Chiếc phươn mây của bà

Mây núi trắng trời buông qua bản nhỏ của chúng tôi qua không biết bao mùa mưa lũ, đói khát… Tưởng chừng như mây khói sẽ xóa nhòa tất cả, từ những mái tranh rách nát đến những đồ vật cũ kĩ trong đó. Thế mà thời gian không xóa được tình yêu, không xóa được kí ức. Càng gian khó, càng nhớ đến khôn nguôi.

Sau nhiều lần phải chuyển nơi ở, từ vai núi đến lưng núi, từ lưng núi này sang lưng núi kia. Vậy mà bà vẫn nhất định mang theo chiếc phươn mây (tức chiếc mâm làm bằng mây mà gia đình tôi vẫn dùng để ăn cơm). Bà gìn giữ cẩn thận vì bà bảo đó là chiếc phươn do ông nội của tôi để lại. Hồi còn sống, ông nổi tiếng là người khéo tay nhất bản. Cái gì ông cũng biết đan và rất đẹp. Trong nhà từ cái gùi, cái mẹt, cái ghế mây… đều một tay ông làm. Giờ ông ở nơi xa lắm, đến cả hơn chục năm rồi mà những đồ vật này vẫn còn nguyên. Còn cả hơi ấm được bà nâng niu trong tâm trí và luôn nhắc nhở lũ cháu con chúng tôi nhớ về.

Ông và bà lấy nhau sau lần gặp gỡ ở đêm xòe. Ngày còn trẻ, ông tham gia kháng chiến. Hòa bình trở lại, ông là cựu chiến binh chăm chỉ, nề nếp nghĩa tình, chỉ là bị thương mất một bên chân. Không đi được xa, không làm được việc nặng thì ông ở nhà đan lát. Trước là cho gia đình dùng, sau là để cho cả mọi nhà trong bản. Đan những giỏ, những om, những rổ, rá thông thường thì có thể một vài người khác trong bản cũng làm được. Nhưng riêng chiếc phươn mà nhà nào cũng cần có thì không phải ai cũng đan được như ông. Nó đòi hỏi phải khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ trong từng công đoạn và chỉ ông làm là người già, người trẻ nào cũng ưng. Những chiếc phươn có mặt tròn như chiếc trống đồng cổ, có chân đế xòe và cao thấp tùy nhu cầu sử dụng của mỗi nhà. Ông thường làm phươn cao vừa tầm để ngồi được với ghế mây. Có lúc chân ông đau lắm, nhưng ông vẫn tự chống nạng để tự đi chọn lấy cây tre, mai, mây, trúc về làm phươn. Ông nói phải là những cây mai, cây trúc, dây mây già, dai chắc nhất trong rừng thì phươn mới bền và đẹp. Nan trúc, dây mây trước khi đan phải được dùng dao chuốt cho thật bóng, sờ mịn tay thì mâm mới đẹp. Khi đan cũng phải tỉ mẩn từng chút một, đặc biệt là công đoạn đan mặt phươn và buộc dây mây tạo viền phươn đòi hỏi độ khó cao, cần sự tinh tế, khéo léo. Mâm đan xong được gác lên gác bếp hong khói cho lên màu và thêm bền đẹp. Thế mới biết làm được chiếc phươn thật lắm công phu. Bà kể bố tôi lớn lên đã biết theo giúp ông lấy nguyên liệu rồi về ngồi cạnh ông mà học bao điều. Tôi không nhớ mặt ông vì ngày ông đi xa, tôi còn quá nhỏ. Nhưng tôi luôn hình dung ông rất kĩ trong mỗi câu chuyện, hành động của bà.

Theo thói quen, khi ăn cơm, bà luôn để trên phươn một bát cơm xới ra mời ông. Bọn nhỏ chúng tôi lúc nhỏ không hiểu thì còn hỏi, sau rồi biết lẽ không còn hỏi nữa, rồi tự chúng tôi xới cơm, chuẩn bị đũa để đó mời riêng ông dù ông không còn có mặt. Khi nào bố đi làm xa về thì bố rót thêm chén rượu mời ông. Khi ấy tôi thấy bố trầm ngâm lắm, mắt cay xè. Bố bảo vì hơi rượu nồng.

