Chị Ón

Đứng trước căn nhà đầu dốc có treo biển “bán nhà”, tôi lưỡng lự và đẩy cửa bước vào. Nghĩ thế nào cũng không ra vì sao chị tôi lại quyết định rời quê ra đi? Bao nỗi giận chị đã không còn, chỉ nhường chỗ cho tình cảm chị em cái ngày chúng tôi còn ở cùng bố mẹ và những kỷ niệm thơ ấu.

Cuộc đời chị êm xuôi hơn tôi, xinh đẹp, học giỏi. Mái tóc chị suông dài óng ả, đen mượt, chẳng như tóc tôi cứ chớm vai đã lại cắt lũn cũn. Gương mặt trái xoan của chị lúc nói chuyện luôn ửng hồng, đôi mắt đen ướt rượt dưới hàng mi cong vút. Nhìn lại tôi chẳng thấy chị em mình giống nhau ở điểm nào. Tôi ngang tàng bao nhiêu thì chị lành hiền, dịu dàng bấy nhiêu.

Tuổi mới lớn mỗi cô gái đều phải lòng một chàng trai đúng với hình dung tưởng tượng của mình. Từ khi nhìn thấy anh Xé Cà đánh bóng chuyền sau khu nội trú trường cấp ba, cả hai chị em tôi đều dừng lại chăm chú xem. Cũng từ buổi trái tim thiếu nữ biết rung động, mỗi khi ở đám đông, tôi đều len lén nhìn về phía anh ấy đứng. Dẫu tự nhận mình là mạnh mẽ nhưng tuổi trẻ thường vẫn e dè. Tôi định bụng học hết lớp mười hai sẽ mạnh dạn đứng trước anh ấy để nói ra cảm xúc của mình. Ấy vậy mà buổi tối hôm đó đã thay đổi suy nghĩ của tôi…

Ngồi bên hiên nhà sàn, tôi thấy người thanh niên dáng mảnh khảnh đi tới. Không thể nhầm được. Đó chính là anh ấy. Rồi cũng rất nhanh, anh Cà bước đến chân cầu thang nhà tôi và bỏ một lá thư ở góc cầu thang. Sau khi bóng lưng anh đi khuất, tôi thấy chị xuất hiện và rón rén xuống lấy thư. Như chợt hiểu ra tất cả, tôi tự nhủ cũng may mình chưa thổ lộ nỗi niềm đơn phương ấy. Tự ái khiến tôi dồn hết tâm trí vào việc học. Tôi và chị vẫn cùng đến trường, vẫn cùng làm việc ở nhà nhưng chính tôi đã không còn như trước. Tôi tỏ thái độ xa lánh chị, chị cũng như hiểu được điều đó. Cuối năm lớp mười một, tôi được học sinh tiên tiến, còn chị dù được thầy cô vớt các môn, cũng chỉ được loại trung bình yếu. Kết cục không ngoài dự liệu của tôi khi chị và anh Cà nghỉ học năm lớp mười hai và ở nhà lấy nhau. Con bé Gió Chứ ra đời. Chị bán hàng lặt vặt và trồng rau. Anh vẫn đi nương, mảnh nương bố mẹ để lại. Rồi thằng Lung ra đời khi tôi đã đi học đại học và trải nghiệm tuổi trẻ của mình ở nơi phồn hoa đô hội. Sau khi học xong đại học, tôi trở về công tác ở huyện. Câu chuyện tình buồn năm nào cũng chỉ mình tôi biết. Tôi cũng trở nên gần gũi lại với chị. Lắm lúc tôi tự trách mình ngày trước đối xử với chị chưa thật tốt. Lại thầm cảm ơn chị, vì nếu thời điểm ấy chị không nghỉ học, bố mẹ tôi dù có cố gắng đến mấy cũng không dồn được tiền cho tôi đi học đến nơi đến chốn như vậy.

 

***

 

Cuộc đời chẳng ai nói trước được chữ ngờ. Anh Xé Cà mất trong một cơn lũ quét qua nương là tai họa đầu tiên ập vào nhà chị. Bao lần tôi xuống thăm, chỉ thấy chị rũ ra như tàu lá héo. Hai đứa con nheo nhóc. Người vợ trẻ có chồng chết trẻ sống cuộc đời ảm đạm. Nhà tôi cách nhà chị chỉ là khoảng cách từ đầu đến cuối thị trấn. Ấy thế sao mà dài. Dài như mỗi lần nhắc đến chị, mẹ tôi cứ thương xót quá thể và dửng dưng khi nói về gia đình tôi. Chạnh lòng và ghen tị với chị, xen trong tôi còn cả niềm thương cảm không nói lên được thành lời.

