Về Nậm Nhùn thăm dấu tích xưa

Anh bạn đồng nghiệp nhiếp ảnh Văn Thắng rủ: “Đi Nậm Nhùn không? Ngày mai huyện tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia bia Lê Thái Tổ và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia, có cả đua thuyền đuôi én đấy”. Thực sự cũng đã lâu rồi tôi chưa vào trong đó, thế là nhận lời ngay.

Đồng hành cùng chúng tôi có anh Thái Hữu Thịnh quê ở Nghệ An, giờ thì là người Nậm Nhùn rồi. Hiện anh đang cộng tác cho một tờ báo trung ương, Thịnh thuộc tuýp người say văn hóa dân gian, chuộng chủ nghĩa xê dịch, nên cứ rong ruổi đó đây suốt. Và rồi một ngày kia chẳng hiểu sao lại phải lòng con gái Thái Nậm Nhùn, thế là xanh cây bén dễ luôn ở đó, lần này vào công tác cũng là về thăm nhà.

Lai Châu sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài giờ thì nắng như rót mật, nắng chiều vàng ruộm làm cho hoa lan, hoa đào càng thêm rực rỡ. Xe chạy bon tít trên quốc lộ 12, đường nhựa phẳng lỳ, uốn lượn như dải lụa, ôm sát lấy bờ sông Nậm Na. Đến ngã ba Lai Hà chúng tôi dừng chân giải lao, Nậm Na mùa này bình yên xanh thẳm. Nhìn cây cầu Lai Hà sừng sững hoành tráng bằng xi măng cốt thép vắt qua sông nối tỉnh lộ 127, thế mới biết đường xá nay đi lại tiện quá. Là hai huyện xa xôi nhất tỉnh Lai Châu, nghe nói Nậm Nhùn, Mường Tè đã có xe giường nằm về Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa. Chẳng bù cho ngày trước đi lại vất vả, chỉ tính từ quãng đường từ huyện ra đến tỉnh cũng mất cả ngày, giờ về xuôi chỉ trong một đêm. 10 năm trước, cái thời chưa có dự án thủy điện, cũng tọa độ này, vị trí này là cây cầu sắt, những con đường mòn đỏ au đưa lối về bản. Nơi ấy có những mái nhà làm bằng đá xẻ thâm nâu, mòn nhẵn như trán người già, giờ thì tất cả dưới vực sâu kia rồi.

Đền thờ Vua Lê Thái Tổ được Bộ văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

  Từ cầu Lai Hà đã là đất của Nậm Nhùn rồi. Vốn dĩ, một vùng đất người ta hay đặt theo tên theo sông, suối, hay địa danh cổ nào đó. Tôi nghĩ có lẽ Lai Châu có địa danh mang tên vị anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, bởi lẽ bắt nguồn từ sử tích vua Lê Thái Tổ dẫn quân lên vùng Tây Bắc chinh phạt, dẹp bờ cõi  chăng?.

Xe chạy chầm chậm qua cầu, chúng tôi kéo cửa kính hít hà gió sông thổi mát rượi. Kia rồi vẫn còn đó lối mòn nhỏ dẫn xuống bờ sông nơi xưa là lãnh địa của chúa đất 12 xứ Thái họ Đèo. Giờ dinh thự  đã chìm trong mênh mông vô tận. Những mái nhà sàn lợp tôn đỏ au sát sát, đường nhựa phẳng lỳ, bê tông cứng hóa đến từng ngõ bản, tối tối hai bờ sông đà lấp lánh ánh điện.

Buổi tối hôm ấy, sau khi dự cơm cùng ban lãnh đạo huyện, chúng tôi cùng hòa trong vòng xòe đoàn kết trên khu đất trống tại trung tâm huyện. Đất trống là vì Nậm Nhùn mới tách năm 2012, nên đang trong quá trình kiến thiết dựng xây, mọi thứ còn ngổn ngang bề bộn lắm. Đêm xuống, vòng xòe mỗi lúc một nở rộ. Các thiếu nữ Thái diện trang phục áo cóm truyền thống gọn gàng, tay nắm tay quanh đống lửa bập bùng, tất cả cùng đồng thanh theo nhịp bài “Inh lả ơi, sao noọng ơi”. Những cánh tay đẹp như búp măng rừng cứ tăm tắp ra rượu, những chén rượu cứ tràn ly mời khách cùng say. Hòa trong tiếng cười nói là tiếng trống, chiêng rộn ràng không ngớt.

