Người Mảng có dân số ít, duy nhất chỉ cư trú thành bản ở tỉnh Lai Châu. Trong sinh kế, người Mảng lấy canh tác lúa, ngô và một số cây rau màu trên nương là hoạt động chủ đạo. Tuy nhiên, nguồn thu từ nương rẫy của người Mảng rất thấp và bấp bênh. Vì vậy, hầu hết các gia đình đều chú trọng đến các hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên làm nguồn cứu đói vào kỳ giáp hạt. Trong đó, hái lượm đóng vai trò quan trọng. Trong hoạt động này, người Mảng đã tích luỹ được những kinh nghiệm quí và lưu truyền qua các thế hệ và trở thành một phương diện quan trọng hình thành diện mạo văn hoá dân gian dân tộc Mảng.
Hoạt động hái lượm của người Mảng được tiến hành quanh năm, song rộ nhất là vào mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch hàng năm), vì vào mùa này hầu hết các loại rau rừng đâm trồi nảy lộc, lá và búp xanh non mơn mởn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào. Ngoài ra, mùa mưa còn là mùa sinh trưởng của các loại nấm rừng. Với các loại cây dược liệu, cây lấy củ, cấy lấy bột thì người ta không phân biệt mùa vụ mà cứ khi nào đói là người ta khai thác (cây lấy củ, lấy bột) hay khi cần chữa trị vết thương hoặc có người đặt hàng là người ta đi tìm lấy (cây dược liệu).
Trong số các sản phẩm thu được từ hái lượm, các loại củ và thân cây cho bột như củ mài (đỏng giửa giuộng), củ pẩu (đỏng pà ỏn), củ nâu (đỏng pí hi), cây báng (plăng tỏ) đóng vai trò là nguồn thực phẩm thay thế được khai thác vào những khi thiếu đói để ăn thay cơm. Khi ăn, người ta thường đồ hoặc luộc để ăn trong các bữa ăn thay cho gạo, ngô, sắn. Khi đồ, người ta có thể để nguyên hoặc nạo như nạo sắn (đối với củ) rồi nắm thành từng nắm to cỡ bằng nắm tay rồi mới đồ.
Khác với củ thường chỉ được chú ý tìm kiếm vào những khi thiếu đói thì rau được tìm kiếm quanh năm để cung cấp thực phẩm cho các bữa ăn hàng ngày. Các loại rau quả trong vùng khá phong phú như lõi chuổi (plăng chuộc), lõi cây rẫy (plô), rau bon (tà bo), rau rớn (gỉ giuổng), bông chít non (lô lẳng bủ), bông cây lau (lô lẳng tằng), lá sung (la đớ), lá đắng (la xằng), rau phon (la lủ soay)… Việc hái rau thường do phụ nữ, người già và trẻ em đảm nhiệm. Khi đi rừng lấy củi, lên nương…, cứ hễ họ gặp loại rau gì ăn được là họ đều lấy và bỏ vào chiếc gùi mang theo bên mình.
Măng là một món ăn được người Mảng ưa chuộng. Việc lấy măng do phụ nữ tiến hành là chính. Song, vào những tháng giáp hạt, cả đàn ông, thanh niên cũng dành nhiều thời gian cho việc này. Măng được người Mảng khai thác gồm nhiều loại như măng sặt (pẳng chạc), măng tre rừng (pẳng đẳng), măng tre anh (pẳng mánh), măng trúc (pẳng piển)… Măng sặt lại có nhiều loại như măng sặt trắng (pẳng chạc ỏ), măng sặt bé (pẳng chạc hè) và măng sặt to (pẳng chạc piản)… Nếu như các loại măng sặt thường được khai thác trong hai tháng là từ đầu tháng 2 cho đến hết tháng 3 âm lịch thì mùa khai thác các loại măng khác muộn hơn và kéo dài hơn, thường là vào khoảng từ đầu tháng 5 cho đến hết tháng 8 âm lịch. Ngoài ra, vào các tháng 10, 11 âm lịch người ta còn có thể khai thác măng giang (pằng dzua).
Các loại nấm được người Mảng phân biệt thành 3 loại chính là mộc nhĩ (lang tà tổi), nấm mũ lớn (lang pù hảng) và nấm mũ nhỏ (lang tà chuồng)…Tất cả các loại nấm này thường chỉ có trong mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch hàng năm). Các loại nấm sau khi thu hái về được luộc, nấu canh với cá hay thịt thú rừng và được ăn luôn trong ngày chứ không để đến ngày hôm sau.
