Tiếng đàn nơi sườn núi

Trong ánh sáng mập mờ, Diên không sao nhìn rõ người đối diện, không gian như đặc quánh lại. Chốc chốc ông thầy mo lại cất lên một hai tiếng nghe rõ nét rồi ông lại lẩm bẩm cúng, Diên thấy sốt ruột…, đã hai ngày nay mẹ cô mời thầy mo về cúng mà chồng cô vẫn chưa về. Bun đi theo một số người đào vàng, ban đầu chỉ là dẫn đường thuê cho cánh đào vàng nhưng với tham vọng làm giàu nhanh chóng, Bun không chịu đi nương nữa mà bỏ hẳn đi làm cùng bọn người đào vàng  nơi rừng thiêng nước đục, bốn tháng rồi chưa về nhà và cũng chẳng có tin tức gì cả.

Những làn khói quyện quánh vào nhau ôm sát lưng chừng núi, dưới gốc cây trẩu đang mùa trổ hoa, Bun ngồi tựa lưng vào gốc cây, được thừa hưởng từ ông nội, tám tuổi Bun đã thạo đàn tính. Tiếng đàn của Bun làm bao nhiêu cô gái phải lòng trong đó có Diên, hai đứa quen nhau trong dịp Tết mồng hai tháng chín. Bun nói Bun đã phải lòng Diên từ giây phút gặp nhau nơi cổng chợ, khi Diên cùng đám bạn đang xúm vào xem giới thiệu điện thoại, mắt Diên nhìn không chớp. Khi ấy, Bun ước giá có tiền Bun sẽ mua tặng Diên chiếc điện thoại có đính những hình trái tim.

Ngày hội xuân, bao giờ cũng thế Bun đàn Diên múa, những ngón tay Diên múa sao dẻo quá, ai ai cũng trầm trồ, hàng cúc bạc ánh lên lấp lánh trên gương mặt hiền hậu thanh tú. Mười chín tuổi Diên về nhà Bun làm dâu. Chưa đầy năm năm vợ chồng Diên đã có ba đứa con, cuộc sống khó khăn, con đàn nheo nhóc. Hàng ngày Diên để bọn trẻ tự trông nhau, cô đi nương tối mới về. Bản của cô nằm nơi lưng chừng núi, nhìn quanh chỉ thấy toàn sỏi đá, một số gia đình đã bỏ lại bản xuống núi buôn bán rồi định cư luôn nơi miền đất mới.

Từ khi nhà nước có kế hoạch di dân xây dựng công trình thuỷ điện, theo như lời thầy mo nói thì đã bị trời phạt, bản làng lộn xộn, ban đầu người dân cũng không chịu đến nơi ở mới, cán bộ xã huyện phải vào cuộc vận động. Cán bộ Lý khi ấy nghĩ ra một phương án đánh vào tâm lý của người dân với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Cán bộ Lý mời cán bộ Phòng văn hoá và thông tin huyện lên trao đổi và giao cho bên văn hoá tìm hiểu, dịch những bài hát từ tiếng Kinh sang tiếng Thái với nội dung ca ngợi đường lối chính sách của Đảng, ca ngợi công trình thuỷ điện mang ánh sáng văn hoá đến với bản làng, ca ngợi bà con nơi đây hiến đất đến nơi ở mới công trình thuỷ điện được khởi công. Cứ sáng sớm và chiều tối lúc bà con đi nương về, chiếc loa nhỏ từ nhà trưởng bản lại vang lên những lời ca tiếng hát ngọt ngào như tiếng mẹ ru con. Dần dần bà con hiểu ra, người này bảo người kia chỉ trong năm ngày bà con chuyển hết đến nơi ở mới. Từ khi đến nơi ở mới, Bun – chồng Diên không còn chịu khó đi làm nương như trước nữa, lúc nào Bun cũng cáu bẳn với vợ với mẹ và các con. Có một chút tiền nhà nước đền bù, Bun mua xe máy, tủ lạnh bàn ghế. Còn lại một ít, Bun bảo sẽ đi học sửa xe máy mua đồ về bản để mở cửa hàng. Nhưng chao ôi những dự định của Bun vẫn đang trong thời kỳ thai nghén thì một lần trong đợt đi học sửa xe ở thị trấn Bun quen mấy người đi đào vàng. Những vòng xoáy mới cứ kéo Bun ngày một xa gia đình và bản mới. Bun sắm toàn những thứ xa xỉ, Diên bảo mua tủ lạnh làm gì, có gì cất trong đấy đâu, ăn hàng ngày còn chả đủ thì lấy đâu ra để tích trữ.

