Cô gái lặng lẽ ngồi sát mép sông, mà sông cuối chiều tàn nắng thì heo hắt lắm. Dòng chảy của con sông này vốn đã đủ khiến người ta mềm lòng, lúc chiều buông lại càng thê thiết. Đúng là rất thê thiết khi mà ở phía cuối con sông, cả một góc trời rực lên như cái miệng quỷ đang ngoác ra nuốt trọn cả cái dòng tím lịm ấy. Triền sông tịnh không bóng người mà đôi mắt nàng cứ đòng đọc nhìn theo. Mảng không, thuyền không, đến con chim lạc đàn cũng chẳng có. Cô mong ngóng gì ở nơi cuối dòng au au đỏ mỗi lúc chiều buông làm vậy?
Đó là sông ma, dân thạo nghề sông nước kháo nhau, chẳng mấy ai ngược nổi sông này. Yên ả vậy thôi mà ma mị lắm. A Lử quả quyết, đã có lần chính mắt nhìn thấy cô gái thả mình trôi theo dòng nước bập bềnh như một bông gạo tháng ba đỏ ối mà đôi mắt vẫn trừng trừng không khép, rồi thì không biết là tiếng người hay tiếng sông trôi mà nghe lạnh toát sống lưng. Tôi đã nhiều ngày cất công ra triền sông ấy, kể thì cũng có nhiều cảm xúc, mà buồn thì cũng mênh mang là buồn. Dòng đâu đẹp lạ, mà người đâu cũng đẹp lạ, chỉ phải nỗi như có bàn tay níu giữ không nhấc nổi bước chân để gần hơn chút nữa nơi cô gái đang ngồi.
Bảo không ai ngược nổi sông này vẻ chừng vô lý lắm. Nước có siết đâu, bình lặng như hồ đấy chứ, mà nước trước khi chiều buông cũng thăm thẳm xanh trong như bao con sông tôi đã từng biết vậy. Đã mấy lần mở lời mà A Lử chỉ lắc đầu. Muốn sống thì đừng đi quá xa, không phải người đâu. Thật đấy.
Tôi thì tôi không tin vào chuyện A Lử kể hồi hôm. Làm gì có ai mà buông mình như bông gạo đỏ trên sông những buổi chiều tàn nắng. Có lẽ A Lử có điều gì khó nói. Nhưng khi khẳng định điều đó với tôi, tôi cảm được ở A Lử có gì đó rất thật. Lẽ nào cô không phải là người. Không thể, tôi đã từng cố đến gần cô gái ấy, ngay sát mép sông mà nàng không hề hay biết. Nếu không là người thì hẳn đã có thể biết được, đoán định được mọi thứ đang diễn ra quanh mình. Cảm nhận mùi xạ hương từ cô rất khác, khác với tất cả những hương liệu được chiết xuất từ tự nhiên, khác với tất cả những mùi hương tôi đã từng gặp, từng hít hà, từng đau khổ dằn vặt. Mùi hương này tinh khiết lắm, thánh thiện vô cùng.
Chiếc radio xèn xẹt như người mắc bệnh dù đã cố ngoẹo đủ các hướng mà vẫn xèn xẹt đến là điên. Tôi mang theo nó nhiều khi chỉ là thói quen chứ thực tình chẳng trông chờ gì vào mấy băng tần mà nó cố dò ở cái tuổi ngót nghét 40 của nó. Dân công trình chúng tôi điện thoại cùi bắp, chỉ để nhắn tin, nghe gọi, mua smartphone sảy chân cái rơi từ trên cầu xuống kể cũng là toi cơm gạo. Thế nên cái radio cha để lại cho tôi như người bạn già chia sẻ buồn vui suốt những ngày ăn sương nằm gió nơi công trường, đôi khi phải vỗ về như tình nhân, thậm chí nhiều lúc phải nạt nộ như con trẻ nó mới chịu nghe lời nhưng cũng õng ẹo lắm thay.