Sáng sớm hôm sau, tại đền Lê Lợi, bà con nhân dân đã có mặt đông đủ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và ngành văn hóa thì nghiêm trang thành kính thắp hương trước văn bia. Sau khi hành lễ xong, tấm điều đỏ trên biển có khắc dòng chữ Bảo vật quốc gia được mở ra trong không gian linh thiêng của hương trầm khói tỏa. Tôi ngắm thật lâu những nét chữ cổ được chạm khắc trên vách đá như rồng bay phượng múa. Bằng giọng văn cổ, cô đọng, âm thanh của phần thơ sang sảng, có lúc gấp gáp tựa vó ngựa phi, khi thì ào ạt như mũi thuyền rẽ sóng, hay khí thế rầm rập như bước chân băng rừng của đoàn quân trên bộ thuở xưa vọng về.

Lịch sử ghi: Tháng chạp năm Tân Hợi (1/1432), vua Lê Lợi thân chính dẫn hai cánh quân thủy và bộ lên vùng đất phía Tây Bắc nay là thị xã Mường Lay để chinh phục tù trưởng Đèo Cát Hãn đang dấy binh câu kết với bên ngoài có ý đó làm phản. Sau khi bình định xong, nhà vua đã làm một bài thơ và cho khắc lên vách đá Pú Huổi Chỏ thuộc bờ bắc sông Đà, nay là xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn. Bài thơ nhằm để dăn dạy các tù trưởng cai quản nơi phên dậu Tổ quốc, đồng thời cũng khẳng định chủ quyền cương thổ quốc gia đã có trong bản đồ. Thơ rằng: “Bọn giặc cuồng sao dám tránh sự trừng phạt/ Dân biên thùy từ lâu mong ta đến cứu sống/ Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có/ Đất đai hiểm trở từ nay không còn/ Tiếng gió thổi hạc kêu làm quân giặc run sợ/ Sông núi từ nay nhập vào bản đồ/ Đề thơ khắc vào núi đá/ Trấn giữ phía Tây nước Việt ta” Ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi (1432).

Đọc xong bài minh ngâm ngợi hồi lâu, tôi mới lý giải một điều tại sao các đồn biên phòng Lai Châu lại trích hai câu thơ của anh hùng dân tộc Lê Lợi treo trong đơn vị như một khẩu hiệu toàn quân: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an”, nghĩa là: Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng/ Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu. Đó cũng chính là hai câu thơ được rút ra từ bài: “Chinh Điêu Cát Hãn hoàn, quá Long Thủy đê”, vào tháng Tư năm 1429, khi nhà vua đưa quân lên Tây Bắc dẹp loạn. Hai câu thơ ấy được các chiến sĩ quân hàm xanh thuộc lòng bàn ta và hàng ngày các anh vẫn đọc với một tinh thần hào sảng như một sự khắc ghi lời dạy của bậc tiền nhân xưa về phương lược quân sự nơi biên cương.

Nghe dân bản kể, người phát hiện ra văn bia đầu tiên là cha con ông Lò Văn Pánh, bản Chang, vào khoảng năm 1954, ông Pánh cùng con trai là Lò Văn Pún vào rừng bẫy thú và nhìn thấy trên vách núi có những dòng chữ cổ lạ, nghĩ  thần rừng hiển linh, hai cha con sợ quá bỏ về nhà không dám kể với ai. Năm 1960, ông Pún tham gia thi công mở con đường đi Mường Tè, và ông đã kể chuyện với các công nhân cầu đường. Thông tin về tấm văn bia cũng được lan truyền đến phòng văn hóa Châu Mường Lay, rồi về sở Văn hóa khu Tây Bắc nhưng cũng chưa biết tấm bia ở vị trí nào. Khoảng 1962, tỉnh Lai Châu được thành lập. Ngày đó, Ty Văn hóa đã có đủ các phòng ban và phòng Bảo Tàng đã cử cán bộ trực tiếp về bản Chang tìm hiểu, khảo cứu. Tại đây các cán bộ đã gặp được ông Pánh và tấm bia được tìm thấy như thế.

