TRUYỆN NGẮN LAI CHÂU – MỘT NĂM NHÌN LẠI

Nhiều năm qua, Tạp chí Văn nghệ Lai Châu đã mang đến cho bạn đọc những tác phẩm tiêu biểu ở nhiều thể loại: từ văn, thơ, song ngữ, hương sắc bản mường, lí luận phê bình đến nhạc, hoạ, nhiếp ảnh… Trong đó, truyện ngắn cùng với thơ là hai thể loại thuộc loại hình văn học có nhiều tác phẩm hơn cả so với các loại hình nghệ thuật khác. Trong năm 2019, đã có hơn 30 truyện ngắn của các tác giả Lai Châu được đăng tải trên Tạp chí để gửi tới bạn đọc nhiều thông điệp đầy tính nhân văn.

Về đội ngũ, tác giả truyện ngắn Lai Châu chưa thật sự đông đảo so với số lượng 162 hội viên thuộc 7 chi hội Văn học Nghệ thuật huyện, thành phố (số liệu tính đến hết năm 2019). Các truyện ngắn năm 2019 là sản phẩm tinh thần của hơn mười tác giả. Trong đó tác phẩm của các tác giả thế hệ trước chiếm phân nửa. Họ là những cái tên rất quen thuộc đối với “làng văn” Lai Châu như: Huỳnh Nguyên, Thanh Phương, Đỗ Thị Tấc (bút danh Chu Ân), Bùi Thị Sơn… Những tác giả này vốn đã ghi dấu ấn ở các thể loại khác nên còn được biết tới với những cái tên như: nhạc sĩ Thanh Phương, nhà thơ Huỳnh Nguyên, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Đỗ Thị Tấc, nhà thơ Bùi Thị Sơn… Nhưng trong biên độ khả năng mở rộng của tác giả, chúng ta vẫn thấy những đứa con tinh thần của họ ở thể loại truyện ngắn, thể hiện thêm một nhân sinh quan về cuộc đời bằng một bút pháp khác. Các tác giả Huỳnh Nguyên, Thanh Phương, Bùi Thị Sơn đều đã xuất bản các tập truyện in riêng hoặc in chung. Hiện tượng tác giả có khả năng sáng tác ở nhiều thể loại, không chỉ chuyên truyện ngắn cũng xảy ra ở đội ngũ những cây viết trẻ như: Phùng Yến, Hà Minh Hưng, Thùy Giang, Trương Huy, Thanh Vân… Ở đội ngũ trẻ thì Hà Phong là cây bút người dân tộc thiểu số tiêu biểu ở thể loại truyện ngắn với nhiều xuất bản phẩm trước đó như Bàng bạc mưa rừng, Chim Tăng ló kêu tiếng buồn,… Trong năm 2019, anh cũng đã xuất bản tập tự truyện về cuộc đời mình Hoa vẫn nở trên Pu-ta-leng. Tập truyện ngay khi vừa ra khỏi nhà xuất bản đã tạo thành một làn sóng đối với bạn đọc cả nước và đặc biệt là độc giả Lai Châu. Cuốn sách như một lời khích lệ đối với những số phận kém may mắn, những hoàn cảnh éo le rằng: hãy vươn lên, vượt qua những khó khăn, ngạo nghễ trước những vận hạn của cuộc đời để sống một cuộc đời đẹp đẽ như đoá hoa đỗ quyên nở trên đỉnh Pu-ta-leng lạnh lẽo và khắc nghiệt. Đi cùng với thông điệp đó là những thước phim quay chậm về Lai Châu những năm tháng xưa trong kí ức của Hà Phong. Tập sách bản chất là một tập truỵện dài, nhưng về thi pháp nghệ thuật được sử dụng thì có thể coi là tập hợp của nhiều truyện ngắn. Hoa vẫn nở trên Pu-ta-leng được kể thành nhiều phân đoạn tương ứng với các sự kiện xảy ra trong cuộc đời tác giả. Một số phân đoạn này đã được trích đăng độc lập trên Tạp chí và tự nó có đặc điểm và khả năng truyền tải thông điệp như một truyện ngắn trọn vẹn: Thăm lại miền thiêng trong veo, Tình yêu mãi là kí ức đẹp. Cũng trong lớp tác giả trẻ, là một hoạ sĩ nhưng trong năm 2019, Hà Minh Hưng đã giành giải Truyện ngắn ấn tượng với tác phẩm Tam giác mạch trong cuộc thi sáng tác truyện ngắn “Những làn gió Tây Bắc” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hoà Bình phối hợp với Báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Giải thưởng là sự khẳng định khả năng và khích lệ to lớn đối với những cây viết trẻ như Hà Minh Hưng.

