Mưa chiều đã ngớt dần chuyển sang tạnh. Bóng tối cũng tìm về sau vách núi. Tánh phấn chấn cố gắng bừa thật nhanh để mau xong thửa ruộng. Đây là thửa cuối cùng của tràn ruộng trong khe Sâu. Bừa nốt đám này, mẹ nhổ mạ cấy xong là kết thúc việc gieo cấy. Năm nay Tánh đã lớn, bố thì bận rộn công việc của xã nên một mình Tánh đảm nhận tất cả công việc cầy bừa, bố không phải động tay động chân vào. Tánh cố gắng như vậy không chỉ là thương bố mà còn có những suy nghĩ khác nữa.
Tánh suy nghĩ rất nhiều về một dự định nghiêm túc tối nay sẽ trình bày với bố mẹ. Tánh đã muốn nói với bố mẹ từ sau hôm nghỉ hè rồi nhưng chưa tìm được dịp thuận lợi. Một lý do nữa là sợ bố mẹ coi mình còn trẻ con nên Tánh phải cố gắng thể hiện qua công việc cầy bừa để bố mẹ thấy mình đã là người đàn ông trưởng thành, biết làm việc nặng nhọc, có thể là trụ cột gia đình. Hôm nay, công việc cầy bừa cho vụ mùa kết thúc, tiện việc bố nói sẽ làm cơm có khách ở huyện xuống công tác vào thăm nhà. Tánh sẽ tranh thủ dịp này để nói ra dự định quan trọng của mình với bố mẹ.
Khi trời tối hẳn không còn nhìn rõ mặt người Tánh mới bừa xong đường cuối cùng. Tháo trâu, vác bừa trên vai. Tánh bước nhanh, vừa đi vừa nhẩm lại nhịp khèn môi chẳng mấy mà về đến nhà. Từ ngoài cổng Tánh đã thấy tiếng nói cười rôm rả hơn hẳn mọi ngày. Dưới bếp đang lạch cạch chặt gà. Tánh cất trâu vào chuồng, lấy quần áo xuống nhà ông nội tắm. Dưới đấy bà nội ngày nào cũng đun sẵn một chảo nước nóng to cho các con cháu đi làm nương về tắm.
***
Páo là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Anh là con thứ sáu trong gia đình có chín anh chị em. Anh lấy vợ lúc mười lăm tuổi khi vừa mới học hết cấp hai trường xã. Năm mười bảy tuổi, vợ Páo sinh thằng Tánh. Sinh thằng Tánh tại nhà, cả tuần sau Pàng, vợ Páo vẫn chưa hết ra huyết và đau bụng. Đến khi Pàng không chịu nổi nữa, không ăn uống được gì sốt cao mê sảng, Páo nhờ người mắc võng khiêng xuống bệnh viện huyện. Bác sĩ khám bảo Pàng bị sót rau sinh ra nhiễm trùng, để lâu đã nặng, phải cắt bỏ buồng trứng giữ lại tính mạng. Từ nay về sau sẽ không sinh con được nữa. Tánh là đứa con đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất của hai vợ chồng. Từ đó về sau họ không nói gì đến chuyện sinh con nữa mà dồn hết tình yêu thương vào chăm sóc thằng Tánh.
Páo là người sáng dạ, luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào tại bản nên được bầu làm Bí thư Đoàn thanh niên bản. Sau đó vài năm được giới thiệu bầu làm phó Bí thư đoàn thanh niên xã. Khi lên xã làm việc, Páo phấn đấu đi học cấp ba, được kết nạp vào Đảng, rồi đi học trung cấp pháp lý. Trải qua các vị trí Bí thư đoàn thanh niên xã và sau khi học xong Trung cấp lý luận chính trị – hành chính về, Páo được bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Bao nhiêu năm Páo đi công tác chủ yếu là học hành nên lương không đủ tiêu cho riêng mình chứ không nói gì đến lo cho vợ con. Nhưng Pàng là người phụ nữ đảm đang luôn vui vẻ, động viên chồng cố gắng. Pàng chăm chỉ làm lụng từ sáng đến tối không biết mệt mỏi. Khi con gà gáy canh tư trên chuồng, Pàng đã thức giấc làm việc nhà. Đến lúc trời tờ mờ sáng Pàng cõng lu cở lên nương. Mặt trời lặn xuống núi, tắt hẳn nắng Pàng mới chịu vác cuốc về nhà. Từ ngày Pàng về làm dâu, lúa ngô đầy nhà, lợn gà đầy chuồng không dùng hết phải bán bớt đi. Cũng nhờ đó mà có tiền cho Páo yên tâm đi học dưới huyện, dưới tỉnh. Có người vợ tảo tần biết cảm thông nên công việc của Páo được thuận lợi, phát triển.
