Tết lính đầu tiên

Một ngày đầu xuân, những tia nắng non tơ trải khắp không gian. Thấp thoáng qua ô cửa kính ô tô là màu xanh của núi đồi và những cây đào rừng đua nhau khoe sắc. Xe dừng lại trước cổng doanh trại, chúng tôi xếp thành hàng dọc bước những bước chân đầu tiên vào đơn vị. Tâm trạng tôi có chút bỡ ngỡ, lạ lẫm và thấy mình nhỏ bé trước thảm cỏ xanh mơn mởn được cắt tỉa phẳng lỳ và những dãy nhà ở ngay ngắn, gọn gàng. Những bồn hoa, cây cảnh trước mỗi dãy nhà được cắt tỉa tỉ mỉ, đẹp mắt. Những bông hoa rung rinh trước gió và sự niềm nở đón tiếp của cán bộ các cấp làm tâm trạng tôi bớt căng thẳng. Trong buổi sớm đầu xuân ấy, tôi quyến luyến bên mẹ và em gái cùng những người bạn học phổ thông – những người đã ra tận cửa xe ô tô tiễn tôi lên đường nhập ngũ. Mẹ tôi, người phụ nữ ít nói, điềm đạm, tâm lý và chu đáo. Tiễn tôi lên đường nhập ngũ mẹ không khóc, có lẽ mẹ đã quen cảnh trước kia tiễn bố tôi trở về đơn vị sau những ngày nghỉ phép ngắn ngủi, cũng có thể mẹ tin tưởng và yên lòng vì tôi đã trở thành chiến sĩ

– Lên đơn vị, con yên tâm rèn luyện cho tốt, hoàn thành nhiệm vụ! – Mẹ nói vội với tôi, trước khi xe chuyển bánh.

Đêm đầu tiên xa nhà, tôi nhớ mãi tâm trạng thao thức của mình. Đêm mà tôi và đồng đội còn chưa biết hết tên nhau, ngủ chung một phòng, nằm chung một giường, người tầng trên, người tầng dưới. Tôi lắng tai nghe phía góc phòng có tiếng khóc thút thít nửa muốn kìm nén nửa muốn òa vỡ của ai đó vì nhớ nhà. Tôi hít thở thật sâu cho tâm trạng đỡ bồn chồn rồi dần chìm vào giấc ngủ đầy mộng mị. Từ nay mọi sinh hoạt từ ăn nghỉ, học tập, công tác và rèn luyện của chúng tôi đều cuốn theo một thời gian biểu kín mít với các chế độ trong ngày trong tuần và trong tháng. Những ngày đầu tiên trong quân ngũ với biết bao bỡ ngỡ và lạ lẫm làm cánh tân binh chúng tôi cứ xoay như chong chóng. Từ ngày nhập ngũ, chúng tôi ở riết trong doanh trại, hàng ngày luyện tập ngoài thao trường bãi tập, làm bạn với súng, đạn, hầm hào, miệt mài với những buổi hành quân đêm. Hôm nay chi đoàn chúng tôi cùng chi đoàn địa phương phối hợp tổ chức buổi lao động giúp đỡ nhân dân trên địa bàn đóng quân. Ai cũng háo hức, thấp thỏm. Mọi người rục rịch chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Những lưỡi cuốc, lưỡi xẻng được mài dũa cho sắc, cán được chêm lại cho chắc hơn. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng lặng lẽ chuẩn bị cho mình bộ quân phục mới nhất, sạch sẽ nhất. Tôi chỉnh tề trong bộ quân phục dã ngoại sạch tinh tươm, gấp vuốt phẳng phiu.

– Tại sao đi lao động lại ăn mặc oách như vậy? – Có người hỏi tôi.

– Tiếp xúc với nhân dân cũng phải thể hiện tác phong chính quy của quân nhân chứ!

Nói vậy, nhưng trong thâm tâm tôi ngượng lắm. Vì ngoài việc thể hiện lễ tiết tác phong của người chiến sĩ, đây còn là dịp để chúng tôi gây ấn tượng với những cô thôn nữ địa phương.