Con bé Chứ càng lớn càng xinh, lại học giỏi và khiêm nhường, dịu dàng. Tôi nhìn thấy ở nó hình ảnh chị tôi thời trẻ. Anh Lãm – bảo vệ Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện thường lui tới nhà chị chơi. Tôi đã hồ nghi về người đàn ông độc thân ngoài bốn mươi đó. Cho đến lúc chị tới nhà tôi, ánh mắt ướt rượt như thời thiếu nữ, đôi môi trái tim mọng nước khe khẽ bảo tôi:

– Anh ấy thương chị và hai đứa con…

Tối ngủ, tôi lật mình trăn trở. Chồng tôi gắt:

– Em lo cho chồng và hai đứa con em đây này! Lắm lúc thấy em nhập tâm vào chuyện nhà chị gái hơn cả nhà mình.

Tôi ngớ ra. Quả vậy, nhà tôi thì có gì mà phải nghĩ? Hai vợ chồng cùng làm ở Huyện ủy, lương đủ ăn. Hai đứa con túc tắc đến trường. Ổn định như bao nhà khác. Chị tôi thì lúc nào cũng giông tố, gió bão cuộc đời như chỉ chờ là ập đến… Có lần đang nhuộm tóc cho mẹ, tôi nặng nề thốt lên câu:

– Bố mẹ thương chị hơn con.

Mẹ không ngoái lại, chỉ dùng giọng đều đều để trả lời. Câu trả lời như đã sắp đặt sẵn từ bao lâu rồi:

– Nhà nào cũng có một đứa bất hạnh gánh cho cả gia đình. Con hiểu cho mẹ.

Tôi lẩn tránh ánh mắt bi thương hình dấu chấm than của bà.

 

***

 

Chị tôi và anh Lãm chính thức về ở với nhau khi con bé Chứ xuống Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh học cấp ba. Con bé sang nhà khoe với tôi:

– Bố mới bảo mẹ là phải để dành tiền cho con đi học, không để con bỏ dở việc học hành giữa chừng.

Tôi nhìn vào ánh mắt thơ ngây của con bé, bỗng thở dài như quẳng được gánh nặng đè trĩu tim. Miệng lẩm nhẩm, chẳng biết nói với con bé hay nói với chính mình:

– Cũng là “qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”. Thôi, cố mà học để mẹ con còn yên tâm.

Nó nhìn tôi tin tưởng. Ánh mắt y hệt như chị nhìn tôi khi còn học phổ thông.

Một năm sau, con bé Sương ra đời. Chị Chứ trẻ hẳn ra, anh Lãm luống cuống chăm sóc đứa bé bằng bàn tay thô vụng của người đàn ông trung niên. Tôi và mẹ thở phào, như trút được bao nỗi lo lắng. Ông trời cuối cùng cũng thương chị hiền lành, không nỡ để chị buồn mãi.

Ngày con bé Chứ học xong Trường Trung cấp Kinh tế, ngành nông nghiệp về đi làm, chị và anh Lãm tổ chức bữa cơm gia đình. Nụ cười viên mãn trên môi chị khiến tôi và mẹ cũng lâng lâng vui sướng. Chứ có lần bảo tôi:

– Dì ạ, chắc cháu sẽ chia tay mối tình đầu suốt ba năm học phổ thông, hai năm học chuyên nghiệp của mình.

Tôi nhìn thẳng vào mắt con bé rồi gặng hỏi:

– Vì sao?

– Cháu nghĩ kỹ rồi, dù có níu giữ mối tình đầu cũng chẳng có kết quả đến đâu vì mỗi đứa một huyện. Cháu muốn ổn định và lấy một người cùng làm như dì. Yêu khi đi học thường không thành mà dì…

Hình ảnh anh Xé Cà thời học phổ thông lấp loáng lướt qua tôi với nụ cười khoe chiếc răng khểnh, dáng dấp thanh mảnh đánh bóng chuyền cùng đám bạn. Mối tình đầu… Nếu như anh thực sự để ý đến tôi, tôi có cơ hội tỏ bày tình cảm với anh. Liệu tôi có giống như chị, ngây ngốc bỏ học lấy chồng để cuộc đời rẽ sang một hướng khác không? Rồi tôi tự nhủ, với cá tính của tôi, dù có yêu thích một ai đó đến đâu, cũng không thể thay đổi những quyết định của mình.