Người Mảng có nhiều kinh nghiệm trong việc phân biệt nấm nấm độc (lang nhuôm) và nấm ăn được. Thường thì người ta có thể phân biệt bằng cách ngửi mùi nấm. Những loại nấm ăn dược thì có mùi thơm dễ chịu. Những loại nấm không ăn được thì có mùi hôi hoặc khét rất khó chịu. Một phương pháp khác là sử dụng đầu môi thổi vào cuống nấm. Người ta bẻ một nhánh nấm đưa lên đầu môi ngậm hờ và phải chú ý không để cho đầu cuống nấm chui vào miệng và tránh không cho nước bọt tiếp xúc với thân nấm. Đối với những loại nấm ăn được, khi thổi như vậy thì ở thân nấm sẽ phát ra tiếng kêu “tu tu” nho nhỏ, còn những loại nấm độc thì không.
Trong hái lượm, người Mảng cũng chú trọng vào việc thu lượm các loại nhuyễn thể như ốc (đoòng vở) hến (đoòng vó) và côn trùng như ong (ma vọng), trứng kiến (dủa ma dụ), bọ xít đen (mang lúng su), bọ xít vàng (mang lúng nhạt), bọ hung (ma nặng huỵ), sâu tre (đuế giẳng), sâu chít (pằng pì oẳng), dế mèn (ma lô), châu chấu (ma iẳn chạy)… Nếu như việc lượm nhặt các loài nhuyễn thể là công việc của phụ nữ và trẻ em thì việc thu lượm các loại côn trùng là việc của đàn ông. Thời điểm lượm nhặt các loài nhuyễn thể chủ yếu vào mùa cạn, nước nông, vụ nông nhàn. Địa điểm để nhặt nhuyễn thể là những đoạn khe, suối nhỏ, nơi có nhiều rong rêu. Để làm việc này, người ta có thể đi tập thể hay đi một mình đều được. Do có đặc thù riêng là các loài nhuyễn thể thường bám chặt từng cá thể trên các phiến/vách đá chìm dưới mặt nước nên việc này không đòi hỏi phải sử dụng công cụ mà chủ yếu là mò và bắt bằng tay.
Ngoài ra, người Mảng còn hái lượm các loại quả rừng theo mùa. Tuy nhiên, với người Mảng những loại quả rừng không quan trọng lắm vì hầu hết trong số chúng không thay thế được gạo, ngô, sắn hoặc rau. Vì vậy, chúng không bao giờ là mục đích chính trong hoạt động hái lượm.
Người Mảng có những quy định về việc thu lượm các sản vật từ rừng. Với những sản vật tự nhiên có giá trị lớn và có thể khai thác trong nhiều năm gồm: cây móc, cây bột báng, tổ ong mật, tổ ong khoái…khi tìm được mà chưa có thể khai thác hoặc việc khai thác được diễn ra trong nhiều lần trong nhiều năm thì người ta sẽ đánh dấu chiếm hữu. Việc tìm kiếm các sản vật tự nhiên như vậy được cộng đồng tôn trọng và tự giác chấp hành (không xâm phạm). Việc đánh dấu được tiến hành như sau:
Đối với những loại cây to, cao khi gặp mà chưa có điều kiện lấy về, người ta đánh dấu chiếm hữu bằng cách dùng dao khắc hai đường thẳng chéo nhau tạo thành một hình dấu nhân. Mỗi đường khắc có chiều sâu ≈ 1 cm, dài khoảng 10 – 12cm. Điểm khắc ngang tầm ngực người trưởng thành.
Những loại cây thấp được sẽ được đánh dấu chiếm hữu bằng cách đóng một cái cọc ngay cạnh gốc cây/tán lá. Cọc này có thể làm bằng một đoạn thân tre hoặc gỗ với chiều cao khoảng ngang hông và đường kính to cỡ bằng cổ tay người trưởng thành. Trên đầu cọc, người ta gắn một tấm phên đan mắt cáo (ma lả đá) hoặc một túm lá xanh (la).
Đối với những sản vật trên cao như tổ ong, khi gặp mà chưa có điều kiện lấy về, người ta đánh dấu chiếm hữu bằng cách đánh dấu nhân cắm cọc gắn phên đan mắt cáo hoặc cọc gắn lá xanh như đối với đánh dấu chiếm hữu cây gỗ đã nêu ở trên.
Đối với những sản vật dưới thấp, những sản vật trên mặt đất, và những sản vật dưới lòng đất thì người ta không có quy định về việc đánh dấu chiếm hữu bởi những thứ đó có nhiều (rau, quả rừng), không thuộc loại sản vật quý (cây dược liệu thông thường) hoặc quá quý hiếm (tam thất)…
Những tri thức dân gian của người Mảng trong hoạt động hái lượm được duy trì đến ngày nay. Chúng có tác dụng to lớn trong việc duy trì và bảo vệ một nguồn tài nguyên rừng quan trọng giúp người Mảng có thể chống được với cái đói thường xuyên đe doạ và giúp đồng bào có một nguồn thu nhập đáng kể từ hoạt động trao đổi hàng hoá với các tộc người khác từ những sản phẩm mà họ thu được từ rừng.
Tiểu Phong