Đồn Biên phòng Pa Ủ 309, phụ trách địa bàn xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, nơi người La Hủ định cư tập trung. Trên bản đồ, đường biên giới nơi này như những sợi chỉ viền sát các đỉnh núi cao, ở đó có đỉnh Phu Si Lung cao trên 3000m so với mực nước biển. Ngoài nhiệm chính bảo vệ đường biên quốc giới thì những chiến sĩ quân hàm xanh nơi đây hàng ngày chăm lo sức khỏe, giúp đồng bào phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.
Chúng tôi về Mường Tè trong mùa mưa, đất trời vùng này là vậy đang nắng đỏ lửa đấy, lại ròng ròng đổ nước ngay. Muốn lên thăm bà con La Hủ chỉ nhất con đường quốc lộ 4H độc đạo, nghĩa là cứ nhằm dòng Đà Giang mà ngược. Đi cùng tôi là Trung tá Vũ Đức Phương – Chính trị viên Đồn Biên Phòng 309 xã Pa Ủ, anh quê Hưng Yên, nhưng đã “phải lòng” với bà con nơi này từ lâu. Năm 2003, anh khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng và gắn bó với đồng bào Tây Bắc cho đến nay; kinh qua nhiều vị trí công tác, bám chốt nhiều địa bàn vùng cao, chỉ riêng với bà con La Hủ nay đã gần 5 năm.
Chúng tôi qua ngã ba Nậm Củm, xã Mường Tè rẽ phải 15km là tới đất Pa Ủ. Nghe đâu người La Hủ về đây lập bản chỉ mấy chục năm gần đây. Ngày đầu lưa thưa vài nóc nhà dựng quanh đồn biên phòng; phần lớn là nhà của các cán bộ xã là chính chứ người dân ở xa, heo hút mãi trên những dãy núi cao. Nay thì Pa Ủ khác xưa rồi! Để thấy những mái nhà tôn mới đỏ au, san sát dọc theo các tuyến đường liên xã, liên bản như ngày hôm nay là cả một kỳ tích…
Đồn Biên phòng Pa Ủ quản lý, bảo vệ 28,186km đường biên giới quốc gia, với 5 cột mốc (từ mốc 37 đến mốc 41). Từ vị trí đóng quân của đồn lên biên chưa có đường giao thông. Để lên được đó, các anh đi theo những con đường nhỏ thó rậm rịch cỏ gai mà bà con ở đây thường gọi là ” đường chó chạy”, thực chất là dấu chân trâu bò đi rừng.
Giúp bà con làm nhà, phát triển kinh tế là những công việc thường ngày của những người lính quân hàm xanh.
Tuần tra trong ngày nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì khá vất vả. Theo định kỳ mỗi tháng tuần tra một lượt, có khi đột xuất thì bất kỳ thời gian nào, nên việc băng rừng, vượt suối là thường xuyên. Trung bình để tuần tra hết các mốc phải từ 5 đến 7 ngày. Có những điểm cao như mốc (37, 41) do địa hình hiểm trở, nhiều vách núi cheo leo, nơi này quanh năm sương mù dày đặc. Để lên được đó các anh phải bám vách núi bấm chân mà tiến, nên ba lô của các anh ví như một cái kho tổng hợp, mọi nhu yếu phẩm sinh hoạt cần thiết nhất với một người đi rừng lúc nào cũng sẵn sàng.
