Hoàn thành nhiệm vụ làm việc với Ban thi đua của Hội Người cao tuổi tỉnh, ông Nam phóng xe máy xuống Đảo Dừa tìm thằng cháu nội mới về nhận công tác tại Đoàn nghệ thuật. Ông vừa dừng xe ở cửa căn quán lá, ngay lối rẽ vào đảo thì có tiếng gọi:
– Vào uống nước đã bác ơi!
Ông nhìn vào, trong ấy chỉ có cụ chủ quán đang ngồi trước cái bàn quầy và cái tủ kính nhỏ, trên đó bày biện mấy lọ kẹo, vài nải chuối, bên cạnh treo mấy cái bánh đa. Tỉnh vừa tái lập nên các cơ quan đều còn đang tập kết, tạm bợ. Hàng quán cũng tuềnh toàng kiểu nông thôn miền xuôi những ngày đánh Mỹ. Ông bước vào, ngồi xuống cái ghế băng rệu rẹo:
– Cụ cho con cốc chè xanh ạ!
– Bác uống đá hay nóng?
Ông sững sờ nhìn thẳng vào mặt bà cụ vì cái giọng nói nghe quen kỳ lạ ấy, đến nỗi bà cụ bối rối:
– Bác làm sao, có chuyện gì thế?
Ông Nam càng sững sờ hơn, mồm cứ há hốc ra vì khuôn mặt ấy cũng giống quá. Chắc trông ông lúc ấy thộn lắm nên bà cụ phát hoảng:
– Này! Này!… Bác bị cảm nắng hả?
– Dạ!… Cụ… Bà…! Có phải cụ là… “Bà mẹ chính ủy” không?
– Bác là ai mà gọi tôi bằng cái tên oai thế?
– Con xin lỗi được hỏi, có phải cụ tên là cụ Mận ở làng Bòng không?
– Sao? Sao bác lại biết cụ Mận làng Bòng?
– Thế!… Cụ là cụ Mận ạ? – Ông Nam đứng bật khỏi ghế, nhưng cụ chủ quán cười, xua tay:
– Tôi là Đào, em gái bà Mận đây.
– Ôi! Thế ạ! Thế mà con cứ ngỡ được gặp lại “Bà mẹ chính ủy” của chúng con chứ! Nhưng cụ ơi! Hai cụ giống nhau quá, giống cả khuôn mặt lẫn giọng nói cơ.
– Bà chị tôi mất hơn chục năm rồi! Cũng thọ những hơn tám chục đấy!
– Thế ạ! Dạ! Con nhớ ngày xưa “Bà mẹ chính ủy” nói có em gái ở trên Bắc. Thì ra cụ ở mãi đây ạ!
Cụ chủ quán rót cốc nước chè tươi vàng sánh đưa đến đặt nơi góc bàn trước mặt ông Nam rồi cầm cái quạt cọ phe phẩy:
– Cái số hai chị em tôi là phải xa nhau. Cho đến tận lúc bà ấy sắp mất thì chúng tôi mới gặp lại nhau đấy!
– Ôi! Thế kia ạ! Còn con thì hơn bốn mươi năm nay vẫn lỗi hẹn vì chưa thăm lại được ngôi làng ấy và như vậy là không bao giờ con được gặp lại “Bà mẹ chính ủy” nữa rồi!
– Này bác! Tôi hỏi khí không phải, chứ tại sao bác lại gọi bà chị tôi là “Bà mẹ chính ủy” đấy?
– Dạ! Chuyện là thế này cụ ạ!
*
* *
Ấy là những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Ních Sơn điên cuồng đưa máy bay ném bom miền Bắc hòng lật ngược thế cờ trên bàn đàm phán tại Pa-Ri. Trong khi miền Nam đang mở rộng tiến công trên các mặt trận, thì miền Bắc vừa chống trả quyết liệt lũ giặc trời, vừa hăng hái sản xuất chi viện cho miền Nam với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Năm ấy, mới tốt nghiệp cấp ba, Nam cùng các bạn viết đơn tình nguyện nhập ngũ để được vào Nam chiến đấu. Đơn vị huấn luyện của Nam nằm tại làng Bòng. Làng Bòng có địa thế bán sơn địa, nơi dãy núi đất chạy dọc theo hướng Bắc Nam, nằm ngay giữa đồng bằng Bắc bộ. Đây cũng chính là nơi Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã chọn để huấn luyện binh mã từ thời Đinh Lê. Vào thời gian ấy, đồi núi và gò đống của làng Bòng chi chít hầm hào, lô cốt. Những mô hình trận địa giả định được xây dựng để huấn luyện bộ đội. Hàng ngày, các tân binh ra thao trường luyện tập, ban đêm lại khoác sọt đất nặn đi rèn, tiếng còi, tiếng kẻng, tiếng hô khẩu lệnh và tiếng hát rộn rã suốt ngày đêm. Ba tháng một đợt huấn luyện, kết thúc ba tháng ấy, cánh lính trẻ được đưa thẳng vào bổ sung cho chiến trường. Nhưng Nam không được thỏa nguyện ngay cùng bè bạn, vốn nhanh nhẹn tháo vát, anh bị giữ lại làm liên lạc cho tiểu đoàn huấn luyện.
