Từ khoảng 300 năm trước, khi người Hà Nhì bước những bước chân đầu tiên đến Mường Tè Lai Châu, họ đã mang theo cùng di sản văn học – văn hóa Trường ca Xa Nhà Ca. Tác phẩm được bảo tồn, lưu giữ tương đối nguyên vẹn đến ngày nay, mang chứa nhiều giá trị đặc sắc, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, văn hoá của người Hà Nhì nơi đây.
Theo các tác giả của cuốn Trường ca Xa Nhà Ca của người Hà Nhì huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Xa là một nơi vô tận, không biết ở đâu, không biết từ bao giờ. Nhà: vốn từ cổ là Nha, có nghĩa là một nơi vô hình. Ca nghĩa là xuống. Xa Nhà Ca được hiểu là trên trời xuống. Trường ca Xa Nhà Ca là một thần thoại, giàu tính sử thi, có màu sắc huyền thoại về sự hình thành vũ trụ, hình thành muôn loài, hình thành con người, xã hội loài người trong cộng đồng cư trú và nền văn hóa Hà Nhì. Tác phẩm cũng ẩn chứa các bài học xã hội, đạo đức, thể hiện cách ứng xử của con người với người, giữa người với thiên nhiên.
Xa Nhà Ca được diễn xướng bằng các hình thức đa dạng, trong nhiều không gian văn hóa khác nhau như: trong các nghi lễ, Tết lễ như Tết cổ truyền, Tết mùa mưa (Gié Khù Chà), lên nhà mới, cưới, hỏi sinh hoạt đời thường, bên mâm rượu ngày xuân… trường ca Xa Nhà Ca vẫn luôn được người già ngâm kể cho con cháu nghe. Trường ca khi diễn xướng được đan xen hai loại âm vực trầm, thấp, lúc nhanh, lúc chậm, lúc vui, lúc buồn tuỳ thuộc vào nội dung câu chuyện. Mỗi lần, người dân Hà Nhì được nghe hát, ngâm, kể Xa Nhà Ca, là một lần họ được ngược dòng thời gian về với cội nguồn của dân tộc mình. Trong không khí diễn xướng folklore, có sự thiêng liêng, trân trọng của người Hà Nhì với gốc cội, di sản văn hóa quý báu của mình.
Trường ca Xa Nhà Ca kể những câu chuyện bằng thơ, với những câu thơ dài ngắn khác nhau, kết cấu logic, chặt chẽ khiến người nghe như lúc lạc vào chốn hoang sơ của đất trời. Do tính chất dị bản của văn học dân gian nên Xa Nhà Ca có thể có một số bản kể khác nhau. Theo bản kể do tác giả Trần Hữu Sơn (chủ biên), tác phẩm gồm 2904 câu thơ, chia làm 10 phần: 1. Tạo đất, tạo trời (Ù pe, mí pe), 2. Trên trời xuống (Xa nhà ca), 3. Chặt cây thần (Hò tu ma dó thú), 4. Rải cành cây (Ca lạ ca dó khò). 5. Bắt ong ăn (à pà nhẹ trsà). 6. Đi tìm năm tháng (Khụ po ha gó xá trdo), 7. Đến mùa làm ăn (Khụ khư hla khư), 8. Cách thức làm ăn (Úng trsà khọ tó), 9. Vui ăn Tết mùa mưa (Dlé k’hù trsà), 10. Qua một lần Tết (Có nhẹ trsà). Nội dung kể, cách kể cũng có đôi chút khác biệt giữa các dị bản. Tuy nhiên, điểm chung là các câu chuyện được kể theo trật tự tuyến tính, tập trung chú trọng kể về thời kì hỗn mang, khi bắt đầu cuộc sống với nguồn gốc vạn vật, nguồn gốc về cuộc sống qua quan điểm, cái nhìn, tín ngưỡng của người Hà Nhì… Tư duy nguyên sơ, đơn giản, cái gì có trước kể trước, có sau kể sau: có trời, có đất, rồi có vạn vật, con người; kể về người Hà Nhì tìm ra năm, tháng, bốn mùa; rồi kể về cách thức lao động, sản xuất: văn minh lúa nước, lúa nương, buôn bán, săn bắn và cuối cùng là kể về phong tục tập quán cúng rừng, thờ cúng tổ tiên…
Ngày xưa, thần không ban cho, không có thứ gì
Thợ tạo trời Xe Te Á Gứ cũng do thần ban cho
Thợ tạo đất Ché Pia Á Lò cũng do thần ban cho.
…Cây xuống một đời là cây dương xỉ xuống trước.
…Cuối bản con Khú Pu Tứ Lứ kêu rồi
Đến tháng gieo hạt giống đấy.