Về chủ đề, từ chỗ tập trung cho nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, ca ngợi quê hương, đất nước, con người mới thì hiện nay biên độ sáng tác đã mở rộng hơn. Truyện ngắn Lai Châu đã bắt nhịp vào đời sống của đất nước, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp đồng thời cũng phê phán cái xấu, cái ác, cái lạc hậu…; bênh vực, đứng về phía người yếu, đặc biệt là người phụ nữ dân tộc thiểu số…

Để thể hiện được chủ đề đó, các nhà văn lựa chọn chủ yếu các mảng đề tài như đề tài chiến tranh, người lính, thương binh, đề tài về cuộc sống sinh hoạt đời thường, phản ánh các vấn đề tâm lí, xã hội… Và đặc biệt là đi sâu vào khai thác cuộc sống, góc khuất số phận của người dân tộc thiểu số phía Tây Bắc của tổ quốc nói chung, ở Lai Châu nói riêng.

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kí ức về chiến tranh, về những năm tháng gian khó nhưng hào hùng trên mảnh đất Lai Châu còn mãi trong sáng tác của các tác giả thuộc thế hệ trước đây. Bản chất của văn học là hư cấu, là sắp xếp hiện thực theo ý đồ nghệ thuật của tác giả. Văn học là sự phản ánh hiện thực cuộc sống vào trang viết, thông qua quan điểm, cái nhìn của tác giả. Mỗi nhà văn bằng vốn sống riêng, tài năng sử dụng ngôn ngữ riêng mà trần thuật theo cách riêng, qua đó nhằm gửi tới người đọc một thông điệp nhất định. Truyện ngắn Lai Châu giúp người đọc nhớ về một thời kì oanh liệt của đồng bào các dân tộc Lai Châu chiến đấu và chiến thắng giặc Pháp xâm lược, thổ phỉ trong Chuyện ông kể (Huỳnh Nguyên): “Vùng cao biên giới những năm tháng ấy náo động Pháp, phỉ rình rập quấy phá, chúng lập nhiều đồn bốt kiểm soát gắt gao”. Ông Da tám mươi tuổi kể lại thời trai trẻ “thế hệ các ông hoạt động hăng hái lắm, không nghĩ đến vất vả, hi sinh”. Chuyện ông Da kể giúp người đọc hình dung lại cả một trận địa biên giới, với những địa danh quen thuộc “Rẽ lối này đi Tông Qua Lìn, lối kia lên xã Sì Lở Lầu, bên kia vào rừng Xâng”, nơi đại đội bộ đội địa phương đầu tiên ở Dào San… Dường như tác giả Huỳnh Nguyên không hư cấu không gian nghệ thuật, ông giữ nguyên tên địa danh, giúp người đọc đọc truyện mà như được tìm hiểu về lịch sử của mảnh đất mình sinh sống.  Nhà văn nối mạch ấy, kể thêm những câu chuyện về sự gắn kết tình quân dân giữa bộ đội biên phòng và người dân vùng biên trong truyện ngắn Tình yêu biên giới. Tình cảm ấy lúc đầu là sự sẻ chia khó khăn: cô gái Mông tên Thào Sinh “chân lê lết trên nương xuống, không bước nổi vì bị thương do cây nhọn xuyên thấu bàn chân” thì anh bộ đội biên phòng tên Hữu Thi cứu giúp. Sau này, Thào Sinh lại cứu giúp Thi khi anh “bị thương gãy cẳng tay, ngất lịm, toàn thân trầy xước” khi đang làm nhiệm vụ. Kết thúc truyện là đám cưới cổ tích giữa Hữu Thi và Thào Sinh như một minh chứng cho sự gắn bó chặt chẽ giữa quân và dân.  Nhà văn Huỳnh Nguyên sinh năm 1940, thuộc thế hệ đi đầu của văn nghệ Lai Châu. Trong sáng tác của thế hệ ông, những câu chuyện thời chiến còn đậm nét. Sau này, trong bối cảnh thời bình, ngòi bút của Huỳnh Nguyên vẫn hướng tới hình ảnh người lính, người thương binh một cách đầy ngưỡng mộ, động viên. Đó là người thương binh người dân tộc thiểu số trong Tiếng khèn A Tráng lại vang. Xưa, A Tráng vốn là một chàng trai chơi khèn rất giỏi. Khi trở thành thương binh, những mất mát về thể chất khiến anh không thể điều khiển được chiếc khèn theo ý mình nữa. Câu chuyện chỉ xoay quanh việc A Tráng cố gắng tập luyện để biểu diễn tiết mục múa khèn khi đã mất bàn tay trong sự ngưỡng mộ, yêu quý của dân bản. Giờ đây chỉ còn “cổ tay anh bám chặt vào cây khèn với ý chí và nghị lực của người thương binh”.

