Ý nghĩa nhân văn trong lễ đặt tên con của người Pu Nả

 

Lễ đặt tên cho con của người Pu Nả là một tập quán lâu đời, được ông cha truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua thời gian, đến nay người Pu Nả vẫn giữ gìn và bảo tồn tập tục đẹp này. Lễ đặt tên cho con của người Pu Nả thường tổ chức rất long trọng. Nhất là đứa con đầu lòng của mỗi cặp vợ chồng. Đặt tên cho đứa con đầu lòng thường phải tìm được tên hay, bởi vì tên đứa con đầu lòng sẽ là tên đệm của cha mẹ suốt cả cuộc đời. Từ ngày có con thì bố mẹ đứa trẻ sẽ gọi đệm bằng tên con. Ví dụ: Đứa trẻ tên là Xuân thì bố mẹ đứa trẻ cũng được gọi là bố Xuân, mẹ Xuân (Pủa Xuân hay còn gọi là tia Xuân, mỉa Xuân).

Ông bà nội, ngoại cũng gọi là ông Xuân, bà Xuân, (Páo dận Xuân, giả dận Xuân); ông ngoại thì gọi là (Páo Ta Xuân, bà ngoại thì gọi là Giả Táy Xuân). Người Pu Nả quan niệm, nếu người con trai ngoài 30 – 40 tuổi, chưa có con vẫn gọi tên khai sinh của mình, thì bản thân của người đó rất tủi thân. Bố mẹ nội ngoại rất lo lắng cho đôi vợ chồng. Không biết tại con dâu hay con trai mà vẫn chưa sinh được cháu đầu lòng. Có ông bố, bà mẹ đi khắp nơi tìm thuốc về cho con uống để mong con mình sớm có đứa cháu đầu lòng. Nhiều ông bố, bà mẹ thì đi tìm thầy Mo, bà Then để bói xem vì sao con mình chưa có con. Bên cạnh đó, thiên hạ thường hay xì xào anh đó, chị kia không có con, thậm chí có người còn nói hai vợ chồng đó không bao giờ có con… làm cho đôi vợ chồng càng thêm tủi thân, bố mẹ suy nghĩ nhiều.

Bữa cơm đặt tên cho con của người Pú Nả.

Chính vì lẽ đó, khi có con đầu lòng, người Pu Nả rất chú trọng đến việc tổ chức lễ đặt tên cho con. Dù đứa con đó là con trai hay con gái đều tổ chức như nhau. Lễ đặt tên cho con được tổ chức vào ngày thứ 3 sau khi sinh. Pu Nả gọi là “Cân tsâm hát” hay còn gọi là “Cân ây nhìa”. Ngày tổ chức lễ, anh em chú bác, họ hàng gần xa của hai bên gia đình đều đến dự để mừng cho đôi vợ chồng và dự bữa cơm thân mật. Khi đến dự, có người thì mang 2 mét vải hoa đến mừng cháu, có người mang hàng chục quả trứng gà, có người thì mang đến mấy cân gạo ngon gọi là thêm sữa cho trẻ…

Lễ đặt tên con, gia đình thường mổ con lợn từ 30 – 40kg, có nhà còn mổ con lợn tới năm, sáu chục cân. Sau khi làm xong các thủ tục cúng tổ tiên, gia đình tổ chức bữa cơm thân mật từ 5 đến 6 mâm trong đó có một mâm đặt ở gian giữa trước bàn thờ dành cho các cụ ông già làng ngồi. Trên bàn ăn cơm có một bát gạo, trên bát gạo được đặt lên một quả trứng gà, quả trứng được đặt đầu ngọn lên trên và thắp một nén hương cắm bên cạnh quả trứng. Sau khi nâng chén rượu chúc mừng ông bà nội, ngoại rồi bữa cơm vẫn tiếp tục vui khoảng 30 phút sau thì tổ chức đặt tên cho cháu. Cách đặt tên như sau: một ông cao tuổi trong nâm, có uy tín đặt tên cho cháu trước, tay nhúm một ít gạo trong bát giơ lên cao chừng 10 – 15cm rồi thả xuống nếu có hạt gạo đậu trên quả trứng thì coi là đứa trẻ đã ưng tên đó, thì đặt luôn tên đó cho đứa trẻ. Nhưng nếu chưa có hạt gạo nào đậu trên quả trứng thì đứa trẻ chưa ưng lại phải tìm tên khác. Sau đó, một người khác lại nêu tên mới (thủ tục làm lại như trên) nếu vẫn chưa có hạt gạo nào đậu thì cứ tiếp tục tìm tên khác như trên, đến khi nào tìm được tên mà đứa trẻ ưa thích thì mới thôi, thậm chí có đứa trẻ phải gọi tới hàng chục tên khác nhau mới được đứa trẻ ưng và bố mẹ đứa trẻ cũng thích, ông bà hài lòng. Trong việc đặt tên cho con của người Pu Nả có điều rất kỵ là không được đặt tên trùng với một người nào trong gia đình nội, ngoại.

Pu Nả có câu:

  Giảm pây lang mầy mã     

  Giảm pây nã mầy quay                         

Nghĩa là:

Trùng bên ngoại chậm lớn

  Trùng bên nội không khôn

Sau khi đứa trẻ có tên rồi, thì cha mẹ  cũng có tên con để đệm, ông bà nội ngoại cũng vậy.

Vì lẽ đó, nên lễ đặt tên cho con của người Pu Nả không thể thiếu được mà cũng không để quá 3 ngày sau khi sinh nở. Người Pu Nả không tổ chức đầy tháng và cũng không tổ chức sinh nhật. Việc khai sinh cho đứa trẻ, thời trước được viết giấy khai sinh bằng chữ nho vào miếng vải đỏ rộng khoảng 10 – 15cm dài khoảng 20cm. Hình thức khai sinh là sau khi sinh phải đợi đến tháng 7 hoặc tháng giêng âm lịch trong năm hoặc vài năm sau mới mời thầy biết chữ nho đến nhà để viết khai sinh cho đứa trẻ. Khai sinh ngày xưa viết sinh giờ con gì, ngày con gì, tháng con gì, năm con gì (Pu Nả gọi là Pạ Sứ) sau đó cất cẩn thận khi trưởng thành đi hỏi vợ, lấy chồng mới đem ra xem đối chiếu hai người có hợp tuổi, hợp duyên không? Có lấy được nhau không…? Nếu xem hợp nhau thì bố mẹ mới thả mối.

XUÂN CHIẾN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.