Sau một ngày lao động vất vả, hết đắp đường, phát bờ, dọn mương… bộ quân phục sạch sẽ, thơm tho là vậy, giờ lấm lem bùn đất và khen khét mùi mồ hôi. Nhưng đổi lại chúng tôi và nam nữ thanh niên địa phương trở nên gần gũi hơn, nói cười vui vẻ, không ai để ý đến bộ quân phục loang lổ vệt mồ hôi muối đang mặc trên người. Đồng đội tôi ai cũng tươi cười niềm nở, trên khuôn mặt đen sạm, nhễ nhại mồ hôi vì mưa nắng thao trường phảng phất nụ cười rạng rỡ vì đã làm một việc đầy ý nghĩa. Còn gì hạnh phúc hơn khi được thưởng thức hương vị ngọt ngào của bát nước chè xanh từ tay cô thôn nữ, có cơn gió nào mát hơn cơn gió từ chiếc nón của người mẹ già phe phẩy quạt cho chúng tôi trong lúc nghỉ giải lao và có tình yêu thương, gần gũi nào hơn khi bao ân tình mẹ dành cho chúng tôi trong câu mắng yêu:

– Cha bố chúng mày, chỉ tếu táo là giỏi! – Tôi nghe mà thấy lòng mình ấm áp, thân thương đến lạ.

Những ngày miệt mài huấn luyện trên thao trường, bãi tập làm thời gian trôi nhanh hơn. Những bỡ ngỡ của ngày đầu quân ngũ nhanh chóng qua đi, chúng tôi trở lên dạn dĩ, tự tin hơn trên cương vị của người chiến sĩ. Một mùa xuân mới lại về khi những cây bàng khẳng khiu trước sân đơn vị như phá vỡ cái lạnh lẽo của mùa đông giá buốt bằng cách đâm những chồi non mập mạp, khỏe khoắn đón ánh nắng xuân ấm áp.

Ngày ba mươi tết. Cả đơn vị nh­ư tất bật hẳn lên. Mọi ng­ười phân công nhau tổng dọn vệ sinh doanh trại chuẩn bị đón tết. Một số tiến hành quét dọn nhà cửa, số tỉ mỉ lau chùi gi­ường phản, bàn ghế… Bếp ăn tiểu đoàn sôi động hơn mọi ngày, một nhóm rất đông chiến sĩ ngồi khoanh tròn gói bánh chư­ng xanh. Ai ai cũng bận rộn hăng hái. Nhìn không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón tết, bất chợt trong tôi trào dâng nỗi nhớ nhà da diết. Cũng ngày này năm ngoái. Tôi đã cùng đứa em gái trang hoàng cho cành đào tết bằng những quả bóng bay đủ màu sắc, rồi hai anh em xuống bếp giúp mẹ chuẩn bị mâm cỗ cúng ba m­ươi. Nh­ưng mà hôm nay tôi đã là một ngư­ời lính, đang cùng đồng đội chuẩn bị đón cái tết xa nhà đầu tiên trong đời mình. Cảm giác phấn khích của ngư­ời lính trẻ pha lẫn cảm giác nhớ nhà làm tâm trạng tôi chơi vơi. Một phần tôi muốn ở lại cùng đồng đội đón xuân, phần khác tôi lại muốn về nhà sum họp cùng gia đình trong ba ngày tết. Tôi được Ban Chỉ huy Tiểu đoàn giao cho trang trí phòng Hồ Chí Minh để đón giao thừa. Một tấm phông xanh được căng lên. Lá cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ treo trang trọng. Ban thờ Tổ quốc với mâm ngũ quả đầy ắp các loại bánh kẹo, cặp bánh ch­ưng xếp ngay ngắn.

– Chẳng khác ở nhà là mấy! – Tôi nghĩ thầm trong bụng.

Đón giao thừa cùng chúng tôi còn có đông đảo nam, nữ thanh niên địa phương. Quần áo đủ màu sắc của những chàng trai, cô gái hòa cùng màu xanh áo lính làm căn phòng thêm sinh động và ấm cúng hơn. Cuối cùng thời khắc chờ đợi đã đến, mọi người chăm chú lắng nghe lời chúc tết của Chủ tịch nước qua chiếc máy thu hình. Không gian tư­ởng chừng như­ chững lại, cảnh vật như­ chùng xuống, chỉ có lòng người chiến sĩ xa nhà là háo hức, thấp thỏm chờ đón, từng giây, từng giây một. Bỗng cả thiên nhiên, đất trời, con ngư­ời như­ bừng tỉnh khi những bông pháo hoa đủ mầu sắc nở bung ra, xoay tít trên màn hình vô tuyến.

