8 năm sau ngày đi vào cuộc sống, dưới sự nỗ lực mang đầy trách nhiệm, tâm huyết và nhân văn, Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính Phủ về Phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng các các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” đã được tỉnh Lai Châu biến thành đòn bẩy để góp phần “hồi sinh” các tộc người Cống, La Hủ, Mảng. Những “phận lá vàng” đã thoát kiếp du cư, những kẻ say sưa tối ngày giờ bắt đầu tỉnh ngộ và những câu hát, điệu múa, nghi thức tâm linh của người Cống được phục dựng, bảo tồn và đưa trở về với “đất sống” của nó. Có thể nói, cuộc sống của bà con 3 dân tộc với mầu xám là gam mầu chủ đạo đã đi vào quá khứ, hôm nay, đến với đồng bào sắc tươi mới, nét hân hoan là không khí chính của nhịp sống hàng ngày.
Chuyện của “ngày hôm qua”
Trước khi Quyết định 1672 ban hành và đi vào cuộc sống, các tộc người Cống, Mảng, La Hủ đều ở diện đặc biệt khó khăn (trong đó, tỷ lệ đói nghèo ở hai dân tộc Mảng, La Hủ là gần như tuyệt đối). Sự khó khăn không chỉ ở mức đói ăn, thiếu mặc mà thậm chí còn đứng trước nguy cơ biến mất do bị đồng hóa (tự nhiên), thoái hóa giống nòi.
Tộc người La Hủ là một ví dụ. Cái tên La Hủ lâu nay thường khiến người ta hình dung về một tộc người lạc hậu, tụt hậu nhưng nó hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, gửi gắm trong đó những ước mơ, khát vọng vươn lên mà tộc người này vốn chưa bao giờ có được. Còn nhớ, ông Phàn Xạ Chô (bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè) giải thích: “La tức là con sóc, Hủ tức là con hổ. Người La Hủ mong muốn có đôi chân nhanh như sóc, sức vóc khỏe như hổ”. Ấy vậy nhưng giấc mơ của tộc người mang tên của chúa sơn lâm chưa bao giờ là sự thực. Đáng buồn thay, nó ngày càng vời vợi xa bởi tập quán du canh, du cư, biệt lập với thế giới văn minh. Chẳng phải ngẫu nhiên tộc La Hủ lại có tên là “người lá vàng”. Có nhiều cách giải thích cho cái tên này nhưng thuyết phục nhất là phản ánh phương thức canh tác du canh, du cư. Sau mỗi mùa nương rẫy, sau mỗi mùa cây trút lá, tộc người này cũng nhổ lán, bỏ trại rời sang trảng rừng khác để tiếp tục săn bắt, hái lượm và trồng trọt theo hình thức mà vạn kiếp cha ông họ để lại. Và kinh tế của tộc người này cũng chẳng có gì khác cha ông, không nói quá, nhưng truyền thống của đồng bào nơi đây có lẽ là khả năng chịu đói, chịu rét. Ở xã Pa Vệ Sủ, có người mãi đến năm 15 tuổi mới được mặc cái quần cho đúng nghĩa cũng vì lẽ ấy.
Tuy du canh, du cư không hoàn toàn đúng với người Mảng nhưng sự lạc hậu trong canh tác, trong lối sống khiến tộc người này cũng đứng trước những nguy cơ về giống nòi. Theo thống kê năm 2018, dân tộc Mảng chỉ có vỏn vẹn 4.434 người và vẫn đang trong diện bảo tồn, bảo vệ đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên tộc người này lại được sự quan tâm đến vậy. Nghèo nàn, lạc hậu, nhiều hủ tục, sống biệt lập, thiếu ý chí là những nguyên nhân khiến Mảng trở thành dân tộc trung thành với đói nghèo (năm 2011, cả tỉnh có 540 hộ dân tộc Mảng thì chỉ có 11 hộ thoát nghèo). Chưa hết, với tập tục tảo hôn, đặc biệt là kết hôn cận huyết khiến giống nòi dân tộc này bị đe dọa nghiêm trọng. Bên cạnh đó nghiện rượu vẫn là một vấn nạn thực sự đối với đa số đồng bào nơi đây. Những nguyên nhân ấy khiến tuổi thọ trung bình của bà con chỉ tròm trèm 50 tuổi.