Tác giả Thanh Phương là một nghệ sĩ đa tài, anh có thể viết văn, vẽ tranh, sáng tác nhạc và đã có nhiều giải thưởng ở lĩnh vực âm nhạc. Trên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu 2019, anh đã kể một câu chuyện cảm động về người phụ nữ  cách mạng trong truyện ngắn Bà mẹ chính uỷ. Bà Mận được mệnh danh là “bà mẹ chính uỷ” bởi khả năng “dân vận khéo”, chăm lo đời sống cho các chiến sĩ trẻ. Bà còn là “bà mẹ anh hùng đã hi sinh cả tuổi xuân, hi sinh cả người con gái duy nhất của mình vì sự tồn vong của sông núi”.

Chiến tranh không chỉ là đổ máu, hi sinh, nó còn là sự run rủi của số phận những đứa con lai như Tẩn Mý Khé (Dưới chân núi Đá Ô – Bùi Thị Sơn). Dù Mý Khé có xinh đẹp rực rỡ như bông hoa Tuy Líp ở phía trời Âu, một vẻ đẹp pha trộn Âu – Á, đôi mắt xanh đẹp đến nao lòng thì cô vẫn không có quyền được có hạnh phúc vì cô là kết quả của tội lỗi. Mẹ Mý Khé là U Mẩy đẹp nổi tiếng khắp vùng Dao Phăng Sô Lin, Tả Phìn. Một lần vào rừng lấy củi mà bị tên lính Pháp cưỡng hiếp, sau sinh ra Mý Khé. Cho nên Mý Khé cả đời phải sống trong buồn tủi, cô đơn, nghèo khó. Chỉ đến đời con gái của Mý Khé, thời gian gột rửa những định kiến thì nó mới được đón nhận hạnh phúc trọn vẹn hơn mẹ.

