Nghị lực của một người viết văn miền núi

Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, trong giai đoạn hiện nay, ở mọi lĩnh vực đều có không ít người vượt qua bất hạnh, trở thành người có ích cho xã hội. Anh Hà Mạnh Phong (bút danh Hà Phong) – hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu hơn 10 năm nay là một trong những tác giả viết văn về đề tài miền núi được bạn đọc yêu thích. Những tác phẩm Hà Phong sáng tác có nội dung nhân văn, ngôn ngữ sánh đặc chất miền núi, giàu hình ảnh, tính nhạc. Đằng sau những trang viết, tác giả trải qua 22 năm bị căn bệnh nhược cơ, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào người thân trong gia đình. Vượt lên số phận và căn bệnh hiểm nghèo, anh làm được những điều tưởng như không thể.

          Vượt lên chính mình

Gặp anh Hà Phong, chúng tôi tin có những câu chuyện như cổ tích trong đời thường. Chồng mất sớm, bà Vương Thị Mín tần tảo nuôi hai anh em Hà Phong trưởng thành. “Cái nôi” nuôi nấng tâm hồn lãng mạn của anh Phong chính là miền cổ tích văn hóa Thái xã Mường So (huyện Phong Thổ) – nơi khởi thủy những điệu múa xòe nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Thuở thiếu thời, Hà Phong rất yêu thơ văn, năm 19 tuổi, anh đã có thơ đăng trên Báo Tiền phong

Cứ như trò đùa trớ trêu của số phận, chàng trai trẻ dân tộc Thái khởi phát chứng bệnh nhược cơ từ cuối năm 1997, khi anh đang làm việc ở Bưu điện xã San Thàng (huyện Phong Thổ cũ). Bắt đầu chỉ là triệu chứng tê mỏi bứt rứt trong cơ về đêm. Năm 1998, khi anh Phong đang theo học khoa Điện tử viễn thông (Trường Đại học Bách khoa), mẹ đã cùng anh nhập viện ở Bệnh viện Bưu điện, rồi tới Viện Y học cổ truyền Trung ương chữa trị song bệnh tình không  thuyên giảm. Ban đầu chỉ là nỗi lo lắng về sự nghiêm trọng của căn bệnh, rồi anh trải qua thời kỳ tuyệt vọng khi nghĩ đến tương lai, đến người yêu đang đợi chờ. 4 tháng chữa trị tại 2 bệnh viện là những ngày đuổi tìm chút tia hy vọng mong manh, có thời điểm tâm trạng của anh tiêu cực, buồn bã. Bệnh tình không thuyên giảm nên anh xin xuất viện về nhà. Hà Phong từng ví căn bệnh “Chẳng khác gì một tảng đá nặng đè tôi dính bẹp. Nó ném tôi từ đỉnh cao xuống vực sâu. Tôi thấy mình tựa như con cá mắc cạn đang cố ngáp những cái ngáp cuối cùng…”. .

Thời điểm tình trạng các bắp cơ mềm nhão, anh Phong có ý định bỏ học đại học. Nhưng cũng chính người mẹ tiếp sức cho anh, lời mẹ dạy ắp đầy tâm trí: “Tiền bạc đầy sàn không bằng con chữ trong bụng”. Năm 2001 ra trường với tấm bằng kỹ sư điện tử viễn thông, đằng sau những năm tháng học hành của anh ghi dấu bao giọt mồ hôi người mẹ. Cũng trong thời điểm này, anh trải qua quyết định khó khăn khi chia tay mối tình đầu suốt bảy năm tuổi trẻ và xin nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo. Quãng thời gian bi quan nhất khi mất đi sức khỏe, tình yêu, sự nghiệp, anh tự hỏi: “Phần đời còn lại của tôi sẽ chỉ sống vô nghĩa như thế này thôi sao? Tôi phải làm gì để có thể sống hữu ích?”. Vẫn là người mẹ lựa lời khuyên nhủ, thấy mẹ lo lắng, anh luôn cố gắng suy nghĩ tích cực. Khát khao được sống vực anh vượt qua khủng hoảng tinh thần. Những cơn mơ của anh đều là về thung lũng Mường So – nơi chứa đựng quãng đời thơ ấu, mơ tiếng mẹ hát ru nôi, các bài đồng dao tuổi nhi đồng…

