TRUYỀN THUYẾT NÀNG HAN

 

Thuở xưa, ở vùng mười hai xứ Thái (Xíp Xong Chảu Tay) có một vị vua nhân từ, đức độ được trăm họ tôn kính. Dưới sự trị vì của ngài, dân chúng được ăn no, mặc ấm, bản mường được thanh bình dài lâu. Điều duy nhất bản mường còn trăn trở là vua chưa có mụn con nào, lỡ một mai kia khi ngài về già biết lấy ai nối nghiệp. Đó cũng chính là điều làm vua luôn day dứt trong lòng.

Một hôm, khi vua đang ngồi bàn việc mường bỗng có một cụ già râu tóc bạc phơ xin vào diện kiến. Vua cho mời vào và ban ghế cho ngồi. Cụ già ca ngợi công đức của vua xong bèn nói rằng :

– Nhà vua đức độ, thương dân, ai ai cũng kính trọng nhưng mai kia, khi tuổi già bóng xế, lỡ giặc thù xâm phạm mường ta thì dân chúng biết cậy vào ai? Chi bằng nhà vua hãy mau mau lập đàn cúng tế Then để cầu con nối dõi. Được vậy thì vua trút được gánh nặng trong lòng mà dân mường cũng bỏ được mối lo về sau.

Vua cho là phải bèn cùng bà nàng chọn ngày bày lễ tế Then và khấn rằng:

– Từ khi tôi được trị vì đến nay đã mấy chục năm qua, trong ngần ấy năm chưa từng sao nhãng việc chăm lo cho dân chúng, nhưng giờ tuổi đã sắp xế bóng mà chưa có mụn con nào nối nghiệp. Chỉ lo lỡ mai này có giặc giã nổi lên biết lấy ai thay mình bảo vệ dân chúng. Vậy cúi xin Then đoái thương dân lành mà ban cho tôi một mụn con trí dũng, nhân từ, được vậy tôi và dân mường mới trút bỏ được nỗi lo âu…

Lời cầu nguyện của vua đã thấu đến trời xanh. Then nghe được mới truyền cho chúng tiên vào chầu hỏi xem vị tiên nào nguyện xuống trần đầu thai để sẻ chia nỗi lo cùng dân chúng. Nhưng khi ấy chẳng có vị tiên nào tự nguyện cả. Bỗng ngoài cửa điện có tiếng binh đao chát chúa vọng đến tai Then. Ngài mới sai Thiên Lôi ra truyền lệnh cho hai kẻ náo loạn vào chầu. Một lúc, hai tiên nữ là Đao Khăm (Kim Tinh) và Đao Ngân (Ngân Tinh) vừa bay vào vừa không ngừng tỷ thí võ nghệ trước mặt Then.

Then thấy cả hai tiên nữ xinh đẹp có tinh thần thượng võ mới truyền cho họ xuống nhân gian đầu thai để sau này giúp bảo vệ dân chúng. Hai tiên nữ vui vẻ phụng mệnh.

Nói về bà nàng, vợ của vua một đêm nằm mộng thấy có hai vì sao ánh vàng, ánh bạc chui vào bụng, khi tỉnh giấc mới kể cho vua nghe. Quả nhiên đến ngày lâm bồn, bà nàng đã hạ sinh hai công chúa xinh xắn, đáng yêu. Nhà vua đặt tên cho hai con gái là Nàng Ỏ và Nàng Inh. Hai nàng càng lớn càng xinh đẹp tuyệt trần, có biết bao nhiêu vương tôn, quý tộc gần xa đến cầu hôn nhưng hai nàng chẳng màng đến ai. Nàng Ỏ thường nói với em rằng:

– Chúng ta tuy là thân gái, nhưng chí của ta lại muốn san bằng núi hiểm, thu phục ác thú, diệt bọn sài lang để giúp cho muôn dân được sống bình yên chứ ta không cam tâm lủi thủi trong nhà nâng khăn, sửa túi cho người.