Tiếng nước ì ạp xô bờ, bóng chiều đã lịm hẳn chỉ còn một màu ôi ối cuối con sông đang tuột trôi vào chạng vạng. Cô gái ngồi đó ngây dại, tóc xổ tung theo từng đợt gió lùa đuổi dọc triền sông. Chiếc mảng đã gần lắm mà cô cũng chẳng hề hay biết, đến khi bàn tay lực lưỡng vòng ngang người cô, cô mới giật mình hoảng hốt. Mùi mồ hôi, mùi ươn ươn tôm cá lẫn cả trên cơ thể gã đàn ông, tràn cả vào trong từng cơn thở quyện với mùi xạ hương quến rũ từ thân thể cô gái đương xuân.
Buông ra!
Không?
Sẽ chết đấy!
Tôi muốn cứu em…
Tiếng cô gái dần lịm… chỉ còn gió và những âm thanh rên xiết của hai người. Sóng bắt đầu chao đảo, chiếc mảng xoay vòng rồi dạt trôi ra giữa con nước nơi bóng tối đã mênh mông.
Sao em không phản kháng?
Không biết, có lẽ bởi mọi thứ đều chẳng nghĩa lý gì, số phận sinh ra tôi đã vậy!
Chúng ta sẽ trốn, cô đi cùng tôi chứ?
Không, tôi còn mẹ, anh về đi, nếu làng biết anh sẽ không còn mạng nữa đâu. Dù sao cũng cảm ơn anh đã nghĩ đến tôi. Trước khi nằm dưới dòng sông lạnh lẽo này ít nhất tôi cũng được biết mùi vị đàn ông, nhưng hãy đi đi, đừng bao giờ nhìn lại, hứa với tôi, đừng bao giờ đến gần nếu không tôi sẽ chết trước mặt anh đấy!
Gã đàn ông ngẩn người đắm đuối nhìn khuôn mặt cô gái, trăng chênh chếch đầu non huyền hoặc, gương mặt thánh thiện hằng ngày mà gã khao khát vừa nẫy thôi còn quằn quại nóng bỏng mà giờ đã lạnh ngắt như băng.
Tôi hứa!
Nói có vậy rồi gã nhảy ùm xuống con nước, bơi liền một mạch ra chỗ chiếc mảng đang xoay giữa dòng. Vừa nhoi lên, gã giật thót mình khi thấy thu lu trên mảng một người đang ngồi. Hắn đã chứng kiến tất cả những gì gã vừa làm. Nỗi sợ hãi khiến gã thần người. Không được, hắn còn thì nàng và gã phải chết. Nghĩ có vậy, gã rút con dao luôn mang theo người dấu sẵn đoạn nhoài tay.
Kéo hộ tôi lên!
Người đàn ông im lặng chìa tay, khi bàn tay vừa chạm thì tiếng rú đã váng cả mặt sông, con nước vốn ngày quàu quạu đỏ giờ như được thêm màu, sẫm đậm dưới ánh trăng tê tái. Gió vẫn còn căng nhức. Gã quay lại phía bờ, nàng vẫn sõng soài trên đó ngửa mặt lơ đễnh như ma trơi…
Trời trở gió, triền sông vẫn tịnh không bóng người. Lần đầu tiên tôi chạy dọc mép sông chỉ để tìm mùi xạ hương hôm trước. Bóng chiều bỗng sầm sập ngầu lên theo con nước dữ dằn. Đoạn sông tôi qua như đảo dòng chảy ngược. Gió, bạt ngàn gió, khi u u, lúc lại lanh chanh như ai đó khóc cười. Lẽ nào A Lử nói đúng. Sông ma mười năm thức giấc một lần. Chiếc radio vốn rè rè dưng nay lành bệnh cứ ra rả bài hát “Sóng” của gã nhạc sĩ họ Lê nào đó. Sóng, vẫn lặng như tờ… tuổi thơ… tôi kịp nhận ra không còn là sông đảo chiều nữa mà chính trời đất vần vụ đang đảo chiều, đôi chân tôi cũng đang đảo chiều, chỉ có chiếc radio là ngoan cố vẫn rẹt rẹt câu hát của gã nhạc sĩ nọ.
