Bà ngoại tôi – một người Giao Chỉ, không thể lẫn với ai được bởi đặc điểm của hai bàn chân. Khi lớn lên, tôi thấy cả làng tôi với hơn hai trăm nóc nhà, cả nghìn con người, nhưng chỉ có hai người có bàn chân như thế, đó là một bà cụ tên là cụ Cúc già và bà tôi. Có lẽ hai cụ gần bằng tuổi nhau và lại ở cùng xóm nên rất thương quý nhau. Cả hai cùng còng, cùng chống gậy, cùng đi chân vòng kiềng, bởi vì đôi chân của các cụ khác hẳn với mọi người. Thông thường, chân của chúng ta thì các ngón chân đều hướng thẳng về phía trước nhưng bàn chân Giao Chỉ thì các ngón đều hướng vào trong lòng, thành thử ra hai bàn chân tạo thành đường cong rất kỳ dị, quặp vào trong. Những bàn chân ấy chỉ suốt đời đi đất, nếu đi dép thì ngón cái và ngón thứ hai chìa ra ngoài dép. Đó là đôi bàn chân của người Việt cổ, không bị lai tạo qua các thời kỳ lịch sử.
Bà ngoại tôi chỉ có hai người con gái, đó là bác Hoa và mẹ tôi. Bác Hoa lấy chồng, bác trai đến ở rể tại nhà cùng với bà. Hai bác có đến tám người con, nhưng chỉ có một chị gái cả, còn toàn một lũ con trai trứng gà trứng vịt, nghịch như quỷ sứ. Tuy bác trai có chút chế độ bệnh binh, nhưng cảnh nhà đông con nên cũng túng bấn lắm. Dĩ nhiên là bà ngoại tôi cũng phải chịu khổ lây. Mẹ tôi lấy cha tôi ở xóm trên, nhà tôi quay về hướng Nam, chỉ cách nhau một cánh đồng nhỏ, có thể gọi vống đến tai nhau được. Cha mẹ tôi sinh năm chị em, hai trai ba gái, vào thời điểm đó cũng vô cùng cơ hàn.
Ông ngoại tôi có chức Nhiêu trong thời kỳ Pháp tạm chiếm nên người làng cứ quen gọi là cụ Nhiêu Thước. Thực ra ông tôi là đảng viên cộng sản, trong nhà thường xuyên nuôi giấu cán bộ và bộ đội dưới các hầm bí mật. Vì bà tôi chỉ sinh được hai con gái nên ông tôi lấy bà hai nhưng bà hai không sinh được thêm ai mà lại lây cho ông tôi căn bệnh phong, dẫn đến ông tôi mất sớm và bà tôi ở vậy từ khi tuổi mới ngoài năm chục. Lúc ấy tôi còn chưa có trên đời.
Tôi chưa khi nào quên hình ảnh của bà ngoại với cái khăn đen mỏ quạ trên đầu, với cái áo dài nâu đi chùa thắt hờ hai vạt trước bụng và cái quần đen may kiểu chân què cùng cây gậy tre. Vì lưng bà còng nên khi bà đi đường thì cây gậy thường cao hơn người một đoạn, chỉ khi nào bà đứng lại, chống tay vào đầu gối mà ngửng lên thì mới cao bằng cây gậy. Ngày thường, bà chỉ ở nhà nấu cơm nước, quét tước, dọn dẹp việc vặt cho gia đình. Cùng lắm là lên vườn chè, sau nhà hái ấm chè tươi hãm uống hoặc vơ váo mấy cành củi khô về đun.