Đàn gà con mới tách mẹ đang ríu rít tìm chuồng, Diên vào bếp nhóm củi nấu cơm. Tiếng củi nổ lách tách, Diên ngồi đây cơm sôi trào hết ra ngoài mà Diên đâu hay, đầu óc cô miên man trong suy nghĩ về Bun. Như một cái xác không hồn, Bun trở về trong một chiều mênh mang gió, Diên hỏi gì cũng không nói, Bố mẹ chồng lo lắng: “Hay nó bị chài?”, đến bữa cơm không ăn cứ nằm ngủ nhưng Diên biết Bun không ngủ mà chỉ nhắm mắt thế thôi. Cái bụng Bun nghĩ gì Diên không đoán được. Diên biết chồng cô có điều khó nói nên Diên cũng không hỏi chỉ âm thầm chờ đợi một ngày Bun sẽ nói ra.

Nhà nước có dự án hỗ trợ nguời dân phát triển kinh tế bền vững, trồng cây chè thay thế cây ngô năng suất kém thế nên Diên đi vỡ đất từ sáng sớm đến trưa mới về, chiều lại đi, mấy đứa trẻ ở nhà tự trông nhau, Bun thì cứ nằm ở nhà hết ngày này sang ngày khác.

Tiếng tính tẩu vọng lên từ nhà trưởng bản như đánh thức tâm hồn Bun, anh bật dậy như một cái lò xo, với cây đàn treo trên cột mà chắc phải hai năm rồi anh chưa động đến, bụi đã bám thành lớp lớp. Ngón tay trỏ của Bun cứ lướt nhẹ trên những dây đàn mong manh, như ai oán xót xa, mỗi một tiếng đàn vang lên, Bun lại mường tượng về những ngày xưa cũ, bên sườn núi Bun đàn Diên hát, ánh mắt trao nhau da diết, tiếng đàn dập dìu mời gọi, tiếng hát ngọt ngào như vừa mới ngày hôm qua.

Cái nắng cuối ngày nhẹ nhàng, biết Diên đi nương chưa về Bun vào bếp nấu cơm, tìm trên gác bếp thấy còn một ít cá khô sấy từ dạo tết chắc Diên vẫn để phần chờ Bun. Tay Bun lách nhẹ tấm phên nhỏ, gỡ từng con cá ra, một chút khói bếp và bồ hóng rơi vào đầu vào mắt Bun, nước mắt thằng đàn ông ba mươi tuổi tứa ra, vì có lỗi với bố mẹ, với vợ con hay vì chút bụi bồ hóng?

Đứa con gái lớn của Bun dẫn em đi chơi về trên lưng nó còn địu thêm gùi củi nhỏ, bỗng nó reo lên: “Then ơi hôm nay bố nấu cơm”. Tự nhiên dòng nước mắt Bun lại lăn xuống hai gò má xương xẩu. Thằng út chạy lạch bạch vào bếp ôm lấy chân bố, nó rúc đầu vào đùi bố mà dụi dụi mà nũng nịu. Có lẽ nó cũng nhớ hơi bố, mặc dù bố về nhưng những ngày qua Bun chẳng nói chẳng rằng nên đứa nào cũng sợ.

Bữa cơm dọn ra có cá khô vùi than, có rau dớn luộc chấm muối ớt, chỉ thế thôi nhưng Diên thấy như đang ăn cỗ vậy. Đứa út sà vào lòng bố, gỡ cá cho con nhưng thỉnh thoảng Bun lại nhìn sang Diên như muốn nói điều gì rồi cúi xuống. Ba đứa trẻ con thì vui ra mặt, không còn sợ mắng như mọi bận.