Đối với dân tộc Cống, đói nghèo, lạc hậu không phải vấn đề chính mà là dân số quá ít (hiện nay chỉ có 1533 người). Bà Lò Thị Vương – nguyên Phó Ban Dân tộc tỉnh, người rất nặng lòng với công tác vực dậy tộc người Cống cho hay: “Qua tìm hiểu chúng tôi thấy, từ cách ăn, cách ở, trang phục, bài hát, lời ca… của người Cống đang dần dần giống người Thái”. Sự đồng hóa tự nhiên và dân số ít đã đặt dân tộc này trước nguy cơ biến mất!
Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp nhân dân bản Tân Biên (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè) dựng nhà.
Tương lai mới
Nhìn nhận rõ những khó khăn, nguy cơ của đồng bào, ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 1672/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng các các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” với những tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng nhằm vực dậy các dân tộc. Sau gần 10 năm đi vào cuộc sống, đến nay, có thể nói sự chuyển biến trong cộng đồng các đồng bào là rất đáng kể.
Trở lại xã Nậm Ban – nơi được coi là điển hình nhất, đặc trưng nhất và phản ánh rõ nhất về đời sống của đồng bào dân tộc Mảng. Điều đầu tiên tôi ghi nhận đó là đường vào bản đã không còn là đường đất, lối mòn như sợi lạt giang vắt bừa trên các sườn núi cheo leo mà đã là con đường bê tông kéo về tại trung tâm xã (bản Nậm Ô). Trên đường vào đã không còn thấy cảnh người say ngủ vạ vật dọc đường như trước đây chục năm. Hàng quán mọc lên, những ngôi nhà đã phủ tôn đỏ, những tấm gỗ thưng sàn cũng mới hơn chứ không phải là những túp lều mục nát, lụp xụp ngày nào.
Nếu nói nơi này lột xác thì e là hơi quá nhưng những chuyển biến âm ỉ nhưng rất bền bỉ ở nơi này có lẽ là không khó để nhận ra. Nó đến từ những mái trường kiên cố, vững chắc, những sân trường đầy trẻ chứ không còn vắng vẻ, đìu hiu và trên mình những đứa trẻ ấy, tuy không phải là những bộ đồng phục tinh tươm nhưng cũng chẳng còn luộm thuộm, rách rưới, nhếch nhác như thuở nào. Đáng mừng hơn là thanh âm trong bản đã rộn ràng hơn bởi có tiếng nhạc, người đi trong bản cũng đông vui hơn và dáng đi đã bớt liêu xiêu vì ma men. Trong bản bây giờ đã có những mô hình nuôi dê, nuôi trâu, thả cá, tiền tỉ thì không dám nói nhưng mấy chục con trâu lớn nhỏ của nhà chị Chìn Me Long là cả một khối tài sản lớn mà trước kia cả bản này gộp lại cũng chẳng có. Gặp lại trưởng bản Nậm Ô – Lý A Quân (người trước kia nổi tiếng với căn nhà trị giá 35 ngàn đồng) giờ trông anh cũng đã khác, bớt hốc hác và tỉnh táo, minh mẫn hơn rất nhiều vì anh đã biết rằng mình và dân mình đang ở cái ngưỡng dưới cả mức quá khổ! Qua trò chuyện với Quân, chúng tôi hiểu rằng bà con cũng đau, cũng khát cái sự giầu sang, sung túc lắm, may mà có Đảng, có Nhà nước đem đến những giống cây mới, cách chăn nuôi, cách sinh sống mới nên bản Nậm Ô nói riêng và nhân dân trong xã nói chung đã thay đổi rất nhiều.
