Văn học dân tộc và miền núi đương đại là một bộ phận trong dòng chảy của văn học Việt Nam đương đại. Văn học về dân tộc và miền núi ra đời vừa là nhu cầu tự thân của văn học, vừa là quy luật phát triển của lịch sử xã hội . Nền văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại còn rất trẻ. Bắt đầu hình thành từ những năm 50 của thế kỉ XX, đến nay hơn nửa thế kỉ phát triển, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã có được những thành tựu nhất định góp phần vào thành tựu chung của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Việt Bắc và Tây Bắc vẫn là hai miền đất vàng của văn chương miền núi, nơi ngưng tụ nguồn mạch chính của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Văn học dân tộc và miền núi phía Bắc được xác định là bộ phận văn học bao gồm những sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số và nhà văn người Kinh viết về dân tộc miền núi và những trăn trở của họ về các vấn đề đời sống, xã hội của nhân dân các dân tộc ít người ở Tây Bắc và Đông Bắc của tổ quốc. Thật tự nhiên là những sáng tác đó, đa phần là của các tác giả hiện sinh sống, hoặc từng sinh sống, từng đến với miền Bắc Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, người viết chủ yếu khái quát tình hình của một số thể loại văn xuôi như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa (thể loại ký xin đề cập ở một bài viết khác).
Thế kỉ XXI với những biến đổi mạnh mẽ của cuộc đại cách mạng công nghệ 4.0, đã tác động lớn lao đến các vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội, xu thế hội nhập quốc tế là tất yếu để phát triển. Đặc điểm của thời đại, quốc gia, dân tộc đã tác động mạnh mẽ tới các hình thái ý thức xã hội trong đó có văn học. “Một nền văn học chịu nhiều phân tán, ngập ngừng, nhiều lần mở, khép. Một nền văn học dung hợp cả các yếu tố truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại” (Nguyễn Thị Thanh Xuân)
Khảo sát 20 năm đầu thế kỉ XXI, văn xuôi nói chung, văn xuôi về dân tộc, miền núi phía Bắc nói riêng đã có những thành tựu nhất định trong sự tiếp nối, kế thừa của văn xuôi dân tộc thiểu số giai đoạn trước đó, đặc biệt là từ sau đổi mới 1986. Số lượng các tác giả, tác phẩm không ngừng được tăng nhanh. Trong cuốn “Văn xuôi dân tộc và miền núi đầu thế kỷ XXI” (xuất bản 2011) dày hơn 800 trang gồm 63 tác phẩm của 63 tác giả trong cả nước đã tập hợp khá toàn diện bức tranh văn học về đề tài dân tộc và miền núi ở thập kỉ đầu thế kỉ. Dưới ngòi bút của các tác giả, đời sống của đồng bào các dân tộc và miền núi hiện lên đa chiều cạnh. Hai thập kỉ qua không phải là khoảng thời gian ngắn, nhưng cũng chưa là nhiều trong tiến trình phát triển của văn học. Hai mươi năm đầu thế kỉ là một “hiện tại đang tiếp diễn”. Cho nên, dù chưa có nhiều hiện tượng nổi bật như 15 năm cuối thế kỷ 20 song văn xuôi giai đoạn này đã có những thành tựu nhất định trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc.
Đóng góp cho văn xuôi dân tộc miền núi thế kỉ XXI không thẻ không kể đến các cây bút người dân tộc thiểu số. Tác giả người dân tộc Thái có Sa Phong Ba với các tập truyện ngắn Chuyện ở chân núi Hồng Ngài (2005), Người rừng ở Pá Lống (2017); Vương Trung có tiểu thuyết Đất bản quê cha (2007), tác giả Cầm Hùng có tiểu thuyết Cơn lốc đen (2009), Hà Phong có Vượt qua dãy Hoàng Liên (truyện dài, 2009, Giải B của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam), Bàng bạc mưa rừng (tập truyện ngắn và kí, 2010), Chim Tăng ló kêu tiếng buồn (tập truyện ngắn, 2014), Hoa vẫn nở trên Pu-ta-leng (tự truyện, 2019)… Các cây bút người Mường có Bùi Minh Chức với Sự tích một câu nói (tập truyện, 2001) và Hà Lý với Ngọt đắng vị Mường (tập truyện, 2002), Lạc giữa lòng Mường (tập truyện, 2008). Tác giả người Nùng có Địch Ngọc Lân với Hoa mí rừng (tiểu thuyết, 2001). Hiện nay cả nước có hơn 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chỉ có ba nhà văn người dân tộc Mông, đó là cha con Mã A Lềnh và Mã Anh Lâm (Lào Cai) và Hùng Đình Quý (Hà Giang). Nhà văn Mã A Lềnh dù đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tiếp tục đóng góp cho văn xuôi dân tộc miền núi thế kỉ XXI với các tác phẩm: Thằng bé củ mài (2000), Chuyện xưa ở Mường Tiên (2001), Nàng Gua và chàng Sóc (2001), Rong ruổi vùng cao (2003), Chộn rộn đường xuân (2005). Mã Anh Lâm với một số truyện ngắn và tiểu thuyết Đối mặt phía nửa đêm (2006)…
Các tác giả đến từ các dân tộc khác nhau đã thực sự hòa nhập vào dòng chảy của văn học đương đại, tạo nên nhiều tác phẩm giá trị, phản ánh chân thực cuộc sống của đồng bào miền núi qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Đến nay, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã có một đội ngũ đầy triển vọng ở hầu hết các dân tộc và nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, sự chênh lệch về số lượng tác giả văn xuôi người dân tộc thiểu số giữa các tỉnh cũng rất đáng kể. Ví dụ Lai Châu còn ít những cây bút văn xuôi người dân tộc thiểu số. Trong khi đó, Cao Bằng tỏ ra là vùng đất có thế mạnh về lực lượng này với hơn một chục cây bút văn xuôi có sức viết dồi dào. Tiêu biểu cho giai đoạn trước là Vi Hồng, Triều Ân,.. hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục đón nhận các tác phẩm của Cao Duy Sơn, Hữu Tiến, Đoàn Lư, Đoàn Ngọc Minh, Mông Văn Bốn, Triệu Thị Mai, Bế Phương Mai… Sự không đồng đều về số lượng và chất lượng các cây bút văn xuôi giữa dân tộc thiểu số này với dân tộc thiểu số khác cũng là một thực tế.