Đề tài chiến tranh là đề tài khó viết với những cây bút trẻ. Bởi đơn giản là không trải nghiệm, không được sống trong không khí thời chiến, ít vốn sống về đời sống chiến tranh. Nhưng tác giả trẻ Phùng Hải Yến đã thử sức mình với đề tài này qua truyện ngắn Giấc mơ chim sẻ. Truyện lấy bối cảnh chiến tranh khá lạ với người đọc trẻ: quân nhân Việt Nam khống chế quân Nguỵ Lào tại Xiêng Khoảng (Lào). Ở đó, nhân vật chính là Bun Mi được đặt vào tình huống thử thách để phản kháng hay không, và cuối cùng họ đã nhận được sự nhân đạo chiến tranh của Việt Cộng, để thấm thía về một đội quân sống, chiến đấu vì chính nghĩa, trong đó Lễ là đại diện. Truyện ngắn tập trung khai thác tâm lí nhân vật: “Số phận lính Nguỵ sẽ được quyết định thế nào đây?… Những quân nhân Việt đều đã ngủ sau những mệt mỏi trên chặng đường dài hành quân… Đống sung chất cao cuối góc nhà mà quân nguỵ Lào nộp cho đại đội Việt Nam hầu hết đều còn đạn… Nếu lật lại thế cờ, có thể nguỵ quân Lào sẽ được trọng thưởng vì bắt được cả một đội quân… Nhưng họ đã một lần phản bội tổ quốc, lẽ nào sai lầm thêm lần nữa? Song nếu đêm nay trôi qua, liệu đội của Lễ có giữ đúng lời hứa, có tha cho họ về quê hương làm những người dân thường?”. Đó là cả một trận đánh ngầm đã diễn ra trong long nguỵ quân Lào: cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Đối ngược lại với suy tư, với sự đấu tranh bên trong con người Bun Mi về sự phản trắc là một đội quân nhân Việt “ngủ ngon và yên lành”, “hơi thở rất hiền”, “họ không canh giữ nguỵ quân Lào như người thắng cuộc canh giữ tù nhân. Họ đã ngủ bên nhau yên bình như thể nguỵ quân Lào là bạn bè, anh em trong cùng một nhà, sinh cùng cha, cùng mẹ” . Chính cái thiện này đã dẫn đến một cái thiện khác. Cuối cùng, nguỵ quân Lào đã thắng được chính mình, quyết tâm trở về con đường thiện lương. Cùng với điều đó là họ được phóng thích vào sáng ngày hôm sau. Người Việt, từ quá khứ oai hùng đã luôn “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Thế hệ nối tiếp thế hệ, cha ông ta luôn ứng xử đậm chất nhân văn. Chẳng thế mà chúng ta dù yếu vẫn chống được mạnh, dù ít vẫn địch được nhiều, thậm chí chẳng đánh mà người chịu khuất, bởi vì ông cha ta biết phát huy vũ khí lợi hại “mưu phạt tâm công”: đánh vào lòng người. Và khi kẻ thù đã chấp nhận thất bại thì sẵn sàng “mở đường hiếu sinh”. Điều này đã được minh chứng bởi tình cảm cao đẹp hơn của Bun Mi và quân nhân tên Lễ đến tận sau này khi cuộc chiến đã lùi xa.

Đề tài truyện ngắn gần gũi nhất với cuộc sống và con người Lai Châu chính là đề tài dân tộc và miền núi. Các nhà văn cũng chính là người núi. Nên cuộc sống miền sơn cước ngấm vào máu thịt, truyền qua ngọn bút mà trần thuật về một đời sống ở miền non cao với bao trăn trở muốn nhắn gửi.

Miền Tây Bắc vốn nên thơ là thế. Nhưng những ngợi khen ấy có lẽ là giọng văn của nhiều năm về trước. Không phải vì Tây Bắc, vì Lai Châu không đẹp. Có đẹp đấy và cũng chỉ thoáng qua cũng thấy đẹp rồi. Chỉ có những cái khổ, cái tăm tối rất riêng, rất sâu thì phải sống ở trong đó, ngấm trong từng thớ thịt thì mới cảm nhận được rõ nét mà vẽ nên đầu bút.

Thiên nhiên Tây Bắc khắc nghiệt. Điều này ám ảnh trong nhiều trang viết. Người ta rùng mình khi nhắc lại những cơn lũ quét hung dữ, bất thình lình đến rồi quét hết những gì nó gặp trên đường (Sau cơn lũ quét – Huỳnh Nguyên). Đường đi cheo leo, dốc đá, hiểm trở, heo hút tới tận chân mây trong Hun hút đường mây (Thuỳ Giang)… Có lẽ cũng vì xa “trung tâm ánh sáng”, “trung tâm văn minh” quá mà người dân nơi đây còn lạc hậu với các hủ tục kìm hãm bao đời: con gái không được học hành, phải lấy chồng sớm “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Đó là chuyện của Mẩy (Lời nguyền – Trịnh Hồng Hải). Chỉ vì muốn lên gác tìm quyển sách mà Mẩy đã mắc phải lời nguyền: con gái hớ hênh, chèo cao, để người khác nhìn thấy vùng kín sẽ bị trừng phạt suốt đời. Lại còn lời nguyền vô lí không biết từ thuở nào: người họ Hoàng mà lấy người họ Đèo thì bản mường sẽ bị nạn cướp bóc, loạn lạc không yên khiến tình yêu của đôi trai gái Điểu và Sam muôn phần trắc trở (Nguyện yêu – Hà Phong). Hiện đại lắm rồi, được tuyên truyền nhiều lắm mà nạn tảo hôn vẫn diễn ra, những cô bé mười hai, mười ba tuổi nghỉ học giữa chừng về lấy chồng theo lệ thường (Đổi thay – Trương Huy). Đau lòng hơn nữa khi đó là hôn nhân cận huyết thống diễn ra trong dòng họ Mùa (Hun hút đường mây – Thuỳ Giang)… Những góc tối ấy, văn học bằng cách riêng, đi vào từng ngóc ngách tâm lí, ngọn nguồn cuộc sống mà kể, rồi tác động mạnh mẽ vào tâm hồn người đọc, giúp thức tỉnh, giúp thay đổi.