Bà kể mà như nói với chính mình về chiếc phươn mây chứng kiến tất cả những tháng ngày gian khó của gia đình. Từ ngày bà về làm dâu, sinh con đẻ cái, rồi bố, mẹ chồng lần lượt qua đời, đến ông cũng sớm bỏ bà mà đi, rồi đến mẹ tôi mất sau lúc tôi vừa chào đời. Chiếc phươn kể về những bữa cơm đạm bạc. Mùa mưa lũ núi lở, đất lở, mùa lạnh sương muối khắc nghiệt, trên phươn chỉ có vài cây măng luộc, ít rau đắng. Có những lần, một bữa cơm phải chuyển phươn đến mấy lần, vì nhà dột đúng chỗ đặt phươn. Bớt khó khăn hơn thì có con cá suối, có quả trứng ngon đặt lọt thỏm trên phươn rộng. Bà bảo đó là cả nhà để dành cho tôi, ăn để còn lớn lên, biết vượt qua gian khó mà trưởng thành. Từ lời kể, sự ấm áp trong giọng kể và ánh mắt của bà mà tôi cảm nhận rõ tình yêu thương tôi nhận được trong ngôi nhà dẫu chẳng có đồ đạc gì quý giá ngoài chiếc phươn. Nhưng dù có nghèo đói đến đâu thì vì cái phươn hình tròn nên mọi người trong gia đình vẫn ngồi quây quần bên nhau qua năm tháng. Mọi người kể cho nhau nghe chuyện về nương ngô, về đàn gà mới ấp, chuyện cô giáo gọi trẻ con tới lớp, chuyện trưởng bản nói cho người lớn đi làm dự án…

Thế rồi bố đi làm xa, nhà chỉ còn tôi với bà. Hai người bên chiếc phươn. Dù đã thêm cái bát mời ông nội mà phươn vẫn rộng quá. Bà kéo tôi ngồi gần lại bên bà. Bà nuôi thêm con mèo cho đỡ chuột cắn ngô trong bồ. Bà bảo ngô để còn nuôi gà, nuôi lợn cho Thành đi học chứ. Đến bữa cơm, nhất là đánh hơi thấy mùi cá nướng thơm lừng của bà là mèo ta chạy tới. Bà liền nhốt mèo vào dưới chân phươn mây. Tôi khoái chí cười thích thú. Hóa ra cái phần chân phươn mây của bà lại có nhiều tác dụng thế. Bà gắp thức ăn giục tôi ăn, bà bảo bà đã dành miếng cá con cho mèo rồi. Tôi ăn uống ngon lành trên chiếc phươn mây, mà ngây ngô không để ý rằng bà chỉ qua loa miếng cơm với chút canh lạt…

Tôi lớn lên, thấy chiếc phươn để bố đựng đồ thờ cúng tổ tiên và ông nội. Bố dù có đi đâu, có xa đến mấy thì vẫn về nhà vào dịp tết, rằm tháng bảy, vào ngày ông mất đi. Với người Thái chúng tôi, việc thờ cúng tổ tiên, phải là đàn ông cho đúng lễ, cho trang trọng. Bố thường để giấy màu rải đầy trên phươn để tự tay cắt quần áo cho ông bà, ông vải. Nhiều dịp khác, tôi thấy bố cùng các ông, các bác cúng rừng, cúng lễ ngoài bản cũng vẫn mang theo chiếc phươn này. Bố quý nó lắm, nó gắn với bao việc quan trọng của đời người. Ngày xin mẹ về làm con trong nhà họ Phìn, cũng chiếc phươn này đựng các lễ vật. Bố giữ gìn chiếc phươn vì nó còn là kỉ vật về ông.