Nhà đông anh em nên từ khi lấy vợ Páo ở chung với bố mẹ. Đến năm làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, lúc đó thằng Tánh đã lên chín tuổi, Páo mới xin bố mẹ làm nhà ra ở riêng bên cạnh. Làm nhà xong vợ chồng em trai Páo sinh con thứ ba. Páo làm lý xin nó về nhà nuôi cho thằng Tánh có anh có em. Năm nay cái Mây đã học lớp một, thằng Tánh thì học xong lớp mười trường nội trú huyện. Gia đình Páo như vậy là toại nguyện, được bà con trong bản ngoài xã ai nhìn vào cũng khen thế là đẹp. Hai vợ chồng cũng chăm chỉ tiết kiệm để khi thằng Tánh học xong cấp ba sẽ cho nó đi học chuyên nghiệp rồi kiếm lấy cái nghề.
***
Khi Tánh đi tắm về thì hai mâm cơm đã được bày xong ở giữa nhà. Tánh lễ phép chào hỏi rồi ngồi xuống cùng uống rượu với mọi người. Lên huyện học được một năm mà Tánh bạo dạn hơn hẳn, lại còn biết uống rượu từ khi nào mà bố mẹ không biết. Tánh mang chén đi mời chung cả mâm và mời riêng từng người. Khi cuộc rượu đang vui vẻ, Tánh đến ngồi gần bố rót hai chén rượu đầy, nâng lên đưa cho bố một chén. Tánh lễ phép nâng chén rượu bằng hai tay rồi thưa chuyện với bố:
– Bố à, con năm nay là thanh niên rồi. Con đã cầy bừa thạo. Đã biết làm người đàn ông. Con cũng có chuyện người lớn muốn xin phép bố chấp thuận.
Páo bỗng thấy con trai hôm nay rất khác, không giống như mọi ngày. Không hiểu có chuyện gì mà nó tỏ vẻ nghiêm túc thế:
– Con nói đi.
– Con thưa với bố, con đã có người yêu. Chúng con gặp nhau ở hội xuân, ưng bụng nhau rồi. Xin bố mẹ cho chúng con cưới nhau.
Páo bỗng giật mình làm rơi chén rượu đang cầm trên tay xuống cái bát ăn cơm kêu choang… Mọi người đang mải ăn uống, chuyện trò nghe tiếng chén rơi liền dừng lại, quay ra nhìn hai bố con Páo. Tay Páo run run, trong đầu vẫn chưa thể định hình rõ ràng câu chuyện thằng Tánh vừa nói. Năm nay nó mới mười sáu tuổi, Páo vẫn thấy nó bé bỏng trong vòng tay hai vợ chồng. Mỗi tuần vẫn phải đưa đón nó đi học trên trường huyện. Học chưa xong cấp ba làm sao mà đã lấy vợ được.
– Không được con ơi. Con còn đang đi học. Bao giờ học xong, có công ăn việc làm thì mới lấy vợ chứ.
– Chúng con yêu nhau từ mùa xuân nay đã sang mùa hè. Dưới gốc cây thiêng đã hẹn ước, giờ không thể sống thiếu nhau được, bố à.
– Con cứ yêu. Tìm hiểu cho kỹ. Đến khi nào học hành xong, có nghề nghiệp thì lấy nhau. Bố không cấm con yêu.
– Bố à. Con gái như bông hoa rừng. Nó đã nở rồi không thể chờ đợi lâu. Phải có chủ canh giữ. Nếu không ong bướm sẽ lấy mất. Bố thì làm ở xã cả ngày, không có ai đi làm cùng mẹ. Con lấy vợ về ở với bố mẹ, có người đi làm nương cùng mẹ con sẽ yên tâm đi học hành sau này công tác.
– Bạn gái con là người ở đâu? Như thế nào? Bao nhiêu tuổi bố mẹ còn chưa biết thì chưa thể đồng ý được.
– Su là người Tả Ngảo. Ít hơn con một tuổi, đã học xong lớp chín rồi, bố mẹ không cho đi học nữa. Hôm nào mùa màng xong xuôi con sẽ đưa cô ấy sang ra mắt nhà mình.
– Nhưng như vậy con bé mới có mười lăm tuổi còn con mười sáu, nếu lấy nhau là tảo hôn, con biết không?
– Thì trong xã năm nay bạn bè con cũng lấy vợ, lấy chồng mấy đứa. Cũng tảo hôn mà bố. Có sao đâu ạ. Người Mông mình làm thế.