Nàng Inh cũng cho là phải. Vì thế, ngày ngày hai chị em ngày ngày dành nhiều thì giờ cho việc kiếm cung. Bao nhiêu tráng sĩ trong mười hai xứ Thái chẳng ai địch nổi Nàng Ỏ. Vì thế người ta mới gọi nàng là Nàng Han (trong tiếng Thái có nghĩa là anh hùng, hào kiệt, khí phách). Cuộc sống thanh bình cứ thế trôi đi, cho đến một hôm, quân giặc cờ vàng cờ đỏ  từ phương Bắc tràn qua vùng mường Lả của Xíp Xỏng Păn Na  rồi tiến vào mười hai xứ Thái. Bọn giặc vô cùng tàn ác, chúng đi đến đâu cũng đều gieo tang tóc cho dân lành. Các tướng tài của mười hai xứ Thái nhận lệnh đem binh diệt giặc nhưng đều thất bại trước thế giặc hung hãn. Nhà vua  bèn hiệu triệu người trong khắp các bản mường hãy đua tài để chọn ra người cầm quân đánh giặc. Các anh hùng hào kiệt của mười hai xứ đều ùn ùn kéo đến đua tài. Giấu đức vua, hai chị em Nàng Han cải nam trang đi xem tỷ thí. Trong cuộc đua tài ấy, một quý tộc tên là Khún Lụm đã đánh bại được các đối thủ. Khi nhà vua tuyên bố Khún Lụm là vô địch tướng quân thì Nàng Inh bất phục mới tung mình lên đài tỉ thí với người chiến thắng. Nhưng đấu được trăm hiệp mà vẫn bất phân thắng bại. Khi đó, Nàng Han cũng lên đài tỷ thí với cả hai người và giành chiến thắng. Khún Lụm tỏ vè hậm hực nhưng không làm sao được.

Khi thấy tráng sĩ mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao vừa giành chiến thắng thì mừng lắm mới truyền ban cờ phong làm đại tướng quân cầm binh diệt giặc, lại phong Khún Lụm và Nàng Inh làm phó tướng. Cả ba cúi đầu nhận lệnh, đến khi ngẩng đầu lên, nhà vua mới nhận ra đại tướng quân là con gái cả và phó tướng còn lại là con gái út của mình. Nhưng lệnh đã ban rồi không thể đổi lại được.

Đêm hôm ấy, Nàng Han cùng em vào lạy cha cùng bà nàng xin trừng phạt vì đã cải dạng nam trang lên đài tỉ thí mà không thưa trước. Nhà vua  ứa nước mắt mà rằng :

Chúng ta không trách các con mà thấy mừng vì các con có lòng yêu quê hương xứ sở. Nhưng các con ơi, thế giặc hung hãn, các con là phận nữ nhi chúng ta không lo làm sao được, cầu mong các con mau chiến thắng để trở về xum họp như lúc xưa thôi.

Sáng sớm tinh mơ, tiếng chiêng, tiếng trống giục giã, bóng tinh kỳ rợp trời, giáo gươm sáng chói, ba quân hùng hổ, Nàng Han, Nàng Inh, Khún Lụm cùng lên đường cứu đất, cứu mường. Nàng Han cưỡi trên lưng voi trắng dẫn quân tiến về Mường Lò. Cuộc chiến ác liệt diễn ra. Với võ nghệ cao cường và sự trợ giúp của hai phó tướng, quân Nàng Han đã đánh thắng bọn giặc cờ vàng, xác giặc ngổn ngang trên cánh đồng Mường Lò, phần còn lại đua nhau tháo chạy để về hợp nhất với quân cờ đỏ đang chiếm Mường Than, Mường Chiên, Mường So.

Nàng Han lại dẫn binh sang Mường Chiên (Quỳnh Nhai- Sơn La), hai bên lại giàn thế trận, quân giặc tuy hung hãn nhưng cũng không thế chống đỡ nổi sức mạnh quân ta. Tàn quân chúng lại chạy về Mường Than Lúc này tướng giặc vừa nhận được viện quân nên vô cùng ngoan cố. Nàng Han sai phó tướng Khún Lụm đi vào hậu quân địch đánh giết, lại sai Nàng Inh đem quân đi đốt lương thảo khiến cho giặc bị rối loạn. Chúng đổi tiến quân làm hậu quân rút chạy nhưng Nàng Han đã cho người đào hầm chông trên đường chúng sẽ chạy qua nên bọn giặc đều bị tre nứa vót nhọn đâm thủng từ bụng xuyên qua lưng, máu chảy tuôn ra như suối, đọng lại từng lá cây, ngọn cỏ bê bết tanh hôi. Tướng giặc mở một đường máu liều chết chạy thục mạng về Mường So. Viện binh của giặc lại kéo đến thêm một đạo quân nữa, tiếng voi gầm ngựa hí, tiếng chát chúa gươm đao vang cả đất trời. Lúc này voi của Nàng Han vì ra trận lâu ngày nên kiệt sức ngã xuống, biến thành một gò đất, và có một dòng nước mát lành chảy ra thành một cái ao để lấy nước cho quân sĩ Nàng Han dùng, sau này người ta gọi ao nước đó là Nong Lọng Chạng (ao đầm voi). Sau khi voi ngã gục hi sinh, Nàng Han bèn dùng ngựa để cưỡi. Quân sĩ có nước uống rồi trở nên tinh nhuệ,  giặc sợ hãi bỏ chạy lên một ngọn núi, Nàng Han thúc quân đuổi theo chém giết làm máu giặc nhuộm đỏ cả ngọn núi kia. Về sau người ta gọi ngọn núi ấy là Pu Đán Đanh (núi đá đỏ). Tướng giặc thấy tình thế địch không nổi bèn nhảy lên mình ngựa, quất roi ra sức chạy về phương Bắc, nhưng Nàng Han đã giương cung bắn trúng khiến hắn chết ngã nhào.