Thế giới nhân vật trong Xa Nhà Ca đa dạng từ các vị thần, các hiện tượng tự nhiên, các dân tộc, đến những người trong gia đình như bố, mẹ, anh, chị, em, vợ… Nhưng Trường ca tập trung kể chính về người Hà Nhì với một giọng điệu tự hào, lạc quan về nguồn gốc người Hà Nhì, cuộc sống dân tộc, mối quan hệ giữa người Hà Nhì với tự nhiên, giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác… Trong mỗi câu kể đều phản ánh lối cảm, lối nghĩ, tư duy của người Hà Nhì, ẩn chứa quan niệm về cuộc sống, về thiên nhiên, cộng đồng dân tộc và những ước vọng được sống, lao động sản xuất hài hòa với tự nhiên, đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Người Hà Nhì yêu thiên nhiên, yêu lao động và cuộc sống, với tinh thần dũng cảm, sẵn sàng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn:
Muốn kho nhà đầy thóc
Hãy rủ nhau làm nương
…Ruộng nương cho ta niềm hi vọng
Như hi vọng người thủy chung với nhau.
Đặc biệt có những trường đoạn thể hiện quan niệm, nhận thức của người Hà Nhì về dân tộc mình. Đó là niềm tự hào dân tộc với những phẩm chất tốt đẹp như chăm chỉ, yêu lao động, người đàn ông dũng cảm, tài giỏi, sẵn sàng vì cộng đồng và gia đình; tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì: ngôn ngữ, trang phục, nhà ở, giao tiếp ứng xử, tín ngưỡng dân gian…
Người Khò Sung thờ con sóc
Người Xá Zoóng thờ hương hoa
Người Hà Nhì không thể thờ chung cùng họ
Làm đu không giống nhau
Làm bập bênh cũng khác.
…Giã mười chiếc bánh giầy, chiếc bánh đầu tiên đem thờ tổ tiên
Lúa chín ở ruộng, đám lúa chín đầu tiên đến thờ tổ tiên
…Tổ tiên người ta không thờ, nhưng tổ tiên mình phải được thờ.
Trong sự cộng cư với các dân tộc khác, người Hà Nhì tự hào vẫn giữ được bản sắc, văn hóa riêng: tục thờ cúng khác biệt, ăn tết riêng, cách tính tháng, năm riêng, và một số quan niệm thể hiện cái nhìn riêng biệt của người Hà Nhì về nhân sinh quan, vũ trụ quan…
Trường ca Xa Nhà Ca là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, được đánh giá là “có giá trị về truyền thống, lịch sử đấu tranh sinh tồn, sáng tạo văn hóa, phong tục, tập quán trong trường kì lịch sử dân tộc và có giá trị văn học, nghệ thuật sâu sắc, độc đáo”. Thông qua tác phẩm, người đọc thấy hiển hiện công cuộc chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống, phát triển cộng đồng, làng bản, xây những viên gạch đầu tiên của văn hóa dân tộc Hà Nhì. Với các giá trị nội dung, nghệ thuật, trường ca thực sự là vốn văn hóa cổ quý báu của người Hà Nhì. Từ tác phẩm này, thế hệ người Hà Nhì trẻ và bạn đọc, có thể tìm thấy ở đó các giá trị, dấu tích của văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc, được kể bằng thi pháp văn học dân gian với màu sắc hấp dẫn riêng. Trường ca Xa Nhà Ca giúp kết nối hiện tại với quá khứ, truyền thống với thực tại, để cho con cháu Hà Nhì hôm nay hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử dân tộc mình.
Có thể nói, cùng với Mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường, thần thoại Khúa kê của người Mông, sử thi – thần thoại Ẳm ẹt luông của người Thái, các sử thi Tây Nguyên, Bài ca trời đất của người Lô Lô, Thần Trụ Trời, Âu Cơ – Lạc Long Quân của người Kinh,…, Xa Nhà Ca của người Hà Nhì đã góp phần làm giàu có di sản văn hóa, văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Trước sự tác động của nền văn hóa hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống có thể bị mai một. Tỉnh Lai Châu và chính quyền địa phương gần đây đã có những biện pháp bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có những quan tâm đặc biệt đối với trường ca Xa Nhà Ca như tổ chức lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể nội dung và nghệ thuật diễn xướng dân gian Xa Nhà Ca dân tộc Hà Nhì tại huyện Mường Tè. Người Hà Nhì nơi đây cũng luôn nỗ lực giữ gìn, bảo tồn, phát huy để bản trường ca đó trường tồn cùng với sự phát triển của dân tộc.
Tài liệu tham khảo
Trần Hữu Sơn (chủ biên), Trường Ca Xa Nhà của người Hà Nhì, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Hà Thuận, Nét đẹp trường ca Xa Nhà Ca, https://giaoducthoidai.vn.
THÙY GIANG