Bếp ăn của Ban chỉ huy tiểu đoàn huấn luyện được đặt tại nhà bà Mận, chỉ cách nơi ở của Nam vài mảnh ruộng nhỏ nên hàng ngày, vào những lúc rỗi rãi, Nam hay sang giúp cánh anh chị nuôi quân khi thì nhặt rau, khi thì xay đậu, ép đậu hoặc chia cơm. Bà Mận sống độc thân trong ngôi nhà nhỏ nhắn ba gian tường đất, mái rạ nhưng rất sạch sẽ. Nhà tựa lưng vào núi, mặt nhìn hướng chính Nam nên lúc nào cũng mát mẻ. Tuy ngôi nhà nhỏ nhưng có một khoảng sân đất rộng và có nhiều bóng mát của những cây bưởi, cây soan trà cổ thụ nên mấy mái nhà bạt dựng làm lán anh nuôi trong khung cảnh ấy thật là lý tưởng. Bà Mận trước đây có chồng, nhưng khi sinh được cô con gái đầu lòng thì ông mắc bệnh và qua đời. Bà một mình ở vậy nuôi con khôn lớn. Người con gái ấy hiện đang tại ngũ, chị là cán bộ kỹ thuật, công tác trong binh chủng Phòng không không quân. Có lẽ vì thế mà từ cán bộ đến chiến sĩ, ai cũng yêu quý và gọi bà là mẹ. Hàng ngày, bà lủi thủi trong vườn với những công việc hái chè, nhổ cỏ, thu hái quả chín, mang ra chợ bán để sinh sống. Vóc dáng nhỏ bé nhưng bà có đôi mắt sáng và đặc biệt là giọng nói sang trọng, dứt khoát. Ai cũng phải thừa nhận là bà có trình độ ăn nói vừa rõ ràng mạch lạc, vừa có tình có lý, có sức thuyết phục. Nam nghe các cán bộ tiểu đoàn kể lại là bà đã nhiều lần giúp cán bộ tiểu đoàn giải quyết những khúc mắc tế nhị trong đơn vị. Cách giải quyết của bà làm cho người đúng người sai đều phải tâm phục khẩu phục, thế là mọi người gán luôn cho bà hai từ “Chính ủy”.
Trong tiểu đội anh nuôi của tiểu đoàn bộ có bốn chiến sĩ gái, đứa nào cũng xinh, toàn mười tám đôi mươi tươi tắn. Bốn đứa như bốn bông hoa đẹp giữa hàng mấy chục tay đàn ông con trai nên lúc nào cũng nhận được những lời trêu đùa tếu táo. Cả bốn đứa tối nào cũng rúc vào nách đòi ngủ với mẹ Mận, nhưng vì cái giường nhỏ, chỉ nằm được hai người nên họ phải chia phiên, hôm nay người này, mai người khác, ai đến phiên dậy sớm thì được ngủ cùng để mẹ đánh thức cho mà dậy đúng giờ. Đứa nào cũng bảo:
– Con ngủ với u, cứ như được ngủ cùng u con ở nhà!
Bà Mận mắng yêu:
– Cha bố các cô chứ, còn bé lắm đấy! Thế mai kia đi lấy chồng thì cũng đòi ngủ với u à?
– Ai người ta thèm lấy chúng con hả u?
Bà Mận dí ngón tay vào trán từng đứa mà bảo:
– Các cô cứ là liệu cái thần hồn. Ở giữa chốn ba quân, không biết giữ mình là khốn đấy nghe chưa?
– U cứ yên trí!