Đặc biệt là bật lửa trong túi các anh luôn dự phòng vài chiếc, chỉ với 3 hòn đá bắc nồi là có cơm ấm bụng, và chỉ có hơi ấm từ bếp mới xua bớt cái lạnh rừng đêm. Dù vất vả gian nan đến đâu, với các chiến sĩ (BĐBP) Pa Ủ mỗi mốc giới, gốc cây, phiến đá, bìa rừng nơi này đã trở nên quen thuộc, lâu lâu không gặp lại thấy nhớ…
Buổi tối nơi đây nhiệt độ xuống nhanh, những cơn gió đầu nguồn từ đỉnh Phu Si Lung thổi về mỗi lúc một nhiều. Chúng tôi quây quần bên bếp lửa, nghe các anh tâm sự về gia đình, tình yêu, lý tưởng, và có lẽ chủ đề xa nhà được các anh kể nhiều hơn cả. Câu chuyện xa nhà với Trung tá Vũ Đức Phương đã trở nên bình thường. Cách đây hơn 4 năm anh nhận nhiệm vụ về công tác tại đồn Biên phòng Pa Ủ. Nhớ lại ngày đầu gặp bí thư Đảng ủy xã Phản Phu Lô, đồng chí có tếu: “Bộ đội lên đây chắc lại sớm về thôi mà!”, tuy chỉ là câu đùa, nhưng anh cảm nhận như một dấu chấm hỏi làm anh nghĩ suy nhiều: Phải làm gì giúp bà con xóa đói giảm nghèo, thay đổi nhận thức, cải thiện cuộc sống… những câu hỏi không khi nào nguôi trong tâm chí những người lính (BĐBP) như anh. Sau khi nắm bắt tình hình địa bàn. Hàng ngày, anh và các chiến sĩ của mình trực tiếp xuống bản “cầm tay chỉ việc”, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, như làm lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng dược liệu…
Chương trình quân dân y kết hợp chăm sóc sức khỏe cho người dân được duy trì thường xuyên.
Năm 2016, Đồn cùng các cấp các ngành huyện, xã triển khai mô hình nuôi bò tập trung áp dụng ở hai bản Tân Biên và Mu Chi. Nhận thấy bà con La Hủ vốn chưa quen với cách thức chăn nuôi khoa học, nên nhiều dự án đưa về hiệu qủa không cao, con giống kém phát triển, tỷ lệ chết nhiều. Rút kinh nghiệp từ những chương trình trước sẽ không giao con giống cho bà con tự chăm sóc mà các chiến sĩ cùng bà con chăn thả, chăm sóc tập trung, như vậy đảm bảo tỷ lệ con giống sinh trưởng phát triển tốt. Qua đó, giúp bà con tiếp thu, tích lũy được kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Từ đàn bò ban đầu giao nhận là 40 con, các anh giao cho 40 hộ, sau gần 3 năm với sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng trong cung cách chăn thả, chăm sóc, đến nay đàn bò phát triển lên 52 con. Theo kế hoạch 2020, đàn bò sẽ nhân đôi, khi ấy Đồn sẽ bàn giao cho các hộ gia đình tự chăm sóc.
Cùng với mô hình nuôi bò tập trung là mô hình thâm canh lúa nước, năm 2018 Đồn kết hợp với các hộ gieo cấy thử nghiệm giống lúa thơm với diện tích hơn 1 ha, bước đầu cho thu hoạch với năng suất 2 tấn/ha. Năm 2019, các anh cùng bà con tiếp tục thử nghiệm và mở rộng diện tích lên 2,5ha. Về bản Hà Xi khi được hỏi về mô hình mới này như thế nào Hoàng Hừ Xà khẳng định: “Sang năm mô hình này áp dụng đại trà thì cái ăn của bà con La Hủ không phải lo nghĩ. Với năng suất và chất lượng gạo lúa lai, chắc chắn người La Hủ không chỉ đủ ăn mà sẽ có hàng hóa trao đổi với thị trường”.
Được biết có được mô hình lúa nước như ngày hôm nay, các anh cùng bà con ngày đêm đào mương dẫn thủy từ khe suối về bản. Để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho những chân ruộng lúa nước, mới đây các anh đầu tư đường ống dẫn nước dài hơn 40m từ đầu nguồn về ruộng, kinh phí trích từ những đồng lương ít ỏi của sanh em trong Đồn.
Nhiều năm qua các anh luôn sát cánh với các thầy cô nhà trường vận động, tuyên truyền con em đi học. Với chương trình “Nâng bước chân em đến trường”, Đồn đã đỡ đầu 2 em học sinh có hoàn cảnh khó khắn lại vươn lên trong học tập. Gia đình nghèo, bố mẹ thường xuyên, giờ đây hàng tháng Ly Ngọc Xuân, Vàng Nhù Bơ được trợ giúp 500nghìn/tháng, chương trình này kéo dài hết lớp 12. Tại bản Xà Hồ, điều mà cách đây 2 năm trước trong mùa mưa đường vào bản lầy lội đến ống chân. Nay là con đường bê tông sạch sẽ dài hơn 3km nối Xà Hồ với đường liên xã. Xa xa, tiếng xe máy hòa trong tiếng cười giòn tan của bà con đang tấp lập chở củi, ngô về bản.