Cách nhau một quãng đồng nhưng ít khi bà lên nhà tôi chơi vì bà đi lại khó khăn. Chỉ vào các ngày rằm, mùng một là chúng tôi hay được gặp bà bởi bà không bao giờ bỏ việc lên chùa. Ngôi chùa làng tôi nằm ở xóm ngoài, bà phải đi lên xóm nhà tôi rồi mới rẽ ra xóm ngoài. Đấy là những dịp ít ỏi bà cháu chúng tôi được gặp nhau bởi vì chúng tôi còn phải đi học buổi sáng, buổi chiều thì chăn trâu cắt cỏ giúp cha mẹ. Những lúc ấy, bà ngồi giữa, chúng tôi quây túm lại. Bà đưa bàn tay nhăn nheo mà xoa đầu từng đứa rồi mắng yêu. Khuôn mặt chằng chịt những đường gian khổ của bà giãn ra tươi đẹp lạ. Miệng bà móm mém nhai trầu suốt ngày. Khi nào thấy bà quăng bã trầu đi, chúng tôi lại tranh nhau giã cối trầu mới cho bà. Đi chùa về, bà hay có quà, ấy là lộc chùa, lộc phật. Thường thì chỉ có một phẩm oản xôi nếp nhỏ như cái chén vại và một quả chuối. Kỳ lễ nào đặc biệt mới có thêm oản bột khô hoặc bánh khảo. Bà lấy con dao con trong gói trầu cau, bổ đôi cả phẩm oản và quả chuối, chia cho chúng tôi một nửa, nửa kia gói lại, mang về cho các anh chị nhà bác Hoa. Quà của bà chỉ có thế, nhưng đối với chúng tôi lúc ấy là vô giá. Chúng tôi nhận mỗi đứa một véo oản như một quả cau nhỏ và một lát chuối mỏng như cái bánh xe từ tay bà và tận hưởng một cách trịnh trọng. Những hôm bà đi chùa về mà đứa nào trong chúng tôi đi học vắng thì lúc về, thế nào cũng vẫn được nhận phần lộc quan trọng ấy vì bà dặn những đứa khác là: Lộc bà đã chia, của ai thì người ấy ăn.
Bà tôi duy trì được nhịp sống như vậy đến năm hơn tám mươi tuổi rồi đổ bệnh già. Bà nằm bẹp ở nhà, cha mẹ và chúng tôi cũng thi thoảng mới xuống thăm bà được. Chồng bác Hoa vốn là y tá quân đội, bấy giờ ở nhà thuốc men và cơm cháo cho bà là chính. Đến ngày rằm hay mùng một, chúng tôi vẫn thường nhận được phần lộc chùa gồm nửa quả chuối và nửa phẩm oản như thường lệ, nhưng qua tay bà cụ Cúc già. Cụ Cúc cũng có con gái lấy chồng cùng xóm nhà tôi và cũng có cái nếp vào thăm cháu ngoại những dịp này. Mặc dù nằm bệnh, nhưng bà tôi vẫn dặn bạn già thay mình nhận rồi chia lộc chùa cho các cháu như lúc khỏe. Những lúc ấy, tôi đã có linh cảm không vui, nhận phần lộc mà lòng sắt se thương bà ngoại lắm!
Thế rồi một tối, mẹ gọi tất cả chúng tôi lại, mẹ bảo là: “Các con cơm nước nhanh lên, xuống với bà một tí, bà yếu lắm rồi!”. Cơm tối xong, cả nhà tôi chạy ào xuống xóm dưới. Nhà bác tôi tập trung khá đông các cụ, đang ngồi tụng kinh niệm phật cho bà, những tiếng: “Nam mô a di đà phật!” râm ran. Bà nằm trên giường tre, chỉ còn thoi thóp hơi thở yếu ớt. Bác Hoa và mẹ tôi sụt sùi vừa quạt nhẹ vừa nâng giấc. Trong lúc chồng bác Hoa và cha tôi ngồi bàn nhau việc lo hậu sự cho bà thì tôi nghe mẹ tôi nói vào tai bà tôi: “Bu đừng có vội đi! Có lúa mới rồi, mai con kiếm mấy bông về làm cho bu bát cháo mới, bu ăn đã nhé”. Tôi thấy bà gật nhẹ đầu và hai giọt nước mắt lăn ra trên khóe mắt.