 

***

 

Việc Chứ lấy Phúc, một cậu công an trẻ ở huyện khiến ai nấy đều bất ngờ. Riêng tôi thì không. Chứ bảo:

– Người yêu cháu, anh ấy sau khi ra trường đã đến công tác ở tỉnh khác. Nghe tin cháu lập gia đình, hẳn là anh ấy cũng sẽ lấy vợ sớm thôi!

Tôi nhìn con bé cháu trẻ trung, xinh đẹp mà tội nghiệp. Sao cuộc đời truân chuyên của mẹ cứ khiến nó bị ám ảnh? Giống như tôi. Giống mẹ tôi. Luôn lo lắng không nguôi cho cuộc đời của chị.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên ánh mắt lạc lõng của chị khi anh Lãm mất chỉ trong một lần chơi bóng chuyền về và tắm nước lạnh rồi vào buồng nằm nghỉ. Khi chị vào giường gọi anh ra ăn bữa tối thì anh đã tắt thở. Không kịp trăn trối lời nào với vợ con. Anh đi. Tôi và mẹ chưa bao giờ thấy vẻ thất thần ớn lạnh của chị như thế! Không như lúc anh Xé Cà mất, chị khóc lóc cuống cuồng đến khản đặc giọng. Giờ đây, chị chỉ lùi lũi, không ăn uống, cũng không nói, không khóc gì cả. Chỉ đến khi mẹ đặt bàn tay nhỏ bé của cái Sương vào tay chị:

– Con gái mới học lớp sáu thôi! Con phải sống mà chăm sóc nó nên người.

Chị mới òa lên nức nở và kéo thằng Lung (lúc ấy đang học cấp ba) vào lòng.

Cách chị gượng dậy lần gục ngã thứ hai này nhanh hơn lần đầu khiến cả tôi, mẹ và cái Chứ bất ngờ. Chỉ sau khi chôn cất anh xong, lúc về, chị gọi cái Chứ lại gần và bảo:

– Con đang mang bầu, đừng suy nghĩ nhiều. Mẹ tự lo cho hai đứa em được.

Những ngày tháng sau đó, chị lầm lũi làm ăn. Căn nhà bán hàng tạp hóa mà im ắng, mà lặng buồn quá thể! Tôi đến nhà chị mua đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt gia đình và luôn cảm thấy đôi vai gầy nhỏ của chị đang cố rướn lên, gánh lấy mái nhà chỉ chực chờ sụp xuống. Chị bán hàng tính nhầm trước, nhầm sau. Chị không để tâm, không quản lý được cả hạn sử dụng của các loại bánh kẹo, nước ngọt nên nhiều hàng quá hạn phải bỏ đi, lời lãi cũng chẳng còn được là bao. Thấy chị sống lơ đãng, âm trầm như thế, tất cả những thông tin liên quan đến các con chị sau này tôi đều không nỡ nói cho chị biết. Cũng vì điều đó mà khi tôi nghe tin con bé Chứ sống không thật hạnh phúc, chăm sóc con nhỏ một mình, chồng thường xuyên tụ tập bạn bè, bài bạc đến khuya. Hay chuyện thằng Lung học hành chểnh mảng, bỏ học lêu lổng với đám bạn hư chơi game tối ngày. Và rồi con bé Sương cũng tập tọe ăn chơi… Tất cả tạo nên bức tranh cuộc đời chị với toàn gam trầm, và buồn tẻ.

 

***

 

Con bé Chứ đến tìm tôi và bảo:

– Cháu quyết định theo chồng về quê. Bà ngoại bảo nhà này chỉ có dì là thông minh nhất thôi, nên cháu muốn hỏi ý kiến của dì.

Tôi nói:

– Hai đứa bỏ việc thì sẽ làm gì?

– Nhà anh ấy có quán bán vật liệu xây dựng. Nhà chỉ có một mẹ một con nên cháu về cho bà đỡ neo người.