Bốn đứa con gái cứ như bốn con chim sơn ca, ríu rít suốt ngày làm cho bà cũng vơi đi nỗi nhớ con gái. Quả thật, bà cũng thương chúng nó như con gái mình vậy, nên bà rất lo cho chúng nó. Thế mà một tối, con bé Hậu ôm lấy bà, khóc tức tưởi. Bà gặng mãi, nó cũng chỉ ôm mặt khóc, không chịu nói gì, đến nỗi bà phải hết dỗ ngon dỗ ngọt đến mắng cho, nó mới chịu nói thật. Thì ra nó đã có thai với cậu Hoàng tiểu đoàn phó. Hoàng là con liệt sĩ, người Quảng Nam, được Mặt trận đưa ra Bắc đào tạo để làm cán bộ nguồn. Gia đình Hoàng chỉ còn mẹ và cô em gái, hiện vẫn hoạt động du kích trong vùng địch. Anh ra Bắc đã hơn chục năm, giờ trên ba mươi tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Anh đã nhiều lần đưa đơn trình bày nguyện vọng của mình là được trở về Miền Nam, trực tiếp cầm súng chiến đấu giải phóng quê hương, nhưng cấp trên chưa giải quyết. Đã mấy cuộc gán ghép anh với các cô gái trong vùng, trong đơn vị, nhưng anh đều thờ ơ. Hoàng vẫn bảo khi nào giải phóng Miền Nam thì anh mới lấy vợ. Thế mà lần này gặp Hậu thì hình như anh đã thay đổi. Cô nuôi quân vừa tròn mười tám tuổi có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt bồ câu đen láy và mái tóc dài óng ả lúc nào cũng thơm mùi lá sả lá chanh đã cuốn hút anh chàng thiếu úy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đã đôi lần người ta bắt gặp Hoàng và Hậu ngồi tâm sự ở gốc bưởi đầu ngõ. Anh chàng thiếu úy bỗng dưng ăn mặc chải chuốt, đầu tóc lúc nào cũng bóng mượt. Còn cô chiến sĩ Hậu thì không giấu được ánh mắt e lệ và đôi má ửng hồng mỗi khi gặp Hoàng hoặc có ai đó nói đến tên Hoàng.
Chiều hôm ấy, Hoàng thông báo cho Hậu là anh vừa nhận quyết định sẽ được trở về miền Nam chiến đấu. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tân binh này, anh sẽ được phong hàm trung úy và trực tiếp nhận chức tiểu đoàn trưởng, cầm quân vào chiến trường. Nhưng thật không ngờ, Hậu cũng thông báo rằng cô đã mất kinh hơn một tháng. Vừa mừng, lại vừa lo, Hoàng cuống lên, không biết phải giải quyết thế nào? Chỉ còn nửa tháng nữa là đến ngày lên đường trở lại quê hương chiến đấu, thỏa ước nguyện anh hằng ấp ủ bấy lâu, nhiệm vụ quân sự không thể trì hoãn. Bây giờ mắc vào chuyện tình cảm, mà Hậu lại còn có thai nữa… Con bé Hậu vẫn rấm rứt:
– Anh Hoàng bảo con về nhờ mẹ tìm cách giúp chúng con. Ngày mai anh ấy sẽ báo cáo Ban chỉ huy tiểu đoàn.
– Cha tông môn chúng bay. Báo… cáo! Thế hai đứa không sợ kỷ luật à? – Bà Mận mắng.
– Anh ấy bảo dù kỷ luật thì anh ấy cũng sẽ cưới con trước khi vào chiến trường đấy u ạ!
– Thế ý con sao?
– Con không biết! Con chỉ sợ thầy con thôi. Không cẩn thận thầy con đánh con chết.
– Ừ! Các ông ấy không dễ thông cảm với cái sự đã rồi này đâu!
– U có cách nào giúp chúng con không hả u?
– Cứ để đấy, mai u tính. Thôi, ngủ đi nhé! – Bà vỗ về con Hậu như trẻ nhỏ.
Sáng hôm sau, vừa nhìn thấy Hoàng, bà Mận liền kéo anh chàng ra một góc:
– Anh biết tội của anh chưa? – Bà hỏi ngay.
– Tội gì hả mẹ? – Hoàng vờ ngớ ra.
– Lại còn tội gì à? Con Hậu nó khai hết với mẹ rồi!
Hoàng đành thú thật hết cho bà Mận nghe. Nghe xong bà bảo:
– Thế bây giờ anh định thế nào?
– Con định đi báo cáo, nhận kỷ luật với Ban chỉ huy và xin cưới Hậu, mẹ ạ!
