ra, bọc lại bằng lá chuối tươi. Sau đấy bà dạy Lình học thuộc bài khấn và cách thức thực hiện lễ tẩy uế. Rồi bọc rau luộc được bỏ vào trong một chiếc giỏ nhỏ. Một mình Lình xách giỏ ra suối. Khấn vái xong thì Lình thả giỏ xuống nước cho trôi đi. Ngay sau đấy Lình xuống suối để tắm tẩy uế. Bà Chẩu đã nói với Lình rồi, lễ tẩy uế sẽ giúp cho cả hai mẹ con Lình mạnh khỏe. Lình đằm mình dưới nước và tự nhủ: Nhất định hai mẹ con Lình sẽ khỏe mạnh.

Ngày nào Lường cũng sang thăm con trai. Thời hạn Lường chịu tang bà nội đã sắp hết rồi. Lần này, hoa quỳ dại vào độ tàn là Lường và Lình sẽ làm đám cưới. Những bức ảnh cưới của Lường và Lình sẽ có cả thằng Lang.

 

***

 

Hạn Lường để tang bà nội đã hết.

Lường nhắc với Lình chuyện đám cưới. Mọi thứ cần thiết cho đám cưới lại được hai bên gia đình lo chuẩn bị.

Nhưng hình như vị đắng thật sự ám lấy đời Lình. Chuyện không hay lại tiếp tục xảy đến. Lường bị sốc ma túy, miệng sùi bọt, nằm nhũn trên đất như con sâu con giun, trên tay vẫn còn cầm ống chích thứ chất gây nghiện. May có người cùng bản nhìn thấy, họ vội báo cho gia đình Lường biết. Cả nhà Lường cùng nhau hốt hoảng. Ông bà Chẩu bàng hoàng không biết con trai mình dính tới ma túy từ khi nào.

Mọi người hớt hải đưa Lường đến trạm y tế xã để cấp cứu. Lình cũng tất tả địu con đến trạm xá để xem Lường ra sao. Phiên là y sĩ, trực tiếp tham gia cấp cứu cho Lường. Phiên là bạn học phổ thông cùng với Lình. Học xong phổ thông thì Lình nghỉ ở nhà, còn Phiên thì tiếp tục đi học trường trung cấp Y trên tỉnh. Nay Phiên về công tác tại quê bản.

Được cấp cứu kịp thời nên Lường tỉnh lại, may mắn không phải sớm làm ma Mường Bun. Lình địu con trên lưng, quanh quẩn ở bên Lường để chăm sóc. Phiên ái ngại nhìn Lình, rồi thấy tức. Phiên chỉ muốn đánh Lường, hét to vào mặt Lường: “Mày không xứng đáng với Lình!”.

Lường thoát chết nhưng cả bản đều đã biết chuyện Lường nghiện ma túy. Ông bà Sím lo lắng không yên như thể ngồi phải tổ kiến bống trên cây bưởi. Họ thay nhau để mắt đến Lường, khuyên nhủ Lường phải bỏ ma túy. Từ việc nghiện ma túy dẫn đến vòng lao lý mong manh lắm. Con trai của họ mà không cai được thuốc phiện thì nhà này coi như hết phúc.

Lòng dạ Lình cũng hết sức rối bời. Nên chấp nhận làm đám cưới hay không? Lường nghiện ma túy. Mà Lình biết, ma túy sẽ biến những kẻ nghiện ngập thành bóng quỷ. Lường mới nghiện, chưa biến hẳn thành bóng quỷ nhưng nếu không sớm tỉnh ngộ thì cũng sẽ hóa quỷ thôi. Rồi bố mẹ, vợ con của Lường sẽ vạn lần khổ. Ngắm thằng Lang đẹp như thiên thần nhỏ, Lình hoang mang lắm. Thằng Lang cần có bố. Song bố nó không thể là một kẻ nghiện. Bố nghiện sẽ khiến nó phải gằm mặt nhìn xuống đất, không dám ngẩng lên. Vậy nên, dù còn yêu Lường nhưng Lình không thể yếu đuối chấp nhận để thằng Lang làm con kẻ nghiện. Nhưng Lình sẽ cho Lường một cơ hội cai nghiện. Và Lình với người thân sẽ cùng nhau để mắt tới Lường. Trong vòng một năm, nếu Lường rời bỏ được ma túy thì Lình sẽ bằng lòng cầm chiếc cúp tát mẹ chồng tặng con dâu. Phải làm thế thôi. Không thể nào khác.

Ông bà Chẩu cũng ngập nỗi lo âu cùng con gái. Trời mưa rả rích suốt đêm. Trằn trọc chẳng ngủ, bà Chẩu nói với chồng: “Hay là nhà mình đừng gả cái Lình làm dâu nhà bác Sím nữa”. Ông Chẩu đáp: “Nếu không gả cũng thật khó nghĩ. Dù sao thì cái Lình cũng đã có con với thằng Lường”. Giọng bà Chẩu trĩu nặng chìm vào đêm: “Nhưng lấy chồng nghiện thì cả đời con gái mình sẽ khổ”. Ông Chẩu thở hắt ra. “Ừ, mẹ cái Lình nói chẳng sai”. Lặng đi một chút rồi ông nói thêm: “Thôi, mọi việc vợ chồng mình hãy cứ để cái Lình làm theo ý nó. Tôi tin là nó biết nên làm thế nào”.

Lường giục bố mẹ sang gặp bố mẹ Lình để bàn chuyện cưới xin.