Tôi thở dài:

– Mẹ cháu cũng chỉ còn cháu làm chỗ dựa đấy thôi…

Con bé ngẩnh mặt lên. Nhìn vào mắt nó, tôi hiểu rằng nó không đến để xin tôi một lời khuyên mà chỉ đến thông báo cho tôi biết. Y như cái ngày chị đến hỏi tôi có nên nghỉ học cấp ba lấy anh Xé Cà không? Nó đã quyết định rồi. Tôi còn nói được gì nữa…

Thế rồi gia đình con bé Chứ chuyển đi thật. Xa nhà đến hơn sáu trăm cây số. Không biết nó còn nhớ đường về sông Đà không? Thằng Nam – con trai lớn của tôi có lần kể:

– Con nghe bảo lúc đầu về nhà chồng, chị Chứ bị mẹ chồng hắt hủi lắm, vì quan niệm chị ấy là dân tộc thiểu số, lại ở mãi tận cùng địa đầu tổ quốc nên họ cho rằng lối sống lạc hậu. Sau này, vì chị chăm chỉ theo bà đi lễ chùa, lại lựa cách sống nên mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu mới được cải thiện. Chồng chị ấy thì vẫn thế, ham chơi, còn thêm cái tính ghen tuông, luôn quản thúc vợ. Không muốn cho vợ về thăm mẹ đẻ, vì sợ gặp lại mối tình đầu ở quê hương…

Tôi chỉ còn biết nhìn vu vơ vào cảnh vật trước mắt. Như tỏ, lại như mờ.

Tin dữ về con bé Sương khiến cả thị trấn nhỏ xôn xao. Trong lần đi cắm trại với bạn bè. Chàng trai – mối tình đầu của nó (lại vẫn là tình đầu)… dẫn bạn gái ra chỗ vắng tình tự làm con bé mới lớn hoảng sợ bỏ chạy, không may trượt chân rơi xuống thác nước và bị liệt. Khi tìm thấy con bé, tôi bế con bé trên tay, mềm rượt như cái ráy khoai, gương mặt trái xoan thon nhỏ, nét xuân thì mơn mởn… Bác sĩ báo với gia đình tôi tin sét đánh ngang tai: Sương phải sống thực vật cả đời. Bố tôi suy nghĩ đến bạc trắng cả đầu. Mẹ tôi lẩm nhẩm:

– Cuộc đời cái Ón nhà mình, khi nào mới bớt truân chuyên?

 

***

 

Tôi gặp chị khi nghe tin chị định bán ngôi nhà đầu con dốc, rời bỏ quê hương để chuyển về gần cái Chứ. Đứng trước dòng chữ “Bán nhà” viết nghệch ngoạc, sau một hồi lưỡng lự, tôi đẩy cửa bước vào. Chị nhìn thấy tôi thì òa lên khóc tức tưởi như một đứa trẻ nhỏ:

– Em đừng khuyên chị nữa. Nhà chị từ đầu đã mua ở nơi dốc cuối thị trấn. Gió thổi buốt lạnh lắm! Chị không ở đây, không ở gần bố mẹ và em được. Chắc phải đi xa một chuyến chị mới gượng dậy mà sống được…

Bàn tay lẩy bẩy, chị bấu chặt lấy tay tôi:

– Em cần biết điều này, năm xưa, lá thư ở chân cầu thang lúc chị xuống lấy, em đã nhìn thấy. Đó là thư anh Xé Cà tỏ tình với em…

Tôi ngạc nhiên vì thấy mình không hề bất ngờ, chỉ đong đầy niềm xót thương chị. Kể cả như vậy thì đã làm sao? Sau từng ấy chuyện đã xảy ra với cuộc đời của chị. Giọng nói của tôi lạnh lùng, rành rọt từng chữ:

– Mọi thứ đã theo thời gian trôi qua rồi. Chị hãy ở lại. Con Sương và thằng Lung còn có dì nó và ông bà. Chị đừng lưu lạc nơi xứ người rồi làm khổ con Chứ nữa!

Chị tôi – cô gái hiền dịu, xinh đẹp, niềm tự hào cũng như tị nạnh của tôi gật gật đầu, ánh mắt đẹp long lanh dâng nỗi sầu vời vợi.

TỬ VÂN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.