Từ cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngẫm việc thực hiện công tác văn hóa, văn nghệ ở Lai Châu

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng kho tàng lý luận đồng chí để lại cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta về những vấn đề trọng yếu của đất nước được thể hiện trong 45 đầu sách đã được xuất bản là vô cùng quý giá. Trong đó, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” là một tác phẩm mang tính định hướng nhận thức, dẫn dắt hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của dân tộc trong giai đoạn nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nội dung cốt lõi của cuốn sách

Cuốn sách dày hơn 900 trang, gồm 92 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn báo chí, những bức thư của cố Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Tác phẩm gồm 3 phần chính: Phần thứ nhất: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, gồm 171 trang với 19 bài viết bài phát biểu, thư thể hiện tư tưởng nhất quán, tư duy sâu sắc, toàn diện của đồng chí về nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hoá và các lĩnh vực của văn hóa; Phần thứ hai: “Phát triển toàn diện, đồng động lực phát triển đất nước bền vững”, gồm 530 trang với 73 bài viết, bài phát biểu thể hiện sự quan tâm và những ý kiến chỉ đạo, định hướng rất sâu sắc của cố Tổng Bí thư đối với từng ngành, từng lĩnh vực của văn hóa, nghệ thuật, báo chí…; Phần thứ ba: “Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống”, gồm 180 trang với 33 bài viết, phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, ý kiến chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Nói về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa, cố Tổng Bí thư khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn”(1). Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa dạng, song bằng lý luận sâu sắc và thực tiễn phong phú, đồng chí đưa ra cách hiểu về văn hóa rất gần gũi, cụ thể đó là: “… nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nghĩa tình, tiến bộ. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi… là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”(2), cùng những thành tố cấu thành nên văn hóa: “Văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, di sản văn hóa, những sản phẩm văn hóa…) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương…) (3). Để minh chứng cho những nội dung phát biểu của mình, đồng chí lý giải rất cụ thể nội hàm của khái niệm “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bao gồm trong lòng nó các mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại; kế thừa và phát triển; dân tộc và quốc tế, trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(4). Từ đó, đồng chí đưa ra những gợi mở rất quan trọng về những yếu tố cơ bản tạo nên giá trị tốt đẹp, tiêu biểu, cốt lõi, được kế thừa và phát triển từ truyền thống dân tộc, trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như qua các kỳ Đại hội của Đảng, đó là: Hệ giá trị quốc gia gồm các yếu tố “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”; Hệ giá trị văn hóa, gồm “dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; Hệ giá trị gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo…(5).

Nói về vai trò của văn học, nghệ thuật và các nhà văn, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiệm kỳ 2016 – 2021, đồng chí chỉ rõ: “Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ”(6) và để hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhà văn cần có “khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân,…”(7). Cùng với đó, cố Tổng Bí thư thể hiện sự thấu hiểu rất rõ đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật, đồng chí viết: “lao động nghệ thuật là một loại hình sáng tạo đặc biệt, ở đó tài năng, phong cách cá nhân được đề cao, tôn trọng, khuyến khích; người nghệ sĩ rất cần có sự tự do tìm tòi, thể nghiệm, khám phá”(8). Đồng thời, khẳng định “hiện thực sinh động và vĩ đại của đất nước, của đời sống nhân dân bao giờ cũng là mảnh đất màu mỡ và là nguồn cảm hứng vô tận cho sự sáng tạo nghệ thuật”(9). Đồng chí mong muốn mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, phản ánh chân thực cuộc sống, trong tác phẩm, có tới 4 lần đồng chí sử dụng câu nói của nhà văn Kalinin “mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da”.

Càng đọc, càng nghiên cứu sâu từng bài viết mới càng thấy nội dung của tác phẩm khắc họa sâu sắc tầm văn hóa cao rộng, là sự chắt lọc, đúc kết từ nghiên cứu lý luận sâu sắc và hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú của cố Tổng Bí thư. Từ việc khéo léo sử dụng những dẫn chứng phong phú và sinh động để khái quát sự phát triển tư duy lý luận và khẳng định vai trò của Đảng ta về văn hoá; đến việc phân tích, làm rõ quá trình vận động, phát triển và những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam. Cố Tổng Bí thư đúc rút những vấn đề có tính quy luật khách quan, có giá trị định hướng sâu sắc về xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới, trọng tâm là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Cuốn sách không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, có sức lay động lớn, truyền cảm hứng và niềm tin, nhân lên quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Lai Châu thực hiện quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ

Là một tỉnh miền núi, biên giới đa dân tộc, tháng 7 năm 2016, Lai Châu vinh dự được đón Tổng Bí thư đến thăm, trong chuyến công tác cố Tổng Bí thư căn dặn Đảng bộ Lai Châu cần “phải quyết tâm cao hơn nữa để phát triển mạnh hơn, toàn diện và bền vững hơn, cả công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, chăm lo đời sống nhân dân”(10). Những quan điểm kết tinh từ tầm vóc trí tuệ của cố Tổng Bí thư cùng chỉ đạo, gợi mở của đồng chí đã kịp thời động viên và tiếp thêm động lực cho Lai Châu trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người, hình ảnh, thương hiệu địa phương. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu “bảo tồn, phát triển giá trị văn hoá bản sắc tốt đẹp của các dân tộc để xây dựng con người phát triển toàn diện”, đồng thời xác định “chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch” là một trong bốn chương trình trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo(11). Tỉnh thường xuyên quan tâm, phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong lĩnh vực tư tưởng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về nâng cao chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch số 281-KH/TU về thực hiện Kết luận số 84- KL/TW, ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”…

Trong thời gian qua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch cấp quốc gia, khu vực góp phần quảng bá, tạo dấu ấn về hình ảnh mảnh đất tươi đẹp và con người Lai Châu thân thiện đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp, đạt kết quả tích cực; ước tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 91.711/106.517 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa (đạt 86,1%); 716/956 bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa (đạt 74,9%); 983/1006 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa (đạt 97,7%); ước tính trong năm 2024, toàn tỉnh có 1.056 thiết chế văn hóa, trong đó có 01 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 08 thiết chế văn hóa cấp huyện; 98 nhà văn hóa cấp xã; 949 nhà văn hóa thôn bản, tổ dân phố(12). Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách chuyển từ thụ động, tự phát sang chủ động, chuyên nghiệp hơn; nhiều điểm đến hấp dẫn, nhiều bản du lịch cộng đồng của Lai Châu đã có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, nổi bật như bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ được nhận giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN. Tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng giá trị con người Lai Châu với các phẩm chất cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; có ý thức tự chủ, tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, tôn trọng và chấp hành pháp luật(13). Ưu tiên các nguồn lực phát triển hạ tầng, nhất là các các thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm nâng cao mức sống và chất lượng sống của nhân dân góp phần khơi dậy niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.

Sản phẩm văn học, nghệ thuật có bước phát triển về số lượng, loại hình, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, góp phần cải thiện đời sống tinh thần trong Nhân dân. Hoạt động văn học nghệ thuật luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thường xuyên quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ và chú trọng công tác phát triển hội viên nhất là hội viên người dân tộc thiểu số, hội viên trẻ. Với 172 hội viên Hội VHNT tỉnh (trong đó có 1 Nghệ sĩ ưu tú), tham gia sinh hoạt tại 8 chi hội VHNT cấp huyện và 6 chi hội chuyên ngành VHNT bao gồm: Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Văn nghệ dân gian. Các hội viên là những người tâm huyết, tích cực sáng tạo các tác phẩm đa dạng về thể loại và phong phú về đề tài và đã có những đóng góp tích cực trong nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, tạo bầu không khí lành mạnh trong xã hội; thực hiện rất hiệu quả công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người Lai Châu với bạn bè trong và ngoài nước và thể hiện rõ vai trò trong mặt trận tư tưởng, đấu tranh với cái xấu, cái ác trong đời sống xã hội.

Những quan điểm chỉ đạo trong chuyến công tác cùng nội dung tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư chính là cuốn “cẩm nang” quý giá cho các cấp, các ngành và Lai Châu tiếp tục có những định hướng chiến lược xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nguồn lực nội sinh góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh và đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam tới tầm cao của quốc gia phát triển, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

NGUYỄN HÀ

Chú thích:

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9): Các bài viết trong cuốn sách: “Xây dựng phát triển nền văn hoa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Tr.29; tr.31; tr.30; tr.79, tr.45, tr.276, tr.222, tr.247, tr. 326.

  • Báo Nhân dân: https://nhandan.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-lam-viec-tai-tinh-lai- chau-post267417.html (đăng tải ngày 15/07/2016).
  • Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, 189, tr.192.
  • Báo cáo số 2100/BC-SVHTTDL ngày 06/11/2024 của Sở Văn hoá, Thể thao Du lịch về kết quả thực hiện công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm
  • Báo cáo số 518-BC/TU ngày 13/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.