Không có tàn nắng mà dòng sông vẫn quành quạch đỏ. Cuối trời tím lịm, từng cơn gió hú đuổi theo con nước căng cứng rồi bất chợt chưng hửng vòng về. Tôi đã đứng ở chính nơi cô gái thường ngồi. Bờ sông như đang nghiêng. Không có gì khác ngoài tôi và gió. Mười năm sông thức một lần, câu nói của A Lử khiến tôi lạnh dọc sống lưng. Mười năm sông thức, sẽ có một người phải nằm lại vĩnh viễn nơi này. Không lẽ lại là tôi, gã công nhân cầu đường có chút máu lãng tử, luôn muốn khám phá tất cả các con sông đã từng đặt chân tới. Không, không phải, đầu tôi chợt lóe lên ý nghĩ đó khi nơi tôi đứng là chỗ nàng thường ngồi. Bông gạo đỏ ối lập lờ trôi về phía hạ lưu con sông không phải là tôi. Tiếng sông trôi, tiếng của khóc cười tôi đã nghe rõ cả, còn bông gạo đỏ ấy đâu, cô gái đâu rồi. Lẽ nào nàng mới chính là người lặng lẽ mười năm ngóng đợi dòng sông thức?
Một bàn tay đẩy tôi gần sát mép sông hơn, một giọng gió se sẽ. Đi, đi nào… tôi cảm nhận được mình đang bồng bềnh trôi trong bạt ngàn cánh tay, bồng bềnh trong bạt ngàn lời gió. Đi nào, lời nói rất mỏng nhưng như có ngàn sức mạnh đẩy bước chân tôi lội thẳng xuống con nước đang quàu quạu đỏ.
Cô là ai?
Không ai cả! Nhanh nào, kẻo không kịp mất!
Lúc này tôi đã nhận rõ mình đang đứng trên con nước bập bềnh chao đảo. Cô gái khe khẽ ngửa mặt nhìn trời bí hiểm. Rồi nước mắt, là nước mắt hay nước sông nhòe nhoẹt mắt nàng. Có thể là nước mắt.
Sao cô lại khóc!
Tôi cười mà!
Cô đợi gì ở cái bến sông quái quỷ này?
Đợi trôi vào lòng nước!
Người ta bảo sông ma có thủy quái! Cô là…
Vật hiến tế! Mà thôi, im nào!
Tôi chỉ nghe được chừng đó thì bất ngờ cô gái buông tay, tôi kịp nhận ra trước tôi là bông hoa gạo đỏ ối lập lờ. Mắt nàng nhắm nghiền chứ không đòng đọc nhìn về phía chân trời như A Lử từng nói. Lẽ nào A Lử đã cố tình cho tôi biết điều không thực duy nhất về cánh hoa bập bềnh trên dòng sông ma khi tàn nắng. Chiếc radio bất chợt lanh lảnh bên hông: Trong câu chuyện mà tôi nghe/ Có cô gái trên bè trôi sông… trong câu chuyện bà tôi kể…
Trôi, trôi, trôi… tôi đã tưởng mình hiểu đủ các dòng sông ấy mà sai cả. Với dòng sông này, tôi trôi mà không chảy, chỉ ở mãi một điểm mà vẫn thấy bập bềnh, ngàn cánh tay như vẫn đang cố vần tôi như chong chóng. Nàng bỗng úp mặt xuống dòng, tôi khản giọng gọi, này cô, cô ơi… chỉ có tiếng nước, tiếng gió đáp lời. Nàng thoáng ngẩng mặt nhìn tôi, đúng là đôi mắt đòng đọc trừng trừng không khép… rồi cứ vậy nàng bồng bềnh tuột trôi, xa, xa dần và tắt lịm màu đỏ ối ấy nơi con nước vừa duềnh lên chao lượn. Mùi xạ hương cũng theo đó lặn vào mắt sóng mênh mang. Phía không xa một chiếc mảng dập dềnh.
