Tỉnh Lai Châu là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em chung sống như: Thái, Mông, Dao, Lào, Giáy, Hà Nhì, Si La, Mảng, Cống, La Hủ, Kinh… Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, độc đáo góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú.
Dân tộc Mông vốn có bề dày văn hóa truyền thống với nhiều loại hình văn hóa đặc trưng như: phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, ẩm thực, lao động sản xuất, văn nghệ dân gian… và đặc biệt trong quan niệm về tâm linh của dân tộc phản ánh nhiều giá trị nhân sinh quan và vũ trụ quan, thể hiện được giá trị văn hóa tinh thần được cộng đồng người Mông tỉnh Lai Châu.
Người Mông ở Sìn Hồ, Lai Châu
Người Mông trắng quan niệm mỗi người đều có 6 hồn (Plì): Hồn trú ngự ở đỉnh đầu (Pli tâu hau) làm nhiệm vụ suy nghĩ, chỉ đạo mọi hành động; hồn ở thân (Pli ché) làm bộ khung; hồn tai (Pli pó trề) dùng để nghe; hồn ở mắt (pli khó mùa) dùng để nhìn; hồn ở hai tay (Pli tè) dùng để lao động, làm ăn; hồn ở hai chân (Pli tơ) dùng để đi, lao động sản xuất, nhảy múa… Khi người chết hồn phân tán, hồn ở đầu về ở bàn thờ tổ tiên ở trong nhà.
Người Mông Si quan niệm con người có 3 hồn: Hồn trú ngự ở đầu (Pli tâu hau) làm nhiệm vụ suy nghĩ, chỉ đạo mọi hành động, sau này hồn ở đầu sẽ quay trở lại đầu thai làm người khác; hồn bóng người (Pli đua) sau này hồn bóng người sẽ đi ở bàn thờ; hồn xác người (Pli dù) hồn này sẽ ở lại trông mộ.
Người Mông đen quan niệm rằng trong mỗi con người đều có 2 phần, một là phần hồn, hai là phần xác. Khi sống thì hồn và xác luôn cùng đi với nhau. Nhiều khi người bị mất hồn hoặc bị lạc hồn thì cơ thể (thể xác) người cũng bị yếu đi, còn có khi bị ốm rất nặng. Thể xác chính là cơ thể bề ngoài của con người mà chúng ta ai cũng có thể nhìn thấy được nhưng còn linh hồn hay còn gọi là hồn vía là cái tinh thần bên trong không thể trông thấy và nắm bắt được. Vì vậy mỗi khi một trong số các thành viên trong cộng đồng tộc người bị mất hồn vía sẽ làm cho cơ thể bị ốm rất nặng mà chữa thuốc mà không khỏi. Khi đó phải mời thầy cúng về cúng gọi hồn trở lại cơ thể thì lúc này người bị ốm mới khoẻ lại như lúc ban đầu.