Chính những giấc mơ lành và những người khuyết tật anh Phong được gặp khiến anh xót xa, đồng cảm và có động lực vươn lên. Trong anh, những điều tốt đẹp luôn tồn tại: đó là hạnh phúc, nụ cười, lòng tốt, tình yêu thương… Anh không còn cảm thấy mình bất hạnh mà đã nhìn thấy bất hạnh của người khác, tự cảm thấy mình còn may mắn vì còn trí tuệ. Không còn dằn vặt mình sống thừa, vô dụng, anh tự nhủ mọi thứ chưa hẳn chấm hết, cần tận dụng trí tuệ minh mẫn làm việc có ích. Cũng từ đây, anh bắt tay vào học chữ Thái từ các quyển dân ca Thái chép tay – tri thức văn hóa người xưa để lại. Anh trăn trở: “Phải làm sao để cho câu hát dân ca trữ tình mãi trường tồn cùng mường bản?”. Duyên may đến khi anh gặp những người họ hàng hiểu biết về phong tục tập quán văn hóa Thái. Anh bắt đầu học chữ Thái từ các bác. Niềm say mê tích lũy tri thức văn hóa dân tộc giúp tâm hồn anh thêm phần phong phú. Anh lại bàn với mẹ thành lập Tổ hợp sản xuất vải thổ cẩm và chăn đệm. Anh giúp mẹ làm sổ sách kế toán. Nhà xưởng dựng lên, gia đình anh tập hợp các phụ nữ Thái, Mông biết làm chăn đệm làm xã viên tham gia các khâu: dệt, chần chăn, may nhồi đệm. Nguyên liệu sản xuất từ sợi dệt vải thổ cẩm, bông gạo, bông lau. Ban đầu, chăn đệm sản xuất ra bán chủ yếu cho mối khách quen biết. “Tiếng tốt đồn rơi chín bến suối”, dần dà một số người ngoại tỉnh cũng biết đến mặt hàng đệm thổ cẩm và gọi điện thoại đặt mua. Ngay cả tiểu thương ở tỉnh Kim Bình (Trung Quốc) cũng theo đường cửa khẩu Ma Lù Thàng, đến nhà anh Phong mua đệm thổ cẩm về bán. Tổ hợp còn sản xuất thêm các mặt hàng truyền thống: Áo chàm, áo cóm, váy Thái, túi khoác thổ cẩm, ga trải giường, đệm ngồi chiếu, đệm ghế. Sản xuất kinh doanh thuận lợi, gia đình có thêm khoản thu nhập, anh Phong tự nhủ mình đã không thua ván cờ số mệnh mà tìm được công việc phù hợp. Dù rằng, để làm được chừng ấy việc thì chính anh phải nỗ lực hơn một trăm phần trăm khả năng của mình.

         

Nhà văn Hà Phong

          Con đường đến với văn chương

Cuốn tiểu thuyết “Vượt qua dãy Hoàng Liên” anh Phong viết về mảng lịch sử thời kỳ Pháp thuộc. Anh quên bẵng cơ tay yếu ớt để hoàn thành cuốn truyện trong mùa đông năm 2008, khi xuất hiện đợt rét kỷ lục. Gõ bàn phím khiến ngón tay sưng cước, căng tấy và đỏ mọng, vừa nhức lại vừa ngứa khiến anh đêm nào cũng khó ngủ. “Tinh thần thép” thúc giục anh kiên cường làm việc. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh được Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật toàn quốc trao giải B. Ngoài cộng tác với tạp chí Văn nghệ Lai Châu, thời gian đầu, anh còn cộng tác với chuyên mục “Thư Hà Nội” của báo điện tử VietNamNet. Bạn đọc đón nhận và ấn tượng với những bài về món canh cà đắng, canh rêu suối nấu cá bống, bánh chưng gù đen… Sự quan tâm của độc giả trở thành động lực thúc đẩy anh tiếp tục viết cuốn “Ẩm thực Thái Lai Châu”. Năm 2010, anh xuất bản tập sách “Bàng bạc mưa rừng”. Năm 2012, anh xuất bản cuốn “Thơ và dân ca tình yêu Thái Mường So” cùng với nhà nghiên cứu dân gian Đỗ Thị Tấc. Cuốn sách được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải C. Năm 2012, anh xuất bản tập truyện ngắn “Chim Tăng ló kêu tiếng buồn”.