– Thế thì tốt! Nhưng để mẹ đi cùng, mẹ sẽ nói đỡ cho. Bây giờ ăn sáng đi đã. Nhưng chuyện cái thai là hai đứa phải tuyệt đối bí mật. Chỉ được nói là yêu nhau và muốn tổ chức trước khi vào Nam, nhớ chưa?
Hoàng vâng dạ rối rít. Chờ cho Hoàng ăn sáng xong, Bà Mận cùng anh sang nhà Ban chỉ huy. Tiểu đoàn trưởng Lộc và Chính trị viên Phúc đang đợi Hoàng về trao đổi công tác. Vừa thấy bà Mận, cả hai vội đứng dậy chào. Bà Mận mở lời trước:
– Báo cáo các thủ trưởng. Mẹ đang có việc nhờ các thủ trưởng giúp đây!
– Ấy chết! Mẹ đừng nói thế! Có việc gì mẹ cứ nói đi ạ! – Tiểu đoàn trưởng Lộc vội đỡ lời.
– Chuyện thế này các anh nhé. Ở đây ba anh đều trong Ban chỉ huy tiểu đoàn. Nhưng chuyện này là chuyện của anh Hoàng nên mẹ mới bảo để mẹ nói cho.
Rồi bà trình bày vắn tắt câu chuyện của Hoàng và Hậu. Cuối cùng bà kết luận:
– Về Nam đánh giặc là nhiệm vụ quan trọng, xây dựng hạnh phúc để có hậu phương vững chắc, làm điểm tựa cho tiền tuyến cũng là một nhiệm vụ thiêng liêng. Chúng ta từ lâu đều động viên Hoàng lấy vợ, nhưng cậu ta chưa quyết. Bây giờ, cậu ta quyết đúng vào lúc chuẩn bị trở vào chiến trường, nên có hơi gấp gáp một chút. Âu cũng là cái duyên cái số nó đến. Theo mẹ, các anh nên thu xếp lo đám cưới cho họ trước ngày Hoàng vào Nam thì thật trọn vẹn đôi đường.
Chính trị viên Phúc từ nãy vẫn chăm chú ngồi nghe, bây giờ mới lên tiếng:
– Trước hết, chúng tôi xin được chúc mừng tân trung úy và tân tiểu đoàn trưởng Hoàng đã tìm thấy một nửa của mình. Chúng con cũng xin cảm ơn mẹ đã quan tâm đến đôi bạn trẻ và anh em chúng con. Về cơ bản thì con xin ủng hộ ý kiến của mẹ, bây giờ xin ý kiến anh Lộc.
Tiểu đoàn trưởng Lộc trầm ngâm một lát rồi trịnh trọng:
– Báo cáo “Chính ủy” là hiện nay đơn vị đang vào giai đoạn cuối kỳ huấn luyện, chuẩn bị bắn đạn thật nên khá bận rộn. Tuy vậy nhưng việc của đồng chí Hoàng cũng rất đáng lưu tâm và rất có ý nghĩa nên con đề nghị mẹ giúp cho. Việc phải làm gấp mới kịp nên ngay ngày mai, con sẽ cấp xe để mẹ đưa Hoàng và Hậu sang bên Thái Bình gặp nhà gái bàn công việc lo đám cưới. Công việc của Hoàng ở đơn vị con sẽ chịu trách nhiệm. Trên đường đi sẽ qua hai trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, đó là thành phố Nam Định và bến phà Đò Quan, Hoàng phải chú ý an toàn cho mẹ và cả đoàn nhé!
Hoàng đứng bật dậy:
– Rõ! Xin cảm ơn các đồng chí! Cảm ơn mẹ đã lo lắng cho chúng con. Tôi xin hứa sẽ cố gắng cao nhất để đảm bảo an toàn cho cả đoàn.
Sáng hôm sau, mới năm giờ sáng, chiếc xe com măng ca cài lá ngụy trang lùm xùm đã xuất phát sang Thái Bình. Chỉ hơn trăm cây số nhưng vì đường xấu và phải mấy lần dừng xe tránh máy bay nên chập tối mới đến được nhà của Hậu.
Con gái đi bộ đội gần một năm chưa về thăm nhà, nay lại thấy xe con đưa về, mà lại có một bà già đi cùng thì mọi người trong gia đình ông bà Hanh và cả xóm đều ngỡ ngàng. Người lớn trẻ con túm đen túm đỏ quanh chiếc xe rồi tháp tùng cả đoàn vào nhà. Người ta tha hồ xì xào đoán già đoán non. Biết được tâm lý của mọi người nên vừa vào đến bàn khách giữa nhà, bà Mận lên tiếng ngay:
– Kính thưa các cụ, các ông bà và anh chị em! Chúng tôi về gia đình ta với một tin vui nên mong mọi người cứ yên tâm ạ!