Giặc đã bị đánh tan, Nàng Han cùng khao thưởng quân sĩ và định sẽ khải hoàn vào sáng hôm sau. Vì khắp mình nhuốm đầy máu giặc, nên Nàng Han cùng Nàng Inh xuống một mỏ nước để ngâm mình. Lúc này, Khún Lụm đi ngang qua, bỗng phát hiện ra vị đại tướng quân cùng phó tướng là hai người con gái, tức giận vì nghĩ từng thua và bấy lâu nay phải làm phó tướng cho một người con gái, hắn bèn giương cung bắn lén Nàng Han. Khi Nàng Han nhận ra kẻ đã bắn mình thì độc đã ngấm vào người. Nàng Inh vội lấy trang phục mặc lại cho chị và mình, đồng thời cầm kiếm nhảy lên bờ trị tội Khún Lụm. Nàng Han thấy em mình đánh mãi mà vẫn chưa hạ gục được kẻ ác bèn thu tàn lực cầm gươm nhằm Khún Lụm mà phóng đi. Gươm trúng vào bụng khiến hắn ngã gục xuống chết. Sau đó, nàng cũng ngã gục. Bỗng từ trên trời cao, Then thả một đám mây hồng xuống rồi Nàng Han từ từ theo đám mây ấy nhẹ bay lên trời trở về bản thủy là thần sao Kim Tinh. Nơi mỏ nước Nàng Han bị sát hại người đời sau gọi là Bó Nang Han (mỏ nước Nàng Han). Nàng Inh cùng đoàn quân chiến thắng quay về báo tin cho nhà vua cùng dân chúng được biết. Nhà vua vô cùng đau đớn nhưng cũng tự hào vì Nàng Han đã làm cho dân chúng được sống trong cảnh yên bình. Nàng Han như bất tử trong lòng người Thái,

Có nhiều dị bản khác nhau nói về sự thăng thiên của nàng bên mỏ nước. Nhiều người già kể lại rằng sau khi thắng giặc, Nàng Han bèn ngồi kiệu đến mỏ nước Nặm So bên suối Nặm Lùm, cởi xiêm y, tắm bên mó nước sau đó thăng thiên. Năm ngày sau khi Nàng Han bay lên trời, Nàng Inh và Khún Lum cũng biến mất. Nhân dân quanh vùng sau đó lập đền thờ Nàng Han cùng với các vị tướng sĩ của bà ở ngay chính mỏ nước ấy. Ngoài Mường So, miếu Nàng Han còn được nhân dân lập nhiều nơi ở Tây Bắc, trong đó có Mường Chiên (Quỳnh Nhai- Sơn La) và Mường Lò (Nghĩa Lộ – Yên Bái)… Nàng Han không chỉ được thờ cúng vào ngày rằm tháng hai âm lịch hàng năm mà mỗi dịp lễ Kin Pang Then, bao giờ Nàng Han cũng được thầy mo mời nàng cùng Then xuống hạ giới thụ lễ để phù hộ cho bản mường./.

Tài liệu tham khảo :

Mó nước lạ và huyền thoại nữ tướng nàng Han, tác giả Văn Khoa-Hồng Thiện, đường dẫn http://www.nguoiduatin.vn/mo-nuoc-la-va-huyen-thoai-nu-tuong-nang-han-a4384.html;

Nàng Han trong đời sống tâm linh dân tộc Thái, tác giả T.H, đường dẫn http://dantocviet.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=61037&sitepageid=83;

Theo lời kể của cụ Vàng Thị Xóng, bản Mấn – Phong Thổ – Lai Châu.  

 

Khăm Kẹo – Thúy Ngoạn


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.