Người miền núi nghèo khổ, họ chủ yếu bấu víu vào ruộng nương: “nhà tôi có một lũ em. Còn nương nhà tôi chỉ là một khoảnh bằng ba cái chiếu, ở xa đến nỗi phải đi cả ngày mới đến. Bởi vậy, sau mùa nương, bố tôi không biết làm gì ngoài việc ngồi rèn dao, mẹ tôi đi từ các cánh rừng sơ sinh đến rừng đại ngàn chặt củi, phá những mảnh con con để trồng ngô, trồng sẵn” (Xuống núi – Thanh Vân).  Có lúc vì nghèo khó quá, họ bị gạ bán những đứa con do mình đứt ruột đẻ ra (như chuyện của vợ chồng Tỉnh và Tương trong Tan sương mù là thấy nắng – Hà Phong). Thậm chí, khi đứa bé chưa ra đời, đang còn nằm trong bụng mẹ đã trở thành một món hàng khi người ta lừa lọc những người mẹ nghèo, cả tin. Để thoát nghèo, họ lên phố tìm việc, mà mơ hồ chưa biết sẽ làm  gì “Ra ngoài đó rồi mới tính. Phụ vữa. Dẫy cỏ. Bốc vác hàng. Việc gì kiếm được tiền thì con làm” (nhân vật Tỉnh – Tan sương mù là thấy nắng – Hà Phong). Con gái ra phố tìm việc kiếm sống thì lại rơi vào bẫy của quán hát Karaoke đầy phức tạp, rối ren (như cô gái Lự tên Xeng trong Lạc giữa mùa bông – Thuỳ Giang). Có những cô bé, cậu bé người dân tộc may mắn được đi học. Nhưng dù đã rời khỏi núi, họ vẫn chưa thoát ra khỏi tâm lí tự ti do bị cái nghèo bủa vây, rồi lại muốn quay về, không hẳn là quay về cống hiến cho quê hương, mà vì “không về thì tôi không có chỗ ở, không biết lấy gì để sống” (Xuống núi – Thanh Vân). Có người rời khỏi núi là rơi vào những cám dỗ ngoài mong muốn (cô sinh viên dân tộc Thái tên Linh trong Cơn mưa tháng mười một – Thuỳ Giang)… Có người đi vì lời nhắn nhủ của bố “Đôi chân con đã đi được khỏi núi thì hãy cố mà đi nữa”. Họ tự ti vì gốc gác dân tộc nghèo khó của mình, nên đổi tên, đổi họ từ “Bó Ban” thành “Hoàng Đoan Trang”, để mong một cuộc đổi đời tốt đẹp hơn (Gốc cội – Phùng Hải Yến).