Theo báo cáo của UBND huyện Nậm Nhùn, đến nay, tỷ lệ đói nghèo của dân tộc Mảng đã giảm xuống, chỉ còn 67,72%, con số này tuy khá lớn nhưng đó là một kết quả đáng mừng, kết quả ấy đến từ sự quan tâm, đầu tư rất lớn từ nhà nước. Sức người (hàng trăm lượt cán bộ tập huấn, giáo viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên), sức của (trong giai đoạn 2013-2018 chỉ tính riêng tại huyện Nậm Nhùn đã có hơn 14 tỷ đồng đầu tư cho hai dân tộc Mảng và Cống với 759 hộ dân) của Đảng, Nhà nước chính là cội nguồn của sự thay đổi đó.
Cũng giống người Mảng, người La Hủ đã có những sự thay đổi mang tầm lịch sử. Đến nay, “tộc lá vàng” đã không còn hộ dân nào sống du canh, du cư nữa. Đến bản Tân Biên (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè), chúng tôi thấy bản xưa giờ đổi khác rất nhiều. Những hộ gia đình sống phân tán quanh bản trước kia thì nay quần cư thành 3 dãy nhà thẳng tắp như 3 dãy phố. Đây là công sức của những cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Ủ và cũng là công trình thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào. Đặc biệt, bản Hà Xi trước kia sống biệt lập hoàn toàn với thế giới văn minh, người dân vẫn sống theo phương thức canh tác hái lượm, du canh, du cư thì năm 2009 đã được dựng bản, sống ổn canh cho đến nay. Tuy nhiều người vẫn nói “nhớ rừng” nhưng tất cả đều thừa nhận định canh, định cư, có sự hỗ trợ của Nhà nước (cấp gạo, muối, dầu…) được hỗ trợ sản xuất (cấp giống) lại được cán bộ cầm tay chỉ việc, cuộc sống của bà con đã khác nhiều, chuyện no – đói đã không còn như trước vì được nhà nước cấp gạo. Theo báo cáo, đến 31/12/2017 tỷ lệ hộ nghèo ở dân tộc La Hủ chỉ còn 48,9% (trong tổng số 55,3% số hộ đói nghèo trong 3 dân tộc Cống, Mảng, La Hủ).
Trong 3 dân tộc thì dân tộc Cống là có nhiều tiến bộ nhất về kinh tế – xã hội. Như đã nói, vấn đề của người Cống không phải là chuyện đói nghèo (tính đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của dân tộc Cống là 14 triệu đồng mỗi năm) mà là ở dân số (năm 2018 là 1.533 người). Nhờ những chính sách đặc thù, đến nay dân số của tộc người này đã ổn định và tăng lên, các phong tục, lễ hội được bảo tồn, duy trì và phát huy (như lễ hội Mìn Loóng Phạt đã trở thành một lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Cống, thậm chí còn trở thành một điểm nhấn, một sản phẩm du lịch). Các bản làng người Cống giờ đã trù phú, tương lai đang rộng mở với tộc người này.
Từ năm 2013 – 2018, Nhà nước đã đầu tư cho các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ tổng số tiền lên đến gần gần 275 tỷ đồng. Khoản tiền đó cùng với các chương trình lồng ghép khác đã giúp bà con có những tuyến đường bê tông nội bản, liên bản, liên xã, rồi những mái nhà “cứng hóa”, điện, đường, trường, trạm được củng cố. Những mô hình kinh tế mới như chăn nuôi trâu, bò, trồng nghệ, sả, giềng, bảo vệ rừng, trồng lúa nước… được nhân rộng và có ý nghĩa tích cực. Trẻ em được học hành đầy đủ trong những ngôi trường khang trang và được nhà nước đài thọ từ sách vở cho tới cơm ăn. Các thiết chế văn hóa được xây dựng, khôi phục, thậm chí cả trang phục nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ cũng được cấp tiền để phục dựng, đưa vào cuộc sống.
Khó có thể kể hết những đổi thay, những cái mới mà Nhà nước đã đem đến cho 3 dân tộc Cống, Mảng, La Hủ. Sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm và nhân văn của các cấp chính quyền đã đem đến sự hồi sinh cho những tộc người, giúp họ biết ước mơ, biết vươn lên và con cháu họ được chắp cánh tương lai rộng mở.
Khánh Kiên