Vợ chồng nhà Sím lo lắng trong bụng. Họ cùng sang nhà Chẩu với linh cảm rằng mọi chuyện chắc sẽ không được suôn sẻ. Mà đúng thế thật. Khi họ nhắc tới chuyện đám cưới xin Lình về làm dâu thì nhà Chẩu đã nói khéo từ chối: “Chuyện cưới xin chưa vội được đâu. Hai bác thong thả để chúng tôi bàn kỹ đã”. Rồi nhà Chẩu bóng gió nói tới chuyện Lường nghiện ma túy. Chỉ có người ngu dại mới đồng ý gả con gái cho kẻ nghiện. Ôi, nói vậy tức là nhà Chẩu không muốn gả con gái cho thằng Lường nữa rồi. Cố nán ngồi thêm cũng chẳng còn gì để nói. Vợ chồng nhà Sím đành nói lời chào rồi ra về.

Vừa về tới nhà, chưa kịp đặt mông ngồi xuống ghế mây để nghỉ thì bà Sím đã bực bội nói ngay: “Nghĩ thấy tức nhà bác Chẩu quá! Đã hứa gả con gái làm dâu nhà mình rồi mà nay muốn nuốt lời”. Giọng ông Sím buồn bã: “Cũng tại thằng Lường nhà mình cả thôi. Bà thử nghĩ xem, nếu bà có con gái thì có muốn gả cho kẻ nghiện ma túy không. Trách gì nhà bác Chẩu. Vợ chồng mình mới thật đáng trách. Chẳng biết dạy con, để nó nghiện ma túy mà không biết”. Bà Sím nẫu ruột. “Vậy phải làm gì bây giờ?”. Ông Sím trầm giọng: “Thì phải đợi thôi! Tôi nghĩ, nếu thằng Lường cai được ma túy thì mọi chuyện sẽ êm lành thôi. Mình phải giúp thằng Lường bỏ ma túy cho bằng được. Ôi, nghĩ thương thằng Lang quá!”.

Rồi ông bà Sím thất vọng báo tin cho Lường: “Nhà bác Chẩu chưa muốn cho cái Lình về làm dâu nhà mình. Con sang gặp cái Lình nói chuyện thử xem. Nó mà đồng ý thì nhà bác Chẩu cũng sẽ bằng lòng thôi”.

Nghe bố mẹ nói vậy, mặt Lường héo như trái dưa non rụng khỏi dây mẹ. Biết nói sao để thuyết phục Lình đây? Thôi được. Lường sẽ đi gặp Lình. Nếu như Lình bắt quỳ thì Lường sẽ quỳ. Nếu Lình muốn tát vào mặt thì Lường sẽ cho tát. Lường sẽ làm bất kỳ điều gì Lình muốn. Chỉ cần Lình chấp nhận làm đám cưới. Lường muốn được chính thức làm bố thằng Lang.

Lường thất thểu đến nhà Lình.

Lường leo cầu thang nhà Lình mà thấy chân run.

Lình đón Lường bằng ánh mắt đượm buồn. Hai người ngồi đối diện nhau. Thằng Lang được mẹ bế ngồi trên đùi. Chốc chốc nó lại quờ bàn tay nhỏ xíu lên khuôn mặt mẹ để nghịch. Lường bối rối ngồi câm như con ốc ruộng, mắt không dám nhìn thẳng Lình. Lình phải nhắc: “Anh muốn nói gì thì nói đi”. Lúc này Lường mới ấp úng: “Tội… của anh to thật rồi. Nhưng hứa với em là từ nay trở đi anh sẽ không dính đến… ma túy nữa. Chúng mình làm đám cưới nhé!”. Lình sầm nét mặt, nói: “Hứa miệng thì dễ, làm được mới khó. Em cho anh đúng một năm. Anh trở lại tốt như xưa thì ta sẽ làm đám cưới. Còn nếu áo anh vẫn hôi mùi ma túy thì hai ta mãi chỉ là người cùng bản. Em sẽ lấy người khác”. Giọng của Lình thật dứt khoát, tuy có chứa phảng phất nỗi buồn. Thằng Lang đã chán ngồi chơi trên đùi mẹ, cái miệng nhỏ xinh của nó ngáp, rồi nó giẫy khóc. Thấy con quấy ngủ, Lình giục Lường: “Anh về nhà đi! Em cần cho thằng Lang đi ngủ”.

Lường lại thất thểu ra về. Lình thừ người nhìn theo, đôi mắt đậm nỗi lo lắng. Liệu Lường có đoạn tuyệt được ma túy? Những giọt nước mắt cứ muốn chui ra nhưng Lình đã kịp ngăn không để ứa. Lình thật sự mong Lường bỏ được ma túy để Lình còn cầm cúp tát làm dâu nhà Lường. Nhớ thật kỹ nhé! Thời hạn mà Lình dành cho Lường chỉ đúng một năm thôi.

Trên đường về Lường chẳng nhìn thấy bóng một ai, chỉ thấy mọc hắt hiu ven lối những bụi dã quỳ. Hoa quỳ dại đang chớm tàn để kết hạt đợi gieo mầm mùa mới. Lường nhìn chúng và lẩm bẩm: Hoa quỳ dại bắt đầu tàn là lúc các lứa đôi rộn ràng làm đám cưới.

[1] Cúp tát: một loại nón nan của phụ nữ người Thái.

HÀ PHONG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.