Hơn ba mươi năm với những chuyến tàu cuối năm về bên gia đình, tôi thầm nghĩ, người ta đã mơ bao nhiêu giấc mơ suốt đời mình. Có bao nhiêu giấc mơ trở thành hiện thực, bao nhiêu giấc mơ đã tan biến như màn sương mỏng, khi gió thổi khô ráo hay khi nắng hanh hao ngày cuối đông?
Phố núi của tôi đã vào đông, trong những buổi chiều lang thang đầy cô tịch, những ngôi nhà phủ rêu trong bảng lảng màu thời gian. Tiếng mõ trâu đơn điệu mà thành bản độc tấu ma mị giữa khoảng không tĩnh lặng của buổi hoàng hôn đại ngàn Tây Bắc. Dẫu nhịp ngày cuộc sống có hối hả cũng không khiến người ta quên đi cái chầm chậm của mùa đông đang về từng ngóc ngách nơi tâm hồn. Sắc vàng ám ảnh những rặng cúc quỳ còn sót lại khiến thị trấn nghèo được phủ gam màu nỗi buồn và sự cô đơn. Đó dường như chỉ là những vạt hoa hồn nhiên đấu tranh với thiên nhiên, với bao nhiêu loại cỏ, nằm im lìm suốt năm rồi bắt đầu búng những lá non xanh lên, bắt đầu tỏa từng nụ. Rồi từng chùm hoa kéo theo không gian đất trời một màu vàng da diết. Sắc vàng ám ảnh trong ánh vàng nhạt của nắng sưởi ấm cả một vùng không gian se lạnh. Xa xa những cánh đồng cải trổ bông vàng rực trong phiêu bồng hanh hao nắng, nhuốm cả khoảng không sương lạnh, mặc cho thân phận quá lứa khiến nỗi nhớ cứ đong đầy kí ức. Phải chăng vì thế, những cung bậc cảm xúc của mùa đông khiến con người ta có xu hướng xích lại gần nhau hơn, để quên đi giá lạnh, để xoa dịu những mỏi mệt trong vần vũ cuộc đời.
Ngoài ba mươi tuổi, tôi suy tưởng, đã bao giấc mơ hoang hoải trôi qua đời? Trong ấy, có bao giấc mơ đưa con người chạm tay đến đỉnh cao của vinh quang, nhưng cũng biết bao giấc mơ tan biến như làn khói lam chiều lẩn khuất sau mỗi nếp nhà khi chiều tà buông về sau dãy núi? Nhưng có giấc mơ của đứa con xa xứ thì mãi đau đáu ngày cuối năm về bên mâm cơm gia đình chào xuân mới. Ngoài kia, những cơn gió đầu đông xao xác thổi từng cơn, tấp vào những mái nhà mỏng manh nhưng chan chứa tình người. Muôn đời là vậy, mùa đông như một người tình nhân khó tính, đỏng đảnh và dễ tan biến vào những lời hứa gió thoảng mây bay. Ai chở đông về để tôi chơ vơ trong buổi chiều tà heo may gió rét. Gió mùa này hanh hao cựa mình qua phiến lá cho cái rét đã gần trong gang tấc. Đông về rồi, phố cõng nắng nơi nao?
Nơi miền Tây Bắc tôi sinh ra là những gam màu xám xộc xệch khi gió đông về. Nơi ấy, những quả đồi lấp ló trong sương mỏng, những cô gái váy xòe nương trong dáng ô lả lướt nơi phiên chợ. Nơi những triền đồi vắt vẻo những rặng mơ, mận đào khi gió xuân e ấp má người thiếu nữ. Nơi ấy, có những cung đường đi mãi vẫn khát khao một bóng người, một xóm núi, ám ảnh tuổi thơ tôi. Nơi ấy, tôi hiểu, mùa đông không dành cho những kẻ nghèo. Ai đã thấy hình ảnh những đứa trẻ chân trần không có đủ manh áo trong mùa đông giá rét, những cô gái thêu khăn bên bậu cửa trong hoàng hôn hiu hắt nắng, đợi trăng lên nghe tiếng sáo gọi bạn tình. Nơi ấy bất cứ ai đặt chân đến một lần cũng đủ để thương nhớ, phải lòng. Dẫu những nếp nhà xiêu vẹo trong gió lung lay. Gió như những chiếc xe tải khổng lồ sầm sập làm những bức vách ọp ẹp nhôm nhựa như chiếc phong cầm rỉ sét, thứ tưởng chừng như cần bỏ đi lại rít lên từng hồi quái gở và run rẩy. Nhưng những lớp học i tờ – nơi ươm mầm ước mơ cho những đứa trẻ nơi vùng cao nghèo khó vẫn hiên ngang đầy thách thức trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nơi ấy ấm áp những tình người hồn hậu, để ai đi xa cứ khắc khoải chờ về…
Những ngày cuối năm nơi phố núi, tôi đưa em xuống chợ uống rượu xuân cho má ửng hồng. Cùng em dệt vuông thổ cẩm để tô thắm bức tranh xuân cho đời tươi mới. Nắm chặt bàn tay em, gói mùa đông lại, lòng nhủ thầm mùa xuân nữa lại về. Bầu trời sẽ trong xanh, nắng mê mải. Xuân về cho vừa
Nguyễn Hồng