Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc La Hủ chỉ sinh sống duy nhất ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, có khoảng trên dưới 10.000 người. Dân tộc La Hủ còn được các dân tộc khác gọi là xá toong lương (xá lá vàng). Tên gọi này dựa trên đặc điểm du canh du cư của người La Hủ.
Cũng như những cư dân miền núi khác, người La Hủ cũng có niềm tin tuyệt đối vào quan niệm vạn vật trên trái đất đều có linh hồn và sự sinh – tồn – suy – diệt của vạn vật đều do các vị thần có quyền năng vô biên định đoạt. Người Thái, người Lự, người Lào, người Hà Nhì… cho rằng vị thần linh bảo vệ, che chở cho mỗi vùng, mỗi bản, mỗi gia đình, mỗi con người thường ngụ ở cây cổ thụ trong một cánh rừng thiêng nào đó. Người La Hủ thì cho rằng các vị thần linh phù hộ, ban phúc cho con người lại ở trên trời như: thần săn bắn, thần lúa… còn thần nước, thần bản, thần bếp lại ngụ ở những núi đá thiêng.
Trước đây, bếp nấu của người La Hủ kê bằng ba hòn đá. Cũng giống ba ông đầu rau của người Kinh, tuy không có truyền thuyết về một bà, hai ông táo cụ thể như người Kinh, không có nghi thức, nghi lễ, lễ vật cúng tế ba vị táo quân như người Kinh nhưng trong tâm niệm của người La Hủ luôn thường trực một ý niệm về vị thần đá bếp. Thể hiện ở chỗ: nhà có việc thờ cúng gì, khi bắc nồi nước đun sôi để mổ gà, mổ lợn bao giờ cũng phải nhỏ nước vào ba hòn đá bếp với ngụ ý nhà có việc phải thờ cúng nên mời thần bếp về ăn cỗ. Khi nấu rượu, bao giờ người đàn bà La Hủ cũng hứng và rỏ những giọt rượu đầu tiên lên đá kê bếp với ý mời thần đá bếp uống trước và phù hộ cho rượu nấu được nhiều và thơm ngon.
Nguời La Hủ thường sống ở trên núi cao, khuất nẻo, quanh bản, quanh nhà, trên núi, sông suối ngổn ngang, chồng chất đá. Đâu là hòn đá thiêng, hòn đá có thần linh (ma) trú ngụ. Nhìn bên ngoài những hòn đá đó thường ở vị trí đơn độc, hình dạng khác biệt với những hòn đá khác trong vùng. Hòn thì hình thang, hình quả trứng dài bị nứt đôi nửa chìm nủa nổi trên mặt đất, có hòn nhìn như đá đang đứng làm gì đó, có hòn lại như ngồi đợi ai đó. Chẳng biết ở đâu đến, đứng ngồi, nằm một mình một chỗ như vậy. Ai đi qua cũng thấy như có điện chạy khắp người là biết đá có thần linh (ma) ở.
Người La Hủ xưa thường chọn những khu đất gần hòn đá thiêng như thế để lập bản. Dân bản tôn thần đá đó làm thần bản. Bản Phì Khò có Há Te (đá đứng), bản Nậm Xã có Há mư (đá ngồi). Nếu hòn đá đó đã bị đổ xuống, dân bản cho rằng đá đổ là đá nằm xuống, chết rồi, thần không ở nữa nên không thờ cúng.
Lễ cúng thần đá Hu Ma Tá Gú ở dãy núi Phí Tri Cò Ma
Trước giải phóng năm 1954, từ xã Mường Bum (trung tâm huyện Mường Tè ngày nay) lên Pa Vệ Sủ theo đường mòn vượt dãy núi Phí Tri. Dãy núi này còn có tên gọi khác là Phí Tri Kho Gô hay Pí Tri Cư Mừ Dự Mạ. Dãy núi này thuộc đại phận xã Bum Tở – huyện Mường Tè. Từ Mường Bum ngược dốc chừng nửa ngày thì gặp Há Cha Là Ma có nghĩa là núi đá chồng lên nhau hay còn có tên gọi khác là Hu Ma Tá Gú, nghĩa là đá ở trên cao.
Giữa ngút ngát rừng già có một khoảng đất trống quang quẻ. Giữa khoảng đất ấy có một tảng đá xám nhẵn nhụi như đá cuội, hình thang nửa chìm nửa nổi lên mặt đất. Trên tảng đá này là một phiến đá hình chữ nhật dựng đứng. Dáng đứng của hòn đá theo hướng đỉnh núi cao nhất của dẫy Phí Tri. Thoạt trông có cảm giác phiến đá đứng trên tảng đá sắp đổ nhưng bao đời rồi tảng đá yên vị ở đó như truyền thuyết về nó được dân La Hủ khắp vùng biên giới Mường Tè rộng lớn truyền tụng.