Văn xuôi dân tộc Tày chiếm vị thế “áp đảo” trong nền văn xuôi các dân tộc thiểu số và thành tựu sáng tác của họ đã được ghi dấu đậm nét trên văn đàn dân tộc. Cuối thế kỉ XX, nhiều bạn đọc trong cả nước đã biết đến các tác phẩm Đường về với mẹ chữ, Người trong ống, Gã ngược đời…của Vi Hồng, Tiếng khèn A Pá, Như cánh chim trời, Đường qua đèo mây…của Hoàng Triều Ân. Bước sang thế kỉ XXI, Triều Ân ra mắt tiểu thuyết Dặm ngàn rong ruổi (2000), Trên vùng mây trắng (2011). Những năm đầu của thế kỉ XXI, Cao Duy Sơn cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị: tiểu thuyết Đàn trời – Giải B Hội Văn học nghệ thuật và các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2006; và đặc biệt, tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối cùng lúc nhận 2 giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008 và Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2009…
Trước những chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đời sống của vùng núi phía Bắc dù còn khó khăn nhưng đã được nâng lên, nhà văn được tự do sáng tạo để tạo nên giá trị địch thực trong văn hóa văn nghệ, để phát triển tài năng. Tiềm lực văn hóa của tác giả được nâng lên một cấp độ đáng kể. Xu hướng hội nhập, thế giới phẳng, internet, công nghệ phát triển khiến các nhà văn dân tộc thiểu số tiếp cận, học hỏi kho tàng trí tuệ nhân loại, của dân tộc Việt Nam, rút gần khoảng cách giữa vùng cao và vùng đồng bằng, giữa văn học dân tộc miền núi và văn học miền xuôi nói chung, giữa Việt Nam và thế giới. Tất nhiên, cơ hội cũng luôn đi với thách thức. Và nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế cũng mang đến những mặt trái – tạo thành một tiểu đề tài được đề cập đến trong nhiều tác phẩm của văn nghệ sĩ miền núi phía Bắc. Nhìn chung, những điều kiện khách quan và chủ quan đã giúp đội ngũ và tác phẩm về dân tộc, miền núi được mở rộng. Tuy nhiên, vẫn còn một thực trạng là còn nhiều dân tộc thiểu số chưa có nhà văn đại diện cho tiếng nói cộng đồng của dân tộc mình. Tuy nhiên, các nhà văn dân tộc thiểu số vẫn đang tiếp tục hành trình chinh phục độc giả cả nước bằng những tác phẩm mới của mình và lực lượng kế thừa trẻ đang trưởng thành. Nếu các tác giả là người miền xuôi phải đi thực tế miền núi, kiếm tìm cảm hứng và vốn sống, tư liệu mới viết được thì các nhà văn dân tộc thiểu số với vốn sống, vốn văn hoá, ngôn ngữ ẩn tiềm một cách tự nhiên, cố hữu trong mình, họ và những tác phẩm của họ sẽ là “nguồn lực” chính của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đó là những cây bút có giọng điệu, có bản sắc riêng, và thật sự chất lượng dẫu không phải họ sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Nhiều tác phẩm của tác giả ấy đã đạt các giải thưởng chính thức về văn chương.
Có thể thấy, trong hơn hai chục năm qua, số lượng tác giả người dân tộc thiểu số tham gia vào đội ngũ người viết văn xuôi ngày càng đông đảo, khiến cho bức tranh văn hóa trong văn xuôi các dân tộc thiểu số thêm đa dạng với nhiều sắc thái phong phú.