– Ai tảo hôn thì bố không biết, nhưng bố là cán bộ xã con không thể tảo hôn. Bao giờ con đủ hai mươi tuổi trở lên mới được cưới vợ – Nói đến đây Páo đã nóng ran người không giữ được kiềm chế nữa. Anh không thể nghĩ thằng con trai lại muốn lấy vợ vào lúc này.
Thằng Tánh cũng có vẻ không đủ kiên nhẫn nữa. Nó chuyển từ cầm chén rượu bằng hai ngón tay sang nắm chén rượu trong cả năm ngón tay như một nắm đấm. Mắt nó như rơm rớm lệ.
– Thế bố là cán bộ thì bố không là người Mông nữa hay sao. Ông nội bảo người con trai Mông khi biết cày giỏi, biết làm cái con người đàn ông cho phụ nữ thích. Người con gái Mông biết làm việc nương, biết chăm con gà, con lợn. Như thế là được lấy vợ, lấy chồng. Từ xưa đến nay người Mông vẫn thế. Ông lấy bà cũng thế. Bố lấy mẹ cũng thế. Sao con không được như thế.
Nghe đến đây Páo không nói được gì nữa. Páo có thể đi tuyên truyền cho người này, nhà kia không cho con tảo hôn. Vậy mà anh không bao giờ nghĩ phải tuyên truyền cho chính con trai mình. Anh đã chủ quan khi không định hướng cho thằng Tánh từ sớm. Anh chỉ động viên nó học hành, dành hết tình yêu thương cho nó mà chưa bao giờ nghĩ đến dạy bảo nó về chuyện yêu đương. Bây giờ nó thành ra thế này thì biết làm sao.
Thấy câu chuyện của hai bố con có phần diễn biến căng thẳng khó giải quyết. Thầy giáo Cường ngồi cùng mâm đã cắt ngang:
– Chuyện đâu còn có đó. Lấy vợ là chuyện trọng đại nhất của đời người. Hai bố con cứ uống chén rượu này đi đã. Mai rồi bàn bạc tiếp nhé.
Nhấc chén rượu lên cạch với hai bố con, thầy Cường nói tiếp để xoa dịu thằng Tánh không sợ nó giận bố đêm lại làm liều thì khổ:
– Chúc mừng anh Páo nhé, con trai đã lớn biết làm người đàn ông trong nhà rồi. Bác chúc mừng Tánh đã tìm được người yêu thương. Người đàn ông chỉ cần như thế là hạnh phúc.
Uống xong chén rượu. Tánh xin phép mọi người trong mâm đứng dậy dừng bữa. Lấy chìa khóa xe máy, Tánh lao vút xe ra đường. Tánh đi sang nhà Su. Hai người ngồi dưới gốc cây thiêng đầu bản nói chuyện đến khuya thì vào giường của Su ngủ. Gà gáy canh năm, khi trời tảng sáng Páo mới ra về. Bố mẹ Su đã biết Tánh. Việc họ cho Tánh ngủ thăm hơn một tháng nay tức là họ đã ưng bụng cho hai đứa đến với nhau.
***
Cường là thầy giáo phổ thông của Páo. Bây giờ đang công tác tại Phòng Giáo dục và đào tạo huyện. Thầy Cường được huyện giao nhiệm vụ là người phụ trách xã. Nhân dịp sơ kết sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm, xã mời thầy Cường xuống dự.
Tranh thủ giờ giải lao giữa hội nghị, thầy Cường xuống phòng làm việc của Páo để uống nước nói chuyện.
– Anh Páo này, tôi biết anh đang suy nghĩ về chuyện của thằng Tánh. Nhưng nghe tôi góp ý được không?
– Dạ vâng. Thầy xem có cách nào khuyên giải giúp em ạ. Em đang không biết phải làm sao.
– Anh không thể cấm nó. Anh mà cấm quá nó nghĩ dại đi ăn lá ngón tự tử thì anh mất con. Chuyện này nhiều gương ở huyện đã xảy ra anh đều biết cả.
– Thế thầy muốn em đồng ý cho nó tảo hôn hay sao?
– Ấy, ý tôi không phải là như vậy. Anh cứ nhẹ nhàng với thằng Tánh. Bảo nó sắp xếp ngày, đưa tôi với anh sang nhà người yêu nó. Tôi sẽ nghĩ cách khuyên giải giúp anh. Vấn đề bây giờ là hai gia đình đều phải cùng tác động vào hai đứa.
– Dạ vâng. Thế thì may quá. Em nhờ cậy cả ở thầy.
– Tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc khuyên giải học sinh phổ thông không được tảo hôn nên anh cứ yên tâm để tôi tính giúp.
Dù đã hẹn trước, nhưng thấy Tánh dẫn bố và người nhà sang, Su e thẹn chạy xuống bếp kiếm việc gì làm để trốn. Tánh cũng xuống theo. Vậy nhưng tai hai người thì vẫn hướng lên nhà để nghe chuyện người lớn.
Sau những phần chào hỏi giới thiệu. Tánh nghe tiếng thầy Cường hỏi chuyện ông Di – bố của Su – sao không cho Su đi học tiếp cấp ba. Ông Di trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền cho con đi học. Su học giỏi và cũng muốn đi học nhưng thương bố mẹ nghèo nên học hết lớp chín phải ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Giờ nó nói có người yêu muốn đi lấy chồng gia đình cũng không cấm cản. Nay các ông sang đây có phải vì việc đó…
– Chuyện yêu đương của hai cháu gia đình tôi hôm nay cũng là sang để xem mặt và chào hỏi bên nhà mình. Sau nữa là bàn xa hơn về tương lai của cả hai đứa. Tôi cũng xin ý kiến ông, nếu bây giờ nhà nước có chính sách hỗ trợ cho Su học tiếp cấp ba mà không phải đóng tiền, lại được nuôi ăn ở nội trú gia đình có cho Su đi học không?
– Cái này thầy giáo phải hỏi xem nó có muốn đi học không hay là muốn đi lấy chồng. Ý tôi chỉ là một phần.
– Bây giờ xã hội thay đổi, người Mông mình cũng phải tiến bộ dần ông à. Con cháu phải cho học cao, biết nhiều cái chữ. Không lấy vợ lấy chồng sớm để cuộc sống không vất vả như chúng ta ngày xưa – Páo lên tiếng.
Thầy Cường xuống bếp gọi Su và Tánh lên nhà. Hai đứa đứng nép vào tường có vẻ e thẹn. Thầy Cường cất tiếng.
– Su này. Thầy là thầy giáo dưới huyện. Trước dạy học cho bố của bạn Tánh. Biết chuyện tình yêu của hai em thầy rất vui. Hôm nay lại được gặp Su, nhìn hai đứa đứng cạnh nhau rất đẹp đôi. Nếu hai đứa muốn cưới nhau bây giờ thì cũng được. Không sai lý người Mông. Nhưng thầy hỏi Su điều này để em suy nghĩ nhé. Năm nay Tánh lên lớp mười một, sang năm còn học lớp mười hai mới hết phổ thông. Nếu hai đứa cưới nhau bây giờ Su sẽ phải ở nhà làm việc, Tánh đi học và hai em sẽ ít được gặp nhau. Tình yêu thì phải ở gần nhau, chứ xa nhau thì nhớ lắm. Sao Su không đi học cấp ba ở dưới huyện. Như vậy hai em vừa được đi học, lại vừa được gần nhau. Tánh hơn Su một lớp, sẽ hướng dẫn Su học hành. Thầy thấy như vậy là tốt nhất cho hai em. Sau này Su cũng không bị ít học hơn so với chồng. Em mà đi học không phải đóng góp gì, được ở nội trú, nhà nước nuôi, không lo tốn tiền của bố mẹ.
– Nhưng em sợ không thi đỗ thưa thầy.
– Trước khi đến đây thầy đã xem học bạ của em rồi. Em học lực giỏi, hộ nghèo đủ điều kiện vào học nội trú. Thầy sẽ nộp hồ sơ cho em.
Nghe thấy được đi học Su vui ra mặt. Lúc nào Su cũng động viện Tánh phải cố gắng học hành, học thay cả phần Su nữa, vì nhà Su nghèo không được xuống huyện học tiếp cấp ba. Giờ đây ước mơ được tiếp tục đi học của Su có cơ hội thành hiện thực. Su phải nắm lấy. Thấy Su không nói gì thầy Cường tiếp tục hỏi thêm:
– Thế có đồng ý không hay là muốn lấy chồng?
– Dạ em đi học.
– Tánh thì sao? Có đồng ý cho người yêu đi học không?
– Em cũng đồng ý ạ.
– Yêu nhau phải giữ gìn cho nhau nhé. Học xong mới được cưới, học xong về mới được sinh con có đồng ý không?
Hai đứa đỏ mặt e thẹn:
– Vâng ạ.
Tiếng cười nói vui vẻ vang cả căn nhà nhỏ. Ngoài sân, nắng mới lên đùa trên những cành đào sai lúc lỉu. Có nắng, những quả đào sẽ hồng má căng tròn không bị rụng ép.
Trương Huy