Khi con người còn sống cũng chỉ có một hồn ỉ tủ plì. Hồn này nó nằm tại khu trung tâm ở đầu (tâu hâu). Chức năng và nhiệm vụ của hồn là để suy nghĩ, không cho ốm đau, bệnh tật… Hồn có khoẻ mạnh và ở bên thể xác thì cơ thể luôn luôn khoẻ mạnh còn ngược lại thì hồn lìa khỏi xác đi mãi mãi có nghĩa là thể xác đã chết còn hồn thì đi đầu thai làm kiếp người khác. Khi con người có chết đi thì có thể xác là không hoạt động và tự phân huỷ còn linh hồn thì sẽ thoát khỏi thể xác. Linh hồn này nó sẽ chia làm hai ngả, một hồn đi đầu thai làm kiếp người khác (plì thầu tha). Hồn này không chỉ đầu thai vào thế hệ con cháu trong dòng họ mình mà nó còn đầu thai làm kiếp người khác ở họ khác. Nhưng hồn ở con người này cũng có thể biến thành kiếp ngựa trâu bò cũng là do lúc còn sống mà những người này thường hay làm điều ác, làm hại đến tính mạng người dân làng. hay ăn ở thất đức, bất hiếu với cha mẹ, chửi tục anh em người ngoài và cả những người già làng, trưởng tộc… Ngoài ra những bị biến linh hồn thành con trâu, con ngựa là do khi còn sống đem con trâu, ngựa bò đi cày rồi đánh nó đau, không cho nó ăn, xử ác với nó… Về sau chết đi thì ông trời cho đi đày làm trâu làm ngựa để cho con người nuôi và sử dụng để cày bừa, thồ chở hàng… Khi con người chết có nghĩa là hồn đã bỏ đi, nó đã lìa khỏi xác thì khi đó con người mới bị chết. Cho nên khi ốm đau chữa không khỏi đi nhờ thầy cúng xem bói giúp xem con ma nào làm hại? Xem người đó bị ai bắt hồn? Bị lạc hồn? Hay sợ hãi cái gì mà hồn vía bị biến mất (tạm rời xa cơ thể). Như vậy thầy sẽ phải cúng làm lý gọi hồn trở về cho người đó được khoẻ mạnh. Nếu ai để hồn đi xa và xa mãi thì người đó sẽ chết. Cho nên hồn bị lạc, bị mất, bị bắt thì phải làm lý gọi hồn trở về cho người đó ngay. Khi đó cơ thể mới ở thể trọng ban đầu mới khoẻ mạnh được.
Một hồn khác (vẫn tách ra từ một một hồn gốc), hồn này có nhiệm trông coi nhà ở của nó (chỗ mộ chôn nó). Hàng năm đến dịp tết lễ, hay làm mo tươi, ma khô… thì con cháu đều sắm sửa lễ vật để dâng cúng gọi mời hồn của các cụ tổ tiên trong gia đình họ về ăn uống rồi phù hộ cho. Tộc người Mông quan niệm người sống đến tuổi mà ra đi về thế giới âm phủ, thế giới của những loài ma, thì con cháu phải tổ chức làm đám ma để đưa xác người mất về thế giới của nó, nhưng linh hồn thì được gặp vào dịp lễ tết. Con cháu mời linh hồn các cụ đã khuất về ăn uống cùng con cháu, khi mời thì phải gọi tên từng người một và đọc tên chỗ nó ở (tức là ở mộ). Như vậy ta thấy quan niệm của người Mông phân chia làm hai thế giới (một cõi trần và một cõi âm). Nhưng giữa hai thế giới này có nhiều nét giống nhau (theo quan niệm) trần sao âm vậy ở đó cũng có cuộc sống, có sông suối nước non, có gia đình anh em bạn bè, có làng bản để an cư lập nghiệp, có ruộng có nương để cầy cấy, có trâu có ngựa để đi cày và đi trở hàng…. Với quan niệm như trên thì tộc người Mông tin rằng tuy ở xa trần gian (thế giới của con cháu và những người còn sống) nhưng linh hồn ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên liên hệ và qua lại đi về chăm nom phù hộ cho con cháu. Vì thế mà con cháu phải thờ phụng bố mẹ, tổ tiên thật chu đáo với lòng tin là tổ tiên đều theo mình từng bước, chỉ bảo cách làm ăn, làm mặc và phù hộ cho gia đình con cháu mọi thức sức khoẻ, tiền tài, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Như vậy ở bất kể dòng họ của người Mông nào thì việc thờ cúng tổ tiên cũng được đặt lên vị trí hàng đầu, coi tổ tiên là quan trọng nhất cho nên gia đình nào cũng lập bàn thờ để thờ cúng phải thờ phụng tổ tiên. Việc thờ cúng này thường vào dịp lễ tết, hội hè, lấy con dâu, làm nhà mới, làm tang ma…