Cho đến bây giờ, sau hơn năm chục năm đằng đẵng, tôi vẫn nhớ như in trong đầu cái hình ảnh mẹ tôi đi chợ về buổi non trưa hôm ấy. Đó là một ngày đầu tháng tư ta, tức là tháng năm dương lịch, cuối xuân và đầu hè. Nhưng có lẽ ăn sâu vào tâm trí tôi bởi lúc ấy là những ngày giáp hạt của thời kỳ khó khăn, đói kém, những năm trong thập niên bảy mươi của thế kỷ hai mươi. Cái thời buổi mà người ta mong đợi từng ngày cho lúa chín để hy vọng được một bữa cơm no. Thế mà cả cánh đồng làng tôi, thửa ruộng nào lúa cũng chỉ mới thoát đòng. Hôm ấy, mẹ tôi đi chợ về sớm hơn thường lệ, mẹ chạy tất tưởi. Trong cái thúng mẹ cắp nách về có thêm một nắm lúa non chỉ chừng chục bông còn đang chưa đông sữa. Mẹ nói là xin ở cánh đồng làng trên, họ cấy sớm hơn. Mẹ hối hả giục chúng tôi rửa cái cối lon và cái chày giã cua, rồi mẹ cho cả nắm lúa vào giã. Khoảng trên lưng cái bát con sữa lúa được chắt ra. Mẹ tôi tức tốc chạy xuống với bà. Lúc này, bà đã đang hấp hối. Mẹ tôi bảo: “Bu cố đợi con một tí nữa thôi”. Rồi mẹ tôi cho sữa lúa vào cái nồi con, cho chút đường rồi vừa đun vừa quấy cấp tốc. Chỉ một chốc thì đĩa bột loãng nhỏ đã được mang lên. Mẹ tôi thổi và bón được cho bà hai thìa, bà vẫn còn nuốt được. Thế mà đến thìa thứ ba thì thấy tay bà giơ lên, rồi hạ xuống. Mắt bà nhìn lướt mọi người một lượt, hai giọt lệ tràn ra. Bà đi theo tổ tiên ngay lúc ấy, chỉ ngay sau khi nuốt hai thìa bột lúa non lúc giáp hạt từ tay con gái! Đám tang của bà ngoại tôi diễn ra trong cảnh nghèo, nhưng ấm áp tình làng nghĩa xóm, bởi bà tôi vốn hiền lành, nhân hậu nên ai cũng yêu thương và quý trọng.
Những ngày sau đó, mỗi lần xuống chơi nhà bác Hoa, tôi cứ ngỡ vẫn thấy cái dáng thân thương của bà lúi húi bên gốc nhãn cổ thụ hay đang ngồi đun bếp bằng đám lá khô tí tách. Vẫn thèm câu mắng yêu quen thuộc: “Tông môn chúng bay!”. Nhưng tất cả đã thành kỷ niệm.
Bây giờ, khi mà cuộc sống quá dư dả vật chất, lắm lúc ngồi trước mâm cao cỗ đầy với đủ cao lương mỹ vị, nhưng nếu nhớ lại những ngày tháng ấy thì cái hương vị của lát chuối và mẩu phẩm oản nếp quýt lộc chùa ngày xưa của bà ngoại tôi vẫn lấn át tất cả. Cũng rất tự nhiên, những khi ấy, nhớ đến bà, sống mũi tôi lại cay cay thương cảm!
Thế là chúng tôi xa bà ngoại đã hơn nửa thế kỷ. Đến cả vợ chồng bác Hoa và cha mẹ tôi cũng đã về với tổ tiên cả rồi! Nhờ ơn ông bà cùng tổ tiên và các bậc sinh thành phù hộ độ trì, hơn chục đứa cháu ngoại của bà, bây giờ hầu hết cũng đã thành ông bà nội ngoại, con cháu đầy đàn. Nếu có dịp mà tập trung đông đủ thì cũng trên trăm người lớn nhỏ. Ngồi nghĩ lại thì ra tất cả đều xuất phát từ bà ngoại tôi – cụ bà người Giao Chỉ thân thương ấy. Tôi viết lại đôi dòng thay cho những nén tâm nhang của toàn thể con cháu, thắp dâng hương hồn bà với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn!
THANH PHƯƠNG