Anh Phong tâm sự: Cả cuốn truyện Vượt qua dãy Hoàng Liên lẫn cuốn Dân ca Thái, khi bắt tay vào viết tôi đều mường tượng đó là một ngọn núi cao. Tôi hiểu mình cần phải hết sức nỗ lực mới có thể vượt qua được nó. Nay tôi đã vượt qua được nó. Nhưng tôi vẫn chưa muốn chùn chân dừng lại… Tôi vẫn muốn thử sức như chính tôi từng viết: “Bàn chân trần của người dân quê tôi khi đạp lên những tảng đá cứng cản trên lối đi, tảng đá cứng cũng trở nên mềm… Bàn chân trần của người dân quê tôi bền, dẻo như sợi mây rừng vắt đủ qua chín mươi chín ngọn núi đất mường. Giông bão có thể quật gục đổ thân cây to cứng cáp, nhưng không thể khuất phục được thân dây mây săn dẻo”. Anh Phong tiếp tục kiên trì viết hàng ngày. Sức lao động nghệ thuật của anh thăng hoa với các công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch văn hóa dân tộc như: Then Giáy, Từ vựng Thái trắng, Truyện thơ Thái…

Cũng chính sức mạnh ý chí đã giúp anh vượt lên tất cả niềm đau thương dồn dập kéo đến khi Tổ hợp sản xuất thổ cẩm, chăn đệm giải thể, người mẹ kính yêu của anh Hà Phong thác thiêng về với miền mây trắng vào giữa mùa thu năm 2014 vì căn bệnh trọng. Không thể kể hết nỗi đau của anh Phong vì cả quãng thời gian dài đằng đẵng mẹ bên mình, anh luôn kiên cường để mẹ không thất vọng. Chỗ dựa tin cậy nhất không còn, anh vẫn sống chung với căn bệnh nhược cơ quái ác, khiến sức khỏe hao mòn từng ngày song tâm lý anh không còn nao núng như những ngày đầu mắc bệnh. Anh đã thoát khỏi những suy nghĩ bi quan, trầm uất để sống lạc quan và hàng ngày vẫn nỗ lực tiếp tục viết văn.

Bản thảo cuốn tự truyện “Hoa vẫn nở trên đỉnh Pu Ta Leng” dự định xuất bản năm 2019 của anh Hà Phong đã nói nên khát vọng chinh phục của một người viết văn đặc biệt. Nhà văn Đặng Vương Hưng đã viết: “Vượt qua bão tố, phong ba, vượt qua những ngày hè nắng cháy, nhưng đêm đông lạnh buốt, có loài hoa vẫn âm thầm lặng lẽ nở trên Pu Ta Leng, thầm lặng hiến dâng hương sắc cho đời. Dù bị bệnh tật hiểm nghèo, nhưng Hà Mạnh Phong luôn tự hào “Vốn gốc sinh ra từ quê bản, mang dòng máu quê bản”. Có lẽ nhờ thế mà anh đủ nghị lực vượt lên số phận, vượt lên chính mình. Phong đã làm được nhiều việc mà một người bình thường không phải ai cũng làm được. Anh đã sống đẹp và luôn mong muốn sống có ích cho cộng đồng. Những trai bản, gái bản và bà con không chỉ ở quê hương Lai Châu, mà cả miền Tây Bắc đều có quyền tự hào về Hà Mạnh Phong!”.

Hải Yến


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.