Ngược lại với những người từ núi muốn rời đi để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn thì lại có những người rời biển lên núi. Đó là những người như cô giáo trong Chuyện ở Lũng Là (Trịnh Hồng Hải) vì “muốn có việc làm, thoát cảnh thất nghiệp” nên chấp nhận từ miền biển lên cắm bản ở Lũng Là. Điểm trường Lũng Là là một căn nhà mái lợp proximang khô mốc, lỗ chỗ vết thủng, bốn vách ghép bằng những tấm gỗ vênh váo như mõm trâu. Ở đây không chỉ xa xôi, thiếu thốn, lạnh lẽo mà còn cô đơn “Bây giờ là mùa đông. Đêm đến sớm, sáu giờ chiều, sương đã ken kín núi đồi,… tiếng gió mài vào vách đá vu vu, nghe hoang vắng và cô đơn đến nao lòng”. Sống ở đây là phải “uống nước nhiễm quặng, tắm sương, gội nắng”. Nó biến một người phụ nữ vốn xinh đẹp, “da dẻ căng mịn, mơn mởn, tóc dài ngang lưng” thành một người đàn bà “mái tóc trở nên xơ xác, da dẻ xám ngoét như người sốt rét và đôi mắt sâu hút ngày nào như nông hơn”. Hơn mười năm cắm bản, chị trở thành dân bản lúc nào không hay, tóc xơ cứng như tóc đàn ông, “khoé mắt lám nhám vết nhăn, bàn tay thô ráp gân guốc, những dấu hiệu báo trước tuổi xuân của chị mải miết trôi đi”. Ở đây lâu, người ta vì cô đơn quá mà thèm người, có những khi thấy người lên mà ôm trầm lấy, cứ thế mà khóc. Với những cô giáo cắm bản, khát vọng hạnh phúc gia đình trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Đọc truyện ngắn Lai Châu, thấy hiển hiện một vùng đất nghèo khó. Trong cái tối tăm ấy, các nhà văn cố gắng nhặt từng hạt bụi vàng của tình người, lòng người mang đến cho người đọc. Chỉ có vẻ đẹp của tâm hồn là ánh lên từ bùn lầy số phận. Văn học là nhân học. Văn học bằng cách riêng của mình có tác dụng giáo dục tâm hồn, giúp lan toả những điều tốt đẹp “khơi gợi ở ta những điều ta chưa có, luyện cho ta những điều ta sẵn có” (Hoài Thanh). Và “cái đẹp cứu rỗi thế giới” đúng như đại văn hào Nga Phê – đo Mi-khai-lo-vích Đốt-xtôi-ép-xki từng nói.

Trong Giấc trưa (Bùi Thị Sơn), ta gặp một người phụ nữ người Nhắng nghèo khó nhưng đầy lòng tự trọng và ân tình. Chị đi bán gà để lấy tiền mua cho con bộ quần áo mới đi khai giảng. Vì mưa ướt hết mà chị được người khách trên phố cho bộ quần áo và áo mưa. Sau này, chị quay trở lại chỉ để trả đồ và cho chủ nhà túi quả ổi vặt ở vườn nhà. Món quà dù nhỏ thôi nhưng nó là tấm lòng biết ơn đối với người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn. Đáng quý, đáng trân trọng lắm chứ. Không phải cứ nghèo khó là chỉ biết nhận, không biết cho đi. Ban rừng nở giữa sương mây (Hà Phong) lại kể về vẻ đẹp ứng xử của người phụ nữ dân tộc. Đó là tình cảm nghĩa tình, nồng hậu của cô con dâu Ên với bố chồng là ông Tỏn. Mẹ chồng mất sớm, rồi chồng cũng vì bạo bệnh mà qua đời khi còn rất trẻ. Ên cứ ở vậy nuôi con, chăm sóc bố chồng đã già yếu. Ông Tỏn cũng vì nghĩ cho tuổi trẻ vẫn còn của con dâu mà khuyên “ai thương thì nhận làm vợ người ta đi con à”. Nhưng Ên nhất mực “Con không thể bỏ bố ở một mình được. Làm thế cả đời con sẽ phải sống trong xấu hổ, thẹn lòng lắm bố à”. Từ hành động, đến lời nói đều chứng tỏ nghĩa tình của con dâu với bố chồng. Sau này, chính ông Tỏn là người chủ động đi mở lời, dẫn lối hạnh phúc cho Ên với Dỉm – người thương yêu con dâu mình thật lòng, để mong “con cháu được sống hạnh phúc”. Câu chuyện về tình người tràn đầy truyện ngắn của Hà Phong, giúp len lỏi vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng mà khơi gợi thêm lòng nhân ái. Nhân vật nữ của Hà Phong thường trong sáng, thánh thiện. Nhân vật “em” trong Lá rừng trải tóc cho trăng cũng là một người như vậy. Em không tham giàu có chốn phồn hoa đô thị, “Em được sinh ra và lớn lên tại miền rừng nên đã quen sống ở đó. Em muốn trở về quê mình dạy học”. Nên em đã quyết định trở về với nơi có những đứa trẻ nghèo nhưng cần em và “khát khao học chữ. Chúng đang dò dẫm bước bàn chân bé nhỏ trên con đường đi tìm tương lai”. Cảm hứng “trở về với núi”, “cống hiến cho quê hương, làng bản”, giúp cuộc sống tiến bộ hơn là cảm hứng thấy nhiều trong các truyện ngắn của các tác giả Lai Châu.