Song hành với việc giúp bà con xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế, là công tác tuyên truyền người dân tham gia phong trào tự quan đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự ở các xã biên giới. Đến nay, Đồn đã thành lập 5 tổ/84 hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên mốc giới, tuân thủ cac hiệp định quy chế biên giới. Những năm trước đây tình trạng một số người dân giáp biên nước bạn tự ý sang đất ta săn bắt, khai thác lâm thổ sản trái phép. Nhận duwcj tin báo của bà cn mình đi nương, đi rừng. Bằng biện pháp tại chỗ giải thích, tuyên truyền kịp thời, các anh đã làm cho dân nước bạn hiểu rõ và từ đó họ không vi phạm nữa.
Gần 5 năm Trung tá Phương gắn bó với đồng La Hủ trong “cuộc chiến” xóa đói giảm nghèo và cùng bà con hoàn thành tốt nghĩa vụ, trách nhiệm biên giới. Mới đây về bản họp, người anh nóng lên trong vòng tay xiết chặt của đồng chí bí thư đảng ủy xã năm nào đã nghĩ hưu, nay là già bản Ly Lo Bơ, cùng cái đập đập tay vào lưng như biểu thị một lời cảm ơn…
Còn với Thiếu tá Đỗ Văn Đàm – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ, hết Pa Thơm – Điện Biên, Ma Lù Thàng, Huổi Luông – Phong Thổ, nay là Pa Ủ – Mường Tè, mới ngày nào mà đã hơn 20 năm, dấu chấn chàng trai quê lúa Thái Bình đã in khắp các vùng đất Tây Bắc..
Với các chiến sĩ quân hàm xanh, sau một ngày đường tuần tra mệt mỏi, món quà quý giá là những phút nghỉ ngơi bên cánh võng ven rừng, hay trong những đêm đông ở đồn. Khi ấy còn gì tuyệt vời bằng ngồi lật dở những tâm sự mà bao tháng ngày xa nhà các anh chỉ biết trút vào những trang giấy:
“… Anh biết làm vợ lính thiệt thòi nhiều lắm… Em bảo: mình hạnh phúc, tự hào được làm vợ người lính biên phòng. Anh: Nhưng phải xa nhau biền biệt… Em: xưa thời chiến các bà, các mẹ vất vả gấp ngàn lần có sao đâu… .Anh cười: Giờ nếu được chọn lại từ đầu mình cứ vẫn chọn đề tài muôn thuở tình yêu bộ đội – giáo viên… ”
Hai người học cùng trường, ngày anh em lên đường nhập ngũ, cô bạn cùng làng vẫn là cô học trò bẽn lẽn. Biên ải xa ngái, chỉ có mây và núi, họ gặp nhau qua những con tem. Anh cố gắng luyện rèn trở thành chiến sĩ tiêu biểu, người con gái quê hương chăm chỉ học hành siêng năng quyết đỗ vào trường sư phạm. Và ngày người con gái quê bước lên bục giảng, anh đã là chàng Thiếu úy nơi địa đầu Tổ quốc. Mỗi dịp anh về thăm quê, em lại ngập tràn hạnh phúc bên những cánh ban rừng trắng muốt. Giờ thì chàng Thiếu úy năm xưa và cô giáo trường làng đã về một nhà, cùng với hai thành viên chăm ngoan học giỏi.
“Tình yêu người lính đơn sơ nhưng cháy bỏng”, với người lính biên phòng thời gian được ở bên người yêu, sum vầy bên gia đình là những ngày phép quý giá. Còn nhớ, năm 2010, Thiếu tá Đàm anh nhận nhiệm vụ trực tết cùng anh em chiến sĩ. Chuyện xa gia đình hàng ngày là bình thường, nhưng ngày tết ai cũng thấy nao nao. Sáng ngày 28, nước mắt anh trào ra khi bất ngờ nhận tin ngày mai vợ và con sẽ lên đón tết cùng đơn vị. Và mùa xuân ấy cả Đồn ai cũng vui….
Hà Minh Hưng