Giữ lấy cô gái, kìa, giữ… cứu cô ấy đi…i..!
Người đàn ông trên mảng trống cây sào ngoằng ngoẵng đứng nhìn tôi chòng chọc rồi tiếp tục thản nhiên cho mảng ngược nước. Sao bảo không ai ngược nổi sông ma?
Sông lặng như tờ…
Lúc này tôi mới để ý phía bờ sông, trong gió, có tiếng lao xao rờn rợn. Là rắn, cả đàn rắn rào rào trườn sát mép sông, rồi ngoằn lại về phía hạ lưu nơi bông gạo đỏ ối đã tuột trôi trước đó… Dưới chân tôi là một phiến đá nhô cao khi nước lặng. Phiến đá chỉ đủ trú chân cho một con người. Nghẹn lòng chợt hiểu vì sao nàng lại buông tay.
A Lử mắt đỏ ngầu dốc cạn bát rượu.
Im lặng.
Gió bến sông đã ngớt mà tôi nghe như đang có tiếng gió ở đâu đó rất gần. Là A Lử, đúng rồi, người đàn ông trên mảng là anh ta.
Này, tôi nhận ra anh lúc con nước trở dòng, sao anh lại…?
A Lử không nói, tiếp tục rót tràn căng bát rượu lặng lẽ đưa lên miệng. Trông gã lúc này giống một sát nhân hơn một tay chài lưới chuyên nghiệp vùng sông nước nơi núi thẳm này. Tôi thấy A Lử thật đáng sợ, tôi không muốn nhìn thấy gã ta, mà đúng hơn tôi không dám nhìn vào gương mặt lạnh lùng ấy. Bất chợt tôi có liên tưởng dòng sông ma với khuôn mặt của cái gã đang ngồi trước tôi lúc này. A Lử mắt vẫn ngầu đỏ nhìn xoáy vào tôi khiến tôi bủn rủn không cả dám rời khỏi chỗ ngồi như đã định.
Tôi đã bảo tránh xa cô ấy ra, sẽ chết đấy, sao anh không nghe!
Nhưng tôi có chết đâu!
Anh không nhưng cô gái thì có! Mà không chỉ cô ấy, còn đứa con trong bụng cô ấy nữa!
Tôi choáng váng khi nghe câu này từ gã, song cố chống chế:
Anh đã có thể cứu, sao anh không làm?
Con nước trở dòng, bầy rắn… phiến đá duy nhất để cô ấy trú chân đã nhường anh rồi. Ý cô ấy đã quyết, tôi không thể làm khác!
A Lử lại tiếp tục đưa bát rượu lên ngửa cổ nuốt ừng ực. Ngay lần đầu gặp gã tôi đã thấy có gì đó rất lạ, tuy không biết đó là gì. Thì nay, đó là sự lạnh lùng của kẻ quăng quật bám dòng sông ma mà sống như một cô hồn.
Tôi đã cảnh báo đừng đến gần sao anh vẫn cố…
Nói vậy nhưng dường như gã không cần ở tôi câu trả lời đoạn gã thở dài.
Nàng là người, là người đấy. Tôi cũng là người, tất cả cư dân ở bến sông này đều là người nhưng có gì khác ma đâu!
Lúc này mặt gã đã đỏ gay, đôi mắt đục ngầu ấy chuyển sang ngây dại rồi gã kể, kể mà như nói với chính mình.
Cô ấy là Hạnh Nguyên, cái tên kêu lắm phải không, nhưng bất hạnh thì không ai bằng, chính tôi cũng là một trong số những nguyên do mang bất hạnh đến cho cô ấy… trong đôi mắt ngây dại của gã lặng lẽ giọt nước mắt buồn thẳm. Tôi nhận thấy gã đang đau đớn lắm, dằng xé lắm.