Bên cạnh đề tài trung tâm về dân tộc, miền núi thì các truyện ngắn còn hướng tới các vấn đề thế thái nhân tình, về chuyện đời, chuyện người nói chung. Đời người cũng chỉ đơn giản là một hành trình, cuộc sống là cõi tạm, dù có khó khăn nhưng rồi ai cũng phải trở về với cõi sướng, cõi vĩnh hằng trong Lữ khách, Đồng người rơm rạ (Đỗ Thị Tấc/Chu Ân)… Là những suy tư, khát vọng rất đời thường về tình yêu, tình cảm vợ chồng (Khoảng cách cánh tay – Trương Huy), về nỗi ân hận khi không thể giữ lời hứa (Những áng mây cuối trời, Tam giác mạch – Hà Minh Hưng)… Truyện của Hà Minh Hưng có kể về chuyện nghề của người nghệ sĩ. Nghệ thuật cần vị nhân sinh, chứ nghệ thuật mải mê chạy theo những giá trị hào nhoáng mà quên mất tình người thì nó cũng không còn giá trị đích thực nữa… Truyện ngắn là lát cắt của cuộc sống. Gọn gẽ thôi nhưng truyền tải biết bao điều.

Về nghệ thuật trần thuật, đa số các truyện ngắn được thống kê trên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu năm 2019 được viết theo lối trần thuật hiện đại. Chưa có dấu vết nghiêng sang hậu hiện đại – vốn được nhiều nhà văn lớn đương đại trên thế giới và Việt Nam thử nghiệm.

Đối với truyện ngắn, một thể loại tự sự mà yêu cầu về sự ngắn gọn, hàm súc được đặc biệt đề cao, thì sự hấp dẫn và chất lượng nghệ thuật của tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào kết cấu. Truyện ngắn, với dung lượng nhỏ, đòi hỏi người viết phải chưng cất, dồn nén hiện thực và bố trí, sắp xếp các thành phần vừa khoa học, vừa có tính nghệ thuật cao nhất. Thường, truyện ngắn hiện đại được tổ chức theo các kết cấu như: 1. kết cấu theo logic nhân quả (câu chuyện được kể từ nguyên nhân đến hệ quả), bao gồm logic sự kiện và logic tâm lí; 2. kết cấu đa tầng bậc (tác phẩm được tạo nên bởi nhiều tầng câu chuyện khác nhau); 3. kết cấu lắp ghép (câu chuyện là sự lắp ghép các mảnh sự kiện, biến cố, dòng tâm lí ở những thời điểm và không gian khác nhau); 4. kết cấu liên hoàn (nhiều chuyện có nội dung liên hoàn với nhau).

Nhiều truyện ngắn Lai Châu được triển khai theo kết cấu logic nhân quả, theo tuyến tính thời gian, chuyện nào xảy ra trước thì kể trước, cho đến khi có kết quả. Điều này xảy ra chủ yếu trong tác phẩm của những cây bút ở thế hệ trước. Một số truyện của các cây bút trẻ đã triển khai câu chuyện thành đa tầng bậc, lắp ghép các mảnh sự kiện với nhau, như Lời nguyền (Trịnh Hồng Hải), Giấc mơ chim sẻ (Phùng Hải Yến), Cơn mưa tháng mười một (Thuỳ Giang), Tam giác mạch (Hà Minh Hưng)… Một số truyện có kết thúc mở đã giúp độc giả có thể trở thành người đồng sáng tác với tác giả. Ngôi kể chuyện thường là ngôi một – người trong cuộc, ngôi ba – người kể chuyên biết hết… Thi pháp về “dòng ý thức” (dấu hiệu của trần thuật hậu hiện đại) chưa để lại dấu ấn… Nhịp điệu trần thuật chậm rãi. Ngôn ngữ đậm chất đời sống… Có thể do với đề tài dân tộc, miền núi thì ngôn ngữ đơn sơ, mộc mạc, chân thật hợp với nhân vật hơn là những diễn biến tâm lí phức tạp của hậu hiện đại.