+ Đốt hồn: Khi thiếu hồn hoặc mất hồn mà muốn gọi hồn về thì người ta thường mời thầy mo đến gọi hồn, người đi gọi thầy mo phải là người lớn khi đi lễ vật không phải mang gì nhưng phải chọn ngày đi, ngày đi thường là ngày hội hoặc ngày thân hi hữu cũng có ngày Tý. Nhưng nếu đến nơi mà thầy mo bảo hôm nay không được để hồn tới sẽ đến thì ngày đó thầy sẽ đến nhà gọi hồn. Nhưng gọi hồn mà đi mời thầy mo là lúc này hồn đã đi đầu thai kiếp khác. Khi đến thầy cắt giấy (giấy gió) sau đó đốt hương cắm vào hai bếp lửa ở hai gian nhà chính và phụ và cột nhà chính trước cột ma nhà ở (cu nđêx đang) xin ma nhà phù hộ cho cả nhà vượt qua mọi gian lao nếu có cả bàn thờ thầy mo thì trước hết là cắm hương vào đó trước mới đến cột ma nhà và hai bếp lúc mà cắm hương vào 4 nơi đó thầy mo đọc lời cúng bằng tiếng Quan Hoả xong thì dùng trứng và 1 bát gạo bát đầu tiên xem hồn đi đầu thai hoá kiếp làm vật gì. Khi gọi đến một vật nào đó mà trứng thứ nhất đứng thẳng được trên trứng thứ hai thì thầy mo dùng xẻng hót lấy một xẻng than hồng rồi dùng chỉ đỏ buộc quả trứng lại cho vào than quạt (bất kỳ vật nào tốt quạt là được), nếu mà nặng quá đã thấy lỗi sống lỗi chết thì phải bịt nồi đó lại, nếu bên trên ở đường sau nhà nếu ở phía trước đường trước nhà thì thầy mo đi đào một hố vuông rôì cắt hai hình người (maoxjênhs) và một cái áo gấp làm gói cho vào hố đó rồi gọi và một hình người đốt vào chôn cùng hình người. Còn người hình còn lại và cái áo mang về cho mặc còn hình người mang về để dưới chiếu người bệnh nằm. Còn về quả trứng sau khi để vào đống lửa quạt và bị vỡ ra thầy lấy một ít lòng trứng bôi vào chán người bệnh rồi tạ lễ thầy và mời thầy một bữa cơm lễ vật tạ thầy chỉ là 10 hoặc 15.000 cho thầy. Đây do hồn đã đi đầu thai nên gọi là đốt hồn.
Gọi hồn: Còn trường hợp nhẹ thì người bố có thể đi gọi hồn cho con hoặc anh gọi cho em hay mẹ gọi cho con miễn là biết gọi lễ vật đi gọi chỉ cần 1 quả trứng và một bát gạo rồi dùng trứng đó rán cho người bệnh ăn, dùng bát gạo nấu cho người đó ăn. Nếu trẻ em vừa ngã thì bất kỳ người nào cũng có thể gọi đơn giản, chỉ cần một cành cây tươ có là và nói hồn về, hồn về … là được.
+ Trong trường hợp vía bị đổ thì con người đó cũng bị ốm nguyên nhân tương tự như bị mất hồn, như vía bị đổ thì người đó cũng mệt mỏi, đau ốm khắp nơi và đi hơi nghiêng ngả không được thẳng lắm hay bị ngã. Trường hợp này thì chỉ quá nghiêng chưa đổ hẳn, nếu đổ hẳn thì con người đó có thể chết. Muốn chữa thì phải gọi thầy cúng đến cúng thì thời gian không quan trọng lắm, lúc nào cũng được. Nếu cần dựng, vía thì cần 1 con gà trống để mổ và đặt con gà đó lên bàn đặt giấy cắt 2 hình người mang đi đốt 1 hình cùng giấy tại gian giữa nhà. Hình còn lại mang đặt dưới chiếu người bệnh. Còn trường hợp bóng vía thì ông thầy cúng sau khi bắt đầu cúng dùng 1 con gà trống chỉ lên người bệnh, khi kết thúc chỉ một lần rồi thả đi và con gà ấy không được mổ dù bất kỳ trường hợp gì. Còn nếu tự chết thì thôi, còn con gà mà dựng vía thì một mình người bệnh mới được ăn.
Thanh Ngân