– Tin vui! Tin vui gì đấy ạ! Xin bà nói cho chúng tôi mừng! – Nhiều tiếng lao xao đề nghị.
Bà Mận giơ tay ra hiệu cho mọi người trật tự rồi trịnh trọng nói:
– Kính thưa các cụ! Kính thưa ông bà Hanh và tất cả bà con. Tôi xin tự giới thiệu: Tôi tên là Mận, là chủ nhà nơi cháu Hậu đóng quân. Còn đây là Trung úy Hoàng, Tiểu đoàn phó đơn vị của cháu Hậu.
Mọi người trầm trồ:
– Trẻ thế mà đã là Trung úy – Tiểu đoàn phó rồi nhỉ!
Bà Mận tiếp khá đột ngột:
– Thưa các cụ! Thưa ông bà Hanh! Người như anh Hoàng đây liệu có làm rể nhà mình được không ạ?
– Được thế thì phúc quá còn gì nữa ạ! – Mọi người cùng xôn xao.
– Vâng! Thế thì tôi xin nói thật. Tôi ở gần bộ đội nhiều năm nên tác phong quân đội. Tôi xin nói ngắn gọn theo đúng tác phong bộ đội thế này…
Thế là chưa đầy 10 phút đồng hồ, bà Mận trình bày xong toàn bộ câu chuyện tình yêu của Hoàng và Hậu. Cách nói của bà thuyết phục được tất cả mọi người và đi đến nhất trí là ngay ngày mai sẽ tổ chức đám cưới theo nghi thức đời sống mới cho hai người.
Kẹo bánh, thuốc lá và mấy chai rượu màu đã được mua sẵn để trên xe. Phông cưới được chú rể khéo tay cùng cánh thanh niên trong xóm trang trí, có cả chữ song hỷ, một đôi chim câu trắng và hai chữ H lồng vào nhau quấn quýt. Tiệc cưới được chi đoàn thanh niên đứng ra làm tổ chức, hát hò rôm rả. Sau đám cưới, cả đoàn ở lại nhà Hậu thêm một đêm nữa, sáng hôm sau lên xe sớm trở về đơn vị. Ông bà Hanh cùng gia đình và cả xóm bịn rịn tiễn chân. Hoàng và Hậu vô cùng cảm phục tài ăn nói và tấm lòng của mẹ Mận chăm lo cho hạnh phúc của hai người, nên họ gọi bà Mận bằng mẹ với cả trái tim yêu kính.
Về đến đơn vị, sau khi nghe bà Mận báo cáo lại kết quả chuyến đi, một tiệc ngọt lập tức được Ban chỉ huy tiểu đoàn tổ chức để chúc mừng đôi uyên ương trong nhà bạt. Khách mời có cả chỉ huy các đại đội và chính quyền thôn.
Hoàng và Hậu được bố trí cho ở riêng một nhà bạt trong khoảng thời gian hơn chục ngày trước khi Hoàng vào Nam chiến đấu. Rồi ngày chia tay cũng đến. Hoàng khoác ba lô lên xe theo tiếng gọi tiền phương, cũng là quê hương của anh. Nam cũng toại nguyện được vào chiến trường, cậu nhận nhiệm vụ làm liên lạc cho thủ trưởng Hoàng và Ban chỉ huy tiểu đoàn. Hậu ở lại đơn vị tiếp tục nhiệm vụ chiến sĩ nuôi quân. Cái thai trong bụng, kết quả tình yêu của hai người đã lớn dần. Bây giờ thì Hậu không còn lo giấu diếm như trước đây nữa, mọi người ai cũng mừng cho Hậu và cùng nhau chờ đón đứa trẻ ra đời. Rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đến. Thấy Hậu có biểu hiện chuyển dạ, bà Mận đích thân lên xe cùng Hậu đến bệnh xá Trung đoàn để cổ vũ Hậu sinh nở. Một thằng cu giống Hoàng như đúc ra đời. Mẹ tròn con vuông được một tuần thì tiểu đoàn cho xe đưa Hậu về quê để nhờ gia đình giúp đỡ. Bà Mận lại lên xe cùng Hậu về Thái Bình để giao cho gia đình. Trước khi trở về, bà dặn dò Hậu kiêng khem đủ điều rồi mới lên xe, khiến ông bà Hanh và xóm làng vô cùng cảm phục…
* *
*
Ông Nam còn kể cho cụ Đào nghe nhiều chuyện về “bà mẹ chính ủy” mà ông hằng tôn kính. Trời cũng đã gần trưa, ông định chào tạm biệt cụ Đào để ra về thì cụ bảo:
– Bác đợi một lát, tôi cho xem cái này!
