Người giữ “hồn cốt” dân tộc Dao trên cao nguyên Sìn Hồ

Những ngày cuối tháng năm, trên cao nguyên Sìn Hồ, chúng tôi gặp một người đã có hơn 20 năm nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình tới thế hệ kế cận và cộng đồng. Ông là Nghệ nhân Ưu tú Tẩn Kim Phu – một “kho tàng sống” về văn hoá dân tộc Dao tỉnh Lai Châu.

Đến huyện Sìn Hồ, hỏi bất cứ bà con người Dao nơi này, không ai là không biết đến ông Tẩn Kim Phu. Ông không chỉ là người con ưu tú của dân tộc Dao mà còn là người truyền cảm hứng đến mọi người về tình yêu văn hóa bản địa truyền thống. Sinh năm 1938, đến nay tuy sức khỏe có yếu, đôi mắt đã mờ dần, nhưng ông Tẩn Kim Phu, vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sưu tầm những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Dao.

“Vật báu”

Trong căn nhà xây có tuổi đời trên 40 năm, những mảng tường vôi đã bong tróc xây từ thời ông còn làm cán bộ huyện,  ông lấy ra những bản thảo viết tay bằng chữ Nôm Dao từ trong chiếc tủ gỗ cũ kỹ. Đó là những tài liệu bao năm ông dày công sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ. Tất cả những phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào Dao xưa được ông “buộc” gọn trong những cuốn sổ tay. Đó là những ghi chép, những bản thảo vô cùng giá trị, với ông nó là “vật báu”.

Tuy tuổi đã cao, nhưng Nghệ nhân Ưu tú Tẩn Kim Phu vẫn miệt mài sưu tầm, nghiên cứu văn hoá Dao.

Ông Phu chia sẻ, thời trước chưa có trường lớp như bây giờ nên thế hệ ông không được học chữ. Cách mạng tháng 8 thành công, ông biết chữ phổ thông qua lớp các “bình dân học vụ”. Vốn thông minh, sau 3 tháng, ông đã biết đọc, biết viết. Sau này thoát ly gia đình, ông vừa học, vừa làm, Tẩn Kim Phu đã hoàn thành chương trình bậc phổ thông trung học và tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông đã từng là người lính phòng không không quân, năm 1975, Tẩn Kim Phu giải ngũ trở về quê hương. Ngày ấy cả huyện Sìn Hồ chỉ có duy nhất có một chiếc đài bán dẫn. Vốn là người am hiểu văn hoá, ông được lãnh đạo huyện giao nhiệm vụ hàng ngày mở đài phát thanh cho nhân dân nghe. Thời đó, pin nghe đài rất hiếm, nguồn cung cấp chờ phân phối theo định mức nên đi đến đâu có pin là ông cố xin, hoặc mua bằng được để về phục vụ bà con nghe đài.

Sau này, làm đến chức Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch UBND, rồi Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện, nhưng mỗi lần đi công tác ông vẫn không quên mang theo chiếc đài bán dẫn và cuốn tài liệu ghi chép chữ Dao cổ bên mình. Và phải đến năm 2001, khi nghỉ hưu, ông mới có thời gian để nghiên cứu sâu về văn hóa dân tộc Dao.

Bản thân ông và người dân Sìn Hồ ngày ấy mê các chương trình văn hoá, văn nghệ, thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam. Với tình yêu và “nghiện” các chương trình của Đài, ông Phu được ban lãnh đạo Đài Phát thanh và Truyền hình Lai Châu mời xây dựng chương trình phát thanh tiếng Dao của Đài. Năm 2006, ông được mời làm kiểm thính Chương trình phát thanh tiếng Dao của Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2017, do sức khoẻ ông xin nghỉ thôi cộng tác, nhưng ông vẫn là “cố vấn đặc biệt” của Đài Lai Châu nhất là với lớp biên dịch viên trẻ ông luôn tận tình chỉ dạy.

Những cuốn băng cassette, máy đánh chữ cơ cổ, giấy bản, mực nho… là những phương tiện gắn bó với ông Phu.

Trăn trở khi văn hoá dân tộc bị mai một

Ông Tẩn Kim Phu kể: Những năm 60 của thế kỷ trước, nước ta ảnh hưởng cuộc Cách mạng Văn hoá vô sản thực hiện xây dựng nếp sống mới trong việc cưới, việc tang. Vì vậy, tất cả các loại hình tín ngưỡng bị bài trừ, nhiều tục lệ tang ma, cưới hỏi của người Dao đã bị cấm đoán. Sau này, Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam ra đời, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là khôi phục bản sắc văn hóa của các dân tộc. Ban đầu công việc nghiên cứu sưu tầm văn hóa của đồng bào người Dao Sìn Hồ gặp không ít vất vả bởi chữ Dao cổ biến âm từ Hán tự cổ, nên việc truyền dạy gặp nhiều khó khăn. Ông Phu lý giải: “Đầu tiên phải học thuộc chữ Hán cổ (theo âm Hán), rồi mới biến âm thành tiếng Dao. Song phát âm tiếng Dao dùng chữ Hán cổ lại biến thành bốn thứ tiếng Dao khác nhau như: Tiếng Dao thường ngày trong giao tiếp, tiếng Dao trong diễn xướng ca hát, tiếng Dao trong lễ cúng thông thường và tiếng Dao trong lễ cúng thần linh…”.