Năm 1981, bia Lê Lợi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, Năm 2009, sau khi tấm văn bia của vua Lê Thái Tổ được những người thợ đá lành nghề Ninh Bình tách khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ và di chuyển lên ngọn núi thấp thuộc địa phận bản Chang xã Lê Lợi cách địa điểm cũ khoảng 800m. Đến năm 2012 đền Lê Lợi được xây dựng làm nới lưu giữ tấm bia trên và là địa điểm thờ tụng, nơi lưu niệm về vị vua Lê Thái Tổ. Năm 2016, bia Lê Lợi đã chính thức được Thủ tưởng ký quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đầu năm 2017, đến thờ vua Lê Lợi cũng được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó đến nay, khu di tích bia Lê Lợi trở thành điểm tâm linh để bà con các dân tộc huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ cùng du khách thập phương đến lễ bái, tưởng nhớ công lao vị anh hùng dân tộc.

Sau hồi trống khai hội của đồng chí Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Nậm Nhùn Hà Văn Sơn, mọi người di chuyển ra phía bờ sông cổ vũ cho phần thi đua thuyền đuôi én. Sông Đà nước xanh thẳm, các đội đã vào vị trí, dưới hiệu lệnh của trọng tài. Trong tiếng trống chiêng, kèn rồn rập bà con hò reo kín cả bờ sông. Chúng tôi gặp Chủ tịch xã Lê Lợi, Lò Văn Sinh khi anh đang cùng với bà con hò reo cổ vũ, không dấu nổi niềm vui, anh chia sẻ: “Vui và vinh dự lắm khi nhận được tin bia Lê Lợi được công nhận là Bảo vật Quốc gia, cả tháng nay bà con luôn rộn ràng trong điệu nhạc dân ca, dân vũ. Đặc biệt là các trai tráng trong bản, cứ chiều ra trên sông Đà lại say sưa tập luyện kỹ thuật chèo thuyền tập thể, để tham gia cuộc thi đua thuyền đuôi én ngày hôm nay đấy, bà con mong chờ ngày này đã lâu”. Được biết, để bảo vệ quần thể di tích xã đã có quy định cấm khai thác xây dựng, trong phạm vi bán kính 1km tại vị trí khu đền, bia Lê Lợi. Xã giao nhiệm vụ cho đoàn thành niên có kế hoạch tuyên truyền, tổ chức các hoạt động làm cảnh quan môi trường đền thờ, nhà lưu giữu bia luôn sạch đẹp…

Khi nghe nói làm thủy điện, nước sông Đà sẽ dâng cao, người dân Nậm Nhùn vô cùng lo lắng,  không thể để văn bia do chính Lê Thái Tổ ngự bút bị nhấn chìm dước nước như thế được. Ngày đó bà con bản Chang cứ xôn xao cả lên, hễ gặp ai về xã, về bản là dò hỏi chuyện này và nêu ý kiến. Sau khi bia văn được di chuyên, bà con vui lắm, ai ai cũng hãnh diện tự hào đất bản Chang có một di tích lịch sử quốc gia. Từ khi văn bia được di dời lên cao, cùng với đó là quần thể di tích gồm nhà che bia và đền thờ. Cứ tết đến xuân về, hay khi thu hoạch xong mùa vụ, bà con nơi đây mang các sản vật lên thắp hương bày tỏ lòng tôn kính với bậc quân vương. Cầu cho bản làng yên vui, gia đình sức khỏe, một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vật nuôi sinh sôi, phát triển.

Đến nay đã gần 600 năm từ ngày áng thiên cổ hùng văn được khắc lên vách đá, bài minh văn là một minh chứng hùng hồn, khẳng định lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Việc Lê Lợi thân chinh lên biên giới với hai ý nghĩ. Thứ nhất đánh dẹp bọn tù chưởng cát cứ, nhằm cắt đứt sự dòm ngó của kẻ thù ngoại bang. Thứ hai là xác lập bản đồ, vị trí địa lý của đất nước, đồng thời khẳng định chủ quyền biên cương và hào khí nước Đại Việt ta.

Tấm bia khắc bài minh văn của Vua Lê Thái Tổ trở thành một di sản văn hóa vô cùng quý báu, đúng hơn tấm văn bia là một trang vàng lịch sử chống giặc ngoại xâm cùng bọn tù trưởng có dã tâm câu kết bên ngoài chống lại nhà nước lúc đó.

Hà Minh Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.