Cụ vào gian buồng nhỏ mở hòm lạch cạch một hồi rồi cầm ra mấy cái ảnh đen trắng đã ố vàng đưa cho ông. Ông đón lấy và mở ra xem. Đó là những bức ảnh của bà Mận chụp cùng các chiến sĩ nữ từ những ngày ấy. Ông không khó khăn lắm để nhận ra tổ nuôi quân có Hậu, tức là những người bạn đồng ngũ với ông ngày ấy. Và đây, một tấm ảnh Hậu chụp với một đứa trẻ tầm ba tuổi, khuôn mặt nó y hệt Hoàng. Ông liền giơ cho cụ Đào:
– Cụ ơi! Đây là mẹ con cô Hậu mà con kể khi nãy đấy!
– Khổ! Bố nó hy sinh mà chẳng biết mặt con! – Cụ thở dài – Chiến tranh mà!
– Thủ trưởng Hoàng hy sinh rồi sao? Đợt ấy, con chỉ cùng đơn vị vào đến Quảng Trị thì được điều đi nhận nhiệm vụ mới nên… Ơ! Nhưng sao cụ lại có những tấm ảnh này ạ?
– Thôi! Không giấu bác nữa. Tôi là Mận đây!
– Trời ơi! Thật ạ! Ôi “bà mẹ chính ủy” của con đây ư?
Ông Nam lao vào ôm lấy bà cụ, ngậm ngùi mừng tủi như gặp lại mẹ mình. Cụ Mận cũng rân rấn nước mắt:
– Thằng Nam liên lạc đây ư? Nghe bác nói chuyện, tôi đã nhận ra bác rồi, nhưng cũng lại muốn diễn nốt vai bà em tôi nên cứ để bác nói.
– Thế tại sao mẹ lại lên đây ạ?
– Chuyện dài lắm! Ở đây ăn với tôi bữa cơm rau rồi tôi kể cho bác nghe.
Ông Nam vui vẻ nhận lời rồi xắn tay nhặt rau, vo gạo cùng cụ Mận làm bữa. Vừa làm, cụ Mận vừa kể về cái nguyên do cụ có mặt ở mảnh đất này. Bấy giờ ông mới biết người con gái duy nhất của cụ đã hy sinh ngay sau giải phóng, do tai nạn trong một lần theo máy bay sửa chữa. Chị chưa có chồng con nên cụ chỉ còn bà em là ruột thịt. Các con của cụ Đào đã đón cụ lên ở cùng. Nhưng cụ Đào đã mất cách đây chục năm. Thế là cụ vừa là bác, vừa làm mẹ, làm bà, làm cụ thay người em gái dạy dỗ đám con, cháu, chắt. Bây giờ chúng nó lớn khôn cả, ở trong làng buồn vì không có việc làm nên cụ bảo các cháu mở cho cái quán nước để cụ bán, thêm đồng thu nhập. Một đứa chắt gái đang học cấp III ra đây ở cùng cụ cho vui.
Vừa lúc ấy có một cháu gái đi xe đạp vào, nó hồn nhiên và lễ phép:
– Cụ ơi! Con về rồi! Cháu chào ông ạ!
– Tông môn nhà cô! – Cụ mắng yêu con bé – Vào rửa mặt mũi rồi ăn cơm. Hôm nay cụ có khách quý.
– Vâng ạ!
Thế là ông Nam có cái may mắn được gặp lại “bà mẹ chính ủy” mà ông hằng yêu kính, được ăn với mẹ một bữa cơm đạm bạc gia đình và cả được nghe lại câu mắng yêu quen thuộc của mẹ từ cách nay hơn bốn chục năm. Trong lòng ông trào dâng một nỗi niềm thương cảm cho hoàn cảnh của mẹ. Mẹ không những là “bà mẹ chính ủy” của những người chiến sĩ thời ấy mà còn là bà mẹ anh hùng đã hy sinh tuổi xuân, hy sinh cả người con gái duy nhất của mình vì sự tồn vong của sông núi.
Thanh Phương