*
Trong dòng chảy chung của văn học miền núi đương đại, nhà văn dân tộc Tày Cao Duy Sơn là một trong những gương mặt tiêu biểu, tạo được dấu ấn riêng trong lòng người đọc. Với một hành trình từ thập niên cuối thế kỉ XX như Người lang thang (1992), Cực lạc (1995), Những chuyện ở lũng Cô Sầu (1996), Hoa mận đỏ (1999) và đến đầu thế kỉ XXI, ông tiếp tục trình làng các tập Những đám mây hình người (2002), Đàn trời (tiểu thuyết, 2006) đến Ngôi nhà xưa bên suối, Hoa bay cuối trời (tập truyện ngắn, 2008), tiểu thuyết Chòm ba nhà (2009), tập truyện ngắn Người chợ (2010)… Các tác phẩm của Cao Duy Sơn “sâu lắng trong các mối quan hệ con người với đầy đủ ân oán, thiện ác, từ đố thể hiện những quan niệm nhân sinh, phương cách ứng xử nhân ái vào cao thượng. (Phạm Duy Nghĩa). Sau cùng, cái để lại trong tâm hồn người đọc là sự nhẹ nhàng, nhân hậu, nhân văn, thanh thoát toát ra từ tác phẩm của ông.
Nếu như ở giai đoạn nền móng của văn học dân tộc miền núi còn thưa thớt những nhà văn nữ. Giai đoạn 15 năm cuối thế kỉ XX ghi nhận sự đóng góp của các nhà văn nữ như Vy Thị Kim Bình, Bùi Thị Như Lan… Bước sang thế kỉ XXI, bắt đầu xuất hiện những tên tuổi mới và cho đến nay (2020), những nhà văn nữ này đã trở thành cái tên được nhiều độc giả tìm đọc và nghiên cứu, tiêu biểu là Đỗ Bích Thuý và Tống Ngọc Hân, Chu Thị Minh Huệ, Vũ Thị Huyền Trang, Phạm Thuý Quỳnh, Chu Thanh Hương, Vi Thị Thu Đạm…
Đỗ Bích Thuý (Hà Nội) và Tống Ngọc Hân (Phú Thọ) vốn không phải là nhà văn người dân tộc thiểu số, nhưng đều có thời gian dài sinh sống và làm việc tại miền núi (Đỗ Bích Thuý sinh ra, lớn lên và làm việc tại Hà Giang, Tống Ngọc Hân gắn bó lâu dài với mảnh đất Sa Pa – Lào Cai). Những trang viết của họ hôi hổi những chi tiết đời sống, đi sâu vào thế giới tâm hồn, những góc khuất cuộc sống mà nếu không đủ hiểu, đủ sâu nặng với mảnh đất ấy, ta không thể nhận ra. Đằng sau những cảnh thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp, sau những chuyện đời, chuyện người ấy ánh lên những khát vọng sống, khát vọng yêu, những giá trị chân – thiện – mĩ sâu sắc.
Đỗ Bích Thúy làm nên tên tuổi của mình trong văn đàn Việt Nam nhờ những tác phẩm thấm đẫm phong vị đại ngàn. Chị được đánh giá “là một trong những cây bút nữ quan trọng nhất hiện nay ở mảng văn học về đề tài miền núi” (Trần Đăng Khoa). Chị đã góp một tiếng nói riêng cho văn đàn dân tộc miền núi và văn học Việt Nam đương đại nói chung với nhiều tác phẩm. Văn chương Đỗ Bích Thúy phát lộ rực sáng từ cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội vào năm cuối cùng của thế kỉ XX với Sau những mùa trăng, Ngải đắng ở trên núi và Đêm cá nổi. Bước sang những năm 2000, Đỗ Bích Thuý sáng tác nhiều về đề tài dân tộc miền núi với nhiều tập truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết. Trong suốt gần 20 năm qua, chị đã cho ra đời 19 đầu sách, trong đó có nrất nhiều tác phẩm hay dành riêng cho mảnh đất Hà Giang núi đá đã dâng hiến cho văn đàn Việt một cây bút mang đậm sắc màu, nổi trội và riêng biệt, một vẻ đẹp miền cực Bắc hiện đại: Những dấu vết mang thanh âm kỳ diệu âm vang sau bờ rào đá, bay trên những mái nhà khói bếp như mây. Tất cả những tài hoa ấy khiến Thuý trở thành một trong những nữ nhà văn hàng đầu gắn với đề tài miền núi hiện nay. Chị đã đạt Giải Nhất cuộc thi sáng tác Truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 1999; Giải Nhất tiểu thuyết Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, năm 2013.
Có thể thấy lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người miền núi là nguồn cảm hứng, cảm xúc mãnh liệt trong suối nguồn sáng tác của các nhà văn dân tộc miền núi thế kỉ XXI. Như con tằm ăn lá dâu nhả tơ, làm kén với những trang văn tinh tế, nhiều tác giả đã chỉn chu thêu thùa qua từng câu chữ đầy hấp dẫn nơi miền sơn cước. Đội ngũ sáng tác ngày càng đông đảo cho thấy tình yêu lớn lao với mảnh đất đầy hấp dẫn nơi địa đầu Tây Bắc, Đông Bắc của tổ quốc. Hi vọng năm tháng trôi qua, lực lượng sáng tác ấy sẽ để lại những tên tác giả – tác phẩm giá trị khi nhắc đến giai đoạn văn học này.
Lê Thùy Giang