Truyện xưa kể rằng, cái thuở trên trái đất vạn vật muôn loài đều biết tự đi, đều biết nghe, biết nói tiếng của nhau, trái đất hỗn loạn. Những dãy núi, quả đồi tảng đá cứ rủ nhau đi rong ruổi khắp nơi. Có khi chúng đứng dồn cả vào một chỗ làm trái đất nghiêng như sắp đổ. Những dòng sông, dòng suối cứ rủ nhau bò đi khắp nơi. Có khi chúng dồn lại làm ngập sâu cả một vùng, không còn cây nào, con nào ở vùng đó sống sót.
Đến một ngày, thần Trời sắp đặt lại chỗ đứng và giao việc cho từng dãy núi, dòng sông, khe suối; giao việc cho những tảng đá, các loaì vật và loài người. Mọi sự sắp đặt được thực hiện trong một đêm. Lúc đó Há Cha Là Ma được Thần trời cử đến đình cao nhất của dãy núi Phí Tri. Nhưng đi từ chập tối đến sáng mà Há Cha cũng chỉ đến được lưng chừng dãy Phí Tri và dừng lại ở đó. Từ đó, Há Cha Là Ma là nhà ở của Khá À Ké (vua Thần Đá), là thần cai quản cả một vùng rừng núi trùng điệp. Ai đi qua nhà ở của vua Thần Núi Đá này cũng thấy rờn rợn, cũng lầm rầm khấn xin Khá À Ké phù hộ cho đi đường may mắn và được việc. Người đi săn thì cầu xin may mắn và săn được thú to.
Việc thờ cúng Há Cha Là Ma
Từ năm 1975 trở về trước, ở chân dãy núi Phí Tri chỉ có duy nhất một bản người La Hủ là bản U Gia Co. Bản U Gia Co ở bãi thoải bên dòng Nậm Cấu ngay phía dưới của dãy Há Cha Là Ma. Người dân bản này kể, có những đêm, từ dãy núi đó phát ra tiếng giã gạo, tiếng nói chuyện lao xao. Vào những buổi sáng sớm, họ còn nghe có tiếng gà gáy vọng ra từ đó. Dân bản U Gia Co kháo nhau rằng đó là những sinh hoạt trong nhà của thần Đá. Họ coi vua thần Đá là vị thần linh thiêng, phù hộ, che chở cho dân bản nên hàng năm, người La Hủ đều tổ chức cúng tế cho vua Thần Đá vào ngày con rồng (ngày Lò nhi) vào tháng hai âm lịch. Nếu dân bản không chuẩn bị kịp hoặc nếu ngày đó bản xảy ra việc xấu như tang ma hoặc có người bị tai nạn thì lễ cúng được chuyển sang ngày con rồng của tháng ba âm lịch.
Khoảng 8 giờ sáng, Pi Mò Mừ (thầy cúng) và người giúp việc cùng những người già là đại diện của bản mang một con gà trống có bộ lông màu đỏ, một sải sợi thô màu trắng – tượng trưng cho một sải vải trắng đi lên lưng núi, đến chân Há Cha Là Ma thì dừng lại. Thầy cúng rải lá chuối rồi bày lễ lên đó cùng với một đồng bạc (hoặc một cái vòng bạc), một ít giấy bản – tượng trưng cho tiền rồi khấn mời vua Thần Đá nhận lễ vật mà dân bản cúng tiến. Những lời khấn của người La Hủ cầu mong Thần Đá phù hộ có ý nghĩa như sau:
– Trso chì trừ la bì – Cầu mong cho con người sinh sôi đông đúc, khỏe mạnh, hạnh phúc.
– Vả ga ju la ba bì – Cầu mong vật nuôi phát triển, không bị dịch bệnh, hổ vồ, rơi núi đá.
– Go si gừ si ga cha la bì – Cầu mong lúa ngô, mùa màng bội thu, của cải nhiều.
Khấn xong, Pi Mò Mừ vừa cắt tiết gà vừa khấn mời vua thần Đá nhận lễ vật rồi đưa cho người giúp việc đi mổ gà làm lễ cúng chín. Gà được làm sạch, luộc chín với đầy đủ nội tạng lại được đặt lên mâm khấn mời vua thần Đá về ăn. Lúc này, Pi Mò Mừ mới lấy hai chén rót rượu ra có ý mời thần Đá uống rượu và đốt giấy bản hóa tiền dâng thần.
Cúng xong, mọi người tham dự lễ cúng chặt gà ăn lộc của vua Thần Đá rồi trở về bản .
TRIÊU HUY