Ở rể là tục lệ của dân tộc Thái nói chung và người Thái trắng ở tỉnh Lai Châu nói riêng. Thời gian ở rể là thời gian thử thách và cũng là thời gian trả ơn công nuôi dưỡng bố mẹ bên nhà gái.
Theo tục lệ của người Thái, trai đến tuổi lấy vợ, gái đến tuổi gả chồng được tìm hiểu và yêu đương tự do. Nhưng muốn lấy được một cô gái Thái về làm vợ thì trong thời gian tìm hiểu, chàng trai phải kiên nhẫn, chịu nhiều vất vả. Giai đoạn đầu đi tìm hiểu, chàng trai chỉ được đứng bên cạnh cô gái ở dưới gầm sàn tâm sự. Khi chàng trai mỏi chân thì ngồi xổm, mỏi gối lại đứng lên. Hết đêm nay qua đêm khác, cho đến khi cô gái có ý định đồng ý lời tỏ tình với chàng trai thì mới chuẩn bị ghế mời chàng trai ngồi. Cô gái thực sự phải lòng sẽ tiếp tục mời chàng trai lên nhà tâm sự. Bố mẹ người con gái biết ý con mình nên khi chàng trai đến chơi, sẽ ngủ sớm để hai bạn trẻ tâm sự.
Chàng trai chiếm được tình cảm của cô con gái mình yêu, sẽ báo cho gia đình nhà trai tìm ông mối, mang lễ vật đến nhà gái xin cưới. Lễ vật gồm: 1 đôi vòng bạc, 1 đôi chiếu hoa, 1 áo cóm, 1 váy, 1 đệm, 1 gối. Người mai mối phải là người có uy tín trong dòng họ, am hiểu về văn hoá dân tộc, là người gia đình có hạnh phúc, vợ chồng hoà thuận. Lúc đó, gia đình nhà gái đưa ra các yêu cầu tổ chức lễ cưới. Phần lớn là yêu cầu nhà trai mang đủ lương thực, thực phẩm và các đồ dùng cần thiết theo số mâm hai gia đình thoả thuận. Sau khi nhà gái tổ chức xong, thấy chàng trai khôn ngoan và hài lòng, lúc đó chàng rể mới được chấp nhận nhưng chưa được đón dâu về nhà mà phải ở lại nhà gái làm rể năm năm, thậm chí mười năm.
Người Thái trắng quan niệm, từ khi mang thai, sinh đẻ và nuôi dưỡng người con gái trưởng thành phải mất thời gian mười tám, hai mươi năm. Còn thời gian ở rể của chàng trai cũng chỉ năm, mười năm, chưa thấm vào đâu đối với công nuôi dưỡng sinh thành của cha, mẹ. Thời gian ở rể, chàng trai là lao động chính của gia đình. Có người ở rể vài năm, có người phải ở rể cả đời. Thời gian ở rể còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh bên nhà gái. Sau thời gian thử thách dăm ba năm, cũng có trường hợp sau năm năm, hai gia đình nhà trai, nhà gái mới đồng ý chấp nhận và làm lễ chung chăn, lúc đó chàng trai với cô gái mới được ngủ chung. Với người Thái, quãng thời gian ở rể không chỉ thử thách tình yêu của chàng trai với cô gái, còn để báo hiếu bố mẹ vợ, là khoảng thời gian lao động dành dụm của riêng cho cặp vợ chồng trẻ cho đến khi đủ vốn, có thể tự lập được. Thời gian ở rể của dân tộc Thái là thời gian để nhà vợ thử thách xem chàng rể có yêu thương con gái mình thực sự không? Hai người có hợp nhau không? Chàng rể có chăm chỉ làm việc không? Có hiếu thảo với bố, mẹ vợ không? Nhiều người thấy ở rể khó khăn, nhưng cũng có chàng rể sống rất tình cảm, hạnh phúc vì được bố mẹ vợ yêu thương như con đẻ. Đây là khoảng thời gian gian nan nhưng cũng hạnh phúc, xen lẫn với những kỷ niệm không bao giờ phai trong tâm trí của chàng trai rể Thái.
Con rể cần phải tránh: Nắng tắng nắng mé nai/ Khúy khoái khúy po ta/ Đá ma đá nọng nạ. (Ngồi nghế – ngồi đầu mẹ/ Cưỡi trâu – cưỡi bố vợ/Mắng chó – mắng em vợ).
Ở rể trong thời gian bao lâu phần lớn là do bên nhà gái quy định. Thông thường khi nào hai vợ chồng tự tiết kiệm mua được con trâu, sắm đủ các đồ vật sinh hoạt cho một gia đình là có thể kết thúc thời gian ở rể. Lúc này, nhà trai sẽ tổ chức lễ đón dâu về và tổ chức lễ cưới bên nhà trai. Khi đón dâu về thì của cải vật chất do hai vợ chồng sắm sửa được đều được mang về nhà chồng, kể cả trâu bò. Từ đây, cô dâu mới được phép ở lại nhà chồng và bắt đầu cuộc sống làm dâu.
Ngày nay, tục ở rể của người Thái trắng đã dần cởi mở hơn xưa, do xã hội ngày càng phát triển, mặt khác do có luật hôn nhân và gia đình đã làm cho thiết chế văn hóa thay đổi. Các chàng trai dân tộc Thái ngày nay thường tổ chức lễ cưới một lần rồi đón dâu về, không phải trải qua tục ở rể nữa. Tuy nhiên, tính nhân văn và sự hiếu thảo trong phong tục ở rể của người Thái vẫn là một nét văn hoá đẹp cần được gìn giữ.