Mỗi tác giả một cách viết, một bút pháp riêng, tạo thành tạng tác giả. Đỗ Thị Tấc (Chu Ân) thích kể những câu chuyện về kiếp nhân sinh ngắn ngủi. Thùy Giang hay đề cập đến các vấn đề xã hội như hôn nhân cận huyết, nạn buôn bán trẻ con, mặt trái của sự phát triển dịch vụ, phố hoá miền núi… Hà Phong thì hiền lành, kể những câu chuyện chầm chậm, có hậu, như thơ. Cũng do hoàn cảnh đặc biệt của Hà Phong là anh không thể di chuyển nên vốn sống để anh viết bị hạn chế, chủ yếu được tích luỹ từ thời thơ ấu và trai trẻ. Với một nhà văn, vốn sống vô cùng quan trọng bên cạnh tài năng sử dụng ngôn từ một cách nghệ thuật. Nhưng với hoàn cảnh đặc biệt ấy, Hà Phong cống hiến được như vậy cho văn nghệ trẻ Lai Châu đã là rất đáng qúy và đáng khâm phục. Hà Minh Hưng là hoạ sĩ viết văn nên truyện của anh có cả chuyện nghề hoạ sĩ. Anh viết mộc mạc, không cầu kì nhưng thông điệp anh gửi đi lại đầy ý nghĩa về con đường nghệ thuật chân chính. Trịnh Hồng Hải là cây bút triển vọng. Anh viết cẩn thận đến từng chi tiết. Đọc truyện của anh giúp người đọc thấy đây không chỉ là người biết nhiều về cuộc sống, văn hoá miền núi mà còn có khả năng tổ chức câu chuyện sống động, giàu chi tiết, nhiều lớp lang, đầy hấp dẫn…

Trong phạm vi một bài viết khó có thể đánh giá đủ đầy các khía cạnh của từng tác phẩm, tác giả. Mỗi tác phẩm đã là một chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh dung chứa nhiều giá trị nội dung và nghệ thuật. Người đọc từ góc độ quan điểm, vốn sống, trình độ cá nhân… có thể thấm đẫm trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm để tiếp tục đánh giá và cảm nhận. Chỉ có như thế, tác phẩm mới thực sự sống trong lòng độc giả. Năm 2019 đã qua đi, nhưng những dư âm truyện ngắn thì còn ở lại mãi. Đó là những ấn tượng về một mảnh đất đậm đà bản sắc văn hoá các dân tộc; về những con người giàu nhân tình, nhân nghĩa. Từng lời văn, từng câu chuyện đều nhằm hướng tới xây dựng một miền non cao giàu đẹp, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa nhân văn, cao cả, tốt đẹp.

Khép lại nhưng cũng là mở ra. Chúc cho những tác giả thế hệ trước luôn giàu sức khoẻ để tiếp tục thể nghiệm những lối viết, sáng tác những tác phẩm mới giá trị trên nền tảng bề dày kinh nghiệm viết văn đã có; những cây bút trẻ không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo để sớm tạo nên một sự bứt phá về nghệ thuật truyện ngắn, đóng góp cho văn nghệ tỉnh nhà nói riêng, cho miền núi và văn học Việt Nam nói chung trong sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, nhà nước đối với công tác văn hoá, văn nghệ. Hi vọng năm 2020 tới, độc giả sẽ được đón nhận những tác phẩm mới đặc sắc của nhiều cây bút quen mà lạ, lạ rồi quen. Trong đó, Tạp chí Văn nghệ Lai Châu luôn là chiếc cầu nối thân thương./.

Thùy Giang


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.