Một năm mới bắt đầu. Những tiếng vỗ tay rộn rã, mọi ng­ười bắt tay nhau, cùng chúc một năm mới dồi dào sức khoẻ và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đ­ược giao. Không khí trong phòng sôi động nhộn nhịp hẳn lên. Mọi ng­ười mang tâm trạng hân hoan bư­ớc vào phần thi “hái hoa dân chủ”. Tôi bắt đư­ợc bao lì-xì bên trong đó có ghi câu hỏi: Đề nghị hát một bài hát truyền thống? “…Vì nhân đân quên mình, vì nhân dân hi sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình”. Chất giọng ồ ồ của tôi vang lên cùng tiếng vỗ tay nhịp nhàng của đồng đội. “…mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ …’’ – lời bài hát quen thuộc mỗi  độ xuân về đư­ợc cô gái có đôi má lúm đồng tiền cất lên, mọi người im lặng lắng nghe. Phút giao thừa qua đi. Mọi người chia tay nhau lư­u luyến, bịn rịn. Tôi mang tâm trạng khó tả của mình về giường ngủ mà không sao chợp mắt đ­ược. Một lần nữa cảm giác nhớ nhà lại tràn về. Những hình ảnh rất đỗi thân quen hiện rõ trong tâm trí. Đó là cảnh gia đình quây quần bên mâm cỗ cúng giao thừa hay hình ảnh bạn bè cùng trang lứa nô nức kéo nhau đi hái lộc đầu xuân. Tất cả nh­ư hiện rõ trong tâm trí rồi nhòe đi trư­ớc mắt tôi. Cả căn phòng im phăng phắc. Tôi nghe rõ tiếng cựa mình của đồng đội, văng vẳng đâu đó tiếng khóc thút thít sụt sịt nh­ư cố kìm nén trong lồng ngực. Trùm kín chăn, tôi cố xua đi cảm giác yếu mềm. Nếu không phải là ngư­ời lính có lẽ tôi đã vùng chạy về nhà cùng gia đình! Cắn chặt mép chăn, tôi cố nén lại cảm xúc dâng trào vì tôi biết, chỉ cần tôi để bật ra tiếng nấc đang ứ nghẹn thì tôi sẽ òa khóc ngay lập tức vì nhớ nhà. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài xuống cánh tay đang gối đầu ­ướt đầm đìa. Tôi như­ đắm chìm trong giấc ngủ chập chờn với những giấc mơ êm đềm thủa còn thơ, cái thời nằng nặc đòi bố mẹ sắm cho bộ quần áo tết mới toanh rồi xúng xính đi khoe với bạn bè, giữ kh­ư kh­ư trong túi những bao lì xì đỏ.

Mùng một sớm mai. Tôi thức dậy thấy tâm hồn lâng lâng, có chút thư­ thái êm đềm pha chút bâng khuâng bồi hồi. Trong tôi lúc này tâm trạng hân hoan, phấn khởi xen lẫn với cảm giác bồi hồi nhớ về gia đình, người thân. Như­ng chỉ mới qua một đêm thôi cảnh vật có nhiều thay đổi lắm. Tất cả như­ đ­ược khoác lên mình tấm áo mới. M­ưa xuân bay nhè nhẹ, bồng bềnh như­ sư­ơng, đọng lại trên thảm cỏ non tơ xanh mơn mởn là vô vàn những hạt long lanh tinh khiết. Bầu trời như­ cao hơn, trong và xanh hơn, không khí trong lành man mát. Trên cây bàng trước sân, lũ chim sâu ríu rít chuyền cành. Đồng đội tôi, ai cũng có dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, c­ười nói vui vẻ, đi đứng chững chạc, ăn nói hồ hởi. Trên khuôn mặt phẳng phất nắng gió thao trường luôn đọng lại nét t­ươi vui, rạng rỡ. Nh­ư vui lây cái vui của đồng đội, tâm trạng nhớ nhà trong tôi tan biến nhẹ nhõm như làn mư­a bụi, như­ờng lại cho cảm giác phơi phới tràn trề sức xuân.

Nếu không qua đêm giao thừa đáng nhớ ấy, có lẽ tôi không bao giờ biết đ­ược gia đình có ý nghĩa quan trọng với tôi như­ vậy và cũng chẳng bao giờ tôi đ­ược sống trong tình cảm đồng đội chân thành đến thế. Tôi đã thêm một tuổi trong vòng tay đồng đội. Cành đào tết đã nở hoa, những cánh hoa hồng thắm.

TRỊNH HỒNG HẢI


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.