Nhẽ ra anh không có quyền biết về những bí mật của bến sông nhưng anh đã tham gia rồi, hãy nghe đi, nhớ đi, rồi tự anh hiểu sẽ phải làm gì.
Gã lại tiếp tục ngửa cổ tu thêm bát rượu cuối cùng.
Sông ma là cách mà đám dân chài chúng tôi đặt, nó là dòng sông rắn thì đúng hơn, dọc hai bờ sông cứ mười năm lại có cả ngàn vạn con rắn chạy trườn, chúng giết tất cả những gì chúng gặp, bất kể ai, người hay quỷ. Người già trong làng bảo phải dùng vật hiến tế, là con gái, con gái trinh nguyên đấy. Hạnh Nguyên là một trong số lựa chọn từ nhiều đời. Mẹ cô ấy cũng từng là vật hiến tế nhưng trót phải lòng một gã dân chài mà thất tiết, rắn vẫn về, cá tôm vẫn chạy sạch, chỉ có những vết trườn dài, máu me và sự u ám nơi bến sông. Bởi đó người ta đã truy nguyên và hành hình cha Hạnh Nguyên, cũng ngay tại bến sông này. Gió bắt đầu căng lại, tai tôi ù đi, hình ảnh gã trai bị trói bên sông chờ lũ rắn ào qua toe tướp máu me khiến tôi rùng mình.
Rồi sau đó?
Họ cho rằng Hạnh Nguyên phải làm việc đó thay mẹ, và cô lớn lên trong sự trông đợi, hy vọng của đám người bến sông. Nàng như hoa như ngọc, kể cũng chẳng mấy ai nhẫn tâm nhìn thân thể mỏng manh ấy bị quăng vào giữa bầy rắn nhưng luật làng đã định, không khác được.
Nhâng bát rượu trống không lên, gã lắc đầu đặt xuống sầu não.
Hạnh Nguyên có quyền được sống, nàng không việc gì phải hứng chịu những bất hạnh của cái làng nay. Những gã đàn ông lực lưỡng, những người già cả chức sắc lúc nào cũng ta đây chính trực, lúc nào cũng muốn khẳng định mình sao lại nhu hèn làm vậy, sao lại để mình nàng gánh chịu, sao lại đặt sứ mệnh giải cứu dòng sông, giải cứu tất thảy những sinh mang nơi bến sông này lên vai nàng chứ… tôi không đành lòng… ấy mà có người đã chứng kiến điều tôi làm với Hạnh Nguyên. Không còn lựa chọn khác, nếu không là hắn thì sẽ là tôi phải bỏ xác trên sông này… anh nói đi, tôi có tàn ác không, hay tôi đáng thương và cũng bất hạnh như nàng…?
Gã vừa dứt lời thì con dao sáng quắc đã đặt lên bàn. Tôi ngồi trôn chân, tim như muốn xổ ra khỏi lồng ngực. Chiếc ra đi ô nãy giờ tậm tịt lại rèn rẹt: Trong câu chuyện bà tôi kể/ Có cô tấm gội đầu bên sông/ Hàng khoai nước mơn man/ Tép tôm chiều tàn/ Một tấm lưới quang ngang/ Một tấm đan qua vùng xoáy… Tôi rùng mình, lẽ nào… A Lử đưa mắt nhìn tôi rồi ngây dại nhìn ra bên sống, bất thần gã vùng dậy lao ra đó. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì thì cái bóng ấy đã dập dờn nơi con sông bắt đầu chuyển sang màu đỏ ối. Gió ào ào bạt phía sông xa. Sóng bắt đầu chao đảo, tôi hãi hùng nhìn theo cái bóng vừa chìm lấp vào lòng sông đã bắt đầu chuyển sang màu tím lịm. Bên sông lúc này chỉ còn gió, là bạt ngàn gió, không còn bông gạo đỏ rực, không còn cái nhìn đòng đọc phía cuối trời, tất cả trôi ngang… chỉ còn gió và gió…
Hoàng Chiến Thắng