Ánh trăng mờ nhạt chốc chốc lại bị những đám mây ngang qua che khuất, đóng cửa chuồng gà xong, Diên ngồi nán lại nơi cái ghế tre kê ở sân. Các con đã ngủ say, gió hiu hắt. Diên bỗng nhớ bản cũ, nơi ấy cô cất bao ký ức đẹp và cả những buồn đau của tuổi thơ đói rách, cả tình yêu mà cô đã dành cho Bun, nơi ấy linh hồn người chị gái của cô chắc vẫn lưu luyến ở bản cũ. Mười sáu tuổi chị gái cô yêu A Dính ở bản bên nhưng gia đình A Dính không ưng vì nhà Diên quá nghèo. Chị gái Diên vì bế tắc trong một lần đi rừng về đã ăn lá ngón tự tử. Mẹ Diên như điên như dại, ốm suốt mấy tháng trời. Mà lạ thay nơi Diên sống, đá sỏi khô cằn mà cây ngón cứ mọc lên ngùn ngụt, không ai chăm bón nhưng lại tốt hơn những khoảnh rau được con người bỏ công chăm sóc.

Bản cũ của Diên giờ mênh mang nước, nằm dưới lòng hồ thuỷ điện, thi thoảng bố chồng Diên vẫn về đó lấy củi. Củi nhà Diên chất thành đống lớn khi đến bản mới không mang đi hết được đành xếp gọn vào bìa rừng. Mỗi lần về lấy củi bao giờ bố chồng Diên cũng nán lại trò chuyện với dòng sông nơi ông đã sinh ra và lớn lên suốt năm mươi năm trời, nơi con tôm con cá cũng trở thành hoài niệm.

Diên cứ ngồi nghĩ về mọi chuyện, cả chuyện về Bun. Bất giác có bàn tay chạm vào vai Diên, là Bun, Bun ra từ khi nào, Diên quay sang nhìn Bun bằng con mắt dịu dàng mà chất chứa bao nỗi niềm. Hai người cứ ngồi như thế rất lâu chẳng ai nói với ai lời nào, gió cứ miên man nghịch ngợm mái tóc Diên. Sương xuống ướt cả cái ghế tre, ướt cả tóc Diên. Trên khuôn mặt mờ mờ giọt sương từ cây sa mu rơi xuống má Diên hay là nước mắt Diên. Bun đang cố suy đoán.

– Anh có lỗi với Diên với bố mẹ và các con. Anh xin Diên hãy tha lỗi cho anh. Số tiền của gia đình anh trót theo bạn bè đánh bạc thua hết rồi nên anh không dám về nhà.

Như một thước phim quay chậm trong đầu Bun hiện ra những ác mộng ở mỏ vàng. Bun thua bạc càng đánh mong gỡ gạc lại càng thua, không có tiền trả Bun bị đánh hết trận này đến trận khác. Đêm, cứ chợp mắt Bun lại thấy bản của mình ngập trắng, bố mẹ và vợ con cứ chới với gọi tên Bun, nước mắt cứ trào ra trong cơn mơ đêm nào cũng vậy, dù biết có lỗi với gia đình nhưng ngay ngày mai nhất định Bun phải trở về.

– Nói gì đi Diên?

Diên không nói gì cứ ngồi im như thế, cô biết nói gì với Bun bây giờ, cô thấy thương bố mẹ và các con, Bun biết nhận ra cái sai, cái lỗi của mình là Diên thấy ấm dạ rồi, còn người còn làm ra của. Nắm chặt bàn tay của Bun Diên bảo:

– Đi ngủ thôi, sáng mai Bun đi vỡ đất cùng em nhé.

Ánh trăng cũng đã đi ngủ, gió cũng đã im lìm, những giọt sương dường như cũng không rơi nữa nhường không gian cho đêm bình yên và ấm áp.

Phạm Đào


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.