Theo ông Phu, dân tộc Dao trong cả nước có đến 24 ngành. Các ngành Dao phần lớn có văn hoá tương đồng, nhưng có những từ ngữ khác nhau. Do việc sử dụng chữ Dao qua phức tạp, mà những người biết chữ chưa chắc đã hiểu rõ nghĩa chữ Dao cổ, bởi vậy đối tượng am hiểu chữ Dao cổ rất hiếm. Trước thực trạng chữ Dao cổ đang dần bị mai một. Để có thể tìm lại được những văn tự cổ hay những cuốn truyện thơ, những bài hát, bài cúng trong dân gian, ông không quản ngại khó khăn tìm lên những bản làng xa xôi, đến từng hộ người Dao sưu tầm, ghi chép.

Chính trong những chuyến điền dã tìm kiếm những giá trị văn hoá Dao cổ đang thất truyền trong dân gian, đã mở ra trong ông cả một kho tàng văn hoá qua lời kể của các già làng, trưởng bản, các thầy mo, thầy tào. Ông cố gắng tận dụng khoảng thời gian qúy báu ấy để lược ghi cơ bản nhất những giá trị văn hoá bản địa truyền thống của dân tộc Dao. Biết bao câu chuyện về cuộc sống cũng như sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Dao để răn dạy con cháu được ông viết song ngữ để bà con hiểu như: “Dìa xỉ thiên nèng xỉ tỷ, pù kín pú mu kín hò dần” có nghĩa là “Cha là trời, mẹ là đất, không kính cha mẹ thì kính ai, không thờ cha mẹ thì thờ ai”. Hay những câu thơ, những câu chuyện được ông sưu tầm, đúc kết mấy chục năm sau mỗi chuyến đi trở thành những cuốn sách quý về văn hoá người Dao Sìn Hồ.

Năm 2003 – 2004, ông cho ra đời 2 tập sách mang tên “Chuyện cổ người Dao” kể về sự ra đời nguồn gốc của loài người và đặc biệt là sự ra đời của người Dao cũng như nếp ăn, nếp ở, nếp sinh hoạt hàng ngày giữa con người với tự nhiên. Rồi những cuốn sách về văn hóa Dao như: “Chuyện thơ người Dao Khâu, tập 1, tập 2”; “Nghi lễ trong việc cưới, việc tang của người Dao Khâu”; “Những lời răn dạy đạo đức trong sách cổ của người Dao…”. Đến nay ông đã có gần mười đầu sách, thơ, phong tục văn hóa bằng tiếng Dao đã được xuất bản. Trong số đó, phải kể đến cuốn “Truyện thơ người Dao Khâu ở Sìn Hồ – Lai Châu” xuất bản năm 2015. Xuyên suốt bộ sách là những câu chuyện, bài thơ nói về lịch sử hình thành dân tộc Dao Khâu, những lời răn dạy, những nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Dao Khâu, lễ hội, phong tục truyền thống. Những lý giải dân gian được ông viết dưới góc nhìn văn hoá dân gian như truyện “Bàn Cổ khai thiên lập địa ca” nói về lịch sử hình thành người Dao Khâu. Trải qua nhiều dấu ấn của lịch sử, người Dao di cư sang nhiều vùng đất, nhưng dù ở đâu, người Dao vẫn sống ở núi rừng, làm nhà gỗ to và có bàn thờ thần thánh, tổ tiên. Truyện “Lưu Ngưu võng ca” nói về người con kiên trì tìm cách minh oan cho bố mẹ mình. Hay như tác phẩm “Lời răn đạo đức trong sách cổ người Dao”, cuốn sách mà bao năm ông dày công sưu tầm, biên dịch, nó như cuốn cẩm nang về văn hoá Dao cổ…

Ông Phu trầm ngâm tâm sự: “Uống nước phải biết nhớ nguồn, là con em người Dao mà không biết văn hóa truyền thống, thì như cây bị ruỗng mục từ gốc rồi. Giờ cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa Dao cổ đã bị mai một, cách tân. Nếu không biết bảo tồn, phát triển, thì văn hóa, bản sắc dân tộc sẽ mất. Khi nào còn sức, già này vẫn phải cố gắng lưu giữ, sưu tầm, giữ được bản sắc chừng nào, hay chừng ấy, là vốn quý cho thế hệ mai sau…”.

Với những cống hiến không biết mệt mỏi trong công tác sưu tầm, biên dịch, lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Dao. Năm 2015, ông Tẩn Kim Phu đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu nghệ  nhân Ưu tú vì đã có những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy văn hóa  dân tộc.

 

   Bài, ảnh: Hà Minh Hưng

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.