Bố bảo bố bận đi làm thợ xa, chẳng kịp làm cái phươn mới nhỏ hơn cho vừa với bữa cơm của hai bà cháu nhưng bà bảo dùng cái cũ được rồi. Bố hẹn khi nào cái phươn cũ sắp hỏng, sẽ ngâm tre, tìm mây để đan một cái mới vừa với nhà mình. Bà bảo cứ to như cái cũ cũng được vì bà thích nhiều con cháu về ăn cơm cùng. Sau này thằng Thành lấy vợ sẽ thêm con, thêm cháu, thêm chắt. Bà mong lắm. Bố và tôi cũng mong bà sống mãi. Tôi ở với bà quen hơi thổ cẩm trên khăn, trên áo bà. Quen cái tay cầm nhẵn thín mồ hôi bà trên cầu thang nhà sàn. Quen cả cái mùi bồ hóng trên chiếc phươn mây bà hay treo ở khu bếp. Bà ở đó nuôi tôi bằng cả tình yêu của bà, của ông, của bố và mẹ. Tôi lớn lên cùng củ sắn, củ khoai, bằng những loài rau lạ ngai ngái đắng và hơi ấm của bà. Nên tôi chưa bao giờ thấy thiếu thốn. Cho đến khi tôi kịp ý thức về hoàn cảnh thì bà không còn khỏe nữa. Bố trở về, không đi làm xa nữa. Bố mở xưởng mây tre đan đầu tiên trong xã. Bố cũng khéo tay như ông, chỉ là đi làm cho có vốn rồi về dựng nghiệp. Xã mình biết bao người tài giỏi, khéo léo, bố gọi cả về làm cùng. Sản phẩm làm ra lại bán đi khắp xứ. Trong đó có cái phươn là bố luôn tự tay làm, kiểm tra thành phẩm kĩ lưỡng. Ở giữa phươn, bố chọn những thanh lạt cật cho có độ bóng đẹp. Xung quanh quấn mây và không quên trang trí những hoa văn họa tiết đẹp ở viền ngoài của phươn. Bà gật gù: “Ừ phải, bố Thành à. Làm như này là đẹp hơn ông nội Thành ngày xưa rồi đấy!”. Bố cười, “Mỗi thời mỗi khác. Giờ mọi người thích vừa tốt, vừa bền, vừa đẹp, êm ạ”.

Bố có thể đan nhiều phươn mới, nhưng nhà tôi vẫn dùng cái phươn cũ. Nó gợi cảm giác quen thuộc, như những người thân vẫn gần bên mình, vẫn quanh quần bên nhau.

Tôi cưới Diên về ở cùng nhà. Nhà thêm người. Có bốn người quanh chiếc phươn, bữa cơm bỗng vui hơn. Rồi là năm, là sáu. Bà toại nguyện. Bà bế chắt ngồi trong lòng váy, mà thằng con tôi thích gọi là “võng bà”. Bà lấy một chút xôi trên phươn cho chắt ăn ngon lành. Diên ngồi bên chiếc phươn, bày biện bao nhiêu màu chỉ thêu thùa, khâu vá. Những hình ảnh rất bình yên trong tôi. Những tiếng khóc trẻ con nhưng là niềm vui, hạnh phúc của cả nhà. Tôi kể cho Diên nghe về chiếc mâm mây gắn với cả mấy thế hệ gia đình tôi. Diên lặng yên không nói, mắt nhìn xa xăm, rồi chợt nắm tay bà. Chuẩn bị cho ngày lễ, tôi thấy Diên ngồi bên phươn gói từng chiếc bánh gù, bánh bột gạo…, và không quên gói riêng cho bà, phần hai đứa nhỏ những chiếc bánh nhỏ xinh. Hạnh phúc đơn giản thế thôi.

Bà đi xa hẳn cõi núi này. Bố mang chiếc phươn ra mộ bà cùng đồ cúng lễ rồi để luôn ở đó. Mộ bà ở gần ông. Vậy là bây giờ ông bà có nhau trò chuyện, sẽ không còn cô đơn nữa. Tôi làm một chiếc phươn mới do bố dạy đan. Chiếc phươn nhỏ hơn, mới hơn nhưng bữa cơm buồn hơn. Bố lại xới hai bát cơm, để hai đôi đũa mời ông bà về ăn cơm cùng. Bữa cơm giờ có đủ đầy cá thịt, nhưng thiếu bà, tôi nghẹn đắng, không thấy ngon như bữa cơm rau của bà. Diên lại ngồi sát vào tôi, đưa thằng cu Đũi vào lòng tôi. Nó không biết gì, cười toe toét kéo đuôi con mèo đang nằm dưới phươn mây!

Năm tháng qua đi. Chúng tôi ở nhà mới, có nhiều đồ dùng mới, hiện đại. Nhưng trong nhà vẫn dùng phươn mây và mấy chiếc ghế mây. Không chỉ vì nó là thương phẩm cho xưởng đồ mây tre đan Tây Bắc của dòng họ Phìn chúng tôi mà nó còn gắn với những kí ức không thể nào quên. Mỗi người đến được ngày hôm nay đều bắt đầu từ đâu đó trong quá khứ. Tôi nhớ bà và chiếc phươn suốt tuổi thơ tôi!

Giang Lê


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.